Bạn thân mến,
Người thầy vẫn thầm lặng trong chính cái đều đặn, cái hàng ngày của mình. Dòng đời ngược xuôi, có những lúc sóng yên biển lặng, có khi trời mưa giông bão tố, có những người thầy vẫn lặng lẽ đưa những thế hệ học sinh cập bến tương lai. Cập bến rồi, người ấy lại lặng lẽ quay về đón chuyến đò sau. Dù người nhớ, kẻ quên, họ vẫn tiếp tục sống điều họ đã chọn.
Người lái đò thầm lặng cũng là bởi người ấy biết lắng nghe. Có lẽ trong cuộc sống này, một trong những điều khó khăn nhất là lắng nghe. Có những người chỉ muốn nói về những thành công trong quá khứ của mình để mấy đứa trẻ thế hệ sau phải tròn mắt nể phục. Lại có những người dành thời gian để lắng nghe. Mà người ta chỉ có thể lắng nghe khi nhạy bén và quan tâm thực sự. Để cho người ta ngưỡng mộ đã khó, nhưng để người ta yêu mến thì càng khó hơn. Khi ngưỡng mộ, người ta chỉ đứng xa xa để ngắm nhìn. Còn khi yêu mến, người ta sẽ đến gần và tỏ bày cuộc sống. Khi đứng xa, người ta chỉ có thể cảm thấy những điều bên ngoài, còn khi đứng gần người ta mới nếm cảm được những cố gắng và nỗ lực, những lo lắng và những cuộc chiến nội tâm. Có những người thầy đã lắng nghe với tất cả sự kiên nhẫn, trân trọng và thương yêu.
Người ta chỉ biết lắng nghe khi người ta biết đặt câu hỏi. Những câu hỏi giúp người ta dần khám phá ra những điều còn ẩn kín, làm cho những điều mù mờ được sáng tỏ, và những điều giả trá được tỏ lộ. Đặt câu hỏi, người thầy giúp học trò của mình khám phá ra những chân lý, cái lý của khoa học, của những dự án và cái lý của chữ tâm, của tình người. Đặt câu hỏi, người thầy cũng để mình bị chất vấn. Lớp học do đó không chỉ là những bài học thầy trao cho trò, mà là lớp học của Sự Thật dành dành cho những ai khắc khoải. Một cô học trò lém lỉnh đã kể lại rằng: “một lần nọ, em muốn thử thách thầy giáo của mình nên đã đặt ra một câu hỏi đánh đố. Những tưởng là thầy sẽ trả lời ngay lập tức, nhưng thầy bảo: ‘vấn đề này thầy cũng không nhớ rõ, để thầy về tìm hiểu lại, ngày mai trả lời em’.” Cái tính xốc nổi, muốn thử thách nhau của đám học trò lại được đáp trả bằng sự khiêm tốn. Ông không coi cái mác “ông thầy toàn năng” mà thiên hạ tôn cho, để tự đặt mình dưới chân lý. Đúng là chỉ khi người ta luôn tìm kiếm và đặt mình dưới chân lý, người ta mới có đủ dũng khí để sống thật là mình như thế. Ông dạy cho học trò thái độ của kẻ khiêm tốn và luôn đi tìm chân lý. Ông thinh lặng để lắng nghe sự thật.
Người thầy thầm lặng là để nhận ra những điều thầm lặng. Niềm hạnh phúc nho nhỏ của người thầy là nhìn thấy học trò của mình tiến bộ. Mà người ta chỉ nhìn thấy được sự tiến bộ nếu biết quan sát và chăm sóc. Một người biết chăm cây sẽ chú ý tới sự phát triển của nó mỗi ngày. Sáng sáng, người ấy thức dậy với niềm vui vì thấy nó đang lớn lên, đang đâm chồi nảy lộc, và cũng không khỏi lo lắng khi thấy những nguy cơ, những mầm bệnh. Người ấy cũng phải đủ dũng cảm để cắt tỉa cho nó lớn lên. Người thầy trong bộ phim The Giver – Người truyền ký ức đã vui mừng truyền trao cho học trò của mình những niềm tự hào của nhân loại, mà hơn thế, ông cũng phải dũng cảm nói lên sự thật về những đau khổ, những tổn thương và những sai lầm. Khi hoàn thành công việc của mình, ông thầm lặng dõi theo những chọn lựa và bước đường của cậu học trò. Chỉ sự tinh tế mới thấy được sự lớn lên cũng như thụt lùi. Sự phát triển của một thế hệ mới là một tiến trình dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn đồng hành.
Nhưng sống giữa cái mau qua của thế giới vật chất, với những lo toan cơm áo gạo tiền, thành công trước mắt, người ta có thể nghĩ đến chuyện mua bán cả tri thức và lương tâm. Một em học sinh khi được hỏi về người thầy mà em nhớ nhất, em bảo: “em không thấy ấn tượng nhiều về các thầy cô của mình. Điều em nhớ nhất là những thầy cô tạo áp lực, chứ không tìm thấy niềm vui và tiến bộ.” Và với em, những bài thơ về người thầy, người cô dường như là một thứ xa xỉ, bởi điểm số và thành tích đã in hằn những nỗi đau cho tuổi học trò. Vinh quang, kỳ tích có thể mang lại niềm vui chiến thắng trong giây phút ngắn ngủi. Nhưng lối nghĩ định hình lối sống cho cả một thế hệ là điều quan trọng hơn cả. Cái gọi là tồn tâm, dưỡng tính đôi khi không còn quan trọng bằng việc đem đến cho học trò những kiến thức để đạt điểm số. Có lẽ vấn đề không chỉ là những kiến thức, mà còn là tâm thế sử dụng chúng, tiếp cận chúng. Ước gì xã hội không vắng bóng những người thầy nâng “tầm” con người nhờ chữ “tâm”.
Lúc này, ta dành ít phút cầu nguyện cho những người thầy người cô của chúng ta, những người nghiêm khắc hay dịu hiền, những người ta được gặp lại hay những người đã khuất, những người ta vẫn còn ghi khắc trong tâm hồn hay những người ta chưa một lần chợt nhớ. Ước gì ta được trở lại những khoảnh khắc tinh khôi nhất của đời học trò. Và ước gì ta cũng cống hiến với sự tận tâm, khiêm tốn và yêu mến chân lý trong công cuộc truyền trao những tri thức mình được lãnh hội cho thế hệ tương lai.
Trần Đỉnh, SJ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn