SUY NIỆM HẰNG NGÀY
THỨ BẢY TUẦN THÁNH NĂM A
NGÀY 11 THÁNG 04 NĂM 2020
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 19: 38- 42)
Ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xếp này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xếp đến hạ thi hài Người xuống.39 Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương.40 Các ông lãnh thi hài Đức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái.41 Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai.42 Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó.
Suy niệm
Trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu dường như nói rất ít, trong cơn khốn quẫn, đau đớn nhất, dường như Người im lặng. Tại sao vậy?
Khi bị Caipha chất vấn về sứ mạng, ông có phải là vua dân Do Thái, là Đấng Kitô không, Chúa nói ngắn gọn:
“ông nói đúng”. Và khi Philatô hỏi câu hỏi tương tự, Chúa cũng trả lời như thế. Người không chối từ về sứ mạng và con người mình, đến để làm chứng cho sự thật, và cuộc đời Người làm chứng về điều đó, kể cả cái chết của Người cũng làm chứng điều đó.
Còn lại trước những lời phỉ nhổ, cáo gian, bao nhiêu trò hành hạ để cho Người phải tan nát thịt xương, Chúa vẫn im lặng, có chăng sự thinh lặng tuyệt đối ấy chỉ bộc phát thành lời cầu nguyện thống thiết trên thập giá:
“Ôi Lạy Cha, nhơn sao Cha bỏ con”.
Chúng ta đang sống trong một thế giới quá ồn ào, ồn ào do chính tâm hồn của chúng ta tạo ra những xáo trộn, tranh giành, những tính toán lợi lộc, những âm mưu đầy ngập. Những ồn ào của truyền thông và các phương tiện giải trí rẻ tiền làm con người quay cuồng và luôn trong tình trạng bất định. Truyền hình hài hước thì chọc cười bằng những trò vô bổ, tục tĩu, bất nhã, cười cợt trên tật nguyền của những người khuyết tật, dang dở. Chúng ta chọn cách giải trí hạ cấp bằng những loại nhạc vô nghĩa và thứ kịch nghệ điện ảnh phi nghệ thuật và kém trí tuệ. Những cái hay, cái rất tốt và ý nghĩa thì chúng ta loại ra, vì nó làm ta suy nghĩ, nhức óc, hay thậm chí là chạm vào quả tim của chúng ta.
Chúng ta hưởng thụ cuộc sống chứ không phải là thưởng thức nó. Hưởng thụ bằng cách tiêu thụ thật nhiều tiền, sử dụng thật nhiều của cải do ta làm nên, có khi kế thừa của cha mẹ, tổ tiên hay đại gia nào đó mà không cần biết đến giá trị hay mồ hôi, chất xám của họ. Hưởng thụ triệt để bằng cách chơi bời đêm suốt sáng, hết tăng này đến tăng kia, sẵn sàng đảo lộn nhịp sinh học, ngày thành đêm, sống đêm, ngủ ngày…, Hưởng thụ mà không cần phải làm ra thêm hay tạo nên những di sản. Cuối cùng tài nguyên cũng kiệt quệ, trí tuệ cũng kiệt quệ vì đôi bàn ta lười biếng và trí não kém vận động tư duy. Người thưởng thức là người biết cảm nếm cuộc sống, biết cả vị cay vị mặn, vị chua vị chát, biết cả những ngọt ngào của nó mang lại. Chỉ có ai lặng và thật lặng, đủ và trải nghiệm đủ, mới biết thưởng thức cuộc sống này và coi đó là một quà tặng, một ân ban.
Chúng ta nói quá nhiều khi chưa kịp nghĩ suy, phán xét quá nhanh khi chưa kịp hiểu thấu. Chúng ta trở thành những con người hời hợt vì sự náo nhiệt ấy. Không kịp nghĩ suy gì cho thấu đáo. Cuộc đời chúng ta cũng đủ dài để biết giá trị của thinh lặng nhưng chúng ta lại không học hỏi được kinh nghiệm của những kẻ giác ngộ nhờ sự tịnh tâm.
Lao vào những ồn ào náo nhiệt của thế gian, hơn thua đủ với người khác những câu nói, câu chửi; miệng nhanh hơn não, phun ra những lời khiếm nhã, vô bổ và tào lao tầm phào, v.v. Hơn khi nào hết, hôm nay, ngày thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta cùng thinh lặng để tiếp tục suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu, về những giây phút Chúa được chôn táng trong mồ. Cần bước chậm lại, sống chậm lại theo từng bước chân của Chúa trên đường lên Calve, để chúng ta nhận ra Chúa, nhận ra ta, có thể chúng ta thấy được vĩnh cữu trong những điều hư vô của thế giới này. Chúng ta sẽ thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, và nhất là cách sống của ta.