"Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
Suy niệm
Một số người Việt Nam lương dân nghĩ rằng người theo Công giáo là bất hiếu, phải từ bỏ việc cúng giỗ tổ tiên, cha mẹ. Vì thế, nhiều người không dám theo đạo Công giáo. Thực ra, việc cúng giỗ chạp là tâm tình hiếu thảo của người còn sống đối với người đã qua đời, tấm lòng của con cháu đối với ông bà. Người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng có nỗi lo lắng tương tự. Họ muốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng lại sợ làm thế là hủy bỏ lề luật của cha ông.
Tuy nhiên, thánh sử Matthêu viết Tin Mừng cho người Do Thái. Trong đoạn Tin Mừng này, ngài đề cập đến việc Chúa Giêsu dạy về việc tuân giữ lề luật. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng ban luật, Người còn như một Môsê mới, dạy bảo dân chúng tuân giữ lề luật. Và Chúa Giêsu cũng cho biết: “Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn”. Người kiện toàn để nhắc nhở dân chúng tránh giữ luật cách hình thức bề ngoài mà không có tâm tình bên trong.
Lề luật chỉ dẫn để người ta sống tốt. Tuy nhiên không thể chỉ căn cứ trên luật mà xét đoán người này lỗi luật, người kia phạm luật. Chúa “kiện toàn luật” nghĩa là Người mặc cho lề luật một góc nhìn nhân hậu, bác ái từ người xét đoán. Vì luật lệ giúp ích và thăng tiến con người chứ không phải là tiêu chuẩn để kết án một tâm hồn lầm lỗi.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết sống giới răn Chúa dạy, tránh xa tội lỗi; cũng như khi đối diện với tội lỗi và tội nhân, xin cho chúng con đừng bao giờ xét đoán nhưng luôn khoan hậu nhân từ, vì biết rằng chỉ có tình thương là tồn tại mãi. Amen
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn