Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 1: 40-45)
40 Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi!"42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,44 và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”.45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
Suy niệm
Chúa Giêsu chữa người phong cùi được sạch không phải để thể hiện quyền năng của Chúa, nhưng là để minh chứng đức tin của người phong cùi. Ông đã không nhìn Chúa như một lương y tài ba, hay như một pháp sư nổi danh, nhưng ông đã đọc được nơi Đức Kitô một Đấng chất chứa quyền năng của một vị Thiên Sai đầy lòng thương xót, vì thế ông đã không van xin với những lời ỉ ôi gợi lòng thương tầm thường, trái lại ông khẩn cầu với sự tín thác: “thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi sạch’’.
Vâng, ông xác tín rằng, việc cho ông được sạch khỏi bệnh phong là do ý muốn của Thiên Chúa, chứ không do ý muốn của ông. Như thế, lời khẩn cầu của ông chất chứa sự tín thác vào tình thương của Thiên Chúa, bởi ông hiểu Thiên Chúa luôn đứng về phía những kẻ khốn cùng, vì thế ông hoàn toàn phó thác cho Chúa: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn” và tin chắc những gì Thiên Chúa muốn đều tốt đẹp.
Lời khẩn cầu của người bệnh phong trở nên khuôn mẫu cho mọi lời cầu của chúng ta. Bởi lời khẩn cầu luôn phải là lời bày tỏ mối tương giao giữa chúng ta với Thiên Chúa, mối tương giao của kẻ khốn cùng đối với Đấng đầy lòng thương xót, của người con yếu hèn đói với người cha đầy nhân ái. Chính khi tỏ bày mối tương giao này, lời khẩn cầu của chúng ta là lời thưa xin vâng với sự tín thác vào tình thương của Chúa.
Và như thế, chúng ta không còn cảm thấy thất vọng vì lời khẩn cầu như bị Chúa lãng quên hoặc không lắng nghe, chúng ta không còn lẩm bẩm kêu ca vì cầu xin hoài mà chẳng thấy Chúa nhậm lời; và hơn thế nữa chúng ta không còn tỏ thái độ căm phẫn “nếu Chúa không nghe mời con, con sẽ bỏ Chúa!”. Khẩn cầu với sự tín thác là lý do Giáo Hội, trong lời khẩn cầu của mình, luôn dạy con cái van nài: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con”. Vâng chỉ có lòng thương xót của Chúa chúng ta mới có thể nhận được hết ơn này tới ơn khác ngoài sự mong ước của chúng ta. Còn chúng ta, xét cho cùng chỉ là vật phàm hèn, có đáng để Chúa quan tâm để ý không, như Thánh vịnh 8 đã tự vấn: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân có là gì, mà Chúa phải bận tâm?” Nói như thế không là hạ thấp phẩm giá, là làm cho mình vong thân, nhưng để chân nhận ra mình là ai mà khiêm cung tín thác vào tình thương; và để minh định rằng, mọi sự tốt đẹp chỉ có thể đến từ Thiên Chúa, và nếu không có Ngài thì chẳng có gì được trao ban.
Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa vì lượng từ bi hải hà Chúa dành tặng cho chúng con. Xin cho chúng con khiêm cung nhận ra sự yếu hèn của mình để luôn vững lòng cậy trông vào Chúa. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn