Trong lịch Phụng vụ Công giáo Việt Nam gọi tháng 10 là Tháng Mân Côi. Cứ mỗi tối của tháng này, giáo dân các giáo xứ miền quê đến từng nhà giáo dân trong giáo xứ đọc kinh, lần chuỗi gọi là “chuỗi Mân Côi”, giáo dân Miền Trung quen gọi là “chuỗi Môi Khôi”.
Khi tôi còn nhỏ, ở giáo xứ Cây Vông (Nha Trang) chúng tôi, sau khi lần chuỗi Môi Khôi xong thường đọc kinh: “Hôm nay lớn mọn đều chầu, cám ơn trọng Đức Bà thương đoái, truyền phép Môi Khôi cách nhiệm, hết loài người cầu Chúa thứ tha. Đức Mẹ xưa thấy Đức Chúa Cha, đã định phạt cả và thiên hạ. Liền can gián xin duông tội lỗi, mới lập làm phép chuỗi Rô sa. Dạy Du minh thánh cả giảng rao, cho giáo nhơn noi giữ, hầu đặng thế giải hòa cùng Chúa…” (Trước đây thánh Đa minh được gọi là Du minh)
Nếu không đọc kinh ấy thì đọc kinh “Dưng loài người cho Trái tim vẹn sạch Đức Bà Maria” do Giáo hoàng Pio XII sáng tác: “Lạy Nữ vương truyền phép Rất thánh Môi Khôi hay cứu giúp bổn đạo; hộ vực loài người và hằng chiến thắng trên các trận giao công vì Chúa…”.
Tràng chuỗi Mân Côi còn được gọi là “tràng hoa Mân Côi”( có nơi gọi là Môi Khôi, Mai Khôi, Văn Côi). Vậy có loài hoa nào mang tên “Mân Côi” không?
Mặt tiền nhà thờ giáo xứ An Vân (từ góc tây nam kinh thành Huế, đi thẳng lên hướng tây, qua khỏi chùa Thiên Mụ, Văn Thánh miếu, qua chợ Long Hồ, sắp đến cầu Xước Dũ rẽ phải đi tiếp trên hương lộ khoảng hơn một cây số nằm bên tay trái hương lộ là nhà thờ An Vân) đắp nổi nhiều câu chữ Hán. Bên trên vòm cuốn lối vào chính giữa mặt tiền nhà thờ có dòng chữ La tinh: ECCLESIA SS. ROSAII. Bên trên dòng chữ La tinh ấy là dòng chữ Hán( đọc từ bên phải sang trái) : THÁNH MẪU MAI CÔI THÁNH ĐƯỜNG.
Mặc dù chữ Hán ghi THÁNH MẪU MAI CÔI THÁNH ĐƯỜNG, nhưng giáo dân giáo xứ An Vân lại đọc là Môi Khôi. Dòng chữ La tinh được dịch ra là: NHÀ THỜ RẤT THÁNH MÔI KHÔI.
Trên thân hồng chung đúc năm 1876(*) của giáo xứ An Vân có bài minh khắc chìm bằng chữ Nôm: “Khi Hoàng đế giáng dụ tha đạo được sáu tháng, thì chúng tôi đã lo đúc cái chuông này mà dâng cho Đức Chúa Bà Môi Khôi, là bổn mạng nhà thờ An Vân mà tỏ lòng mừng cùng cám đội ơn Đức Chúa Trời và Đức Mẹ đã đoái thương”
Mùa hạ năm Đinh Hợi (2007) giáo xứ An Vân đúc một hồng chung lớn hơn để sử dụng và trên thân hồng chung có bài minh bằng chữ Quốc ngữ: “…Thợ Phường Đúc đến mở lò rót đồng tại vườn trước nhà thờ, quả chuông nặng 2 tạ, bề ngang 6 tấc 8 phân, bề cao một thước 3 tấc. Thay cho quả chuông cổ đã bị nứt rạn năm 1972. Bản văn chữ Nôm được khắc chìm trên chuông cổ. Nay được khắc nổi lại đầy đủ với phiên âm là muốn ghi lòng tạc dạ công ơn tiền nhân mà cám đội ơn Đức Chúa Trời và Đức Bà Môi Khôi”.
Cũng cùng một tràng chuỗi, nhưng lâu nay giáo dân Việt Nam chỗ thì gọi Mân Côi, nơi gọi Môi Khôi, chỗ gọi Mai Khôi, nơi gọi Văn Côi. Vậy chúng ta cùng nghiên cứu xem trong các từ ngữ trên từ nào đúng nhất.
Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có tất cả 6 chữ cùng đọc âm “môi” nhưng có tự dạng khác nhau; 6 chữ cùng đọc âm “khôi” cũng có tự dạng khác nhau. Khi ghép các từ “môi” với các từ “khôi” thì chẳng có từ nào chỉ về loài hoa cả!
Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh (Nxb Trẻ) có tất cả 9 chữ cùng phát âm “mân”. Trong 9 chữ cùng phát âm “mân” có 3 chữ thuộc bộ “ngọc” cùng nghĩa với nhau.
Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 8 chữ cùng phát âm “mai” nhưng có tự dạng khác nhau và có một chữ “mai” thuộc bộ “ngọc”.
Trong 2 tự điển trên đều có duy nhất một chữ “côi”. Riêng Hán Việt tự điển của Thiều Chửu còn ghi thêm về từ “côi”: “Ta quen đọc là "khôi”
Tất cả các chữ “mân” ghép với chữ “côi” không có từ nào để chỉ về loài hoa. Từ “Mân” (bộ “ngọc”) phát âm theo tiếng Quan Thoại là “mén”, từ “Mai” (bộ “ngọc”) phát âm theo tiếng Quan Thoại là “méi”. Trong tự dạng chữ Hán thì chữ “Mai” và chữ “Mân” có tự dạng na ná nhau, dễ nhầm lẫn đọc chữ “tác” ra chữ “tộ”, chữ “ngộ” ra chữ “quá”! Chỉ có từ “mai” (bộ “ngọc”) ghép với từ “côi” thành Mai côi (méigui) mới có nghĩa là hoa hồng.
Bài thơ “Xuân từ” của Lý Kiến Huân thời vãn Đường có câu: “Chiết đắc mai côi hoa nhất đóa/ Bằng quân trâm trướng phụng hoàng sai” (Hái xong một đóa hoa hồng/ Nhờ anh cài cắm lên thoa phụng hoàng- Bản dịch của Nguyễn Minh).
Lý Thương Ẩn thời vãn Đường có bài thơ “ Hí đề Xu Ngôn thảo các” (Đề thơ chơi ở thảo các Lý Xu Ngôn) có câu: “Thanh lâu hữu mỹ nhân/ Nhan sắc như mai côi/ Ca thanh nhập thanh vân” (Lầu xanh có người đẹp/ Như đóa hồng ban mai/ Lời ca vút trời thẳm – Lê Quang Trường dịch).
Một chi tiết, hiện nay ít người quan tâm là theo Khang Hy tự điển: phiên thiết theo Đường vận, Tập vận, Hội vận thì từ “Mai” (bộ “ngọc”) còn đọc âm “Môi”.
Như vậy từ “Mân côi” không có liên quan gì đến loài hoa hồng, chỉ có từ “Mai côi” mới có nghĩa là hoa hồng. Mai côi còn có thể phát âm là Môi côi, Mai khôi, Môi khôi.
Âm Hán Việt gọi hoa hồng là “mai côi hoa” hoặc “mai khôi hoa” hoặc “môi khôi hoa”. Tiếng La tinh gọi hoa hồng là “rosa”. Trong Kinh cầu Đức Bà có câu: “Đức Bà như hoa hường (hồng) mầu nhiệm vậy”. Như vậy “chuỗi Rô sa”, tức là “chuỗi Mai Côi” hay còn gọi là “chuỗi Mai Khôi”, “chuỗi Môi khôi”. Để gọi đúng với từ ngữ phải gọi là Tháng (chuỗi) Mai Côi hoặc Mai Khôi hoặc Môi Khôi (Riêng từ “Môi Côi” ít người dùng).
Một khi đã biết sai thì nên sửa sai, không nên vì lý do này hay lý do nọ tiếp tục duy trì cái sai. Vậy trong Lịch Phụng vụ Công giáo Việt Nam và các kinh bổn nên thống nhất dùng từ “Mai Côi” hoặc “Mai Khôi” hoặc “Môi khôi”, không nên tiếp tục dùng từ “Mân Côi” hoặc “Văn Côi” nữa!
Tháng “Mai côi” giáo dân luôn nhớ “Lời Mẹ nhắn nhủ”: “Mẹ nhắn nhủ người đời, hãy mau ăn năn đền bồi, hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy năn lần hạt Mai Côi”
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông – Nha Trang
Chú thích:
(*): Bài minh bằng chữ Nôm, khắc chìm trên thân hồng chung cổ của nhà thờ An Vân ghi : “Khi Hoàng đế giáng dụ tha đạo được sáu tháng, thì chúng tôi lo đúc cái chuông này…” và bài minh cho biết là hồng chung đúc năm 1876. Nếu bảo “Hoàng đế giáng dụ tha đạo” vào năm 1876 thì hoàn toàn không chính xác. Theo Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn, người đã tháp tùng phái đoàn Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Sài Gòn xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) cho biết là phái đoàn Phan Thanh Giản đi tàu Loan Thoại khởi hành từ Kinh đô Huế xuống cửa biển Thuận An, lại được tàu chạy bằng hơi nước Forbin của Pháp cột dây dắt chạy vào Gia Định. Tàu Forbin khởi hành từ cửa biển Thuận An vào ngày 24/04/Nhâm Tuất (22/05/1862): “Ngày hai mươi bốn tháng tư/ Tàu Tây ra cửa đón ngừa tàu Ta/ Hai bên mừng rỡ lại qua/ Cột dây dắt thẳng chạy ba đêm ngày/Đến cửa Cần Giờ vào ngay/ Tàu đi như bắn, khói bay nửa lừng/ Đến thành Gia Định tàu ngừng/ Quan Tây bắn súng chào mừng vang tai”.
Hòa ước ký kết giữa triều đình Huế với hai nước Pháp và Y Pha Nho (Tây Ban Nha) vào ngày mùng 9 tháng 5 năm Nhâm Tuất(5/6/1862): “Hẹn ngày mồng chín hội đồng/ Trên bờ binh mã, dưới sông binh thuyền/ Rước quan Khâm mạng Toàn quyền/ Hội nhau đóng ấn cho yên cuộc hòa”.
Sau khi ký xong thì ngày 11/05/Nhâm Tuất (7/6/1862), phái đoàn Phan Thanh Giản về lại Huế: “Đến ngày mười một khởi trình ra khơi/ Tàu vua về Huế đến nơi/ Chính đêm mười bốn nước trời sáng trưng/ Hải đài bắn súng chào mừng/ Dưới tàu đáp lại vang lừng Kinh đô”
Phái đoàn về đến Huế “Quan làm sớ tấu việc vô giảng hòa”, thì 5 ngày sau vào ngày 19/5/Nhâm Tuất (Chúa nhật 15/6/1862) vua Tự Đức bãi bỏ một phần lệnh bắt đạo: “Mười chín tháng năm chỉ ra/ Phụ nữ, lão, ấu đều tha cho về”. Riêng “Nam tráng, đầu mục, một bề còn giam”.
Mãi gần một tháng sau, vào ngày 17/6/Nhâm Tuất (Chúa nhật 13/7/1862) vua Tự Đức mới bãi bỏ hoàn toàn lệnh bắt đạo: “Mười bảy tháng sáu chỉ ra/ Nam tráng, đầu mục thảy tha phản hồi” ( xem Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, Tác giả tự xuất bản, 1970, tr. 159, 160, 162)
Như vậy lệnh tha bắt đạo trên toàn quốc được ban ra vào ngày 17/6/ Nhâm Tuất ( 00/07/1862)
Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn đã ghi chép lệnh tha bắt đạo: Vào tháng 6 năm Nhâm Tuất “ Lại tha tội cho những dân xấu chưa bỏ đạo ở các hạt, lấy cớ là hòa nghị đã xong, nên bỏ lệ cấm đó. ( Trừ ra những người thực có đích tình thông đồng với giặc do quan địa phương xét rõ trị tội thì không kể, còn các người bị giam hay an trí, thì những người đầu sỏ và trai tráng đều cho tha hết, ruộng vườn, gia sản, ra lính, tạp dịch các khoản đều tuân theo Dụ trước mà làm. Vì lệnh giam giữ năm trước, ở Nam Định rất nghiêm ngặt, đem chém đến hơn 4800 người, Nguyễn Đình Tân sợ bọn dân đạo để lòng thù oán theo giặc, xin một hạt Nam Định hãy cứ giam giữ như cũ. Vua không cho)” (Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 780-781).
Như vậy việc vua Tự Đức giáng Dụ tha bắt đạo một cách triệt để vào ngày 17/6/Nhâm Tuất (Chúa nhật 13/7/1862) chứ không phải vào năm 1876.
Hiện nay hồng chung cổ đúc năm 1876 của nhà thờ An Vân được cất giữ trên gác phòng mặc áo lễ.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Nghệ