Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 7: 24-30)
24 Đức Giê-su đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được.25 Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người.26 Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.27 Người nói với bà: "Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con".28 Bà ấy đáp: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con".29 Người nói với bà: "Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi".30 Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.
Suy niệm
Trong nhật ký của mình, Mahatma Gandhi, nhà lãnh đạo lừng danh của Ấn Độ vào những buổi đầu của thế kỷ XX, cho biết: khi còn theo học ở Nam Phi, ông rất say mê đọc Kinh Thánh, nhất là Bài Giảng Trên Núi, đến nỗi ông xác tín rằng Kitô giáo chính là con đường giúp giải quyết nạn kỳ thị giai cấp đã từng hành hạ dân Ấn hàng thế kỷ. Thậm chí, ông còn muốn trở thành Kitô hữu nữa. Thế nhưng, một ngày nọ, khi đến nhà thờ dự lễ, ông bị người giữ cửa chặn lại và bảo ông phải đi lễ ở nhà thờ dành cho người da đen. Kể từ đó, ông không bao giờ quay trở lại nhà thờ nữa.
Mời một người da đen ra khỏi nhà thờ dành cho người da trắng là một sự kỳ thị mà lẽ ra không bao giờ được phép xảy ra. Vậy mà trên thực tế nó đã từng xảy ra.
Chúa Giêsu không bao giờ kỳ thị con người. Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Chúa Giêsu đã nghe lời kêu xin của người phụ nữ ngoại giáo và chữa lành cho con của bà.
Qua sự tiếp nhận người phụ nữ ngoại giáo, Chúa Giêsu đã hé mở cho thấy chiều kích phổ quát của giáo lý và ơn cứu độ mà Người mang lại. Ngoài những giáo huấn về tình huynh đệ đại đồng và thái độ không bài ngoại của Chúa Giêsu, Tin Mừng còn thuật lại các chuyến đi của Người tới vùng đất ngoại giáo, tại đây, Người cũng đã làm nhiều phép lạ, như trừ quỷ cho một thanh niên ở Gêrasa, cho một người câm ở miền Thập Tỉnh nói được, và lần này trừ quỷ cho con gái của một phụ nữ Hy Lạp gốc Phênixi.
Dựa vào những yếu tố trên, câu nói của Chúa Giêsu: "Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con", không thể giải thích đó là dấu biểu thị sự khinh miệt của Chúa đối với người khác đạo và khác tổ quốc. Đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do Thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ. Bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ.
Người Do Thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ. Vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do Thái nhiều đến đâu, Chúa Giêsu cũng không trở thành sự sở hữu độc quyền của họ. Người vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.
Dù ý thức mình chẳng là gì, chúng ta hãy tin rằng, chúng ta và mọi người xung quanh chúng ta luôn là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa. Chúa yêu tất cả, không trừ ai. Với một Ðấng vô biên như Thiên Chúa, thì bất cứ hành vi nào của Ngài cũng có chiều kích vô hạn và quà tặng của Người cũng tràn trề sung mãn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nhận được rằng, Chúa đang yêu thương chúng con, để mỗi giây phút sống, chúng con đều biết đặt mình trong tình yêu của Chúa mà sống thật nghiêm túc, thật thánh thiện như ý Chúa muốn. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn