Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 11: 1-4)
1 Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông”.2 Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: ‘Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến,3 xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy;4 xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ’”.
Suy niệm
Cầu nguyện - một từ rất quen thuộc với chúng ta. Chúng ta có đạo thì việc cầu nguyện nào có xa lạ gì. Chúng ta khuyên người khác cầu nguyện và chính chúng ta cũng thực hành việc cầu nguyện, có khi chúng ta cũng cầu nguyện cho người khác. Đến những nơi hành hương, có biết bao người sốt sắng nguyện xin đủ điều. Đến giáo điểm Tin Mừng, hàng ngàn người thành tâm cầu xin; nhà thờ Đức Bà Paris cháy, người ta thấy dân chúng Paris tụ tập cầu nguyện, cảnh tượng ấy lâu rồi không thấy, thậm chí nhà thờ rộng mênh mông, nổi tiếng nhất thế giới nhưng nhiều cư dâng Paris đã lâu rồi không vào đó đi lễ, cầu nguyện, nhà thờ thành nơi tham quan, du lịch hơn là nơi thờ tự.
Một người nào đó đến gặp Chúa Giêsu để xin Chúa dạy cho cách cầu nguyện. Việc Chúa cầu nguyện đã trở thành một chuẩn mực. Chúa Giêsu cầu nguyện hằng ngày, cầu cho mọi việc. Việc này xem ra đối lập với người kia hay cũng chính là mỗi người chúng ta. Anh ta hẳn là người Do Thái, giữ truyền thống và tập tục của cha ông, đọc Thánh Kinh và cầu nguyện mỗi ngày theo truyền thống và chắc chắn cũng giữ luật ngày Sabát. Điều cuốn hút anh ta đó là cách mà Chúa cầu nguyện. Và qua lời thỉnh cầu này, Chúa chỉ cho anh cách thức cầu nguyện và nội dung cầu những gì.
Chúng ta là những Kitô hữu. Chúng ta rất siêng năng đọc kinh, chúng ta nghĩ đó là cách thế cầu nguyện. Không sao khi chúng ta suy nghĩ như thế. Tuy nhiên, chúng ta đọc không ngừng nghỉ, ngưng một chút là phải kiếm một kinh nào đó để đọc tiếp. Như một thói quan, chúng ta không để cho tâm trí ở lại trong những lời mình đọc, thành ra lời kinh của chúng ta như một cái loa phát thanh, và hay yên tâm đó là việc cầu nguyện. Hay khi có biến cố gì thì chúng ta khẩn xin tha thiết. Chúng ta cầu nguyện chỉ khi cần xin việc gì, cho mình hay cho ai. Chúng ta không cầu nguyện như một cuộc hội thoại thân mật giữa chúng ta với Chúa, chúng ta trao đổi với Ngài xem chúng ta phải làm gì, và tại sao lại như thế. Lâu ngày không đối thoại, chúng ta không biết mình phải bắt đầu từ đâu, có khi khó đối thoại.
Kinh Lạy Cha trở thành chuẩn mực. Lời đầu là lời thỉnh ý Thiên Chúa Cha. Lời xin lương thực đủ cho nhu cầu của chúng ta, lời xin cho chúng ta vị tha và xin gìn giữ chúng ta khỏi sự dữ. Chúng ta hãy ý thức lại việc cầu nguyện bằng việc đọc kinh Lạy Cha mỗi ngày với tất cả tâm tình. Từ đó mới biết phải cầu nguyện như thế nào.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết cầu nguyện, để nhờ sự cầu nguyện mà chúng con có thể dễ dàng nhận ra thánh ý Chúa và can đảm sống trong đời chúng con. Amen.