THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Chú Giải Tin Mừng - Chúa Nhật V Mùa Chay A

Thứ bảy - 28/03/2020 19:22
Tin Mừng Ga 11: 1-45 Qua phép lạ cho Lazarô chết được sống lại, Chúa Giêsu đã tỏ ra Ngài là sự sống lại và là sự sống để ai tin vào ngài thè sẽ được sống .
Chú Giải Tin Mừng - Chúa Nhật V Mùa Chay A

CHÚ GIẢI TIN MỪNG

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM A



Tin Mừng Ga 11: 1-45

Học viện Piô Giáo hoàng - Chú Giải
 
PHỤC SINH LADARÔ
CÂU HỎI GỢI Ý

1. Giai thoại này nằm trong văn mạch nào ?

2. Làm sao giải thích lời quả quyết của Chúa Giêsu "Cơn bệnh này không đến nỗi chết, song nó làm vinh danh Thiên Chúa" (c.4)?

3. Phải hiểu thế nào việc Chúa Giêsu không muốn mau chóng đi phục sinh Ladarô và lời Người giải thích sự chậm trễ ấy ?

4. Tại sao Chúa Giêsu xem cái chết của Ladarô như một giấc ngủ ?

5. phải cắt nghĩa thế nào sự bực dọc của Chúa Giêsu lúc đứng trước thây ma Ladarô, khi biết mình sắp cho ông sống lại (cc. 33 35.38)

6. Đâu là những yếu tố đặc trưng của tấn bi kịch này ?

1. Việc phục sinh Ladarô xảy ra vào cuối sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Phép lạ này, dấu chỉ sau cùng mà Người ban cho dân Do thái trong cuộc tranh tụng giữa ánh sáng và tối tăm, cũng là dấu chỉ quan trọng nhất, vì đây không còn là việc chữa lành hay hóa bánh ra nhiều, mà là phục sinh kẻ chết, quyền năng mà chỉ mình Thiên Chúa có được. Đúng như Phaolô sau này sẽ nói với tín hữu thành Côrintô: "Kẻ thù cuối cùng bị đánh bại, chính là sự chết" (1Cr 15,26).

Việc phục sinh Ladarô mở màn cho diễn từ giã biệt và cuộc Tử nạn, vì, theo thánh Gioan, chính việc này thúc đẩy Hội đồng Công tọa dứt khoát quyết định lên án tử hình Chúa Giêsu. Người Do thái đã "thích tối tăm hơn ánh sáng vì công việc của họ xấu xa "(Ga 3, 19). Vị trí trung tâm của phép lạ trong Tin Mừng thứ tư đã khiến nó trở thành chìa khóa để hiểu thần học của thánh Gioan. Bởi đấy chúng ta sẽ nghiên cứu nó trong viễn ảnh này.

2. Khi được báo tin Ladarô ốm liệt, Chúa Giêsu đã nhận định : "Cơn bệnh ấy làm vinh danh Thiên Chúa". Nhận định này giống câu Người đã trả lời cho các môn đồ về vấn đề tật nguyền của anh mù bẩm sinh: "Đó là để nơi nó công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện " (9, 3). Vinh quang Thiên Chúa phải chăng là một danh dự ích kỷ phải trả cho Ngài dù phải gây thiệt thòi chó tạo vật ! nếu cần thiết ? Không ! Khi Thiên Chúa biểu lộ vinh quang trong Cựu ước, thì luôn luôn là vì phần rỗi của dân Ngài, của những kẻ Ngài thương mến. Và như xưa đã giải phóng dân khỏi cảnh tù đày khốn khổ chết chóc bằng những hành động hiển hách, ngày nay Thiên Chúa cũng biểu lộ sự hiện diện và cứu độ của ngài trong con người Chúa Giêsu như vậy. Đó chính là mục đích sứ mệnh của Chúa Con vâng, Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để tất cả những ai tin vào Người sẽ không hư mất nhưng được sự sống đời đời" (Ga 3, 16 ; x. 6, 39).

Vinh quang này của Thiên Chúa Cha sẽ được thực hiện qua việc tôn vinh Chúa Giêsu. Thật ra, nó đã bày tỏ qua vinh quang của Chúa Giêsu trong các phép lạ Người làm rồi (2, 11 ; 12, 41) vì cả hai vinh quang không tách rời nhau. Nhưng động từ "tôn vinh" có một ý nghĩa rất là chính xác khi Gioan áp dụng vào Chúa Giêsu: nó có nghĩa là việc nâng Người lên trên thập giá, việc Người chết và sống lại (12, 23- 32). Một khi được tôn vinh như thế, Chúa Giêsu sẽ ban cho chúng ta ơn cứu độ của Thiên Chúa và thâu họp các con cái Thiên Chúa tản mác khắp bốn phương (11, 52) ; vì bấy giờ thủ lãnh thế gian này bị đánh bại, thế gian sẽ bị xét xử. Vinh quang mà Chúa Giêsu tỏ hiện trong các công việc của người chỉ là dấu hiệu của việc tôn vinh người trên thập giá. Các câu kế tiếp sẽ xác quyết điều này.

3. Chúa Giêsu còn ở lại đó hai ngày nữa, như đã chờ đợi trước khi lên Giêrusalem dự lễ Lều trại (7,8-10), như đã chẳng lập tức chiều theo ý muốn của mẹ Người trong tiệc cưới Cana. Người hành động, Người quyết định không theo ước muốn nhân loại, dù ước muốn đó thật chính đáng, nhưng theo thánh ý Chúa Cha (4, 34 ; 7, 18 ; 8, 29). Người nói và làm vì vinh quang Cha, vì muốn thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Và ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ được hoàn tất vào thời gian ấn định, không ai có thể hối thúc cho mau đến giờ người ta không thể bắt giữ hoặc ném đá Chúa Giêsu khi giờ Người chưa đến (7, 30 ; 8, 20).

Lời Người trả lời cho các môn đồ trong c .9- 10 có nghĩa ấy như trong giai thoại anh mù bẩm kinh vây (9, 4). Bằng một câu tục ngữ mà ai cũng biết, Chúa Giêsu giải thích cho môn đồ hay là đến Do thái không thể làm gì chống lại được Người. Như mới đây Người đã xác quyết: "Chẳng ai cất mạng sống Ta được, nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta. Ta có quyền thí mạng sống Ta, và cũng có quyền lấy lại" (10, 18). Đêm tối sẽ đến vào đúng thời gian Chúa Cha ấn định; đó sẽ là giờ Satan và Hội đồng Công tọa bề ngoài xem ra chiến thắng nhưng thực tế lại khác hẳn (13, 2 ; 14, 30- 31), vì Chúa Giê su là ánh sáng trần gian và tối tăm không thể triệt hạ được người (15).

Trong 12, 35- 36, Chúa Giêsu khai triển chùng một hình ảnh đó khi khuyến cáo thính giả hãy lợi dụng ánh sáng ban ngày, như chính người đã làm, để tôn vinh Thiên Chúa bằng cách tin vào Đấng Ngài sai đến. Đợi đêm về, thì đã quá muộn. Trong Cựu ước, Giêrêmia cũng đã ngăm đe dân Israel không chịu nhìn nhận tội mình (Gr 13, 16). Tôn vinh Thiên Chúa, là trở về với Thiên Chúa đích thực, Đấng còn có thể cứu Giêrusalem khỏi cảnh đổ nát hoang tàn. Khốn thay Israel đã không vâng nghe lời mời gọi đó, và vì thế đã bị lưu đày. Cũng một thể thức ấy, dân Do thái đã chẳng lắng nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi: cái chết của Người kỳ thực là cái chết của chính họ, "vì các ngươi sẽ chết trong tội của các ngươi" (8, 21- 24).

Môn đồ đã tiên cảm cái kết cục bi đát đó. "Người Do thái muốn giết Thầy, mà thầy còn lên đấy nữa sao ?". Cứu Ladarô, đối với Chúa Giêsu, sẽ là đi nộp mình chịu chết. Vinh quang của phép lạ này sẽ là dấu chỉ sự tôn vinh người trên thập giá. Nhưng tất cả cơ sự ấy chẳng phải là giờ của Thiên Chúa sao? Không ai có thể hối thúc, trì hoãn hoặc thay đổi thế này thế kia, một khi Thiên Chúa quyết định tỏ lộ tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu còn ở lại hai ngày nữa và ngày thứ ba sẽ lên đường, như Người sẽ sống lại vào ngày thứ ba trong vinh quang Chúa Cha vậy. 

4. "Ladarô bạn chúng ta đang nghỉ yên, Ta phải đi đánh thức dậy". Chúa Giêsu đã áp dụng cho Ladarô thành ngữ người đã dùng đối với con gái ông Giairô (Mc 5, 39). Phaolô sẽ dùng một kiểu nói tương tự đối với người thiếu niên thành Troas (Cv 20, 10).

Trong Thánh Kinh, chết là hậu quả của tội lỗi, và vì thế là hình phạt khủng khiếp nhất (St 2,7; Kn 1, 15). Tuy nhiên, cái chết mất đi một phần tính cách bi thảm khi nó kết thúc một cuộc sống hạnh phúc và tràn đầy, một cuộc đời thân tình với Thiên Chúa. Các tổ phụ qua đời với tuổi thọ, và đã được gặp lại tổ tiên (St 25,7; 35, 29) Đavít đã an nghỉ với cha ông của mình (1 V 2, 10). Đối với người công chính, cái chết cũng có thể là cuộc trở về trong bàn tay Thiên Chúa, là sự yên nghỉ trong bình an (Kn 3, 1- 3). Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi kẻ Ngài thương mến.

Chúa Giêsu, dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, là Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Vì thế, trong Tân ước, những kẻ chết trong niềm tin vào Chúa Kitô, chỉ ngủ mà thôi. 'Những ai yên nghỉ trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ về với Ngài" (1Tx 4, 14 ; x. Cv 7, 60 ; Mt 27, 52), vì Chúa Ki-tô đã phục sinh từ cõi chết, như hoa quả đầu mùa của những kẻ đã nghỉ yên" (1Cr 15,20).

5. Maria và các người Do thái khóc nức nở, theo thói tục của phương đông. Trước nỗi đau khổ đó, Chúa Giê-su có một thái độ thật đầy tình người: "Các ngươi đặt ông ấy ở đâu?" và Người bật khóc. Bấy giờ dân chúng biết Chúa Giêsu thực sự yêu thương Ladarô. Tuy nhiên, lối cắt nghĩa này, dù không hoàn toàn sai, có phải là lời giải thích đúng nhất không? Thường thường, trong Tin Mừng thứ tư, những kẻ cắt nghĩa lời nói hay hành động của Chúa Giêsu chỉ hiểu một khía cạnh, ngoại tại nhất và sơ sài nhất, của mầu nhiệm Người. Hơn nữa, nếu sấp cho người bạn sống lại, tại sao Chúa Giêsu lại khóc ? Câu chuyện này rất giống với một câu chuyện khác trong đó Tin Mừng cũng kể lại là Chúa Giêsu đã khóc: khi Người đã tới gần, trông thấy thành, thì Người khóc trên thành mà rằng: Phải chi ngày hôm nay, cả ngươi nữa, ngươi cũng nhận ra sứ điệp bình an ! Nhưng khốn thay, điều đó đã bị che khuất khỏi mắt ngươi" (Lc 19, 41). Vì đoạn văn song song đầy ý nghĩa này, hình như ở đây nguyên nhân khiến Chúa Giêsu khóc là lòng bất tín của người Do thái và niềm tin nửa vời của Mátta (c.39) và của Maria xét theo văn mạch tình thuật Gioan. Cách giải thích này được củng cố thêm nhờ nhiều ghi chú khác của Gioan liên quan đến tâm tình của Chúa Giêsu trong dịp này. Ở đây ngữ vựng được dùng thật đầy ý nghĩa.

Thánh sử còn dùng hai chữ khác để mô tả tâm tình của Chúa Giêsu. "Người bực dọc tâm thần và xao xuyến cả mình". Người ta đã luôn thắc mắc về ý nghĩa các tâm tình đó. Có kẻ xem đấy là cơn giận của Chúa Giêsu đối với cái chết và tác giả của nó là Satan; số khác lại coi là cơn tức giận trước sự cứng lòng tin của người Do thái. Điều đó có thể được lắm, vì cái chết và sự cứng lòng tin đều quy về Satan như là nguyên nhân tác thành; quả thế, đặc biệt trong Mt, ta thấy Chúa Giêsu đã tỏ ra tức giận lúc Người trừ quỷ, nghĩa là lúc đối diện với Satan. Nhưng đây còn hơn thế nữa.

Không kể một lần sử dụng trong 5,7 chỗ nói về nước ao bị giao động (tarassô), động từ thứ hai được dùng ở đây đối với Chúa Giê-su (xao xuyến : etelraxen) thì aoriste của tarassô) chỉ gặp lại trong văn mạch cuộc Tử nạn hai lần được áp dụng cho Chúa Giêsu (12, 27 ; 13, 21) và hai lần áp dũng cho các môn đồ (14, 1.27) mà Chúa Giêsu đoan hứa sẽ không để xao xuyến vì việc Người ra đi. Sự xao xuyến và nỗi ghê sự của Chúa Giêsu trong cuộc hấp hối tại vườn Cây dầu mà các Tin Mừng Nhất Lãm đã ghi lại, hình như được Gioan chuyển vào cảnh này và vào cuộc gặp gỡ giữa Người với nhóm Hy lạp (12, 27). Đối với Chúa Giêsu, cái chết của Ladarô là dấu tiên báo về cái chết của chính Người và về cuộc chiến thắng tạm bợ của tối tăm. Ở đây, lời giải thích thứ hai này trùng phùng với lối giải thích trên kia trong một tổng hợp tuyệt diệu. Vì đối với Gioan, cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu cốt yếu là công việc của Satan. Do đó, khỉ nói về Giuđa sắp phản bội Thầy, Gioan ghi chú: "Lúc bấy giờ, sau miếng ăn, Satan đã nhập vào y". (13, 27)

6. Trình thuật này là trình thuật phép lạ dài nhất của Tin Mừng Gioan và dĩ nhiên của tất cả các Tin Mừng: 45 câu. Tuy nhiên, phép lạ chỉ được thực hiện vào phút cuối, còn mọi phần trước đều là chuẩn bị. Một thảm kịch thực sự tuần tự diễn ra trước mắt chúng ta, độ căng thẳng leo thang dần với số câu, và tất cả chỉ được giải kết ở hồi cuối cùng: mặc khải vinh quang Thiên Chúa, một mặc khải đòi buộc phải đáp trả bằng niềm tin.

Thảm kịch này có hai yếu tố đặc biệt : 

a- Nhân vật chính không phải là người mà thiên hạ chờ đợi tức Ladarô. Lúc đầu, ông chỉ được đề cập như là em của Mátta và Maria, và sau hết, dĩ nhiên người ta nhắc đến ông song để rồi lãng quên. Ta chẳng biết cuối cùng ông có tin như người mù từ thuở mới sinh hay không (9, 38). Sở dĩ ông đóng một vai trò, là đặc biệt để làm chất xúc tác hầu mặc khải cá tính của mỗi diễn viên.

Nhân vật chính dĩ nhiên là Chúa Giêsu; và đối diện Người, ta thấy lần lượt xuất hiện các môn đồ, Mátta (Maria vẫn là một nhân vật phụ tùy) và người Do thái. Trước tiên là các môn đồ, những kẻ phần dấn bước trong đức tin vì đang bị cầm chân trong nỗi sợ hãi và lý luận loài người (11, 15). Rồi Mátta, đã được nhắc đến ở cc.1-5, xuất hiện với vẻ phiền muộn và đầy hy vọng; bà cũng được mời gọi tiến đến niềm tin. Sau hết, các người Do thái, đã được loan báo trong cảnh trước đấy (11, 19), cũng góp phần vào việc khởi phát phép lạ và cũng được dẫn đến đức tin. Như thế mỗi người đều lần lượt đi vào sân khấu và vẫn ở lại sau khi đóng xong vai trò, khiến sau cùng tất cả có mặt trong giờ giải kết. Tuy nhiên, mọi đèn chiếu đều chĩa thẳng vào các người Do thái (11, 45) : họ là những người đầu tiên được thảm kịch này chất vấn, mời gọi.

b- Trong các phép lạ khác của Tin Mừng Gioan, thường có một diễn từ đến sau để bổ túc hành động và mặc khải ý nghĩa của nó (xem Phép lạ người bất toại, Bánh hóa nhiều, Kẻ mù bẩm sinh). ở đây chẳng thấy diễn từ nào tiếp theo cả, nhưng có nhiều câu tuyên bố được xen kẽ đó đây y trong trình thuật (cc. 4. 9- 10. 14- 1. 20-27. 40-42). Các lời đối thoại ấy chuẩn bị cho dấu chỉ, chính xác ý nghĩa của nó, và do đấy đóng vai trò của một diễn từ. Độc giả có thể hiểu được hành động khi nó tuần tự diễn ra, như lúc một người chú giải cắt nghĩa diễn tiến của một nghi lễ phụng vụ.

Phần tiếp theo của phép lạ, thay vì là lời của Chúa Giêsu, lại là một cảnh diễn ra trong Hội đồng Công tọa : người ta lên án tử hình Chúa Giêsu !

CHÚ GIẢI CHI TIẾT 

"Có một người ốm liệt, ông Ladarô" : Chúng ta chẳng biết nhân vật này ở nơi nào khác nữa, và hình như các độc giả Tin Mừng cũng không, vì ông được gọi như là em của Matta và Maria. Tuy nhiên, ông mang một cái tên tiền định mà trong tiếng Hy bá có nghĩa: "Thiên Chúa đến cứu giúp", và, đàng khác ông là bạn của Chúa Giêsu.

"Người Bêtama": Chắc chắn đây là ngôi làng mà ngày nay vẫn còn tồn tại với rnỹ danh "El Azarich" (tiếng rút từ chữ Ladarô), cách Giêrusalem quãng 2km, và là nơi người ta còn thấy ngôi mộ của Ladarô đục sâu trong đá.

"Làng của Maria và Matta chị bà" : Vì tác giả không nói gì đặc biệt về hai phụ nữ này, nên phải giả thiết là độc giả đã biết nhiều về họ. Người ta đã sớm đồng hóa họ với hai phụ nữ được nhắc đến trong lúc 10,38-42. Hình như họ có cùng một tính tình: Matta hoạt động, lanh lẹ, chủ gia đình; Maria trái lại trầm tư, chiêm niệm hơn, thường bị chị xỏ mũi. Luca không nói tên nơi xảy ra cảnh đó; cũng có thể là Bêtania lắm, nhưng chẳng có gì cho phép ta đồng hóa một cách chắc chắn nhân vật của hai câu chuyện.

"Maria là người đã xức dầu thơm cho Chúa" . Hành động này được kể lại ở thì quá khứ, vì tác giả nhìn từ thời gian biên soạn, nên sự kiện này là một sự kiện đã qua. Nhưng ông lại tướng thuật việc xức dầu ở chương 12, khi Chúa Giêsu sẽ trở về Bêtania, sau một thời gian rút vào sa mạc Ephraim. Không có gì cho phép quả quyết đây là người đàn bà tội lỗi mà Luca kể lại trong 7, 36tt.

"Chúa Giê-su yêu mến Matta cùng em bà và Ladarô": Câu này đính chính một lối giải thích sai lầm có thể có, dựa trên sự kiện Chúa Giêsu hãy còn nán lại thêm hai ngày nơi Người đang ở, dù đã nghe tin Ladarô đau liệt.

"Ngày không phải có 12 giờ sao" : Dù có vẻ tượng hình và hai bí nhiệm, câu trả lời của Chúa Giêsu thật rõ ràng. Bao lâu chưa đến giờ hoàng hôn? bấy lâu chưa có gì phải sợ ; người ta có thể an toàn bước đi cho đến hết thời hạn 12 giờ của ngày. Nói cách khác, Người phán cùng các môn đồ vốn đang kinh hãi khi thấy Người lên Giêrusalem đáng sợ trước, chưa đến giờ nguy hiểm đâu!".

"Và chúng ta cũng hãy đi qua đế chết với Người" . Ngược lại với lối giải thích thông thường, hình như chữ với Người" ám chỉ Ladarô, vì người ta vừa mới nói trong câu trước đó là Ladarô đã chcÚt và Chúa Giêsu đã kết luận: chúng ta hãy qua gặp ông ấy Trong trường hợp này, Tôma nói cách đơn sơ: nếu Người muốn đi bất cứ giá nào, thì chúng ta hãy tháp tùng theo để chung số phận với Lađarô là kẻ đã chết. 

"Đã được chôn 4 ngày rồi ": Vì khí hậu ở phương đông, nên người chết được chôn trong cùng ngày chết (Ga 11, 39 ; Cv 5, 6). Chữ "4 ngày" có một tầm quan trọng trong trình thuật người Do thái thời Chúa Giêsu tin rằng trong 3 ngày đầu tiên, hồn vía hãy còn lảng vảng bên thây ma; chỉ từ ngày thứ tư, lúc thây ma bắt đầu thối rữa, chúng mới bỏ mà di. Ngày thứ 4 là ngày chết thực sự.

"Ta là sự sống lại". Mấy chữ "và là sự sống" bị P45 cũng như một số thủ sao của truyền thống latinh và syria-sinai cũ xóa bỏ, cả Origène và Cyprien thỉnh thoảng cũng thế. Nhưng tất cả các thủ sao và các bản dịch khác đều giữ lại. Thành ra không có lý do gì để duy trì lối đọc vắn của BJ.

"Hãy cởi ra cho ông ấy". Đối với Ladarô, phải lăn hòn đá, cởi dải liệm; còn khi Chúa Giêsu phục sinh, các phụ nữ nhận định một sự kiện đã rồi: đá được lăn đi, các cuộn băng nằm dưới đất, còn khăn liệm được xếp lại ở một nơi riêng (20, 1 -7). Các thiên sứ chỉ đứng đó để giúp các môn đồ ý thức sự kiện mà thôi.

"Nhiều người Do thái ...đã tin vào Người" : Gioan không bảo bấy giờ Ladarô thế nào, cũng chẳng nói đến sự thán phục của các chứng nhân. Ông đưa ta đến điểm cốt yếu: nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu. Đó là điều mà tác giả Tin Mừng mời gọi ta.

KẾT LUẬN

Chúng ta đã ghi nhận việc nhấn mạnh đến đức tin trong Tin Mừng thứ tư, sự căng thẳng tăng dần theo các chương giữa Chúa Giêsu, Đấng tự mặc khải chính mình trong các việc làm, và lòng cứng tin của người Do thái. Giai thoại hôm nay thường xuyên nhắc đến đức tin. Động từ "tin" được dùng 8 lần để chỉ việc con người đáp trả khi thấy vinh quang Thiên Chúa. Ladarô đã chết và được an táng từ 4 ngày rồi. Người Do thái hình như hoài nghi quyền năng của Chúa Giêsu. Matta và Maria thì nói với Người: nếu Thầy đã ở đây ...". Chứng cớ dứt khoát và không thể chối cãi mà người Do thái đòi hỏi (10, 24) giờ đây được ban cho họ. Ai có quyền trên sự sống, nếu không phải là chỉ mình Thiên Chúa? Chúa Giêsu làm phép lạ "để họ tin" rằng Chúa Cha đã sai Người. Như thế chấm dứt sứ vụ của Chúa Giêsu giữa người Do thái. Dấu chỉ này mặc khải một lần thay cho tất cả Chúa Giêsu là ai. Vì thế người Do thái đã lên án tử hình Người. Đối với Gioan, cuộc Tử nạn bắt đầu ngay sau phép lạ này với cuộc nhóm họp của hội đồng Công tọa và việc xức
dầu ở Bêtania, dấu chỉ khâm liệm Chúa Giêsu. Chính phép lạ chuẩn bị điều đó. "Bệnh này ... phải được nhằm để tôn vinh Con Thiên Chúa". Việc phục sinh Ladarô là dấu chỉ của thực tại sẽ diễn ra trong các chương kế tiếp vậy.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG 

1. Trong thời đại chúng ta, nhan nhản những dấu chỉ của sự sống và sự sống lại, chẳng hạn việc hồi sinh con người mà chúng ta đã từng mục kích nhiều lần qua các cuộc chúa bệnh thành công, là những dịp cho thấy cơ thể nhân loại có một sinh lực mãnh liệt chừng nào. Và ta phải nói gì về cuộc chiến thắng lạ lùng của sự sống trên sự chết như là việc sinh sản, rồi việc phát triển con người nên vóc trưởng thành? Trong các thành công về kỹ thuật, nhà bác học đã vượt qua nhiều khó khăn mà trước đây không thể khắc phục. Trong các lựa chọn dứt khoát, mỗi người chúng ta đều đã lướt thắng các cám dỗ bi quan, thất vọng. Tất cả chỉ vì trong con người có một khát vọng sống, có một động lực không ngừng thúc đẩy đi lên. Nhưng đồng thời trong nhân tính chúng ta có một cái gì đó đã bị đổ vỡ. Cái chết bắt chúng ta đương đầu với một giới hạn có thể bẻ gãy chúng ta. Gioan gợi lên nỗi thất vọng, sự ê chề của kinh nghiệm, các giới hạn của con người. Những câu Chúa trả lời: "Hỡi Ladarô, hãy đi ra" mời gọi tất cả lướt thắng các giới hạn đó. Bằng giáo huấn, cuộc sống, cái chết và sự sống lại của mình, Chúa Giêsu cho thấy Người có thể khơi dậy sinh lực nào trong con người. Nhưng Người chỉ hành động trong những ai, khi đối diện với sự chết, biết để cho sức mạnh Thần khí đến "lay tỉnh" mình dậy.

2. Sự can thiệp của Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa không phải là một Đấng vô biên xa vời, dửng dưng với tạo vật. Thiên Chúa đã nhập thể trạng một trái tim con người, Ngài cũng muốn có khả năng cảm xúc, bồi hồi, xót dạ? "Chúa Giêsu xao xuyến tâm thần". Ngài cho thấy mình cũng chạnh lòng trước số mệnh thế nhân. Người yêu thương các bạn hữu với tình âu yếm. Bởi đấy Người ra tay uy quyền cho Ladarô sống lại.

3. Hãy lưu ý đến lời Matta đáp trả câu hỏi của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: "Con có tin điều đó không?" nghĩa là có tin rằng kẻ tin vào Ta sẽ sống mãi và không bao giờ chết chăng. Người hỏi Matta về một điều gì có, về niềm xác tín được sống của bà. Matta đã trả lời nhắm vào con người Chúa Giêsu. Bà không đáp: "Vâng, con tin rằng con sẽ không chết, nhưng "Con tin Thầy là Chúa Kitô, Con 'Thiên Chúa". Chắc hẳn vì lời tuyên xưng đức tin đó (mà các môn đồ chừng nghe) mà Chúa Giêsu tuyên bố với các sứ đồ của Người, khi đến Bêtama, rằng Người đã vui mừng hoan lạc. Chúa Giê-su đã muốn có giai thoại phục sinh Ladarô để các chứng nhân tin Người là Đấng được Chúa Cha sai đến. Điều đó cho ta thấy niềm tin của Kitô hữu không phải là niềm tin vào các sự vật, dù là vào một thế giới được tái lập trong sự công chính nguyên thủy, nhưng là niềm tin vào con người Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Niềm tin vào Chúa Giêsu tuyệt đối ưu tiên, sau mới đến những điều khác.

4. Sở dĩ Chúa Giêsu phục sinh Ladarô, là vì người là Lời sáng tạo của Thiên chúa Tuy nhiên Người cũng sắp chết. Chúa tể sự sống sắp lụy phục tử thần ... và đối thủ của người sẽ không quên nhấn mạnh nét mâu thuẫn đó trong sự nghiệp của Người: "Nó đã cứu được kẻ khác mà không thể cứu nơi chính mình". Nhưng Chúa Kitô đã chẳng muốn cứu lấy một mình mà thôi. Khi mặc lấy thân phận con người chúng ta cho đến cái chết, lời sự sống của Người không còn ở ngoài chúng ta nữa. Người chiến thắng tử thần qua cái chết. Như thế, Người đã cứu rỗi tất cả nhân loại cùng với chính bản thân Người.

5. Hoạt động của con người bị hạn chế và thượng thất bại. Song các giới hạn và thất bại này không thể triệt hạ sự tự do của kẻ tin vào Chúa Kitô. Cái chết đặt một giới hạn rõ rệt cho sự sống của con người, nhưng đức tin của Kitô hữu vượt qua giới hạn đó. Người Kitô hữu đã ở bên kia cái chết. Chắc chắn, sự chiến thắng cái chết mà Chúa Kitô đạt được cho ta không miễn cho ta chết như Người. Kitô hữu không phải là kẻ giảm thiểu hay đánh bóng sự chết. Đối với họ cũng như đối với Ladarô, cái chết không thơm tho gì. Và chẳng có hương thơm (thánh thiện hay đạo đức nào) có thể ru ngủ sức kháng cự của con người đối với cái chết. tuy nhiên Kitô hữu tin tưởng vào Thiên Chúa như Chúa Kitô đã tin tưởng vào Chúa Cha, vì biết rằng Ngài luôn nhận lời mình xin. Ngài là vị Thiên Chúa hằng yêu con người và muốn con người sống để tôn vinh Ngài. Tin vào tình yêu Thiên Chúa tỏ hiện trong Chúa Kitô tức là đã phục sinh và đã được bảo chứng sẽ sống mãi.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập29
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay7,054
  • Tháng hiện tại121,753
  • Tổng lượt truy cập13,137,006
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây