“Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó” (Ga 16,33). Đó là lời cảnh báo của Chúa Giêsu về thân phận của các Tông đồ và những người theo Chúa. Và sự thật đã diễn ra như vậy. Lịch sử Giáo Hội đã in đậm các cuộc bách hại. Ngay từ thời kỳ sơ khai, Giáo Hội đã trãi qua hơn 3 thế kỷ bị bách hại tàn khóc. Giáo Hội mở rộng đến đâu thì máu các anh hùng tử đạo lại đổ ra đến đó.
Giáo Hội Việt Nam cũng đã trả qua một thời gian dài bị bách hại. Một tác giả đã miêu tả cuộc bách hại đó như sau: “Trên bức tranh Công giáo của đất nước Việt Nam, 117 vị thánh tử đạo được đặt giữa một phông nền vĩ đại, đó là sự hy sinh âm thầm của cả một dân tộc, mà ngày nay chẳng thể kể hết tên, ghi hết tuổi. Hàng trăm làng mạc bị đốt phá, hàng ngàn người mất nhà, hàng triệu cuộc tra vấn, áp bức bách hại. Cơn hồng thủy máu đào không trừ bất cứ một gia đình, một cá nhân nào trong gia đình các giáo hữu. Có những làng bị đưa vào trong nhà thờ rồi thiêu sống tập thể. Có những làng phải chạy vào núi để gìn giữ đức tin. Sau hàng trăm năm của thiên niên kỷ thứ hai, họ vẫn giữ được một nửa kinh Lạy Cha, một nửa Kinh Kính Mừng… Ròng rã trong năm thế kỷ, rất nhiều lần giáo dân Việt Nam bị cấm cản, bắt bớ, giết hại vì đức tin”. (Trích từ video giới thiệu lịch sử Giáo Hội Việt Nam qua các thời kỳ).
Thế nhưng, có một điều an ủi là càng bị bách hại, thì Giáo Hội lại càng có nhiều chứng nhân làm chứng cho đức tin, và nhờ đó số người Kitô hữu càng ngày càng tăng. Còn ngày nay, chẳng ai cấm cản, chẳng ai bắt bớ, nhưng số người Kitô hữu không thể tăng mạnh được. Thử hỏi vì sao vậy? Thưa, lý do chính yếu là ngày nay đang thiếu những chứng nhân dám sống chết cho đức tin để chống lại các quyền lực tăm tối của ma quỷ và thế gian.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương các thánh tử đạo mà dứt khoát nói không với sự dữ thế gian, để nhờ đó, chúng con sẽ là chứng nhân trung kiên của Chúa trong cuộc sống hôm nay. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn