THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Góc Suy Gẫm – Mùa Dịch Covid 19

Chủ nhật - 19/04/2020 19:32
Biến cố phục sinh của Đức Giêsu mãi mãi vẫn là một mầu nhiệm đòi chúng ta phải đón nhận bằng đức tin. Đức tin của chúng ta có thể sẽ trở nên vững mạnh nhờ vào những dấu chỉ khả tín.....
Góc Suy Gẫm – Mùa Dịch Covid 19

GÓC SUY GẪM – MÙA DỊCH COVID 19

1. Chuyện chúng mình: Covid 19 (2019 - nay)

Vũ Hán sửa số liệu Covid-19, ca tử vong tăng gấp rưỡi

Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, hôm 17.04.2020 đã sửa lại số người chết vì Covid 19 tại đây từ 2.579 lên 3.869, tăng thêm 1.290 trường hợp.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh thành phố Vũ Hán, tâm dịch Covid 19  tại Trung Quốc, tổ chức họp báo cho biết thành phố ghi nhận 3.869 ca tử vong do Covid 19, tăng 1.290 người so với số liệu được báo cáo trước đây, tương đương tăng thêm 50%.   
     
Số ca nhiễm cũng được điều chỉnh, tăng từ 50.008 lên 50.333, tăng thêm 325 trường hợp. Số liệu được công bố sau các cuộc kiểm tra và xác minh trên toàn thành phố tính đến ngày 16/4. Với số liệu mới được sửa đổi, Trung Quốc đại lục hiện ghi nhận 82.692 ca nhiễm và 4.632 ca tử vong do Covid 19.   

Cơ quan y tế Vũ Hán nêu 4 lý do cho sự sửa đổi số liệu này, gồm những ca tử vong tại nhà không được báo cáo do khả năng điều trị không đủ trong giai đoạn đầu dịch bệnh; báo cáo muộn, nhầm lẫn hoặc không báo cáo từ một số bệnh viện bị quá tải; hỗn hợp các tổ chức y tế, bao gồm những tổ chức do doanh nghiệp tư nhân vận hành, hoặc nhiều bệnh viện dã chiến, không báo cáo kịp thời các ca tử vong; và không được đăng ký chứng tử.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/4 tỏ ý nghi ngờ số liệu Covid 19 ở Trung Quốc thấp hơn thực tế sau khi cộng đồng tình báo Mỹ gửi báo cáo đến Nhà Trắng, trong đó nhận định Trung Quốc cố tình không công bố đầy đủ số ca nhiễm và ca tử vong vì Covid 19. Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien nói rằng Washington không thể xác nhận các số liệu từ Bắc Kinh.    

Tổng thống Mỹ mới đây cho biết chính quyền của ông đang xem xét kỹ lưỡng giả thuyết Covid 19  "lọt" ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Chính quyền Trump cũng chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không xem xét kỹ lưỡng phản ứng của Trung Quốc với đại dịch. Nhiều người, gồm các quan chức cấp cao Mỹ, cho rằng dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc Tedros, WHO quá thân thiết với Trung Quốc. Trump cho rằng WHO "thiên vị Trung Quốc" và cắt tài trợ cho tổ chức.

Huyền Lê (Theo Bloomberg, AFP, CGTN)
 
2. Những con số biết nói

Stt

Quốc gia

Đang nhiễm

Được chữa khỏi

Số người chết

Tổng số

1

Ukraine

4.698

275

133

5.106

2

Gabon

100

7

1

108

3

Uruguay

205

294

9

508

4

Việt Nam

67

201

0

268

 

 

 

 

 

 

Thế giới

1.569.368

595.519

160.448

2.325.333

 
Cập nhật lúc 6g40, ngày 19.04.2020
 
3. Khuôn vàng thước ngọc (Ga 20, 19-31, Chúa nhật II Phục sinh – Kính Lòng Chúa Thương Xót)

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe đã cho thấy thái độ cứng tin của Tôma. Tuy nhiên, khi nhìn lại đời sống đức tin của mỗi người, chúng ta cũng thấy có sự hiện diện của Tôma nơi mỗi người chúng ta. Thật thế, biết bao lần niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, đặc biệt, niềm tin vào Đức Giêsu Phục sinh bị dao động, nếu không muốn nói là chúng ta hoàn toàn nghi ngờ vào mầu nhiệm phục sinh của Đức Giêsu.

Chúng ta có thể hiểu được vì sao Tôma lại hành xử như thế. Đúng vậy, làm sao ông có thể dễ dàng tin vào lời nói của những người mà trước đó không bao lâu, khi Thầy Giêsu lâm nạn, chẳng một ai trong số họ dám lên tiếng bênh vực cho Ngài. Làm sao tin được nơi những con người vì muốn tránh vạ lây nên đã tìm cách lánh mặt hoặc chạy trốn, thậm chí là chối bỏ Thầy của mình. Làm sao có thể tin tưởng vào những kẻ nhát đảm, những kẻ đã bỏ mặc Thầy lúc cô đơn và đau khổ nhất. May thay, Đức Giêsu đã đến kịp thời để giải gỡ những nghi vấn nơi ông. Thay cho sự ngờ vực là một niềm xác tín sâu xa. Thay cho những đòi hỏi được đụng chạm vào Chúa là một cảm xúc ngất ngây được khởi phát tự tận đáy lòng: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”.

Nhìn vào gương của thánh Tôma giúp chúng ta hiểu rằng, chúng ta đừng vội hoảng sợ khi bị dao động hay bị khủng hoảng đức tin, bởi vì đó là điều cần thiết để đức tin của chúng ta được thanh luyện, được trưởng thành và được củng cố. Thánh Phêrô, trong bài đọc hai đã quả quyết với chúng ta rằng, nếu như vàng là của phù vân mà còn cần được thử bằng lửa, thì đức tin càng cần phải được thanh luyện để biết đó có thực sự là đức tin của chúng ta hay vẫn chỉ là đức tin vay mượn từ người khác, cho dù đó là thứ vay mượn từ cha ông chúng ta. Đức tin chỉ được coi là của chúng ta và được coi là trưởng thành, khi đức tin ấy đã vượt qua được những dao động và khủng hoảng. Chính Tôma, nếu không trải qua những giây phút cứng tin, ông đã không thể có được lời tuyên xưng tuyệt vời mà các môn đệ khác không có được: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.

Biến cố phục sinh của Đức Giêsu mãi mãi vẫn là một mầu nhiệm đòi chúng ta phải đón nhận bằng đức tin. Đức tin của chúng ta có thể sẽ trở nên vững mạnh nhờ vào những dấu chỉ khả tín. Dấu chỉ đó trước hết là các môn đệ, những chứng tá đức tin. Họ là những người đã được thấy tận mắt sờ tận tay vào Đấng phục sinh. Chúng ta đừng vội nghĩ các môn đệ là những con người nhẹ dạ cả tin. Tin mừng cho chúng ta biết, không chỉ có Tôma cứng tin mà hầu hết các môn đệ khác cũng đều cứng tin như thế. Có khác chăng là Tôma đã dám nói một cách thẳng thắn: “Nếu tôi không nhìn thấy những dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ tay vào lỗ đinh, không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin” (Ga 20,25). Như thế, từ những con người cứng tin nhưng cuối cùng đã tin và nhất là đã dám đổ máu ra để làm chứng cho niềm tin ấy, thì đó lại chẳng là dấu chỉ đáng tin cho chúng ta sao?

Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban thêm đức tin cho chúng con. Xin thánh hóa và hướng dẫn chúng con luôn biết bước đi trong ánh sáng Phục sinh. Xin đừng để chúng con vui thú mà dừng lại ở trí hiểu biết và lý luận nông cạn của loài người trong hành trình đức tin. Xin giúp chúng con biết trao tặng bình an cho những người chúng con gặp gỡ. Xin củng cố đức tin của chúng con vào Chúa Phục sinh để tâm hồn chúng con cũng được bình an giữa mọi sóng gió của cuộc đời.

4. Lời bàn

-  “Tin hay không tin là chấp nhận hay từ chối. Tin hay không tin là sống mãi hay trầm luân. Tin hay không tin đời sáng ngời hay mù tối. Tin hay không tin nay quyết định cho đời tôi. Dù đời bao tăm tối tôi cứ vững tin luôn...”. Đây là lời bài hát “Tin hay không tin” của nhạc sĩ Nguyễn Lý mà chúng ta đã quá quen thuộc. Tuy vậy, giữa điều biết và điều tin lại là một khoảng cách quá xa. Martin Luther từng nói: “Đức tin là sự tin tưởng sống động và táo bạo vào ơn Chúa, chắc chắn và vững bền tới mức một người có thể cược cả đời mình cho nó hàng nghìn lần”. Soi lại mình, tôi hoàn toàn chưa đủ can đảm để đánh cược cuộc đời của mình với đức tin; bởi lẽ vẫn còn đó trong tôi nhiều nghi nan và dao động: Tôi chưa có khả năng để nhìn thấy ánh sáng xuyên qua tăm tối của cuộc đời mình. Tôi chưa đủ tinh tế để có thể cảm nhận được Chúa ẩn đằng sau những tiếp xúc của giác quan. Đôi khi, tôi chưa nhìn thấy sự sống bên kia cái chết. Và lắm lúc, tôi chưa thể đón nhận tình yêu từ phía bên kia của hận thù và ghen ghét.

- Tôma từng là người hăng hái nhất trong việc tin theo Thầy: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11,16), nhưng rồi cũng trở thành người cứng cỏi nhất sau biến cố khổ nạn, để rồi cuối cùng ông trở thành người thâm tín nhất. Suy cho cùng, tôi chẳng đáng là gì so với Tôma ngày trước. Trên hành trình theo Chúa, đôi lúc cảm thấy mình đủ nhiệt tâm để thi hành sứ vụ mà quên mất chính bản thân mình; thế nhưng không ít lần tôi thẫn thờ chờ đợi Chúa ra tay mà Người lại ngoảnh mặt làm ngơ. Tôi đâm ra phát chán và cáu gắt với mọi thứ. Tôi đã quên mất một điều quan trọng đó là: ‘Tất cả những người tìm đến Chúa trong đức tin chân chính, xuất phát từ tận trái tim, chắc chắn sẽ được lắng nghe và sẽ nhận được điều mà họ mong muốn’. Ai đó đã nhắc cho tôi như vậy.

- Tôma đã được Chúa Thương xót, tôi chắc chắn cũng được Chúa thương như vậy. Tôi thừa hiểu rằng, Chúa Thương xót nhân loại nhưng đồng thời Ngài cũng cần lòng thương xót của hết thảy chúng ta, không phải dành cho Ngài mà là cho anh chị em đồng loại. Tôi quên béng điều điều này để rồi đến lượt mình, tôi cư xử với mọi người bằng đường lối bất bao dung. Tôi khó tha thứ, thích khơi lại niềm đau của người khác, ưa đàm tiếu và sắm sẵn nhưng lời bao biện ở trên môi. Tôi không sẵn sàng để lấn trước và cũng không thiếu những lần coi lòng thương xót mà Chúa mời dâng tặng là một thứ gì đó xa sỉ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tôi chẳng chút lưu tâm tới lời Kinh Lạy Cha mà tôi vẫn ra rả đọc mỗi ngày: “Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con”.

- Ở đời, không có thứ di sản nào quý giá bằng trung thực. Nó là thứ không thể đổi chác bằng tiền, càng không thể phủ lấp nó bằng những thói lọc lừa, gian trá. Thế giới đang lao đao vì đại dịch. Khắp nơi, người ta huy động mọi nguồn lực để ra sức ngăn chặn dịch Covid 19. Có thể nói, thế giới chưa bao giờ chứng kiến sự nỗ lực và đồng thuận như hiện nay. Các nhà khoa học vắt kiệt sức khỏe ở các phòng thí nghiệm; các nhân viên y tế căng mình để lo cho sự an nguy của bệnh nhân; các bác sĩ có cơ hội để thực thi trọn vẹn lời thề Hippocrates mà họ đã từng tuyên thệ; những người còn lại thì chung tay lo cho sự ổn định trong xã hội. Ở một chiều ngược lại, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những chuyện chẳng hay ho gì. Người ta sẵn sàng lao vào công kích nhau, chủ yếu xoay quanh việc đổ lỗi cho một bên nào đó không trung thực. Căng thẳng ngày càng tiếp diễn và dần trở nên tồi tệ hơn khi chúng ta nhận ra rằng: kẻ thù nguy hiểm nhất lúc này không phải là Virus Corona mà là ý thức của những người tham gia cuộc chiến chống virus. Trung Quốc nhiều lần thay đổi số liệu thống kê liên quan tới dịch bệnh, điều đó càng làm dấy lên nghi ngờ về sự thiếu trung thực ngay từ lúc ban đầu. Virus có thể lấy đi mạng sống của một số người, nhưng sự thiếu trung thực sẽ làm xói mòn lòng tin của cả một thế hệ. Mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi sống cách trung thực trước mặt mọi người, ngõ hầu vừa nêu gương sáng, vừa thể hiện lòng tin của mình vào Chúa phục sinh. Thế mới biết, để chiếm được lòng tin của người khác thật khó biết bao nhiêu và càng thấm thía hơn khi đọc thấy những lời này: “Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực” (Benjamin Franklin).
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập115
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm112
  • Hôm nay12,134
  • Tháng hiện tại255,437
  • Tổng lượt truy cập13,539,811
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây