THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Cám dỗ trong cái nghèo

Chủ nhật - 01/03/2020 19:37
Nghèo như Đức Kitô nghèo, nghịch lý tuyệt vời! Có ba cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu phải chịu trong hoang địa (Mt 4:1-11). Đó là cám dỗ về cơm bánh, về hư danh, về sự kiêu ngạo. Ở đây chúng ta tập trung vào cơn cám dỗ về cơm bánh.
Cám dỗ trong cái nghèo

Nghèo như Đức Kitô nghèo, nghịch lý tuyệt vời! Có ba cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu phải chịu trong hoang địa (Mt 4:1-11). Đó là cám dỗ về cơm bánh, về hư danh, về sự kiêu ngạo. Ở đây chúng ta tập trung vào cơn cám dỗ về cơm bánh.

Bối cảnh của cuộc cám dỗ

Chưa vội đi ngay vào cuộc cám dỗ, trước tiên ta để ý đến bối cảnh cụ thể. Để nói về sự cảm thông cần có dành cho tha nhân, ta có câu: phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Điều ấy cũng có thể được cân nhắc ngay cả đối với những lỗi lầm của người khác. Khi nghe tội của ai đó, ta dễ có ngay sự kết án hoặc loại trừ trong suy nghĩ của mình. Nhưng dừng lại giây lát, nếu ta ở trong hoàn cảnh phức tạp của người ấy, có lẽ ta cũng sa ngã như họ, có lẽ còn ngã nặng hơn. Vì mỗi cơn cám dỗ đều có sự hấp dẫn rất hữu lý.

Việc đầu tiên phải làm, khi Đức Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai, không gì khác mà chính là “chịu cám dỗ” trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Địa điểm là hoang địa khô cằn, kẻ cám dỗ là ma quỷ. Thời điểm chịu cám dỗ là khi đã ăn chay ròng rã 40 đêm ngày và đói. Tất cả đều được đẩy đến cực điểm.

Xưa kia, ông Ađam bà Evà cũng bị ma quỷ cám dỗ, nhưng hai ông bà đang sống sung sướng trong vườn địa đàng, chứ không phải hoang địa. Thế mà cả hai đã gục ngã trong cơn cám dỗ. 40 đêm ngày trong sa mạc, gợi nhớ 40 năm dân Do Thái đi trong sa mạc để tiến về đất hứa. Trong hành trình này, dân cũng gục ngã không biết bao nhiêu lần. 40 ngày cũng là thời gian ngôn sứ Elia đi trong sa mạc để lên núi Horeb, núi của Đức Chúa. Tuy nhiên, Elia vẫn có của ăn. 40 ngày trên núi của Môsê là để gặp gỡ Đức Chúa. Như thế với bối cảnh của cuộc cám dỗ, Đức Giêsu mang lấy nơi mình trọn vẹn lịch sử nhân loại, từ sáng thế cho đến Môsê và các ngôn sứ, và hành trình của dân Chúa.

Sự đối đáp

Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi? – Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Tên cám dỗ tung ra một câu hỏi rất đểu. Trước khi đi vào nội dung chính, tên cám dỗ gây nghi ngờ “nếu ông là…”. Đức Giêsu biết rõ Người là ai, là Con Thiên Chúa, đó là điều hiển nhiên. Vậy tại sao, câu hỏi lại bắt đầu kiểu này. Cũng thế, trong sách Sáng thế, câu hỏi của con rắn rất quỷ quyệt “Có phải là Thiên Chúa nói…”. Lời Chúa đã nói là rõ ràng, đâu phải kiểu mập mờ. Chính cách bắt đầu câu hỏi, ma quỷ đã giăng bẫy, gây nghi ngờ và đánh vào điểm yếu. Như thế, chỉ bằng một câu hỏi, ma quỷ đã muốn làm hai chuyện: một là gây nghi ngờ về căn tính của Đức Giêsu, hai là thôi thúc Đức Giêsu sử dụng năng quyền của mình một cách tư lợi và ích kỷ. Thế nhưng, Đức Giêsu một mặt hoàn toàn tín thác vào Chúa Cha, mặt khác luôn luôn dùng quyền năng của mình để phục vụ.

Đáp lại ma quỷ, Đức Giêsu trả lời tuyệt vời: bánh là nhu cầu cần thiết cho đời sống, đặc biệt lúc đói. Tuy nhiên, bánh không phải là tất cả. Điều quan trọng hơn cả bánh, đó là Lời của Thiên Chúa. Có thể thấy, chẳng có cách gì thuyết phục hơn. Rõ ràng là Đức Giêsu đang đói, Đức Giêsu cũng biết rất rõ Người đang trong cơn cám dỗ. Cái biết này không loại trừ người khỏi cái đói cái mệt hiện tại. Điều người biết rõ chính là: Thiên Chúa là ai, bản thân là ai, vị trí đúng đắn của cơm bánh trong cuộc sống, và kẻ đang cám dỗ là ai.

Mối phúc nghèo

Từ kinh nghiệm vượt thắng cám dỗ về bánh, mà sau này, Đức Giêsu có những lời nói và cử chỉ tuyệt vời. Ở đây, chỉ xin kể đến mối phúc: Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó (Mt 5:3). Tâm hồn nghèo khó là tâm hồn tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa, và mưu cầu những nhu cầu chính đáng cho tha nhân. Nơi Tin Mừng Luca, chúng ta còn được nghe lời chúc phúc một cách thân thiết hơn: Phúc cho anh em là kẻ nghèo khó (Lc 6:20). Không phải là “ai” chung chung nữa, mà rất cụ thể “anh em”. Không chỉ là “tinh thần nghèo khó”, mà còn “anh em là người nghèo”. Ở đây ta nhớ lời của thánh Phaolô khi ngài nhìn vào Đức Kitô mà thấy: Đức Kitô vốn giàu sang phú quý, mà đã tự nguyện trở nên nghèo khó, để nhờ cái nghèo của Người mà làm cho anh em trở nên giàu có (2Cr 8:9). Thánh Phanxico thành Assisi say mê một Đức Kitô nghèo, để sống đời sống tuyệt vời trong đơn sơ và phục vụ. Trong Linh Thao và suốt cuộc đời, thánh Inhaxico Loyola đã không biết bao lần tha thiết xin ơn được nghèo như Đức Kitô nghèo.   

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ đồng hành với con như Mẹ đã đồng hành với Con của Mẹ, để con có thể có được ý thức sâu xa của căn tính làm con Thiên Chúa, để con biết sống phó thác, để con có bản lĩnh chiến thắng cám dỗ, để có thể thấy được vẻ đẹp cao quý của sự hy sinh quyên mình vì phục vụ. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay3,806
  • Tháng hiện tại123,441
  • Tổng lượt truy cập13,138,694
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây