Giáo xứ Sông Hinh - Nhà Cha Ta Là Nhà Cầu Nguyện (Mt 21,13)https://giaoxusonghinh.org/uploads/gxsonghinh.jpg
Thứ sáu - 28/04/2017 11:49
Có những lúc trong cuộc đời trước những bất hạnh, rủi ro hay lầm lỡ, chúng ta thường thốt lên một lời thật xót xa: “giá mà!”. Giá mà tôi đừng như vậy thì đời tôi đâu đến nông nỗi này!
Giá mà tôi không đầu tư vào việc đó thì tôi đâu thất bại ê chề như thế này! Giá mà tôi chịu nghe lời cha mẹ, giá mà tôi đừng gặp người đó, đừng bằng lòng lấy người ấy thì đời tôi đâu khổ sầu như ngày hôm nay! Giá mà tôi đừng trèo cao danh vọng hay “vung tay quá trán” thì đời tôi đâu khốn khó như ngày hôm nay!
Có lẽ, vẫn còn nhiều câu nói xót xa tương tự như thế trong cuộc đời chúng ta. Nhất là trong những quyết định sai lầm để rồi “sẩy một ly đi một dặm”, đã khiến cuộc đời mình trở nên khánh tận tột cùng. Lúc đó hai tiếng “giá mà” lại càng đau đớn xót xa hơn!
Ngược với sự xót xa tiếc nuối, người ta có thể đặt bản lề cho vận mạng mới của mình bằng hai tiếng “tuy nhiên”. Tuy nhiên tôi có thể làm lại từ đầu. Tôi có thể đứng lên từ trong biến cố đau thương này. Trong hoạ vẫn có phúc. Trong đau khổ vẫn có mầm hy vọng. Trong thất bại vẫn có con đường để tiến lên, miễn là biết kiên nhẫn và chờ đợi sẽ có ngày gặt hái thành công.
Hai môn đệ đi làng Emmau hôm nay lòng cũng tơi bời, nát tan trong tuyệt vọng và tiếc nuối. Giá mà ngày nào họ đừng gặp Thầy Giê-su, đừng đi theo Người, đừng lặn lội sương gió phò tá Người thì hôm nay đâu phải trắng tay và trốn chạy như thế này! Giá mà Đức Giê-su, người từng làm cho sóng gió biển cả phải im lặng, cho ma quỷ phải khiếp sợ, đừng chấp nhận một định mệnh quá cay nghiệt là cái chết ô nhục trên thập giá, thì mộng ước bấy lâu nay của họ đã thành hiện thực. Tuy nhiên, giữa lúc họ đang đặt ra biết bao giả thuyết đầy nuối tiếc, bi quan, tưởng chừng như cuộc đời họ đã chấm dứt như “dã tràng xe cát biển đông”, Chúa đã đến với họ như một người khách lạ cùng nhịp bước với họ, nhưng lại nhìn những biến cố đang diễn ra khác họ. Người khách lạ đã giúp các ông nhìn biến cố này từ Thánh Kinh. Gợi lại cho các ông những dòng Kinh Thánh từ thời Abraham, Mô-sê và các tiên tri để các ông hiểu được con đường của Thầy Chí Thánh Giê-su: là Đức Giê-su phải đi qua đau khổ mới tới vinh quang. Đức Ky-tô là Đấng Messia. Ngài phải thực hiện toàn bộ các lời kinh thánh đã nói về Ngài.
Nghe người khách lạ nói, lòng trí các ông bừng sáng một niềm tin lạ thường. Niềm tin giúp các ông chấp nhận sự thật trong an bình, trong thánh ý của Thiên Chúa. Lòng họ tràn ngập niềm hân hoan. Họ muốn mời người khác lạ ở lại với họ. Họ muốn tri ân. Họ muốn bầy tỏ lòng biết ơn đối với người khách lạ. Vì nhờ người khách lạ giải thích Kinh Thánh mà họ hiểu được ý nghĩa của biến cố đang xảy ra. Bao lâu nay họ học Kinh Thánh, bao lâu nay họ nghe giảng Kinh Thánh nhưng họ lại không biết nhìn sự kiện dưới cái nhìn của Kinh Thánh. Họ muốn Thiên Chúa hành xử theo ý mình. Họ muốn Đức Giê-su đáp lại nguyện vọng của họ mà họ đâu biết rằng Người đến trần gian là để thực thi ý Chúa Cha. Họ thất vọng vì những điều xảy ra không theo ý họ. Chúa đã chết thay vì làm vua. Cái chết của Chúa đã làm tan biến mọi mơ ước trong lòng họ. Tuy nhiên, hôm nay họ đã hiểu, dù có muộn màng nhưng mặc cho trời còn tối. Bóng tối của trời đất chẳng là gì với ánh sáng của tâm hồn. Tâm hồn họ bừng sáng lên niềm hy vọng. Tâm hồn họ tràn ngập ánh sáng hân hoan. Họ đứng dạy trở về Giêrusalem, trở về với các tông đồ trong sự hiệp thông với Chúa và với nhau.
Câu chuyện hai môn đệ đi làng Emmau, thánh sử Luca chỉ giới thiệu cho chúng ta một nhân vật có là Lê-o-pha, và một người khuyết danh. Người khuyết danh đó phải chăng là mỗi tín hữu chúng ta? Có thể là chính chúng ta cũng có lúc đang đi trên đường Emmau. Đoạn đường có quá nhiều chán chường. Đoạn đường dài đầy bất trắc dồn dập xảy đến trong cuộc đời. Ốm đau, bệnh tật, làm ăn thua lỗ luôn làm chúng ta chưa hết cái lo này đến cái lo khác. Khiến chúng ta thất vọng. Muốn buông xuôi. Mặc cho dòng đời đưa đẩy. Thánh Luca muốn ghi lại biến cố này để mời gọi những ai sầu khổ tư bề hãy biết nhìn biến cố trong đời bằng ánh sáng tin mừng. “Sau đêm dài là ánh bình minh”. “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Hãy tin tưởng vào Chúa. Thiên Chúa luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời chúng ta. Vì Chúa là người Cha hiền sẽ không bao giờ bỏ rơi con cái của mình.
Ước gì trong thánh lễ hôm nay, chúng ta được nghe Lời Chúa, được hiểu Lời Chúa, được hiệp thông với Chúa và với nhau qua bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng được sự bình an và niềm vui có Chúa ở cùng như hai môn đệ đi làng Emmau năm xưa. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
Đang truy cập108
Máy chủ tìm kiếm1
Khách viếng thăm107
Hôm nay5,983
Tháng hiện tại194,519
Tổng lượt truy cập15,481,409
GIỜ LỄ
Lễ ngày thường Buổi chiều lúc 18h30 Lễ Chúa Nhật Chiều thứ 7 lúc 18h30 Sáng chủ nhật lúc 8h00 Những thời gian lễ khác sẽ được Cha Chánh Xứ thông báo.