THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Mùa vọng và chiếc gương soi

Thứ năm - 02/12/2021 03:20
Nếu phải chọn một hình ảnh cho mùa vọng, tôi sẽ chọn hình ảnh chiếc gương soi. Chiếc gương vừa cho thấy dung mạo thật sự con người tôi, tình trạng tâm hồn tôi, vừa giúp tôi nhận ra rằng, khả năng quan sát và nhìn được của đôi mắt phải cần đến ánh sáng tự nhiên và ánh sáng của ân sủng. Ánh sáng dẫn bạn và tôi đến tận Nguồn Sáng. Ánh sáng của Mùa Vọng giúp bạn và tôi duyệt xét đời mình dựa trên sự công chính và lòng thương xót Chúa.
Mùa vọng và chiếc gương soi

Các bạn thân mến!

Nếu phải chọn một hình ảnh cho mùa vọng, tôi sẽ chọn hình ảnh chiếc gương soi. Chiếc gương vừa cho thấy dung mạo thật sự con người tôi, tình trạng tâm hồn tôi, vừa giúp tôi nhận ra rằng, khả năng quan sát và nhìn được của đôi mắt phải cần đến ánh sáng tự nhiên và ánh sáng của ân sủng. Ánh sáng dẫn bạn và tôi đến tận Nguồn Sáng. Ánh sáng của Mùa Vọng giúp bạn và tôi duyệt xét đời mình dựa trên sự công chính và lòng thương xót Chúa. 

  1. Lòng yêu mến khởi điểm của niềm hy vọng

Vọng là tâm trạng trông chờ, mong đợi điều gì đó sẽ đến và mang lại kết quả tươi sáng hơn tình trạng hiện tại. “Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông đợi Chúa đi Iseael hỡi bởi Chúa luôn từ ái một niềm ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.”[1] Người lính canh thì trông chờ hừng đông, còn người Ki-tô hữu thì trông chờ Mưa Công Chính.

Người sống trong niềm hy vọng là người luôn trông chờ, luôn luôn sẵn sàng, luôn luôn chờ đợi để họ không bị bất ngờ trước kết quả hay sự việc có thể xảy ra. Tuy nhiên người sống trong niềm hy vọng không phải là người sống trong ảo tưởng, hay lãng quên hiện tại nhưng là người luôn sống trong hiện tại một cách tràn đầy. Nói như Đức Hồng Y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận: “Vọng chính là tôi sống trong giây phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương.”[2]

Lý do mà bạn hy vọng là bởi vì chúng ta tin rằng, thế giới sẽ đến tốt hơn thế giới hiện tại và hiện trạng mà bạn đang sống. Bạn thử tưởng tượng thế giới chúng ta sẽ ra sao nếu Đức Ki-tô không đến. Thế giới tiếp tục sống trong triền miên của u mê và tăm tối, tiếp tục ở trong tội và chết trong tội, tiếp tục xa cách Thiên Chúa và mất đi sự sống đời. Giá trị và niềm hy vọng của bạn đặt nơi Đức Ki-tô, Đấng thay đổi cách bạn sống niềm tin của mình. Tùy thuộc bạn hy vọng vào điều gì hay hy vọng vào ai mà bạn sẽ chọn lựa cách mà tôi sẽ trở thành ra sao. Tôi sẽ hiện hữu ra sao cũng tùy thuộc tôi tin vào ai và tin vào điều gì.

Dĩ nhiên niềm tin của Ki-tô hữu không phải là niềm tin chỉ dựa trên lý trí nhưng là dựa trên lòng yêu mến với Đức Ki-tô. Chính lòng yêu mến Đức Ki-tô là động lực để giúp tôi chọn lựa cách mà tôi hiện hữu trước Thiên Chúa và tha nhân. Tôi hy vọng vào một người nào đó bởi vì tôi yêu mến họ, nếu tôi không yêu mến họ, thì việc trông chờ vào một người nào đó có ý nghĩa gì cho tôi. Lẽ dĩ nhiên, bạn và tôi hy vọng là bởi vì, bạn tin vào sự uy quyền, lòng thương xót và sự trung tín của Lời hứa[3]. Những điều mà người ấy hứa sẽ trở thành hiện thực. Như thế mùa vọng như tấm gương soi vừa giúp bạn nhận ra tình trạng hiện tại của chính mình, vừa giúp bạn dự phóng sự hiện hữu của mình về tương lai và điều chỉnh hành vi xa rời với mục tiêu mà tôi muốn hiện hữu với. Niềm hy vọng của bạn vào ơn cứu độ của Đức Giê-su. Chỉ mình Đức Ki-tô mới đem lại ơn cứu độ và ơn giải thoát thực sự cho bạn và tôi.

  1. Vọng thời gian chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ

Sống công chính tức là tin vào Chúa và tin vào Chúa luôn mời gọi sự hoán cải. Điều kiện để có được ơn cứu độ đó là sự hoán cải, thay đổi lối sống, giá trị, quan niệm. “Hãy khoác lên mình áo công chính của Thiên Chúa và đội lên đầu mũ triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng.”[4]  Tiên tri Ba-rúc mời gọi Giê-ru-sa-lem ngẩng cao đầu, khoác trên mình áo công chính và đội trên đầu mũ triều thiên vinh quang của Thiên Chúa.   

Chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ cũng là thời gian để xét duyệt đời mình. Xét duyệt là cách tốt nhất để chuẩn bị đón nhận Đấng Công Chính. Xét duyệt để xứng đáng với Đấng mà tôi chờ đợi. Xét duyệt để nhận ra tôi đang gần Chúa hay xa Chúa, đâu là bình an đích thực và đâu là bình an giả tạo. Bình an đích thực đặt nền trên sự công chính và xuất phát từ lòng kính sợ Chúa. Chỉ có lòng kính sợ và yêu mến Chúa mới đem lại cho bạn và tôi bình an đích thực. Nếu tôi có được sự bình an mà bình an đó không đặt nền trên sự thật và sự công chính thì đó là thứ bình an tạm thời. An ủi của thế gian luôn làm cho bạn say mê và mất cảnh giác. Người Ki-tô hữu luôn sống tỉnh thức và tràn đầy niềm hy vọng. Bí quyết của niềm hy vọng chính là ra đi bằng việc bỏ đi chính mình, thi hành bổn phận bằng việc vác thánh giá mỗi ngày, và bền chí trong việc Theo Thầy[5]. Như thế, tự đối tượng của niềm hy vọng mời gọi bạn và tôi thay đổi cách sống và lối suy nghĩ của mình. Tình yêu với Thầy Giê-su luôn mời gọi bạn và tôi thực hiện cuộc hoán cải. Hoán cải để được xứng đáng hơn với ơn kêu gọi và với tình yêu của Thầy đã dành cho mình.

Hai nhân vật nổi bật trong mùa vọng đó là Gioan Tẩy Giả và Đức Maria. Lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả mang âm hưởng của các vị tiên tri trong Cựu Ước. Hãy dọn đường cho Đức Chúa. Xét duyệt đời mình để san bằng những hố sâu, những gò nổng đang chia cắt bạn với Thiên Chúa và tha nhân. “Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Israel tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang Thiên Chúa.”[6] Những gò nổng và hố sâu của sự thiếu hiệp thông và lòng kính sợ Chúa. Hãy dọn dẹp sa mạc lòng mình bằng tình yêu và sự tha thứ, khơi lên mạch nguồn sự sống giữa đồng khô cỏ cháy.   

  1. Vọng trông chờ Ngài lại đến

Hành trình đời sống của người Ki-tô hữu là một hành trình của niềm hy vọng và đích nhắm trực tiếp là Đức Giê-su Ki-tô và Vương Quốc của Ngài. Chúa Giê-su là Đấng giải tỏa mọi cơn khát, tâm linh, hiện sinh, siêu hình của mỗi người chúng ta. Và chỉ khi có được sự no thỏa này, người Ki-tô hữu mới có được niềm vui đích thực. Niềm hy vọng của tôi đặt nơi Chúa. Niềm hy vọng của việc thấy Chúa, của việc nhân biết Chúa. Điều mà chúng ta gọi là sự sống đời đời. Sự sống đời đời là nhận biết Thiên Chúa Đấng Duy Nhất và nhận biết Đức Giê-su Ki-tô, người đã sai đến.”[7]

Đời sống của người Ki-tô hữu đặt niềm hy vọng trên Đức Giê-su Ki-tô để rồi từ đó chúng ta sẽ biết cách để đối diện với những thực tại hằng ngày. Đối diện với một niềm tin yêu, hy vọng vào Đức Giê-su và với một niềm vui.“Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại, ta thấy mình chan chứa một niềm vui.” Bạn tin vào Thiên Chúa vì Ngài là Đấng chân thật, bạn hy vọng vào Ngài vì Ngài là Đấng giàu lòng xót thương, bạn yêu mến Ngài vì Ngài đã yêu mến bạn trước.

Giáo Hội trên hành trình đức tin của mình luôn đối diện với những thực tại đầy ánh sáng và bóng tối, và đang bước đi trong ranh giới mong manh giữa sự thánh thánh thiện và tội lỗi. Một mặt Giáo hội mang bản chất là thánh do được kết hợp với Đức Ki-tô là Thánh, được thi hành tác vụ thánh và hướng đến việc thánh hóa con người nhưng mặt khác Giáo Hội mang những yếu tố con người cũng đầy giới hạn, bất toàn, và tội lỗi. Lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa luôn luôn là điều cần thiết. Ý thức được điều đó để rồi khi đối diện với những thực tại u ám và bi thảm, những núi đồi và gò nổng trong đời sống thiêng liêng và luân lý, chúng ta không mất niềm tin nhưng đặt niềm tin tưởng vào Đấng đã, đang và sẽ đến lấp đầy niềm hy vọng của chúng ta.

Gia đình và xã hội mà bạn đang sống hẳn không thiếu những gồ ghề, hố sâu ngăn cách: Sự thiếu cảm thông và chia sẻ, thiếu tình yêu và tinh thần trách nhiệm, mất lý tưởng và năng lực sống, tinh thần thế tục và sự đè nặng của cơ chế, thiếu tự do và tinh thần dân chủ. Tất cả những điều này có thể làm bạn mất niềm hy vọng và chán nản. Tuy nhiên, niềm hy vọng của bạn không đặt trên điều gì nhưng đặt vào ai. “Đấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày Đức Ki-tô quang lâm.” Ngài sẽ hoàn tất những gì Ngài đã khởi sự trong bạn. Nếu đời sống của bạn xây dựng trên sự công chính và lòng kính sợ Chúa và lòng bạn không ngớt niềm hy vọng vào Ngài, bạn sẽ được“dẫn đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa và lòng từ bi của Người.”[8] “Hãy trỗi dậy, đứng nơi cao và hướng về phía mặt trời, phía của nguồn sáng và sự sống.”      

Gioan Phạm Duy Anh, SJ 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm55
  • Hôm nay7,329
  • Tháng hiện tại68,879
  • Tổng lượt truy cập15,355,769
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây