THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Thứ Sáu trước Lễ Hiển Linh Năm C

Thứ năm - 03/01/2019 17:43
Tin mừng Ga 1:35-42: Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, có hai lần thánh Gioan Tiền hô giới thiệu Chúa Giêsu: “Đây là chiên Thiên Chúa” (1, 29; 36). Lần trước thánh Gioan nói với dân chúng...
Thứ Sáu trước Lễ Hiển Linh Năm C

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki tô theo Thánh Gio-an (Ga 1:35-42)

35 Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông.36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa."37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su.38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế? " Họ đáp: "Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? "39 Người bảo họ: "Đến mà xem." Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.40 Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su.41Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a" (nghĩa là Đấng Ki-tô).42 Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: "Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha" (tức là Phê-rô).
 

SUY NIỆM

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, có hai lần thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu Chúa Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (1,29. 36). Lần trước thánh Gioan nói với dân chúng, lần thứ hai nói với chính môn đệ của mình. Hai môn đệ này, ngay sau đó đã đi theo Chúa Giêsu, trở thành Tông đồ của Chúa là thánh Anrê và thánh Gioan tông đồ. 

Trong Kinh Thánh, chiên là biểu tượng của người lành. Trong dụ ngôn về ngày phán xét, Chúa đã tách “chiên” (người lành) ra khỏi “dê” (người dữ). “Chiên” ở bên phải (được hưởng sự sống đời đời), “dê” ở bên trái (bị trầm luân đời đời). 

Nhưng “chiên” còn có nghĩa sâu xa hơn: Hằng năm, dịp lễ Vượt Qua cử hành vào đầu mùa xuân, mỗi gia đình Do Thái đều ăn thịt một con chiên non dưới một năm tuổi, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt chiên vượt qua để kỷ niệm ngày Thiên Chúa dùng máu chiên như dấu chỉ của tình yêu giải phóng mà Thiên Chúa dành cho họ. Ngài giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và cho họ vào Đất Hứa, miền đất của tự do. Bằng tình yêu giải phóng, Thiên Chúa đưa dân của Ngài vượt qua mùa đông tăm tối, tiến vào mùa xuân tươi sáng, v.v. 

Chúa Giêsu chịu khổ nạn vào dịp chuẩn bị lễ Vượt Qua. Bữa Tiệc Ly chính là tiệc mà Chúa Giêsu ăn lễ Vượt Qua trước với các môn đệ. Người sống lại vào chính đêm lễ Vượt Qua ấy. Chịu chết và sống lại vào dịp lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu chính là “Con Chiên” của Thiên Chúa bị sát tế để cứu nhân loại. 

Chúa Giêsu là Con Chiên hiền lành, không hé môi khi bị đem đi xén lông. Người khiêm nhường gánh lấy tội lỗi nhân loại. 

Khi loan báo Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, thánh Gioan Tiền Hô vừa cho biết trước sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu, vừa mời gọi mọi người hãy tin vào Chúa Giêsu đích thực là Đấng Thiên Sai sẽ cứu lấy toàn dân, vừa cho biết trước cái chết đổ máu hy sinh gánh tội và xóa tội của cả trần gian. 

Người tín hữu thường được gọi là “con chiên của Chúa”. Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại “chiên” trong ngày phán xét. Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa. 

Nhưng danh hiệu đó cũng gợi lên một ước mong: người tín hữu hãy sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Họ hãy theo chiên mẹ đầu đàn để nên hiền lành khiêm nhường. Từng con chiên cũng hãy tự hiến đời mình như của lễ dâng lên Thiên Chúa. Từng con chiên cũng hãy gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh chị em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của nhau. 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập40
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay16,314
  • Tháng hiện tại31,264
  • Tổng lượt truy cập15,594,927
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây