THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô

Thứ sáu - 16/06/2017 23:27
Nhân ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa, có một Ông luật sư không tin sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể, nên đã đến tranh luận với 1 vị linh mục như sau
Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô
LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA
(Ga 6, 51-59)
Nhân ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa, có một Ông luật sư không tin sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể, nên đã đến tranh luận với 1 vị linh mục như sau: Ông ta hỏi vị linh mục, làm sao bánh và rượu lại có thể trở thành Thịt và Máu Chúa được? Vị linh mục trả lời: thưa ông, ông có tin là cơm và bánh ông ăn hằng ngày có trở nên thịt và máu của ông không? Ông luật sư trả lời: tôi tin chứ, vì mỗi khi tôi ăn cơm bánh nhiều là tôi mập lên mấy ký liền mà. Vị linh mục trả lời: ông thấy không, ông là 1 người bình thường mà còn có thể làm cho những hạt cơm miếng bánh thành thịt và máu của ông, vậy thì Thiên Chúa mà lại không làm cho miếng bánh nhỏ kia thành thịt của ngài, và chén rượu kia thành máu ngài được sao!
Chưa chịu thua, ông luật sư hỏi tiếp: “Mà làm sao Chúa Giêsu to lớn như thế lại có thể ở trong miếng bánh nhỏ xíu như vậy?"Linh mục trả lời: "Ông hãy nhìn trời, nhìn núi non và làng mạc thành thị xem. Bầu trời mênh mông bát ngát, núi non cao lớn hùng vĩ, thành thị và làng mạc rộng rãi to lớn có phải thế không? Vậy mà con mắt nhỏ xíu của ông có thể chứa được tất cả. Nếu con mắt của ông làm được chuyện đó thì làm sao Thiên Chúa lại không thể cho miếng bánh nhỏ xíu chứa đựng được Chúa Giêsu". 
Ông luật sư vẫn không chịu thua, nên lại hỏi thêm: Tại sao có thể cử hành nhiều thánh lễ cùng một lúc tại nhiều nơi trên thế giới, mà mỗi thánh lễ đều có Chúa Giêsu được?" Vị linh mục đáp: “Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được". Rồi như để chứng minh cho câu trả lời này một cách cụ thể hơn, vị linh mục lấy một tấm gương ném xuống đất khiến nó bể tan thành rất nhiều mảnh nhỏ. Tiếp đến, linh mục giơ tay chỉ xuống tấm gương và nói với ông luật sư: Trước đây trong tấm gương này, ông trông thấy gương mặt một mình ông có phải không? Còn bây cùng  một lúc ông cũng trông thấy trọn vẹn gương mặt của ông trong nhiều mảnh kiếng nhỏ, có phải vậy không? Thế thì tại sao Thiên Chúa lại không thể hiện diện tại nhiều nơi trong cùng một lúc được?".
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, Cuộc tranh luận giữa vị linh mục và người luật sư trên đây, có thể giúp chúng ta hiểu một phần nào sự hiện dện của Chúa trong mầu nhiệm Mình Máu thánh Chúa mà Giáo Hội cử hành mỗi ngày trong bí tích Thánh thể, và đặc biệt trong lễ mừng kính Mình Máu Thánh Chúa hôm nay. Khi bánh và rượu được tiến dâng lên Thiên Chúa như lễ vật tạ ơn và xin ơn. Và sau khi linh mục truyền phép, bánh rượu đã trở nên Mình Máu Thánh Chúa để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, thánh hóa, biến đổi và trao ban cho chúng ta cuộc sống mới thánh thiêng của chính Thiên Chúa.
Đó cũng là điều mà trong bài đọc 2 hôm nay Thánh Phaolô muốn nhắn nhủ mỗi người trong chúng ta, tiệc Thánh Thể mà Chúa Giêsu dọn cho chúng ta trong thánh lễ chính là bữa tiệc mà Chúa Giêsu dọn ra bằng chính Thịt và Máu Thánh của Ngài, để nuôi dưỡng và để thánh hóa chúng ta. Vì vậy mà chúng ta hãy siêng năng chạy đến dự tiệc của Ngài, để sùng bái tôn thờ chính Chúa và được rước chính Chúa vào lòng chúng ta. Đừng lấy làm nặng nhọc khó khăn khi đi lễ, đừng cho là mất giờ khi phải đi dự Tiệc Thánh Thể. Tại sao chúng ta đi dự tiệc cưới hay dự tiệc đám giỗ chúng ta không sợ mất giờ, chúng ta hết ăn uống rồi đến hát hò đủ thử. Còn đi dự tiệc Thánh Thể để sinh ơn ích cho chúng ta thì chúng ta lấy làm cực chẳng đã.
Thánh lễ cũng không phải là nơi khoe khoang thời trang, áo quần, trình diễn văn nghệ, thưởng thức thánh ca hay là gặp gỡ để bàn chuyện với nhau. Thánh lễ là một bữa tiệc trọn vẹn, bao gồm mọi nghi thức từ ca nhập lễ cho đến phép lành và bài hát kết lễ: trong đó mỗi thành phần cộng đoàn đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng và tích cực tham dự trọn vẹn và hết mình theo phần vụ của mình. Chính vì vậy mà xén đầu bớt đuôi, tham dự không trọn vẹn, biến cử hành thánh lễ thành các buổi trình diễn chỉ có ca đoàn độc tấu từ đầu đến cuối, còn cộng đoàn giáo dân thì thinh lặng hay là hững hờ trong những lời thưa kinh, những câu xướng đáp vô hồn, đó là chúng ta tỏ ra không hiểu gì về ý nghĩa phụng vụ và tinh thần cộng đoàn trong việc cử hành thánh lễ.
Khi dọn tiệc cho chúng ta, Thiên Chúa muốn chúng ta được ăn trọn vẹn bữa tiệc từ đầu cho đến cuối, được ăn no say ơn thánh của Ngài. Chính vì vậy mà chúng ta hãy coi lại đức tin của chúng ta, coi lại thái độ của chúng ta đối với bí tích thánh thể như thế nào, để nhận ra là tại sao có nhiều người thờ ơ với bí tích thánh thể, và có nhiều người nói rằng bí tích thánh thể không sinh ích gì cho họ.
Kính thưa cộng đoàn, Bí tích thánh thể chắc chắn sinh rất nhiều ích lợi và trao ban rất nhiều ơn thánh cho chúng ta. Thế nhưng, tùy vào đức tin của chúng ta, tùy vào thái độ tha thiết của chúng ta, tùy vào lòng yêu mến của chúng ta đối với bí tích thánh thể và tùy vào cung cách chúng ta tham dự thánh lễ mà ơn Chúa sẽ đổ xuống cho chúng ta nhiều hay ít mà thôi. Amen.
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Thắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập52
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm50
  • Hôm nay4,283
  • Tháng hiện tại192,819
  • Tổng lượt truy cập15,479,709
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây