Trong buổi tiếp kiến sáng nay tại đền thờ Thánh Phêrô 13/11/2013, Đức Thánh Cha tiếp tục khai triển đề tài trong phần cuối của Kinh Tin Kính : "Tôi tuyên xưng có một phép rửa để tha tội". Phép rửa tội soi sáng chúng ta từ bên trong bằng ánh sáng của Chúa Giêsu. Nhờ sức mạnh của ơn này, người chịu phép rửa được mời gọi trở thành "ánh sáng" - ánh sáng của đức tin mà họ đã lãnh nhận - cho anh em mình, đặc biệt cho những ai còn trong bóng tối và không thấy được tia sáng ở chân trời cuộc sống. Dưới đây là nguyên văn bài giáo huấn của ĐTC
Anh chị em thân mến!
Trong Kinh Tin Kính, qua mỗi Chúa Nhật, chúng ta tuyên xưng đức tin của chúng ta, chúng ta xác quyết rằng : "Tôi tuyên xưng có một phép rửa để tha tội". Đây là dữ kiện duy nhất ám chỉ cách minh nhiên về một Bí tích trong Kinh Tin Kính. Thực vậy, Phép rửa là "cánh cửa" của đức tin và của cuộc sống Kitô hữu. Chúa Giêsu Phục sinh đã để lại cho các tông đồ mệnh lệnh này : "Anh em hãy đi khắp thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu độ" (Mc 16,15-16). Sứ mạng của Giáo hội là rao giảng Tin mừng và tha tội qua Bí tích Rửa tội. Chúng ta trở lại với từ của Kinh Tin Kính. Câu nói có thể được chia thành 3 phần : "Tôi tuyên xưng"'; "Phép rửa duy nhất"; "để tha tội".
1. "Tôi tuyên xưng". Muốn nói lên điều gì? Đó là một từ ngữ long trọng, muốn ám chỉ đến tầm quan trọng lớn lao của một chủ đề, tức là Phép rửa. Vì thế, khi đọc những lời này lên chúng ta khẳng định căn tính đích thực của con cái Thiên Chúa. Thực vậy, Phép rửa là thẻ căn cước của người tín hữu, hành động sinh ra của nó, và hành động sinh ra Giáo hội. Tất cả anh chị em đều biết ngày nào mình sinh ra và mừng sinh nhật, đúng không? Tất cả chúng ta đều mừng lễ sinh nhật. Tôi hỏi anh chị em, điều tôi đã hỏi rồi, nhưng giờ tôi hỏi lại : Ai trong anh chị em nhớ ngày rửa tội của mình? giơ tay lên : rất ít (tôi không hỏi các giám mục vì không muốn làm họ xấu hổ). Nhưng chúng ta thực hiện một điều : hôm nay, khi trở về nhà, anh chị em hãy hỏi ngày anh chị em được rửa tội là ngày nào, anh chị em tìm lại, xem như đây là ngày sinh nhật thứ hai. Ngày sinh nhật thứ nhất là ngày sinh ra đời và sinh nhật thứ hai là ngày sinh ra trong Giáo hội. Anh chị em sẽ làm điều này chứ? Đây là một bài tập về nhà : Tìm ngày tôi được sinh ra trong Giáo hội, và tạ ơn Thiên Chúa vì ngày Rửa tội đã mở ra cho tôi cánh cửa của Giáo hội Người. Đồng thời, niềm tin của chúng ta trong việc tha tội được gắn liền với Phép rửa. Vì vậy, Bí tích Hòa giải hay xưng tội xem như "phép rửa thứ hai" luôn quy chiếu về cái thứ nhất để củng cố và canh tân nó. Theo nghĩa này, ngày rửa tội của chúng ta là điểm khởi đầu cho một hành trình rất đẹp, một hành trình hướng về Thiên Chúa, kéo dài toàn bộ cuộc sống, một hành trình hoán cải tiếp tục được nâng đỡ nhờ Bí tích Hòa giải. Anh chị em hãy nghĩ điều này : Khi chúng ta đi xưng thú mọi yếu đuối của mình, những tội lỗi của mình, chúng ta đến nài xin sự tha thứ của Chúa Giêsu, chúng ta đến để canh tân Phép rửa với sự tha thứ này. Điều đó thật tuyệt, nó như là mừng ngày rửa tội trong mỗi lần xưng tội. Vì thế, xưng tội không phải là ngồi trong một cái phòng tra tấn, nhưng là một bữa tiệc. Xưng tội là để cho những người đã được rửa tội! giữ sạch chiếc áo trắng của phẩm giá Kitô hữu chúng ta.
2. Yếu tố thứ hai : "một Phép rửa". Câu này nhắc lại lời của Thánh Phaolô : "Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một đức tin, một phép rửa" (Eph 4,5). Từ "phép rửa" nghĩa đen là "dìm mình". Thực vậy Bí tích này làm nên sự dìm mình thiêng liêng thực sự trong cái chết của Chúa Kitô, để nhờ đó ta được sống lại với Người như một thụ tạo mới (x. Rm 6,4). Đây là một sự tẩy rửa tái sinh và soi sáng. Tái sinh bởi nó thực hiện việc sinh ra từ nước và Thánh Thần mà nếu không có việc này thì không một ai có thể vào nước trời (Ga 3,5). Soi sáng bởi vì qua Phép rửa, nhân loại được đong đầy ân sủng của Chúa Kitô, "ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người" (Ga 1,9) và xua tan bóng đêm tội lỗi. Vì thế, trong nghi lễ chịu Phép rửa, một cây nến được thắp lên trao cho cha mẹ, đó là ý nghĩa về việc chiếu soi này; Phép rửa tội soi sáng chúng ta từ bên trong bằng ánh sáng của Chúa Giêsu. Nhờ sức mạnh của ơn này, người chịu phép rửa được mời gọi trở thành "ánh sáng" - ánh sáng của đức tin mà họ đã lãnh nhận - cho anh em mình, đặc biệt cho những ai còn trong bóng tối và không thấy được tia sáng ở chân trời cuộc sống của họ.
Chúng ta có thể tự hỏi : đối với tôi, Phép rửa là một sự việc đã qua, tách biệt trong một dữ kiện, để hôm nay anh chị em sẽ phải đi tìm, hay Phép rửa là một thực tại sống động, liên quan đến hiện tại của tôi, trong từng giây phút? Anh chị em có cảm thấy sức mạnh mà Chúa Kitô đã ban cho anh chị em bằng cái chết và sự sống lại của Người không? Hay anh chị em cảm thấy sa sút, không có sức mạnh? Phép rửa đã ban cho ta sức mạnh và ban cho ta ánh sáng. Anh chị em có cảm thấy mình được chiếu soi bởi ánh sáng đến từ Chúa Kitô không? Anh chị em có phải là con người của ánh sáng không? hay anh chị em là người bóng tối không có ánh sáng của Chúa Giêsu. Cần phải bén rễ ơn sủng của Phép rửa, vì đó là một món quà, và trở thành ánh sáng cho tất cả mọi người.
3. Điểm cuối cùng, một phác họa ngắn gọn cho yếu tố thứ ba : "để tha tội". Trong bí tích Rửa tội, tôi được tha thứ mọi tội lỗi, tội nguyên tổ và tất cả mọi tội cá nhân, cũng như mọi hình phạt của tội. Với Phép rửa mở ra cho ta cánh cửa đến một thực tế mới lạ của cuộc sống, không còn bị áp bức vì gánh nặng của khá khứ tiêu cực, nhưng cảm nhận được vẻ đẹp của Nước Trời. Có được điều đó là nhờ sự can thiệp quyền năng của lòng thương xót Chúa trong cuộc sống chúng ta, để cứu rỗi chúng ta. Sự can thiệp cứu độ này không làm mất đi yếu đuối đối với bản tính nhân loại của chúng ta - tất cả chúng ta đều yếu đuối và tất cả chúng ta đều là tội nhân - và không làm cho chúng ta mất đi trách nhiệm kêu xin ơn thứ tha mỗi lần chúng ta lầm lạc! Tôi không thể được rửa tội nhiều lần, nhưng tôi có thể xưng thú và canh tân ơn sủng của Bí tích rửa tội. Điều đó cũng giống như tôi đang thực hành Phép rửa lần thứ hai. Chúa Giêsu Đấng nhân lành không bao giờ mỏi mệt để thứ tha cho chúng ta. Thậm chí khi cánh cửa do Phép rửa đã mở ra cho chúng ta để gia nhập Giáo hội bị khép lại một chút, do bởi những yếu hèn và tội lỗi của chúng ta, thì việc xưng tội sẽ mở nó ra lại, bởi vì nó giống như Phép rửa thứ hai, tha thứ cho chúng ta tất cả và chiếu soi cho chúng ta để tiến về phía trước bằng ánh sáng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tiến về phía trước, trong hân hoan, vì cuộc sống phải được sống bằng niềm vui của Chúa Giêsu Kitô; và đó là ơn của Thiên Chúa.
Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chia sẻ nỗi buồn mất mát đối với các em nhỏ ở Đa-mát bị đạn cối bắn trúng xe, làm cho một số em và tài xế bị tử thương, khi đang trên đường đưa các em từ trường về nhà. ĐTC mạnh mẽ lên tiếng và tha thiết kêu gọi đừng để những bi kịch như vậy xảy ra thêm nữa. ĐTC cũng chia sẻ những tổn thất với dân tộc Philippine sau khi bị cơn bão Hayan tàn phá hai ngày trước kia, ngài nói : "Trong những ngày này chúng ta đang cầu nguyện và hiệp sức để trợ giúp những người anh chị em của chúng ta ở Philippine, bị bão tàn phá. Đây là những trận chiến thực sự để chiến đấu. Cho sự sống! không bao giờ cho sự chết.