Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 1,43-51)
Hôm sau, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói: "Anh hãy theo tôi".44 Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.45 Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét".46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?" Ông Phi-líp-phê trả lời: "Cứ đến mà xem!"47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối".48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi?" Đức Giê-su trả lời: "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi".49 Ông Na-tha-na-en nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!"50 Đức Giê-su đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa".51 Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người".
Suy niệm
Cùng là trình thuật về ơn gọi của các Tông đồ, hôm qua là Anrê, Phêrô, còn hôm nay là Philiphê và Nathanael. Những người đầu tiên thì Chúa bảo: “đến mà xem”, các ông đã đến và ở lại với Người. Còn hôm nay, Philiphê lập lại câu nói của Chúa Giêsu cho Nathanael: “cứ đến mà xem”. Trong thái độ do dự và coi thường của Nathanael: Nazareth thì nào có chi hay. Nghe lời Philiphê ông đến và đã được khuất phục bởi con người của Chúa Giêsu.
Hiệu ứng dây chuyền, vâng, chúng ta nhìn ơn gọi trong một chuỗi hiệu ứng tích cực. Nó liên hệ và xuyên suốt. Người này đến gặp và nói cho người khác đến gặp Người. Truyền giáo đơn giản là vậy. Chúa thì rất quan trọng, Người muốn gặp chúng ta. Nhưng Người cũng muốn chúng ta gặp Người và giới thiệu cho người khác biết. Dĩ nhiên lời giới thiệu của chúng ta phải uy tín, đáng tin cậy. Để có được điều đó, để cho lời nói, lời giới thiệu của ta có giá trị, đáng để tin, thì đời sống của chúng ta phải toát lên vẻ khả tín. Như lời Chúa xác nhận “nơi người này không cò gì gian dối”. Đời sống của chúng ta đáng tin thì lời nói chúng ta mới có người tin. Từ ơn gọi của chúng ta theo Chúa, đến lời mời gọi hay lời giới thiệu của chúng ta về Chúa cho người khác mới có thể lan truyền hiệu ứng tích cực khi chúng ta không có gì gian dối.
Ngày hôm nay, chúng ta nói về đạo, về Chúa có khi rất hay, nhưng chỉ dừng lại cách lý thuyết và sách vở. Lấy chồng, lấy vợ, người tín hữu muốn người khác theo đạo, tin Chúa, nhưng khi lấy được rồi, người có đạo lại không đủ khả năng để tạo ra một hiệu ứng dây chuyền tốt để cho người khác tăng triển đức tin. Chúng ta tin nhưng chúng ta sống khác với niềm tin mà Chúa dạy. Chúng ta có đạo mà chúng ta không đủ chuẩn mực để người khác tin rằng Chúa đang thực sự sống trong chúng ta. Sống trong làng trong xóm, có những người ngoại giáo, nhưng chúng ta không nói về Chúa cho họ được, một phần vì thiếu nền tảng giáo lý, một phần vì đời sống yếu kém của chúng ta không thuyết phục được họ. Chúng ta xem ra bất lực trong việc đem Chúa đến cho người khác.
Lạy Chúa, xin cho chúng con mỗi ngày gặp được Chúa trong kinh nguyện, trong bí tích Thánh Thể. Để chúa ở trong con và chúng con can đảm giới thiệu Chúa cho người khác. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn