SUY NIỆM HẰNG NGÀY
THỨ NĂM TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN C
Trong cuộc đời rao giảng công khai, Chúa Giêsu không ngần ngại đối chất với Luật sĩ, Biệt phái, các đảng phái, các nhóm, cả dân sự lẫn chính trị, tôn giáo về nhiều vấn đề. Khi lời rao giảng của Người đụng chạm đến uy thế và quyền lợi của các nhóm hay đảng phái, ngay lặp tức tín mạng của Người bị đe doạ. Dân chúng nhiều lần tìm cách xô người xuống vực thẳm, giới chức tôn giáo thì nhiều lần tìm cách tố cáo Người và bắt Người. Và hôm nay chúng ta nghe thánh Luca thuật lại việc những người Pharisiêu đến báo cho Chúa về việc Hêrôđê tìm cách giết Người. Phải chăng vì lời rao giảng của Chúa trái tai nhiều giới chức, từ tôn giáo đến dân sự và chính trị?
Quả thật, lời rao giảng của Chúa đã dụng chạm đến cái thối nát của một xã hội đã trở nên rệu rã, mục nát từ trên xuống dưới. Người gọi Hêrôđê là “cáo già” vì sự nhút nhát, gian manh, chỉ lo hưởng lạc cho cá nhân mà chẳng nghĩ gì đến cho dân. Giới tôn giáo thì chỉ sống giả hình hầu che đậy sự xấu xa và việc trục lợi của họ. Nói khác đó là hình thức mại thánh. Vì thế mà không ngạc nhiên khi chúng ta thấy tầng lớp dân nghèo theo Chúa đông đảo để nghe lời giảng dạy của Người. Họ mất lòng tin vào hệ thống chính trị của Hêrôđê. Họ mất lòng tin và cả sự kiên nhẫn với giới giáo sĩ Do Thái vì sự giả hình đã hiện nguyên hình. Và chỉ còn lời rao giảng của Chúa, lời chân lý và hằng sống nuôi dưỡng niềm hy vọng của họ.
Chúa Giêsu không hề sợ hãi khi phải đối diện với sự chống đối và cả tính mạng của Người. Vì sứ mạng của Người chưa hoàn tất, nhưng cũng vì để làm chứng cho lời rao giảng của mình, không vì lợi ích của một tiên tri, nhưng vì phải nói lời Thiên Chúa, Người sẵn sàng làm chứng và chết cho lời rao giảng, miễn sao sự thật được công bố và lời ấy làm xã hội thức tỉnh và sám hối.
Lạy Chúa, nếu rao giảng giữa xã hội hôm nay, liệu lịch sử có lặp lại không! Xin Chúa cho các mục tử luôn can đảm rao giảng và làm chứng cho tim mừng của Người. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn