THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng

Chủ nhật - 03/12/2017 17:09
Tin mừng Mt 8: 5-11: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm”...
Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 8: 5-11)

Khi Đức Giêsu vào thành Capharnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: "Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm”. Người nói: "Chính tôi sẽ đến chữa nó”. Viên đại đội trưởng đáp: "Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi!", là nó đi, bảo người kia: "Đến!", là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này!", là nó làm”. Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: "Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng”. Rồi Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: "Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!" Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.

Suy niệm

Theo truyền thống của quân đội Rôma, “đại đội trưởng” là chức danh dùng để gọi người đứng đầu một trăm người lính. Họ là những viên chức uy quyền tại các nước thuộc địa. 

Thời Chúa Giêsu, nước Do Thái bị đế quốc Rôma đô hộ. Vì thế, Do Thái chỉ là thuộc địa của Rôma. Những đại đội trưởng, do đế quốc Rôma đặt lên nắm quyền hành, góp phần áp đặt sự cai trị hà khắc của đế quốc trên nước thuộc địa này. 

Luật Do Thái vốn khắt khe trong việc giao tế với dân ngoại, thì lại càng khắt khe hơn với những ngoại xâm, những kẻ đang giày xéo lên mảnh đất Chúa chọn. Như vậy, người Do Thái sẽ kỳ thị và không bao giờ có bất cứ sự thân thiện nào với những đại đội trưởng.

Tuy nhiên, một vài trường hợp, những đại đội trưởng xuất hiện trong Thánh Kinh, đều cho thấy họ là những người tốt. Thánh Kinh đã không ít lần khen ngợi họ. Chẳng hạn, lúc Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, một viên đội trưởng đã tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa. Một viên đội trưởng khác đã cứu thánh Phaolô thoát khỏi hình phạt đánh đòn. Một viên đội trưởng khác nữa đã giúp thánh Phaolô thoát khỏi âm mưu giết hại của người Do Thái, v.v. 

Nổi bật hơn hết là vị đại đội trưởng trong bài Tin Mừng này. Ông vừa là người khiêm nhường trước mặt Chúa, vừa là người từ tâm, lo lắng cho người dưới quyền của mình.

Khiêm nhường: Ông đã làm phiền Chúa chữa lành cho người đầy tớ, nhưng ông đã không dám phiền Chúa hơn nữa: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm”.

Lo lắng cho người dưới quyền: Viên đại đội trưởng có một người nô lệ đang bị đau dữ dội. Bình thường, một người nô lệ chẳng là gì, chẳng có giá trị gì đối với một người làm quan như ông. Ông có thể sử dụng họ như một món đồ vật. khi đồ vật bị hư, ông có thể quăng đi, không cần bận tâm. 

Nhưng viên đại đội trưởng trong bài Tin Mừng này thì khác. Ông có lòng yêu thương người dưới quyền mình. Ông xót xa khi thấy đầy tờ đau đớn. Ông đã chạy đến Chúa, van lơn, cầu xin Chúa cứu giúp người đầy tớ của ông.
Với lòng khiêm nhường và sự lo lắng cho người dưới quyền của một đại đội trưởng, Chúa đã nhậm lời ông. Chúa chữa lành cho người đầy tớ của ông vì chính tấm lòng của ông. 

Không những nhậm lời viên đại đội trưởng, Chúa còn khen ngợi ông: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ísrael nào có lòng tin như thế”. 

Mùa Vọng, với ý hướng chờ ngày Chúa đến, mong rằng mỗi chúng ta nhìn vào niềm tin của người đại đội trưởng để làm tiêu chuẩn sống cho mình. Mỗi chúng ta hãy biết khiêm nhu trước Thiên Chúa và biết yêu mến người thân cận như Chúa dạy. Có như thế, chúng ta sẽ được Chúa yêu thương. Người sẽ nhận lời chúng ta cầu xin. Người sẽ ban ơn cứu độ đời đời cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn trao phó cuộc đời mình cho Chúa, xin cho chúng con vững tin rằng Chúa luôn hiện diện, yêu thương và mong muốn chữa lành chúng con. Và như thế chúng con được sống trong Mùa Vọng mới với đầy ý nghĩa. Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập132
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm126
  • Hôm nay22,948
  • Tháng hiện tại356,543
  • Tổng lượt truy cập13,640,917
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây