SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN A
NGÀY 28/06/2020
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (10: 37-42)
37 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.39 Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.40 Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.41 Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.42 Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.
SUY NIỆM
Tin Mừng hôm nay gợi lại thái độ dứt khoát tận căn của thánh Phanxicô Assisi. Người cha đưa con ra tòa với hy vọng thuyết phục người con từ bỏ con đường điên rồ mà anh đang dấn thân vào. Nhưng trước mặt quan tòa và mọi người, người con đã cởi bỏ quần áo trả lại cho cha và dõng dạc tuyên bố:
“Của cha, con xin trả lại cho cha, từ nay, con chỉ có một cha, là Cha trên trời”.
Trong ba năm sống công khai, Chúa Giêsu xem chừng hoàn toàn thoát ly khỏi gia đình. Chúa Giêsu sống cảnh không nhà không cửa, ngay cả không có nơi gối đầu. Bà con thân nhân đi tìm bắt Người vì họ cho là Người mất trí. Về thăm quê hương, mọi người thán phục và chờ đợi nơi Chúa Giêsu những phép lạ, nhưng Người đã không làm phép lạ nào nơi quê quán của Nguời. Giới thiệu Mẹ Maria và bà con với đám đông, Chúa Giêsu khẳng định mẹ và anh chị em của Người là những ai nghe và giữ lời Chúa. Xem ra cách sống và lời rao giảng của Chúa Giêsu chối bỏ một mối dây máu mủ ràng buộc con người.
Thực ra, Chúa Giêsu chỉ sống có ba năm xa mái ấm Nazaréth. Ba mươi năm trước đó, tức là phần lớn cuộc sống tại thế, Chúa Giêsu đã sống giữa gia đình, điều này hẳn mang một ý nghĩa đặc biệt. Nhìn lại khoảng thời gian ấy dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta sẽ thấy rõ gia đình vốn là trọng tâm của cuộc đời Chúa Giêsu. Chính trong và qua đời sống dưới mái gia đình, Chúa Giêsu đã sống mầu nhiệm nhập thể và thực thi ý Chúa Cha. Nhưng cũng qua cuộc sống âm thầm trong gia đình, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng Người đến để thánh hóa tất cả những gì thánh thiêng nhất của con người.
Chỉ trong và qua trung gian của Chúa Giêsu, các quan hệ máu mủ ruột thịt mới có ý nghĩa. Không mối dây thân thương ruột thịt nào mà không qua trung gian của Chúa Giêsu. Do đó, tình cảm, tình bạn, tình yêu và những quan hệ tình cảm tốt đẹp nhất của con người chỉ có thể trở nên phong phú, khi trở thành dấu chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Tình cảm của con người được thăng hoa khi trở thành dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa. Trái lại, khi tình cảm ấy ngăn cản con người đến với Chúa, nó sẽ đánh mất tính nhân bản và ý nghĩa đích thực của nó.
Tìm kiếm và xây dựng những giá trị của Nước Trời trong những thực tại trần thế, đó là ơn gọi của người Kitô hữu. Thực ra nó cũng là biểu thức khác của giới răn mến Chúa yêu người. Chính qua cuộc sống gia đình, con người xây dựng những giá trị của Nước Trời. Chúa Giêsu không kêu gọi con người từ bỏ gia đình cho bằng đặt Thiên Chúa vào trọng tâm đời sống gia đình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng để trung thành với những bổn phận trong đời sống gia đình, cần phải có những nhân đức anh hùng. Và khi sống tận căn nhân đức ấy cũng đồng nghĩa với vác thập giá và tử đạo mỗi ngày. Amen.