THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Chú Giải Tin Mừng - Chúa Nhật XV Thường Niên A

Thứ bảy - 11/07/2020 20:30
Tin mừng Mt 13: 1-23: Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về người gieo giống đi gieo lúa, để dạy rằng cũng một Lời Chúa rao giảng nhưng sinh những hiệu quả khác nhau là tuỳ theo thái độ đón nhận của các tâm hồn...
Chú Giải Tin Mừng - Chúa Nhật XV Thường Niên A
 CHÚ GIẢI TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN A

 
NGÀY 12/07/2020
 


Tin mừng Mt 13: 1-23
Học viện Piô Giáo hoàng - Chú Giải
DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG
CÂU HỎI GỢI Ý

1 Tại sao Chúa Giêsu nói bằng dụ ngôn ở lúc này trong Tin Mừng?

2. Hai nhóm cử tọa khác nhau: các đám đông (13, 3- 33) và môn đồ (13, 37- 52) đại diện cho ai? Tại sao Chúa Giêsu giảng bằng dụ ngôn (13, 10- 17)? Người nói như thế với ai và ai được ban cho khả năng hiệu thứ ngôn ngữ đó? ở đây "hiểu " có nghĩa là gì (13, 1.14. 15. 19. 23. 51)?

3. Câu chuyện được kể phải chăng là một sự kiện thông thường nào đó hay là lời loan báo một biến cố duy nhất. Đâu là ý nghĩa mạo từ "người' gieo giống (le semeur chứ không phải "một" người gieo giống, un semeur)?

4. Đâu là tâm điểm của tính thuật?

Mùa gặt hái? Nếu thế thì đây có phải là một dụ ngôn làm nổi bật sự tương phản như dụ ngôn hạt cải không (Mt 13, 31)? Nhưng phải chăng người ta nói về mùa gặt? Các loại đất? Có bao nhiêu loại? Chúng có giá trị tự nội không? hay chỉ có giá trị nhờ được mô tả như thế? Sự kế tiếp của chúng có tính cách thời gian như thể thất bại phải đi trước thành công không?

5. Đâu là giáo huấn của dụ ngôn này? Phải chăng là lời Chúa Giêsu gián tiếp công nhận mình thất bại trong việc rao giảng? Là lời mời gọi trở nên mảnh đất tốt? Là một liên hệ giữa sự tiến triển của Lời hay của Vương quốc với phẩm chất của các tâm hồn?

1.Chúa Giêsu mặc khải bằng dụ ngôn câu chuyện của Người và câu chuyện của chúng ta. Bản văn chia làm ba phần rõ rệt: Chính dụ ngôn người gieo giống (cc.3b- 9), các lý do khiến Chúa Giêsu nói bằng dụ ngôn (cc. 10- 17) và lời giải thích dụ ngôn người gieo giống (cc. 18- 23).

2. Phần dụ ngôn đúng nghĩa có lẽ thuộc truyền thống cổ xưa nhất về lời rao giảng của Chúa Giêsu. Cách hành động của người gieo giống xem ra coi thường các quy tắc trồng tỉa khôn ngoan; nhưng chúng ta hãy biết rằng tại Palestin, thời Chúa Giê-su, người ta gieo vãi trước khi cày bừa; thành thử vì chủ ý chứ không vì chểnh mảng mà người nông phu gieo giống trên đường đi và trong bụi gai, bởi vì sau đó lưỡi cày sẽ cày tất cả và đồng thời chôn vùi hạt giống. Còn nơi đá sỏi, ông ta khó lòng mà tránh được trên một mảnh đất cằn cỗi như thế. Để quán triệt dụ ngôn trong ý nghĩa nguyên thủy của nó, ta phải bỏ qua lời giải thích tiếp theo sau; vì lời này che dấu ý nghĩa cánh chung và đã biến dụ ngôn thành một bài huấn dụ cho các tân tòng khi xê dịch trọng tâm của nó để nhấn mạnh và phương diện giáo lý. Vì ta thấy sau phần miêu tả dài dòng việc gieo vãi, thình lình tác giả gợi lên cảnh mùa gặt, biểu tượng thường được dùng để nói về việc vương quốc Thiên Chúa đến (Is 9, 2; Ge 4, 13; Tv 126, 6 v.v...). Thiên Chúa xem ra gieo vãi Vương quốc của Ngài giữa loài người một cách luống công, nhưng từ những bước đầu ít hứa hẹn đó, đột xuất một vụ mùa phì nhiêu. Cho nên đây đúng là lời mời gọi thắng vượt nỗi hoài nghi và chán nản để tin tưởng và hy vọng dù gặp cảnh huống nào: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe " (c.9).

3. Các câu 10-15 làm thành một khối riêng biệt; chúng bàn về việc Chúa Giêsu giảng dạy bằng dụ ngôn và không liên hệ trực tiếp với dụ ngôn vừa kể. Trước câu hỏi của các môn đồ: "Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ" (c.10), Chúa Giêsu cho một câu trả lời đầu tiên (c. 11- 12): Người nói với dân chúng bằng dụ ngôn là vì chỉ có các ông mới được ban khả năng hiểu các mầu nhiệm Nước Trời , còn ai chẳng phải là môn đồ thì không được (hiểu ngầm: Thiên Chúa) ban cho điều ấy.

Việc nại đến một ý định của Thiên Chúa như vậy tìm thấy lời giải thích ở c. 12: "Vì kẻ có thì sẽ được cho thêm mà nên dư dật; còn kẻ không có thì điều có cũng bị giựt mất". Nói như thế, một muốn đưa vào ý tưởng này là: nếu Thiên Chúa không cho hiểu dụ ngôn, thì những kẻ không hiểu chính họ phải chịu trách nhiệm, vì Ngài chỉ ban cho ai có; thành thử vì họ không có nên Ngài chẳng cho. Như nhiều lời khác của Chúa Giê-su lời này thật đơn giản và quyết liệt; trước khi trích dẫn ngôn sứ Isaia, Người xác nhận trách nhiệm của dân Do thái. Việc vương quốc đến trong bản thân Người bó buộc phải quyết định dứt khoát; nó gây nên sự phân biệt rõ ràng giữa mọi người khác với môn đồ: kẻ có, tức kẻ tích cực đón tiếp Vương quốc, thì khêu gợi lòng quảng đại của Thiên Chúa một cách nào đó và thấy mình được thỏa mãn dư dật; kẻ không có, tức kẻ khép kín trước hồng ân Thiên Chúa và lì lợm chối từ, thì bị tước đoạt mất hết, kể cả cái nó có, và như vậy trở thành trắng tay.

Nơl câu 13, Chúa Giêsu đưa ra câu trả lời thứ hai để minh xác ý nghĩa câu trả lời đầu tiên. Người nhắc lại vấn nạn của c. 10: "Bởi thế mà Ta dùng dụ ngôn nói với họ: vì họ nhìn mà không nhìn, và nghe mà không nghe, không hiểu". Người đưa ra lý do tại sao nói bằng dụ ngôn: vì thính giả không có thái độ san sàng. Các câu 14-15 biện minh lời xác quyết vừa nói bằng cách trích dẫn Is 6, 9-10, là sấm ngôn mà giờ đây được hoàn tất. Sấm ngôn lật tẩy lý do sâu xa đui điếc của thính giả Chúa Giêsu: "Vì lòng dân này đã ra chai đá, chúng đã bịt tai, đã nhắm mắt, vì sợ mắt thấy được, tai nghe được, lòng hiểu được mà trở lại, và Ta lại chữa chúng lành".

Các câu 16-17 sau đó giải thích tại sao các môn đồ lại hiểu được mầu nhiệm Vương quốc: "Phần các con, mắt các con có phúc vì thấy, tai các con có phúc vì nghe". Hạnh phúc của môn đồ hệ tại ở khả năng thấy và nghe, trong lúc dân chúng lại không thể nghe, thấy được.

4. Nếu nghiên cứu kỹ lưỡng, ta sẽ thấy lời Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn rất khác biệt với chính dụ ngôn về nội dung cũng như về hình thức, nên ngày nay người ta thường cho đó là một sáng tác của Giáo Hội sơ khai (tuy nhiên nhiều nhà chú giải nổi tiếng như H.Riesenfeld, R.E.Brown, L.Cerfaux, M.Didier, A.George... vẫn nghĩ rằng lời giải thích ấy bắt nguồn từ Chúa Giêsu nhưng đã được thích nghi với hoàn cảnh của Giáo Hội sơ khai). Trong lời giải thích, Chúa Giêsu tổng hợp hai hình ảnh: hình ảnh Lời Chúa như hạt giống và hình ảnh con người, thửa đất của Thiên Chúa. Xét về ngữ vựng, chúng ta gặp nhiều thành ngữ không có trong các Tin Mừng, nhưng lại khá đầy rẫy trong các sách khác của Tân ước, đặc biệt trong các thư Phaolô. Ví dụ hạn từ Lời, được cộng đoàn Kitô hữu dùng trong một nghĩa chính xác để chỉ Tin Mừng (Cv 6, 7; 12, 24; 17, 11, 19, 20; 1Tx 1, 6; 2, 13; 2 Cr 11, 4; Cl 1, 6s; Gc 1, 21). Hầu như chắc là trong lời giải thích dụ ngôn, người gieo giống không còn được đồng hóa với Thiên Chúa như nguyên thủy nữa, nhưng là với chính Chúa Giêsu, Con Người, Đấng gieo giống trong cánh đồng thế gian và lòng người qua việc rao giảng của các môn đồ.

Nhất là hãy ghi nhận: lời giải thích không lưu tâm tới ý nghĩa cánh chung của dụ ngôn như ta đã nói ở trên, nó chẳng lôi kéo chú ý đến sự nẩy mầm phì nhiêu chắc chắn của hạt giống trước bao khó khăn, nhưng đến phẩm chất của mảnh đất đựoc gieo vãi, nghĩa là đến sự cần thiết phải có một lời đáp trả quảng đại của con người đối với Lời. Sau cùng hãy ghi nhận điều này: trong lúc trong dụ ngôn, lề đường, các nơi sỏi đá, bụi gai, đất tốt chẳng được mặc một ý nghĩa đặc biệt nào cả, thì những lời Chúa Giêsu giải thích, chúng lại được cắt nghĩa theo kiểu ẩn dụ, nghĩa là mỗi một nét đều coi như tương ứng với một thái độ nhất định về phía thính giả Lời Chúa.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

"Người lấy dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều: Mt thường dùng động từ nói (lalein) khi Chúa Giêsu thốt ra các dụ ngôn; vì đây không còn là rao giảng (kêrussein), là loan báo công bố Nước Trời, nhưng là giáo huấn yề Nước đó. Một kiện quan trọng: giáo huấn này được ban bố cho các đám đông nhưng chỉ có các môn đồ là hiểu được. Đây không phải một giáo huấn bí truyền dành riêng cho một nhóm người được khai đạo như trong phái Essêni, cũng chẳng phải là các chân lý tổng quát mà quần chúng có thể đồng hóa trực tiếp, song là các dụ ngôn được đưa ra cho hết thảy mọi người. Trong hy ngữ, danh từ parabolô dịch chữ hy bá mâshâl là tiếng chỉ mọi loại giáo huấn dưới hình thức so sánh, nhiều khi khó hiểu: người ký lục "cố moi ra nghĩa bí ẩn của các câu ví, lăn lộn với những câu thai của dụ ngôn" (Hc 39, 3). Tư tưởng của ba Tin Mừng nhất lãm là: Việc Chúa Giêsu chọn hình thức giảng huấn cho quần chúng là một điều đáng ngạc nhiên.

"Này người gieo giống đi ra": Dù ít được khai triển hơn chủ đề mùa gặt, chủ đề gieo giống cũng được Cựu ước biết đến (Hs 2, 25; Gr 31, 27; Dcr 6, 12- 13). Ở đây dụ ngôn kể lại một sự kiện đã xảy ra; mọi động từ đều ở thì aoriste; không có vì cho thấy đó là một quá trình phi thời gian. Kỳ thực, Chúa Giêsu loan báo một biến cố cánh chung: thời sau hết đã bắt đầu, Thiên Chúa đã gieo Hạt giống của Người (Chúa Giêsu) trên trái đất. Từ đây điều quan trọng là cái kết quả cuối cùng của việc gieo giống đó.

Các câu 4- 8 thật khó chú giải. Dụ ngôn nhấn mạnh trên điểm nào, trên thất bại tạm thời của việc gieo vãi hay trên thành công tối hậu? Nếu nhấn mạnh đến sự thành công là biến dụ ngôn thành một lời khích lệ: giờ Thiên Chúa đã đến và cùng với giờ đó là cả một vụ mùa phì nhiêu không thể tưởng; dù thất bại và bị chống đối, Thiên Chúa vẫn làm xuất hiện từ những bước đầu chẳng mấy hy vọng đó một chung cục huy hoàng vĩ đại như Ngài đã hứa (Jeremias). Lối giải thích này đặc biệt dựa trên câu cuối cùng là câu nói đến năng suất 100, 60 và 30 một năng suất coi như khổng lồ, so với các con số Dalman đưa ra, theo đó thì năng suất trung bình thường khoảng 7, 5).

Nhưng lối giải thích này đụng phải một vài khó khăn:

1/ Một sử gia về kinh tế, K.D.White ("The Parable of 'the Sower", JTS 15~1964) 33-37-bài báo đã.được Léon-dufour trích dẫn), cho thấy cách tính của Dalman vô giá trị năng suất 100 hay 400 trên 1 không có gì lạ lùng, vì vẫn thấy có trong vùng Giléad, gần Gadara chẳng hạn.

2/ Nếu Mt muốn nhấn mạnh đến sự phong nhiêu của mùa gặt, có lẽ ông đã nhấn mạnh theo chiều đi lên (30, 60, 100) thay vì đi xuống (100, 60, 30), vì như thế sẽ phá vỡ tính cách lạc quan của dụ ngôn và làm yếu đi bài học tín thác mà ông muốn đưa ra.

3/ Trong 5 câu của dụ ngôn, đã có 4 câu mô tả sự thất bại trong việc gieo vãi; nơi lời giải thích dụ ngôn, cũng tương đương như vậy.

4/ Việc nhấn mạnh đến các thất bại của người gieo giống ăn khớp hơn nhiều với văn mạch chung của các chương ấy trong Tin Mừng Mt, đặc biệt hai chương 11- 12 miêu tả phong trào chống đối ngày càng đi lên trước các việc quyền năng trong các chương 8- 9.

Thành thử xem ra phải đọc lại dụ ngôn trong viễn ảnh này. Dĩ nhiên nó không tuyệt đối loại bỏ lối chú giải "lạc quan" (Jeremias, G.Dehn v.v...) vì quả thực hành động của Đấng Messia sẽ khải hoàn vinh thắng cách bất ngờ. Nhưng vì các người đồng thời của Chúa Giêsu liên kết (cách tự nhiên) Đấng Mêssia với thành công, nên đấy chắc không phải là khía cạnh Người muốn nhấn mạnh trong các dụ ngôn của Người. Điều làm nên "mầu nhiệm vương quốc", mầu nhiệm mà chỉ một nhóm nhỏ gồm các người bé mọn" mới có thể hiểu, chính là việc Đấng Messia chỉ thành công sau khi đã gặp thất bại. Do đó có thể tóm kết ý nghĩa của dụ ngôn như sau: Như người gieo giống (xứ Palestine) chỉ thành công sau khi trải qua biết bao khó khăn trở ngại, thì cũng vậy, Nước Thiên Chúa do Chúa Giêsu khai dựng chỉ có thể thiết lập sau khi đã trải qua nhiều thất bại ê chề. Và chính đó là điều mà người Biệt phái cũng như đám đông không thể "hiểu ".

"Đã ban cho các con biết những mầu nhiệm Nước Trời": Trong các Tin Mừng, chỉ ở đây mới có thành ngữ "mầu nhiệm Nước Trời". Theo văn mạch của đoạn văn, thành ngữ này ám chỉ nhiệm cục của Thiên Chúa theo đó việc khai mạc Nước Trời được thực hiện xuyên qua các thất bại và thử thách của Chúa Giêsu. Hình thức parfait của động từ cho biểu lộ đây là sự hiểu biết mà các môn đồ đang có bây giờ, vì trong quá khứ nó đã được ban cho họ, nhờ và trong sự hiểu biết Chúa Giêsu; đây không phải là một mặc khải đặc biệt được thêm vào kiến thức của họ về Chúa Giêsu từ trước. Khi chấp nhận trở thành ké "bé mọn", khi đặt niềm tin vào Chúa Giêsu mà họ đang thấy (dưới những khía cạnh nhiều khi rất đáng ngạc nhiên), họ đi vào mầu nhiệm Nước Trời, mà Chúa Giêsu là tâm điểm và là chìa khóa giải thích.

"Vì kẻ có thì sẽ được cho thêm": Ai biết ngoan ngoãn khiêm nhu và rộng mở lòng mình đối với Thiên Chúa, sẽ được ban cho ơn hiểu biết dồi dào về mầu nhiệm của Ngài; nhưng kẻ nào chỉ khư khư nắm giữ các quan niệm chật hẹp và quá nhân loại về Thiên Chúa, sẽ bị cất mất cả cái điều mà họ tưởng đang có; ngày phán xét, họ sẽ bị tước đoạt tất cả.

"Mắt các con có phúc...": Lời trích dẫn Isaia trong câu trước nói tới những kẻ nhìn và nghe mà không hiểu. Để theo đúng lối tương phản Chúa Giêsu muốn, phải chú giải mối phúc này như sau: các con có phúc không những vì đã nhìn và nghe cái mà mọi người đều nghe và nhìn. (Nghĩa là bản thân Ta và các công việc của Ta), nhưng còn nhìn và hiểu nữa.

"Vậy các con hãy nghe dụ ngôn người gieo giống": Lời giải thích dụ ngôn đi theo một hướng hơi khác với hướng của dụ ngôn (đó là điểm mà, ngoài một số sự kiện liên hệ đến ngữ học làm ta tin rằng đây là một kiểu chú giải khuyến thiện do Giáo Hội sơ khai đưa ra, nhưng giả thuyết này không được chứng minh). Trong dụ ngôn, chính sự kiện gieo giống, nghĩa là hành động của Thiên Chúa trong lời rao giảng của Chúa Giêsu, nằm hàng đầu. Trong khi ở phần giải thích, đó lại là cách thế đón nhận Lời, là khía cạnh chủ quan, là lời đáp trả của mỗi người. Tâm điểm đã bị xê dịch: từ một giáo huấn về mầu nhiệm của một Đấng Messia chịu thất bại về phương diện nhân loại người ta đi sang việc khuyến cáo đề phòng, sang lời huấn dụ hãy biết đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Dù sao, giữa dụ ngôn và lời giải thích, không có đối nghịch mà chỉ có khác biệt về trung tâm phải nhấn mạnh thôi.

KẾT LUẬN

Khi nghe dụ ngôn này, quần chúng có thể nhận ra mình trong ba loại đất cằn cỗi kia, và đi từ suy tư đó, họ có thể hồi tâm lại, mặc những tâm tình xứng hợp để hiểu (vì ánh sáng nửa vời của dụ ngôn vẫn là "một ân huệ, một lời mời gọi hãy cầu xin nhiều hơn và nhận lãnh nhiều hơn " chú thích của BJ). Còn các môn đồ vừa được chất vấn vừa được trấn an: được chất vấn để trở nên mảnh đất tốt hầu sinh hoa quả đến mức tối đa, và được trấn an nhờ việc Chúa Giêsu hoàn toàn làm chủ tình thế: Người ý thức các thất bại của mình và cho thấy chúng đã được tiên liệu trong kế hoạch của Thiên Chúa. Dụ ngôn cỏ lùng tiếp liền dụ ngôn người gieo giống loan báo các thất bại đó sẽ không ngăn cản nổi chiến thắng dứt khoát của Thiên Chúa trong ngày mùa sau hết.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1.Biết bao chính nhân và ngôn sứ Cựu ước, quảng đại và sẵn sàng hơn ta, đã suốt đời trông chờ sự mặc khải đã ban cho ta, mà không được. Họ mong ước nghe, thấy điều ta nghe thấy, nhưng không có gl được ban cho họ cả. Còn chúng ta ngày nay được Chúa tỏ lộ cho "các mầu nhiệm Nước Trời " qua tiếng nói của Giáo Hội.

2. Chúa Kitô đến đảo lộn lịch sử thế giới bằng cách gieo vào đó hạt giống Lời Người. Thế giới này trước kia cằn cỗi và đông ngóng ơn cứu độ, bây giờ có thể trở thành phong nhiêu và sinh được hoa trái. Cũng thế, Lời Chúa mà ta nghe mỗi Chúa Nhật phải đến đảo lộn cuộc đời của ta, kéo nó ra khỏi vùng sa mạc cằn cỗi, để làm nó đơm hoa trong các việc thiện và trong niềm vui.

3.Đôi khi ta giống như con đường trong dụ ngôn: nhận lãnh nhiều dấu chỉ của Chúa, nghe nhiều lần lời Tin Mừng, nhưng lời đó chẳng nói gì với ta, ta như người không hiểu.

4. Trái lại nhiều lúc khác ta nghe và vui vẻ đón nhận lời Tin Mừng, nhưng giống như vùng đất sỏi đá của dụ ngôn. Lời Chúa chạm đến ta như một luồng sáng, như một điều hiển nhiên, như một ao ước thực hiện ngay tức khắc. Nhưng trước khi ta bắt tay hành động, thì các trở ngại đã đến chồng chất, dù đôi khi không quan trọng mấy. Vì lời chế giễu của một người thân, vì nể nang kẻ khác mà tất cả tan tành như mây khói.

5. Cũng có khi ta đã bắt đầu sống thực một lời Tin Mừng khó khăn nào đó. Nhưng các trách vụ, các lo lắng thường nhật, đời sống xã hội với những yêu sách trần tục của nó đã làm ta chỉ trung tín trong chốc lát. Và lời Chúa đã thành phụ tùy.

6.Thỉnh thoảng ta là mảnh đất tốt, và rất lâu, có lẽ trong nhiều năm ta cảm nghiệm được niềm vui sâu xa được trọn vẹn thuộc về Chúa và anh em. Đó là một ân huệ lớn lao, ta phải khiêm tốn cầu xin mỗi ngày.

7. Mảnh đất tốt là những người, như các môn đồ, tín thác vào Chúa dù Lời Ngươi gặp nhiều thất bại nhất thời như. Giáo Hội bị bách hại, một số linh mục sống bê bối, nhiều Kitô hữu ít sống Tin Mừng, tội lỗi của bản thân ta, những cám dỗ thường trực thúc giục ta sống đời ích kỷ.

8. Có nhiều dị biệt trong việc hiểu Lời Chúa. Tất cả những kẻ đạt đến đức tin không nhất thiết đạt đến sự trưởng thành Kitô giáo của người môn đồ đích thực của Chúa Giêsu. Đức tin có thể coi như mầm kiến thức và khôn ngoan của- Thiên Chúa. Nhưng chính mức độ yêu thương và từ bỏ của mỗi người chúng ta mới quyết định mức độ thâm sâu mà Thiên Chúa đưa ta vào tròng lãnh vực thâm giao với Ngài.

9. Không ai có thể xét đoán sự phong nhiêu của kẻ khác. Nào ai biết được bề trong các trở ngại mà người bên cạnh gặp trong cuộc: sống Kitô hữu của họ (chim trời, Satan, gai góc, mặt trời. nóng cháy của dụ ngôn)? Biết đâu khi gặp cùng một khó khăn như thế, chính ta lại cằn cỗi hơn...

10. Niềm vui vỡ bờ của môn đồ Chúa Giêsu là biết rằng: dù gặp trở ngại, Lời Chúa cuối cùng sẽ chiến thắng trong các tâm hồn và làm phát sinh một vụ mùa phì nhiêu. Trong lúc chờ đợi mỗi người hãy tìm cách sống Lời Chúa trong chính cuộc sống của mình.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay6,509
  • Tháng hiện tại86,177
  • Tổng lượt truy cập15,086,773
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây