THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Bữa ăn gia đình truyền thống Việt Nam và Bàn Tiệc Thánh

Thứ hai - 20/04/2020 21:41
Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Thật là ý nghĩa khi Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể trong một bữa ăn, bởi vì trong bữa ăn người ta không chỉ ăn cơm, ăn bánh, ăn rau ăn thịt, nhưng người ta còn chia sẻ tâm tình với nhau.
Bữa ăn gia đình truyền thống Việt Nam và Bàn Tiệc Thánh


BỮA ĂN GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM VÀ BÀN TIỆC THÁNH
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy, MSV
WHĐ -- Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Thật là ý nghĩa khi Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể trong một bữa ăn, bởi vì trong bữa ăn người ta không chỉ ăn cơm, ăn bánh, ăn rau ăn thịt, nhưng người ta còn chia sẻ tâm tình với nhau. Trong bữa ăn chúng ta có một thời gian chung, một thời gian để gặp gỡ nhau. Đây là một thời khắc thiêng liêng người ta dành cho nhau, ở bên nhau, sống với nhau, gạt bỏ mọi lo toan, gạt bỏ mọi tính toán. Từ xa xưa trong bữa ăn gia đình Việt Nam, chúng ta thấy cả ông bà, cha mẹ, con cháu đều quây quần bên một cái mâm tròn, đặt giữa một chiếc chiếu vuông hay trên một chiếc phản vuông, không phân biệt già trẻ lớn bé, các con các cháu đều ngồi quây quần bên cha mẹ, ông bà. Cả nhà đều có chung một nồi cơm, một chén nước mắm, một tô canh, một dĩa xào. Mọi người nhường nhịn nhau, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít. Ăn chung một nồi cơm, chấm chung một chén nước mắm, múc chung một tô canh, gắp chung một dĩa xào. Ăn chung với nhau, cùng nhau chia sẻ đắng cay ngọt bùi, cùng nhau để thương yêu nhau, gạt bỏ mọi ích kỷ, xa cách, tự cao tự đại. Một hình ảnh thật tuyệt vời của hai bữa ăn: bữa ăn truyền thống gia đình Việt Nam và Bàn Tiệc Thánh.
1. Ảnh hưởng của bữa ăn gia đình trên đời sống con người
Đây là một chủ đề được đề cập rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngày nay. Cơ thể của chúng ta thuộc về sinh lý học, nó chỉ hoạt động bình thường nếu được cung cấp “nhiên liệu” đầy đủ. Việc ăn uống hay bồi dưỡng cảm xúc thay vì cảm nhận chúng có thể khiến cho quá trình ăn uống của chúng ta bị ảnh hưởng. Đây là một lý do để giải thích cho việc sử dụng thức ăn theo kiểu tự hại mình mỗi khi đối mặt với các cảm xúc đau buồn. Ăn uống có thể mang lại những cảm xúc thoải mái. Tuy nhiên, một phần của sự thoải mái ấy cần phải xuất phát từ suy nghĩ ban đầu về loại thức ăn, về việc chuẩn bị và nấu nướng, rồi sau đó là thư giãn và hưởng thụ.
Thức ăn nhanh và quà vặt là những yếu tố phá hoại thói quen ăn uống của chúng ta. Chúng còn gây ảnh hưởng xấu đến chuyện ăn uống, tác hại đến một trong những nghi thức tốt đẹp nhất mà chúng ta đang có: dùng bữa cùng nhau. Mỗi người đều có một hình thức phù hợp nhất cho mình, một công thức riêng để thành công trong việc ăn uống. Điều quan trọng nhất là phải tìm ra công thức hợp lý nhất để bảo đảm sức khoẻ và nhu cầu dinh dưỡng. Sự tiết chế là yếu tố trái ngược với hành vi ăn uống vô độ và cả hai mặt này đều cho thấy mối ám ảnh liên quan đến thức ăn.
Tuy nhiên, vẫn còn có một yếu tố khác rất quan trọng. Không chỉ những gì chúng ta ăn mới quan trọng mà ngay cả cách thức chúng ta ăn cũng quan trọng. Chúng ảnh hưởng đến khả năng tiêu hoá và thưởng thức món ăn của chúng ta. Ăn uống cùng với gia đình là một nghi thức quan trọng đối với mối quan hệ gắn bó. Đứng ở dưới bếp để chuẩn bị thức ăn, ta sẽ ngửi được mùi thơm quyến rũ quen thuộc. Giúp đỡ bố mẹ dọn thức ăn lên bàn sẽ giúp cho không khí gia đình đầm ấm hơn, con cái cảm thấy mình có ích và là một thành viên thực thụ của gia đình. Ngoài ra, điều đó còn giúp giáo dục con trẻ biết cách tự chăm sóc cho mình và tham gia thực hiện các công việc nhà.
Tôi nghĩ rằng nhiều vấn đề trong xã hội sẽ được giải quyết nếu gia đình hay bạn bè biết dành thời gian để chuẩn bị món ăn rồi sau đó cùng nhau thưởng thức. Nếu bạn không thể làm điều đó mỗi ngày thì ít nhất một hai lần trong tuần. Hãy bắt tay vào việc nếu bạn có thể. Nếu biết dành đủ thời gian cùng nhau để thiết lập thói quen này bạn sẽ thấy lợi ích của nó. Bữa ăn gia đình chính là nơi để chúng ta học cách xử sự, các kỹ năng xã hội và tình bạn bè.
Rose Kennedy đã tận dụng bữa ăn cùng nhau để huấn luyện các thành viên trong gia đình trở thành những chính trị gia có tầm cỡ trong thời đại chúng ta, bằng cách viết một mẩu tin nhỏ về những điều đang được quan tâm lên bảng, yêu cầu các con trai liếc sơ qua và thảo luận một cách thân mật ngay trong bữa ăn.
Một trong những lý do mà chúng ta học được các kỹ năng xã hội ngay trên bàn ăn là vì khi đang ăn hay tiêu hoá thì chúng ta có thể tạm thời quên đi các cảm xúc đang đè nặng. Kết quả là chúng ta học được phép lịch sự và cách thảo luận sinh động quanh những chủ đề trong ngày.
Ăn tối cùng gia đình cũng là lúc mà chúng ta có thể học hỏi được cách hoà nhập xã hội, phát triển kỹ năng và cách sống tốt một cách tự nhiên và trên hết là sự gắn kết giữa các thành viên với nhau. Đây cũng là khoảnh khắc duy nhất trong ngày mà cha mẹ có thể giữ được mối liên lạc với cuộc sống của con cái và tìm hiểu xem chúng đang sống như thế nào. Ngoài ra, đây còn là thời điểm để hai vợ chồng gần gũi với nhau sau một ngày dài xa cách. Bàn ăn chính là nơi chúng ta học được nghệ thuật sống. Đó chính là định hướng của gia đình, là cơ hội để có thể tiếp cận với Chúa một cách có ý thức thông qua việc cầu nguyện trước mỗi bữa ăn[1].
2. Bữa ăn gia đình truyền thống Việt Nam
2.1 Ý niệm “vuông tròn” theo truyền thống văn hóa Việt Nam
Triết lý chữ Hoà được thể hiện trong sự sắp xếp một mâm cơm của người Việt Nam. Cả gia đình (ông bà, cha mẹ, con cháu) đều quây quần bên một cái mâm (hình tròn), đặt giữa chiếc chiếu (hình vuông) hay trên một chiếc phản (hình vuông).
Hình vuông và hình tròn được coi là hai hình hoàn hảo nhất trong các hình. Thời xưa, những đồng tiền kẽm lưu hành trong triều Nguyễn có hình dáng mang ý nghĩa của Càn Khôn. Đồng tiền kẽm hình tròn, chính giữa có cái lỗ hình vuông, bốn góc có bốn chữ nho nằm bên mỗi cạnh hình vuông, còn tiện để xỏ dây xâu vào cho tiện.
Đồng tiền xưa có hình tròn, bên trong có lỗ hình vuông, có vẻ không “khớp” nhau nhưng vẫn lô-gích. Nếu đem cách nói “vuông, tròn” của người Việt mà dịch nguyên văn ra ngoại ngữ, nhất là các ngôn ngữ Tây Phương, hẳn là rất khó truyền đạt đầy đủ ý nghĩa “sâu sắc” của nó đến người nghe. Đơn giản là người Tây Phương không có chung khái niệm về văn hóa và triết lý với Việt Nam. Đối với họ, khái niệm “vuông tròn” không mang một ý nghĩa hòa hợp, thậm chí còn không thể dung nạp nhau. Về phương diện kỷ hà học, đó là những hình thể khác hẳn nhau. Nếu đặt cạnh nhau chỉ gợi ra ý tương phản, không “khớp” với nhau. Nhưng trong văn hóa Việt Nam, hình vuông và tròn đi đôi trong nhiều trường hợp, chúng gắn liền với nhau để biểu thị cho sự kết hợp thuận lẽ trời, và tạo kết quả tốt lành. Khái niệm vuông tròn dựa trên chứng cứ đầu tiên từ sự tích bánh chưng và bánh giầy.


2.1.1 Ý niệm ‘vuông tròn” theo truyền thống văn hóa Việt Nam qua sự tích Bánh Giầy Bánh Chưng
Chuyện xưa kể rằng...
Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu Xuân, vua họp các hoàng tử lại và bảo: “Con nào tìm được thức ăn ngon và có ý nghĩa nhất, ta sẽ truyền ngôi cho”. Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng được ngự trên ngai vàng.
Khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương là Tiết Liêu bản tính hiền hậu, đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Hoàng tử nghĩ rằng chẳng thà không được làm thái tử, chứ không đành rời bỏ cha mẹ.
Không muốn rời bỏ cha mẹ, nhưng hoàng tử cũng không dám trái lời vua cha, vẫn nghĩ tìm của ngon vật lạ để dâng tiến vua cha và hoàng hậu khi kỳ hạn tới. Và lòng hiếu của hoàng tử đã động tới thần linh.
Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, tượng trưng Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng trưng Cha Mẹ sinh thành”.
Tiết Liêu tỉnh dậy và vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng trưng Đất, bỏ vào chõ chưng chín, gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, tượng trưng Trời, gọi là Bánh Giầy. Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng trưng cha mẹ luôn yêu thương và đùm bọc con cái.
Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm. Có đủ sơn hào hải vị, nhiều món ngon. Hoàng tử Tiết Liêu chỉ có Bánh Giầy và Bánh Chưng. Vua Hùng lấy làm lạ nên hỏi, Tiết Liêu thuật lại chuyện thần linh báo mộng, đồng thời giải thích cho vua cha về ý nghĩa của Bánh Giầy và Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon và khen ngợi về ý nghĩa.
Vua cha rất hài lòng bảo hoàng hậu: “Các sơn hào hải vị của các hoàng tử khác, tuy ngon nhưng duy chỉ một mình ta được hưởng, còn hai thứ Bánh Chưng và Bánh Giầy, làm bằng gạo của Trời Đất sinh ra, ta chỉ việc phổ biến cách làm là toàn dân đều được thưởng thức cái ngon có ý nghĩa của bánh”. Thế là vua cha bèn truyền ngôi cho Tiết Liêu.
Tết năm đó, nhà vua dùng ngay Bánh Chưng Bánh Giầy làm đồ lễ cúng Trời Đất, và cũng truyền dạy cho nhân dân cách làm bánh để dùng trong việc cúng tế. Từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, dân chúng đều làm Bánh Chưng và Bánh Giầy để tế Trời Đất và cúng Tổ Tiên.
2.1.2 Ý niệm “vuông tròn” còn nói lên nguồn gốc của sự sống
Theo quan niệm cổ, từ Đông sang Tây, người ta vẫn tin rằng trái đất là một phiến phẳng hình vuông. Còn trời là một cái quả tròn rỗng như cái chuông chụp lên cái phiến đất hình vuông, trong đó vạn vật gồm cả con người sinh sống. Theo quan niệm đó, khi ta đi bộ hay đi thuyền, nếu cứ đi mãi, có lúc người ta sẽ tới cùng trời cuối đất và rơi vào khoảng không vô tận. Trời đất là hai khái niệm đầu tiên về thế giới quan. Chẳng những thế, trời đất còn mang ý nghĩa của nguồn gốc sự sống, sinh vật. Những câu nói như “Trời Đất sinh ra ta”, “Ông Trời” vừa nhân cách hóa hai thực thể tự nhiên vừa hàm ý giải thích nguồn cội con người. Trời là cha, Đất là mẹ. Gặp nguy biến, lúc đau khổ người ta nghĩ đến hai đấng sinh thành. Họ kêu lên “Trời Đất ơi!”, hoặc đôi khi cả Trời Đất lẫn cha mẹ “Trời Đất cha mẹ ơi!” Trong vũ trụ quan của người Á Đông, khái niệm vuông tròn chính là khái niệm về Trời Đất, về Càn Khôn, về Âm Dương. Trong kiến trúc Đông Phương, bao giờ cũng là những đường nét pha trộn giữa Âm và Dương. Ngoài những đường thẳng cần thiết phải có, bao giờ người ta cũng đưa những đường cong, những vòng tròn vào, để tạo nên một tổng thể hài hòa giữa Âm và Dương. Cái mái ngói cong cong, cái cửa sổ tròn. Trong kiến trúc Tây Phương ít khi ta gặp những đường nét tròn như thế. Nhà cửa theo kiến trúc Tây Phương phần lớn có dạng hình hộp là vậy. Dưới thời phong kiến, những đồng tiền kẽm lưu hành trong triều Nguyễn chẳng hạn có hình dáng mang ý nghĩa của càn khôn như đã nói ở trên. Cái lỗ vuông là để người ta xỏ dây xâu thành từng xâu khi cất giữ hoặc mang trong người cho tiện. Mua bán gì thì cởi đầu dây, lấy ra từng đồng mà chi trả. Khi thiết kế mẫu tiền có thể người ta đã gửi gắm vào hình thể đồng tiền cái ngụ ý công ơn của triều đình, tức như cha mẹ, đối với thần dân. Quan đã là cha mẹ dân rồi, nói chi vua. Hoàng hậu được coi là bậc mẫu nghi thiên hạ, và hai tiếng “con dân” chẳng phải hàm cái ý đó sao? Ngoài ra, cái hình thể vuông tròn còn chứa đựng sự mong muốn chúc tụng vương triều sẽ trường cửu như trời đất.[2]
2.2 Bữa ăn gia đình truyền thống Việt Nam
Trong bữa ăn cả nhà đều có chung một nồi cơm, một chén nước nắm, một tô canh lớn, một vài đĩa xào. Mọi người nhường nhịn nhau mà ăn: “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, có nhiều thì ăn nhiều, có ít thì ăn ít, ăn chung một nồi cơm, chấm chung một chén nước nắm, múc chung một tô canh, gắp chung một đĩa xào.
Mỗi khi bất ngờ có một hai người khách tới, cũng được mời ngồi vào; rồi thêm đũa, thêm bát, mỗi người ăn bớt đi một chút là đâu vào đấy cả. Không có kiểu chia khẩu phần riêng rẽ (ration) như người Tây Phương. Dụng cụ để và cơm, gắp rau là đôi đũa cũng rất có ý nghĩa triết lý. Trẻ con phải học tập để “điều hoà” hai chiếc đũa mới trưởng thành được, cách thức ăn chung như thế mới nói lên được chữ Hoà trong việc ăn uống. Ăn uống hoà với nhau, chia sẻ ngọt bùi, cay đắng cùng nhau để mà thương yêu nhau, gạt bỏ được thói ích kỷ, xa cách, tự cao, tự đại. [3]
Người Việt Nam ăn cơm là chủ yếu: Khát vọng vốn có tự ngàn xưa vẫn là no cơm ấm áo. Bởi giá trị đặc biệt của nó nên hạt gạo được ví là hạt ngọc Trời ban cho: nhờ Trời mới có cơm ăn áo mặc. Vì thế khi ăn cơm mà để hạt cơm văng vãi xuống đất thì “tội chết” nhất là không được giẫm lên hạt cơm mà đi.
Cơm là phúc lộc Trời ban: “Trời đánh còn tránh bữa ăn”. Vì thế trong bữa ăn, dù có bực mình, cha mẹ vẫn nhịn nhục không đánh mắng con cái. Cả nhà ăn uống sum họp vui vẻ xong đã, sau đó muốn mắng thế nào thì mắng.
Của ăn trời ban là ban chung cho mọi người nên không dành riêng cho ai, mọi người đều được hưởng lộc Trời ban. Vì thế mà có tục lệ mời ăn cơm: trước khi ăn con cháu phải mời cha mẹ, gặp người khách đi qua cũng phải mời: “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Khách có thể không báo trước, gia chủ có thể không chuẩn bị; nhưng vẫn có thể vào ngồi ăn uống vui vẻ. Giữa hàng xóm láng giềng, thiếu chút mắm muối, chút gia vị, người ta sang xin bên hàng xóm. Có bát canh ngon, có hoa quả đầu mùa, có cơm gạo mới liền đem biếu ông bà cha mẹ để tỏ lòng thảo hiếu:
 
Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng đem cho.[4]

3. Bàn Tiệc Thánh: bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm hiệp thông
Thánh Thể là bàn tiệc của Chúa, bữa tối của Chúa, tấm bánh bẻ ra, lễ bẻ bánh. Thánh Thể được cử hành dưới hình thức một bữa ăn (Mt 26,26). Thánh Thể là bí tích lễ Vượt Qua của Đức Giêsu, là một mầu nhiệm hiệp thông.


Theo não trạng thời đó, mọi bữa ăn chung là một cử chỉ xây dựng tình huynh đệ, tạo sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Thánh Phaolô lấy cảm hứng từ biểu tượng đó (1Cr 10,16-17) khi bàn về việc dự tiệc cúng. Nước Thiên Chúa là một bữa tiệc tập họp chung quanh Đức Giêsu. Triều đại ngự đến nơi bản thân Đức Giêsu khi Thiên Chúa tôn vinh Người trong cái chết. Khi dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Thiên Chúa, có thế nói con người ngồi vào bàn tiệc khi họ hiệp thông với lễ Vượt Qua của Đức Giêsu. Sự hiện diện của Đức Giêsu tạo sự hiệp thông, là bữa tiệc của Giáo Hội, trong đó Đức Giêsu vừa là phòng tiệc vừa là lương thực.
Thánh Thể là biểu tượng hiện thực của Đức Kitô vượt qua, là nơi tập họp và là bữa tiệc của cuộc lễ. Vì thế, Thánh Thể là sự hiệp thông.[5] 
Các hy tế xưa kia thường kết thúc bằng một bữa ăn. Nhờ hy tế, Trời và Đất nối kết với nhau. Nhờ bữa ăn hiệp thông, phạm vi linh thánh được nới rộng đến những người thông hiệp trong cùng một sự thánh hiến.
Nơi Đức Kitô, sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và thế giới trở thành hiện thực. Người là Chiên Thiên Chúa, được thánh hiến từ đời đời (Ga 10,36) và thánh hiến cách viên mãn trong cái chết và vinh quang (17,19) và trong Thần Khí của sự phục sinh. Khi ăn chiên Vượt Qua, con người đi vào giao ước Vượt Qua, cùng với Người trở nên cùng một của lễ được Thánh Thần thánh hóa (Rm 15,16), gặp gỡ Đức Kitô trong cái chết và sự phục sinh của Người.
Trong Đức Kitô, hy tế và bữa ăn làm thành một phụng vụ bất khả phân. Người vừa chịu hiến tế vừa là lương thực, là Chiên Vượt Qua của chúng ta (l Cr 5,7), là hy tế và bữa ăn của chúng ta. Thánh Thể là bí tích của cuộc Vượt Qua của Đức Kitô và của sự hiệp thông của chúng ta vào cuộc Vượt qua này. Giáo Hội hiệp thông với hy tế khi cùng cử hành hy tế với Đức Kitô vì Thánh Thể là sự hiện diện của hy tế Vượt Qua trong tính hiện thời của hy tế này. Người Kitô hữu cử hành hy tế bằng việc hiệp thông với hy tế và chỉ có thể hưởng nhờ ơn ích của hy tế bằng cách thông dự vào.[6]
4. Bánh và rượu trong Bàn Tiệc Thánh đi vào cuộc sống đời thường
Bánh và rượu mang nhiều ý nghĩa hỗn hợp, cả trong cuộc sống lẫn trong bí tích Thánh Thể.
Một mặt, bánh có lẽ là biểu tượng đầu tiên của chúng ta về lương thực, sức khoẻ, dinh dưỡng và đời sống cộng đoàn. Xin cho chúng con lương thực hằng ngày! Chúng ta hãy cùng nhau bẻ bánh! Bánh là hình tượng cho cuộc sống và sống chung với nhau.
Ít có cái gì có thể nói về cuộc sống một cách tuyệt vời cho bằng hương vị chiếc bánh mới. Mùi thơm từ chiếc bánh mới chính là hương vị cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta cũng có một câu chuyện khác về chiếc bánh. Bánh được làm từ đâu? Từ lúa mì, từ những hạt riêng lẻ, phải bị nghiền nát để trở nên bột mì, một thứ mang đặc tính chung, sau đó phải chịu đựng sức nóng của lửa để nướng thành thứ cho chúng ta hương vị cuộc sống. Giống như thánh Augustinô đã đề cập đến trong một bài giảng:
“Đúng là chiếc bánh này không phải làm từ chỉ một hạt lúa mì, có phải không các bạn? Trước khi hợp lại để làm chiếc bánh, các hạt lúa mì đứng riêng lẻ. Trước khi hoà trộn vào nhau bằng nước, chúng được nghiền nát. Bởi vì nếu trước đó, chúng không được nghiền nát, sau đó chúng không được làm ẩm thì chúng không hình thành cái mà chúng ta gọi là bánh... Và sau đó, nếu không có lửa thì chúng cũng không thành bánh được”. Bánh phải được nướng trong lò với một sức nóng dữ dội. Lúc đó bánh nói lên được cả niềm vui và cả đau đớn.
Rượu cũng mang trong mình hai ý nghĩa như vậy: một mặt, nó là thức uống dành cho các bữa tiệc, có lẽ nó là biểu tượng đặc trưng nhất cho những gì liên quan đến lễ tiệc. Rượu không thể đóng vai trò như một thức uống thiết yếu, một thực phẩm căn bản. Nó không phải là chất đạm cần thiết cho sức khoẻ, nhưng là món ăn phụ, nói lên những gì ở bên ngoài các công việc vất vả kiếm sống và duy trì cuộc sống. Rượu nói lên tình bằng hữu, cộng đoàn, lễ tiệc, niềm vui, tiêu khiển, chiến thắng. Chúng ta tổ chức mọi lễ tiệc không chỉ với trọn tình yêu mà còn với rượu.
Tuy nhiên, tương tự như bánh, rượu cũng có nghĩa khác: rượu được làm từ đâu? Từ những quả nho riêng lẻ bị vắt ép và nước ép đỏ như máu sẽ lên men để trở nên thức uống nồng ấm và có tính lễ tiệc. Không ngạc nhiên khi Đức Giêsu đã chọn rượu để đại diện cho máu của Người.
Thật là hữu ích khi chúng ta sống trong tâm trạng có nhiều ý nghĩa này khi tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Bánh và rượu được dâng lên để cầu xin Thiên Chúa thánh hoá trở nên máu và thịt của Ngôi Hai Thiên Chúa, và một cách chính xác bánh và rượu được dâng lên trong nhiều ý nghĩa của nó.
Một mặt, bánh và rượu đại diện cho mọi thứ trong đời sống và thế gian, đó là: khoẻ mạnh, trẻ trung, xinh đẹp, đầy sức sống, đầy màu sắc. Chúng đại diện cho sự tốt đẹp của thế gian này; niềm vui của thành công, lễ tiệc, hội hè, và tất cả những gì mang trong nó nguồn ơn của Thiên Chúa khi Người tạo dựng nên địa cầu và tuyên bố mọi sự tốt đẹp. Thánh Thể còn cho ta mùi vị của chiếc bánh mới.
Tuy nhiên đó chỉ mới một nửa ý nghĩa. Thánh Thể cũng được dâng lên trong sự hiến dâng tất cả những gì bị nghiền ép, tan vỡ, đốt cháy vì bạo lực. Rượu, một cách thích đáng, cũng chính là máu. Tại bàn tiệc Thánh Thể chúng ta dâng lên cả sức khoẻ, thành công, thất bại và lỗi lầm của thế gian và cầu xin Thiên Chúa hiện diện với chúng ta trong hiệp nhất đó. Cha Pierre Teilhard de Chardin cũng nhắc đến điều này một lần: Trong một cách có ý nghĩa, vật chất được thánh hoá mỗi ngày nói lên sự phát triển của thế gian trong ngày đó - bánh một cách thích hợp tượng trưng cho những gì được tạo nên bởi thành tựu trong sản xuất, máu rượu là những gì được tạo nên bởi mất mát trong một quá trình đầy nỗ lực, vắt kiệt sức lực.
Những gì chúng ta thấy nơi bàn tiệc Thánh Thể: tốt đẹp, niềm vui cuộc sống cũng như thất bại trong cuộc sống, những nỗi đau là cùng ở trong một tình trạng căng thẳng như nhau, cái mà chúng ta cần thiết phải dâng lên hằng ngày trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Chúng ta làm điều đó cách nào đây?
Bằng cách thưởng thức cuộc sống và tất cả những thú vui chính đáng, không tội lỗi, không chê bai chúng nhân danh Thiên Chúa, chân lý và người nghèo, ngay cả khi chúng ta đến đứng bên Thập Giá muôn đời của Đức Kitô, là nơi những người bị gạt ra ngoài, người nghèo, người ốm đau, người khó ưa, người cô đơn, người đói, người bị chèn ép, người mù tìm thấy nới chốn của họ.
Bánh và rượu có thể mang đến cho chúng ta rất nhiều ý nghĩa. Điều đó có nghĩa chúng ta phải tôn kính trước vẻ đẹp thiên nhiên, nét duyên dáng của một vận động viên, năng lượng huyền bí trong âm nhạc, sức mạnh trong bản năng tính dục, hài hước trong vở hài kịch hay, cảm giác sôi nổi của khoẻ mạnh, hương sắc và điều thú vị khắp nơi trong cuộc sống, ngay cả khi chúng ta nhận biết và tương trợ với tất cả những cái bị loại ra, bị gạt bỏ bởi các năng lượng kì diệu này, những cái mà cuối cùng rồi cũng quay về với khởi nguồn trong Thiên Chúa.
Trong tin mừng Thánh Gioan, nước biến thành rượu, rượu trở thành máu, máu và nước đều chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu. Đó cũng là điều đã diễn ra nơi bàn tiệc Thánh Thể và trong cuộc sống chúng ta. Nhiệm vụ chúng ta là giữ bánh và rượu trong tay, nơi bàn tiệc Thánh Thể để chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa.[7]
5. Kết luận: Những nét văn hóa của bữa ăn gia đình truyền thống Việt Nam, nếu biết trân trọng, sẽ chuẩn bị chúng ta tham dự Bàn Tiệc Thánh một cách rất có ý nghĩa
Muốn sống, muốn khỏe mạnh thì phải ăn uống cho đầy đủ, thiếu ăn là suy dinh dưỡng. Mà đặc tính của ăn là phải thường xuyên, đều đặn. Vì thế của ăn Thánh Thể là của ăn nuôi dưỡng người Kitô hữu, là của ăn đi đường trên con đường dương thế. Bữa ăn nào cũng có nét văn hóa của nó - văn hóa ẩm thực Việt Nam coi hạt cơm là phúc lộc trời ban, ăn cơm là sum họp gia đình, là kính trên nhường dưới, là biểu lộ tấm lòng thành dâng kính của lễ tinh hoa. Đó là những nét đẹp đẽ của văn hóa trong bữa ăn sẽ giúp chung ta chuẩn bị bữa tiệc Thánh Thể một cách ý thức, trân trọng và đậm đà bản sắc dân tộc [8] .
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay8,507
  • Tháng hiện tại139,323
  • Tổng lượt truy cập15,702,986
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây