“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,1-2).
“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối”. Như thế thời gian là vào sáng sớm ngày Chúa nhật, vào khoảng từ 03-06 giờ sáng. Nhưng tại sao lại là giờ sáng sớm? Vì đó là giờ của một ngày mới bắt đầu, giờ của niềm hy vọng, giờ của Phục Sinh.
Trong thời gian sáng sớm điều gì đã xảy ra vậy? Bà Maria Mác-đa-la ra mộ để thăm Chúa Giê-su, Đấng đã chết và với bà thì còn đang nằm trong mộ. Bà ra viếng mộ Chúa với một tâm trạng nặng nề, vì Thầy mới chết. Nhưng không chỉ là sự nặng nề đó, mà bà Maria Mác-đa-la đi ra mộ với một tấm lòng tràn đầy yêu thương dành cho Chúa Giê-su. Như những phụ nữ khác, bà đã đồng hành với Chúa trên đường thương khó và khi Chúa chịu đóng đinh, các phụ nữ và bà đã đứng ở bên dưới để chiêm ngắm. Khung cảnh thê lương của thương khó và thập giá không làm cho bà đánh mất tình yêu thương, mà hơn nữa như các phụ nữ trung thành với Chúa, bà Maria lên đường ra mộ để tìm Chúa, để nhìn Chúa, dù Chúa giờ đây nằm đó với thân xác đã chết. Tình yêu, sự trung thành và lòng can đảm của bà Maria và các phụ nữ chính là mẫu gương thật đẹp cho mọi Ki-tô hữu.
Khi bà Maria ra đến mộ Chúa bà thấy chuyện gì xảy ra? Gioan nói rằng, bà thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Một bất ngờ thật lớn đối với bà. Ai đã lăn tảng đá ra khỏi mộ? Tảng đá đã được lắn ra khỏi mộ, đó là dấu hiệu thật lạ lùng. Thân xác của Chúa Giê-su được đặt nằm trong đó, giờ đây đang ở đâu? Ai lại làm điều này hay lại có điều gì không tưởng xảy ra?
Vâng, điều không tưởng đối với nhân loại đã được Thiên Chúa thực hiện. Chúa Giê-su đã Phục Sinh, Ngài đã sống lại. Tảng đá lấp cửa mộ không thể chặn lối của Thiên Chúa quyền năng, tốt lành, Đấng là Chân Thiện Mỹ.
Tảng đá đã lăn khỏi mộ Chúa Giêsu. Thật lạ nhưng lại rất tuyệt vời!
Theo Rolheiser, trong ý nghĩa thiêng liêng, “tảng đá đã lăn khỏi mộ Chúa Giêsu sẽ tiếp tục lăn khỏi mọi huyệt mộ. Sự thiện không thể nào bị giam giữ, hay bị chết. Sự thiện thoát khỏi những kẻ tìm bắt, không bị giam cầm; sự thiện băng qua, lướt đi, thậm chí có khi rời giáo hội, nhưng luôn luôn vươn lên, hết lần này đến lần khác, trên khắp thế giới. Đó là ý nghĩa của Phục Sinh…
Và sự phục sinh không ngừng của sự thiện, chứ không phải của sự dữ và độc ác, cho chúng ta thấy chân lý về thế giới và cuộc đời của chúng ta. Nhà văn Do Thái-Hungari, Imre Kertesz, đoạt giải Nobel Văn học năm 2002, đã có một chứng tá thâm thúy về điều này. Ông từng là một cậu bé trong trại giết người của Đức Quốc xã, nhưng điều ông nhớ nhất về quãng thời gian này, không phải là những bất công, tàn ác, và cái chết mà ông chứng kiến ở đó, nhưng là những hành động nhân ái, trìu mến và vị tha giữa sự dữ”.
Trong cơn đại dịch nhân loại cùng chịu chung một cảnh. Nhưng giữa tâm điểm của đại dịch đã có biết bao bàn tay vươn ra để lăn táng đá ra khỏi mộ, đã làm cho sự thiện được nở hoa.
Đó là những bác sĩ và y tá cùng các nhân viện y tế thiện nguyện, không quản ngại và cũng không lo lắng cho sự an toàn của bản thân, đã xả thân lo cho những người bị lây nhiễm. Không ít bác sĩ và các nhân viên y tế đã ngã xuống.
Cũng là những người ở chiến tuyến, một số linh mục tu sĩ đã dấn thân đồng hành với những người bệnh và những người cao niên đang phải sống rất cô đơn ở bệnh viện, ở nhà hưu dưỡng.
Tinh thần phục vụ và sự hiện diện của bác sĩ và y tá cùng các nhân viện y tế, cũng như của các linh mục và tu sĩ họ làm thoa dịu bầu khí ảm đạm cô quạnh và thê lương trong các nhà thương.
Một bác sĩ dấn thân phục vụ cho các bệnh nhân trong một nhà thương ở Ý đã kể lại hình ảnh của vị linh mục, cũng đang dấn thân phục vụ cho các bệnh nhân:
“Linh mục có đôi mắt nhìn nhân từ. Một con người phúc hậu. Cầm quyển Thánh Kinh trên tay, cha đi từ phòng này qua phòng khác để gặp các bệnh nhân sắp chết. Thật ấn tượng cho chúng tôi khi chúng tôi quan sát cha. Kiệt sức cả về thể xác lẫn tinh thần, chúng tôi muốn gặp cha và nghe cha. Khi gặp cha, tôi nhận ra, nơi con người không thể làm gì thì Chúa có thể hành động. Ngay khi chúng tôi có năm phút, chúng tôi xin Chúa giúp. Từ đó, chúng tôi trao đổi rất nhiều. Tôi không thể nào tin các đồng nghiệp của tôi và tôi, tất cả là những người vô thần không lay chuyển đã cùng nhau cầu nguyện với linh mục tuyên úy đến đây mỗi ngày để xin Chúa cho bình an và giúp săn sóc các bệnh nhân… “Từ sáu ngày nay tôi không về nhà, tôi không nhớ bữa ăn cuối tôi ăn lúc nào. Không quan trọng. Tôi nhận ra cuộc sống của tôi trước đây không có ý nghĩa. Bây giờ cho đến hơi thở cuối cùng của tôi, tôi sẽ hết sức làm để giúp người khác. Tôi hạnh phúc đã gặp Chúa nhờ linh mục này, giữa sự đau khổ và cái chết của các bệnh nhân của tôi. Chúa ở đó và hy vọng ở đó.”
Tảng đá được lăn ra khỏi mộ, biết bao sự thiện “nở hoa và sinh trái” thiện hảo. Sự thiện hảo của một bà cụ già 94 tuổi đã xin nhường máy trợ thở cho bệnh nhân trẻ hơn. Vì với bà, cuộc sống của bà tới tuổi ngoài 90, bà đã hoàn tất đời này rồi.
Tảng đá được lăn ra khỏi mộ, biết bao sự thiện “nở hoa và sinh trái” thiện hảo, ngay tại quê hương. Có tấm lòng quảng đại và xót thương người bất hạnh đã chuẩn bị những gói đồ cần dùng và đặt trước cửa nhà với hàng chữ: “nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn đã đầy đủ xin nhường cho người khác”
Tảng đá được lăn ra khỏi mộ, biết bao sự thiện “nở hoa và sinh trái” thiện hảo, như chính các người con người cháu đang cố gắng chăm sóc cha mẹ và ông bà đã lớn tuổi. Ngày ngày gọi điện hỏi thăm. Ngày ngày ghé đến, dù không dám vào, nhưng vẫn để gói thực phẩm, hộp thuốc cho cha, cho mẹ, cho ông, cho bà…
Tảng đá được lăn ra khỏi mộ, biết bao sự thiện “nở hoa và sinh trái” thiện hảo, như hai cháu bé người Công Giáo Việt Nam, sinh ở nước Đức, mới ngoài 10 tuổi đã ý thức mở rộng lòng mình ra với người nghèo khổ ở quê hương, nơi mà các cháu chỉ nghe biết và nhìn thấy qua hình ảnh. Người anh gọi gọi điện và nói: “Cha ơi, con muốn gởi cho người nghèo 100 Euro”. “Cám ơn con nhiều nhé! 100 Euro của con mua được nhiều ký gạo để giúp cho người nghèo ở Việt Nam lắm đó”. Người em mới tròn 10 tuổi cùng chung tinh thần với anh mình, gọi điện và nói: “Cha ơi, con muốn nói với cha là con muốn gởi cho người nghèo 100 Euro và 1 cent”.
Ôi hơn anh mình 1 cent!
Nhưng tấm lòng xót thương của hai cháu đều tuyệt vời như nhau!
“Thật tuyệt vời! Cám ơn con và anh con nhiều lắm nhé!”. Sau đó người mẹ đã chia sẻ thêm: “Các con của con nói rằng, với tuổi thiếu nhi các con phải để dành lâu lắm mới có được 100 Euro, nhưng vì người nghèo khổ lúc này rất cần, nên mỗi đứa sẵn sàng lấy tiền dành dụm của mình để cho người nghèo”.
Ôi sự thiện đang nở hoa và kết trái giữa lòng đại dịch!
Hai cháu nhỏ đã lăn tảng đá khỏi cửa mộ, để sự thiện tuyệt hảo lan toả ra thế giới, đến với những người nghèo khó không có gì để ăn.
Tri ân Chúa biết bao về tấm lòng của con cái Chúa thật tốt lành!
Sau cơn đại dịch này qua đi, người người sẽ nhớ đến điều gì và kể lại điều gì? Chắc chắn đó là những hình ảnh tuyệt vời của những tấm lòng “lăn tảng đá ra khỏi mộ” và chung tay sống tinh thần Phục Sinh của Đấng Yêu Thương.
Đó là làm nở hoa sự thiện, nở hoa tình yêu.
Sự thiện tuôn trào khắp mọi nơi bởi sự thiện và quyền năng của Thiên Chúa là nguồn cội của tất cả mọi hiện hữu và sự sống.
Giờ đây, Phục Sinh đến, nhưng đại dịch vẫn còn.
Chúng ta nên mừng Phục Sinh giữa lòng đại dịch như thế nào?
Mỗi người hãy là người lăn tảng đá ra khỏi mộ và giang rộng đôi tay làm một sự thiện. Như thế, chúng ta cùng viết lên cuốn sách Cử Chỉ Xót Thương trong mùa Phục Sinh 2020, trong lòng đại dịch của thế kỷ 21 này.
Nào chúng ta cùng chung tay, quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các Cháu nhé!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn