THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Ở đâu không có tình yêu thì ở đó trống rỗng, và được đong đầy bằng những ích kỷ

Thứ năm - 07/11/2013 20:33

Ở đâu không có tình yêu thì ở đó trống rỗng, và được đong đầy bằng những ích kỷ

Trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 6/11 tại quãng trường thánh Phêrô, tiếp theo đề tài sự hiệp thông của các thánh, hôm nay Đức Thánh Cha tiếp tục đào sâu thêm khía cạnh khác của thực tại này đó là
Trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 6/11 tại quãng trường thánh Phêrô, tiếp theo đề tài sự hiệp thông của các thánh, hôm nay Đức Thánh Cha tiếp tục đào sâu thêm khía cạnh khác của thực tại này  đó là : Sự hiệp thông đem lại lợi ích thiêng liêng, hướng đến những điều thánh thiện. Hai khía cạnh này được liên đến cách mật thiết với nhau, và vì thế sự hiệp thông giữa các Kitô hữu được lớn lên nhờ bởi việc tham dự các thiện ích thiêng liêng. Cách đặc biệt Đức Thánh Cha nói:  Chúng ta xem xét về : các bí tích, các đặc sủng và đức ái.  (x. GLHTCG số 949-953). Chúng ta phát triển trong sự hiệp nhất, trong sự hiệp thông với các bí tích, các đặc sủng mà mỗi người có được vì Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta tất cả các ơn đó, cùng với đức ái.
 
Các bí tích không mang dáng vẻ bên ngoài, không phải là những nghi thức; nhưng các Bí tích là sức mạnh của Chúa Kitô, có sự hiện diện Chúa Giêsu Kitô trong các bí tích. Khi chúng ta cử hành Thánh lễ, trong Bí tích Thánh thể có Chúa Giêsu đang sống, chính là Người, đang sống. Người hướng dẫn chúng ta, làm cho chúng ta thành cộng đoàn, làm cho chúng ta thờ phượng Chúa Cha. Vì thế, từng người trong chúng ta nhờ bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh thể, chúng ta được tháp nhập vào Đức Kitô và hiệp nhất với tất cả cộng đoàn các Kitô hữu. Bởi đó, một đàng Giáo hội làm nên các Bí tích và đàng khác các Bí tích làm nên Giáo hội, xây dựng Giáo hội bằng cách sinh ra các con cái mới và tập hợp họ lại thành một dân tộc thánh thiện của Thiên Chúa, và củng cố điều thuộc về họ.
 
Mỗi khi gặp Chúa Kitô trong các Bí tích đem lại cho chúng ta ơn cứu rỗi, mời gọi chúng ta "ra đi" và loan báo cho người khác ơn cứu rỗi mà chúng ta đã chứng kiến, đã đụng chạm, gặp gỡ, đón nhận và nó thực đáng tin cậy bởi vì đó là tình yêu. Bằng cách này, các bí tích thúc đẩy chúng ta trở thành các nhà truyền giáo, và nhiệt thành tông đồ mang Tin mừng đến mọi môi trường, ngay cả những nơi có nhiều chống đối, tạo nên hoa trái đích thực nhất của một cuộc sống lãnh nhận bí tích liên lỉ, nhờ đó ta tham dự vào sáng kiến cứu rỗi của Thiên Chúa, là Đấng muốn ban cho tất cả mọi người ơn cứu độ. Ơn sủng của các Bí tích dưỡng nuôi trong chúng ta một đức tin mạnh mẽ và vui tươi, một đức tin biết ngạc nhiên trước những "việc kỳ diệu" của Thiên Chúa và biết chống lại các ngẫu tượng của trần gian. 
 
ĐTC ứng khẩu như sau : quan trọng là làm nên sự hiệp thông; quan trọng là các trẻ nhỏ phải được rửa tội sớm, được thêm sức. Tại sao vậy? bởi vì đó là sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong chúng ta, để nâng đỡ chúng ta. Quan trọng là khi chúng ta thấy mình tội lỗi, hãy đến với Bí tích hòa giải. "Không, thưa Cha, con sợ vì linh mục sẽ đánh đòn con". Không phải đâu, linh mục không đánh đòn bạn đâu. Nhưng ở đó Chúa Giêsu chờ đợi chúng ta, đó là Bí tích. Đó là điều làm cho toàn thể Giáo hội tăng trưởng. 
 
Khía cạnh thứ hai về sự hiệp thông với những điều thánh thiện, đó là sự hiệp thông của các đặc sủng. Chúa Thánh Thần ban phát cho các tín hữu muôn vàn ơn sủng và các ơn thiêng liêng; sự phong phú về các ơn Chúa Thánh Thần nhắm đến việc xây dựng Giáo hội. Từ đặc sủng khó hiểu một chút. Các đặc sủng là quà tặng mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta: người được món quà như thế này, người được khả năng hay tài khéo kia...  Đó là những món quà được trao ban, nó được ban cho để không bị giấu đi : Những ơn này được ban cho để chia sẻ cho người khác. 
 
Các đặc sủng không được trao ban để làm lợi cho những ai lãnh nhận nó, nhưng để đem lại ích lợi cho dân của Thiên Chúa. Trái lại, nếu như một đặc sủng, một trong các món quà này, dùng để khẳng định chính mình, thì phải nghi ngờ rằng có phải đây là đặc sủng đích thực hay là được sống một cách trung thành chưa. Các đặc sủng là những ơn đặc biệt, được ban cho một số người để thực hành điều thiện cho nhiều người. Nó là những thái độ, các linh hứng và các thúc đẩy nội tâm, ẩn kín trong lương tâm và trong kinh nghiệm con người nhất định, được mời gọi đem các đặc sủng để phục vụ cho cộng đoàn. Cách đặc biệt, những ơn thiêng liêng này dẫn đến lợi ích cho sự thánh thiện của Giáo hội và sứ mạng truyền giáo. Tất cả chúng ta được mời gọi kính trọng các đặc sủng nơi chúng ta và nơi tha nhân, đón nhận các đặc sủng như  là những khích lệ hữu ích đối với sự hiện diện và hoạt động phong phú của Giáo hội. Thánh Phaolô đã khuyến cáo : "đừng dập tắt Thánh Thần" (1 Tx 5,19). Đừng dập tắt Thánh Thần, vì Thánh Thần đã ban cho chúng ta các ơn này, khả năng này, nhân đức nọ, những điều rất tuyệt vời làm cho Giáo hội phát triển.   
 
"Đâu là thái độ của chúng ta trước các ơn của Chúa Thánh Thần? Chúng ta có nhận ra Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa tự do ban phát các đặc sủng cho những ai Người muốn không? Chúng ta có coi các đặc sủng như là sự trợ giúp tâm linh không, qua đó Thiên Chúa nâng đỡ đức tin và củng cố của chúng ta, cũng như củng cố sứ mạng truyền giáo của chúng ta ở trần gian không?
 
Khía cạnh thứ ba của sự hiệp thông những điều thánh thiện, tức là sự hiệp thông đức ái. Sự hiệp nhất giữa chúng ta làm nên đức ái là tình yêu. Từ thời các kitô hữu tiên khởi, những người ngoại đã thấy các đặc sủng và nói về chúng như sau : "Những người này thương nhau biết là dường nào! họ muốn điều thiện cho nhau biết bao! họ không thù ghét nhau, không nói xấu để chống lại người khác! nhưng là những điều tốt đẹp". Đức ái : đó là tình yêu Thiên Chúa mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta trong tâm hồn.
 
Các đặc sủng là những điều quan trọng trong cuộc sống của cộng đoàn kitô hữu, nó luôn ở giữa để gia tăng đức ái, lòng mến, điều mà thánh Phaolô đã xếp trên cả các đặc sủng (x 1 Cor 13,1-13). Vì thế, không có tình yêu, thì những ơn huệ phi thường nhất trở nên hão huyền. Nhưng người này đã chữa dân chúng khỏi bệnh : Bạn có phẩm chất này, nhân đức nọ, là chữa lành bệnh cho dân. Nhưng bạn có lòng mến trong tâm hồn không? có đức ái không? nếu có bạn hãy tiếp tục; nhưng nếu không có, bạn đừng phục vụ cho Giáo hội nữa. Vì không có tình yêu, tất cả các ơn đó không giúp gì cho Giáo hội, vì ở đâu không có tình yêu thì ở đó trống rỗng, trống rỗng được đong đầy bằng ích kỷ. Tôi hỏi anh chị em : Nếu tất cả chúng ta đây là những người ích kỷ, chỉ ích kỷ thôi, chúng ta có thể sống bình an trong cộng đoàn được không? Ta có thể sống trong bình an nếu mỗi người trong chúng ta đều ích kỷ không? Có thể hay không thể? Vâng, không thể! Vì thế đức ái là tình yêu cần thiết làm cho chúng ta hiệp nhất
 
Những cử chỉ nhỏ nhất của tình yêu đã đem lại kết quả tốt cho tất cả mọi người! Vì thế, sống tình hiệp nhất Giáo hội, hiệp thông đức ái nghĩa là không tìm kiếm tư lợi, nhưng chia sẻ những đau khổ và vui mừng của anh em (x 1 Cor 12,26), sẵn sàng mang những gánh nặng của những người yếu đuối và nghèo khổ nhất. Liên đới huynh đệ này không phải là hình ảnh cường điệu, không phải là một cách để nói, nhưng là một phần trọn vẹn của tình hiệp thông giữa các kitô hữu. Nếu chúng ta sống tình hiệp thông, chúng ta là dấu chỉ cho thế gian, chúng ta là "bí tích" của tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta là dấu chỉ cho tha nhân và cho tất cả mọi người! Đây không phải là đức ái tiền lẽ mà chúng ta có thể tặng cho nhau, nhưng là những cái sâu xa hơn : đó là tình hiệp thông mà nó đem lại cho chúng ta khả năng đi vào trong niềm vui và trong đau khổ của tha nhân để chúng ta thực hiện nó cách chân thành. Thường chúng ta rất khô khan, dững dưng và xa cách. Thay vì chúng ta truyền cho nhau tình huynh đệ, chúng ta truyền cho nhau sự bực bội, lạnh nhạt và ích kỷ. Với bực bội, lạnh nhạt, ích kỷ liệu ta có thể phát triển Giáo hội không? Ta có thể phát triển toàn bộ Giáo hội không? Không, với tâm trạng bực bội, lạnh nhạt và ích kỷ Giáo hội không thể phát triển : Giáo hội chỉ phát triển với tình yêu, bằng tình yêu đến từ Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa kêu mời chúng ta mở lòng mình ra cho sự hiệp thông với Người, trong các Bí tích, trong các đặc sủng và đức ái, để sống cách xứng đáng ơn gọi làm Kitô hữu của chúng ta.
 
 
 
 
Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ 
Nguồn tin: News.va
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://giaoxusonghinh.org là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập97
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm95
  • Hôm nay7,237
  • Tháng hiện tại195,773
  • Tổng lượt truy cập15,482,663
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây