Giáo xứ Sông Hinh - Nhà Cha Ta Là Nhà Cầu Nguyện (Mt 21,13)https://giaoxusonghinh.org/uploads/gxsonghinh.jpg
Thứ bảy - 02/06/2018 18:23
Tin Mừng Mc 14: 12 -16.22.26; Với Chúa Giêsu Chúng ta lại thấy nó kì kì… nó khác với mọi người lắm! tại sao Chúa lại không hóa thân làm viên kim cương hay là thành một mảnh vàng hay là thành tiền để lại gọi là của hồi môn cho con cháu. Nhưng mà rồi Chúa Giêsu lại để lại cho trần gian này chỉ với tấm bánh...
Chắc có lẽ, mỗi người chúng ta đã hơn một lần nghe cái câu nói mà người ta có thể là đùa, mà có thể là thật:
Tiền là tiên là Phật,
là sức bật của lò xo.
Là sức đo của loài người.
Là tiếng cười của tuổi trẻ,
là sức khỏe của người già,
là cái đà của Danh Vọng
là cái lộng để che thân,
là cán cân của Công Lý.
Mà quả thật, tiền nó gắn bó với đời sống con người ghê lắm! và ai cũng cần tiền hết. Và chúng ta thấy thường thường:
Cha mẹ đi xa, về già, để lại cho con cháu gia tài là tiền bạc. Có thể quý hơn là vàng, có thể quý hơn nữa là kim cương… Thường thường cha mẹ đi xa, hay chết thì để lại cho con cái mình những thứ đó, gọi là vốn liếng để lại cho con cháu mình.
Với Chúa Giêsu Chúng ta lại thấy nó kì kì… nó khác với mọi người lắm! tại sao Chúa lại không hóa thân làm viên kim cương hay là thành một mảnh vàng hay là thành tiền để lại gọi là của hồi môn cho con cháu. Nhưng mà rồi Chúa Giêsu lại để lại cho trần gian này chỉ với tấm bánh. Với tấm bánh rất là nhỏ bé, rất là bình thường, thế nhưng rồi tấm bánh đó lại mang một chiều kích sâu xa, mang một ý nghĩa rất thiết thực trong đời sống của con người.
Bởi lẽ đơn giản, thịt và máu là hai yếu tố làm nên căn bản thân xác của một con người. Thịt và máu cũng là biểu tượng của sự gắn bó và hết sức tinh tế, hết sức nhạy cảm, hết sức ý nhị;
Trong cái bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể, đồng nghĩa rằng: Chúa Giêsu đã làm cho bánh trở nên thịt của Ngài và rượu trở nên máu của Ngài. Và chúng ta vẫn thường gọi đó là bí tích tình yêu, bí tích cao siêu. Chúa Giêsu muốn ở lại với nhân loại với con người, để Ngài cùng với con người chịu đựng cái kiếp người.
Và đặc biệt hơn nữa, qua cái bí tích Thánh Thể, qua cái Bí tích tình yêu này, Chúa cho phép con người được gắn bó với Chúa hơn. Nhờ vào việc con người ăn và uống thịt máu Người, chính là lương thực thần linh để vừa ban sức sống thiêng liêng cho con người ở tại thế, khi Giêsu đã về trời; và vừa bảo đảm cho họ có sự sống đời đời.
Và chúng ta thấy hình ảnh của Tấm Bánh Giêsu đã được loan báo ở trong Cựu Ước. Khi dân đi trong sa mạc đói khát manna chính là hình ảnh của bí tích Thánh Thể mà Chúa sẽ thiết lập trong bữa Tiệc Ly.
Nếu như người Do Thái còn in đậm trong trí nhớ phép lạ manna, thì Chúa Giêsu quả quyết với họ rằng chính là Chúa Cha ban cho họ lương thực huyền nhiệm đó.
Đồng thời Chúa cũng nêu lên sự khác biệt giữa manna và Bí Tích Thánh Thể. Manna chỉ là lương thực để nuôi dưỡng thân xác, còn Thánh Thể chính là lương thực thần liêng để mà nuôi sống tâm hồn. Manna là lương thực của đời này, mau qua chống tàn, còn Thánh Thể thì bảo đảm cho con người được sự sống đời sau.
Và rồi trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã cưu mang dân của Ngài và dẫn dân ra khỏi Ai Cập. Để chứng tỏ lòng thành tín của Chúa đối với dân, thì Chúa đã ban Bánh Thiên Chúa làm của ăn cho dân (Xh 16, 16)
Không chỉ làm lương thực đi đường, mà còn qua miệng của Môsê Thiên Chúa muốn gửi đến cho nhân loại, cho con cái của ngài một thông điệp là Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa đã cho mưa manna từ trời xuống mỗi ngày, để cha ông họ ăn được thỏa thích. Và đó là lý do mà tại sao người ta nói là : “bánh Thiên thần phàm nhân được hưởng” (Tv 77, 25)
Và rồi, dẫu rằng manna từ trời xuống nuôi dân trong sa mạc hay bánh Thiên thần mang đến cho Elia nuôi sống người ta 40 ngày cùng lắm 40 năm nữa... Nhưng rồi những thứ bánh đó cũng qua đi. Và những kẻ ăn cũng phải đói và phải khát.
Ngày hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta, bánh bởi trời xuống chính là Chúa. Chúa đã đến trong trần gian này, để làm no thỏa cái đói tinh thần của con người. Ai ăn chính Người sẽ được sống muôn đời, và nhất là khỏi chết đời đời. Chính Ngài đã xác nhận: “TA là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời.”
Thật hạnh phúc, khi mà người Kitô Hữu chúng ta đặc biệt hơn các tôn giáo khác, khi họ tham dự nghi lễ của họ thì họ ra về tay không, còn mỗi người chúng ta khi tham dự thánh lễ chúng ta được cùng ăn, cùng uống : Thịt và Máu Chúa.
Và cái dấu chỉ Mình và Máu Chúa, cho chúng ta thấy cái dấu chỉ của sự hiệp nhất, sự yêu thương. Hiệp nhất với nhau như là máu với thịt.
Mối hiệp thông này có 2 chiều kích, hiệp thông này có chiều dọc, và hiệp thông này có chiều ngang.
Hiệp thông này có chiều dọc đó là gắn bó với Chúa Giêsu để nhờ Người mà ta gặp được Chúa Cha.
Hiệp thông với chiều ngang đó là chúng ta cảm thông, chúng ta liên đới với anh chị em đồng loại của chúng ta. Và đặc biệt, thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô ngài nhắc rằng:
“ Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta cùng chia sẻ tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, nhưng chúng ta chỉ là một thân thể” . Qua hình ảnh một thân thể, vị tông đồ muốn nhắc chúng ta sống liên kết và yêu thương với nhau trong cùng một Tấm Bánh Giêsu. Lương thực ấy, kết hợp chúng ta thành một thân thể là Giáo Hội.
Và đặc biệt người Việt Nam chúng ta nói : «Máu chảy ruột mềm». Hình ảnh này muốn nói lên tình tương thân, tương ái giữa mọi thành phần trong Hội thánh với nhau. Và vươn cao hơn nữa, xa hơn nữa, rộng hơn nữa đó là tình đồng loại để cứu giúp những ai hoạn nạn khổ đau.
Và rồi Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta được lãnh nhận nơi CHÚA đó. Chúa mời gọi mỗi người chúng ta, cũng trở nên tấm bánh như mọi người, như Chúa Giêsu; nghĩa là chúng ta phục vụ và yêu thương anh chị em đồng loại.
Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở nên bánh cho vợ của mình. Hãy trở nên bánh cho chồng của mình. Hãy nên bánh cho con của mình, và hãy nên bánh cho cha mẹ của mình.
Không cần đi làm bác ái ở đâu xa! không cần đi làm từ thiện ở đâu xa cả! Ngay trong chính gia đình của chúng ta.
Có khi chúng ta sống với một người mẹ cô đơn, đau khổ nhưng chúng ta có bao giờ biết rằng mẹ của chúng ta cô đơn?
Có khi chúng ta sống với một người bố trong nhà, trầm cảm, bởi vì bố không có khả năng lao động, bởi vì bố không có khả năng làm việc. Nhưng mà ta có cảm thức được sự cô đơn trầm cảm của bố, để sẻ chia yêu thương bố mình hay không?
Hay ngay trong gia đình của chúng ta có đứa em, nó bị khuyết tật, nó bị thiểu năng . Nó cần cái sự chung chia, nó cần cái tình thương của chúng ta lắm! Nhưng rồi chúng ta đã không cảm nhận được cái tình thương đó, và chia sẻ cho người thân trong gia đình của chúng ta.
Mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta được biến đổi, được kết hợp với Đức Kitô và được biến đổi nên một với Đức Kitô. Sống cái tình yêu đó, và để tình yêu đó, được sống động trong cuộc đời của chúng ta.
Tình yêu mà Chúa mời gọi thiết thực nhất, là chúng ta cũng phải trở nên TẤM Bánh cho anh chị em đồng loại của chúng ta.
Đặc biệt, chúng ta thấy ngày 19 tháng 11 năm 2017, Đức thánh cha Phanxicô đã khởi xướng ngày Thế giới người nghèo lần thứ I và chính Ngài đã mở tiệc để mời những người nghèo. Và nhiều giáo phận khác trong đất nước Việt Nam của chúng ta, cũng hưởng ứng cái lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô để mà mở tiệc chia sẻ với những người nghèo. Và rồi Chính Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài huấn từ của ngài, ngài nói rằng: chính người nghèo là thẻ thông hành thiên đàng’ của chúng ta .
Xung quanh chúng ta có thể là người nghèo vật chất, nhưng cũng có thể là người nghèo về tinh thần. Có thể người nghèo về niềm tin. Mà chúng ta là những người may mắn hơn, có thể chúng ta đầy đủ hơn người khác, chúng ta khá hơn người khác. Nhưng mà liệu rằng chúng ta có mở mắt ra để nhìn ra người nghèo ngay trước mắt chúng ta, ngay bên cạnh chúng ta.
Chúng ta được mời gọi để sẻ chia, để mà chung chia với những người nghèo khổ xung quanh chúng ta. Có thể chỉ bằng một lời nói yêu thương, có thể bằng một lời cầu nguyện. Hay là thiết thực nhất chúng ta có thể chia sẻ một bữa ăn nho nhỏ cùng với những người nghèo chung quanh chúng ta. Có khi chúng ta đi ăn tiệc, chúng ta gặp phải những con người nghèo lê lết bán vé số, xin ăn nhưng mà chúng ta vẫn làm ngơ. Bởi vì chúng ta không cảm thương được người nghèo.
Nói tới đây, con lại nhớ tới cái câu chuyện rất là buồn cười. Nhiều khi mình xài tiền nó buồn cười lắm! Đi vào nhà hàng ăn 5,7 trăm, 1 triệu dư 3, 4 chục ngàn, làm như sang lắm! không lấy lại, bỏ qua. Còn khi đi mua đồ, cái món gì đó, có nhiều khi nó chỉ là vài ngàn đồng thôi, mà mình lại bớt xén với những cái người buôn gánh bán bưng đó! Nhiều khi cái cảnh đó thấy rất nghịch lý và rất là buồn cười.
Bớt đi, bớt đi cái tính toán, bớt đi cái thiệt hơn.
Nhiều khi ăn uống xa hoa phú quý thừa mứa rồi cũng chẳng có ngại rằng là tiền dư tiền thối 5, 7 chục. nhưng mà đối với người nghèo trả giá với họ có đôi khi vài đồng bạc, vài ngàn bạc .
Chúng ta sống yêu thương, chúng ta sống bác ái đi. Những người buôn gánh bán bưng , họ nghèo, họ vất vả lê ở ngoài đường, họ đi kiếm cơm mà trong khi đó, chúng ta cũng hẹp hòi với họ lắm!
Đó là cái nghĩa cử rất là gần với cuộc đời của chúng ta những việc làm rất thật và rất gần với chúng ta.
Chúa Mời gọi chúng ta hãy yêu thương người nghèo. Chúng ta hãy trở nên tấm bánh cho người, khi mà chúng ta càng chia sẻ chúng ta lại càng thấy mình được hạnh phúc.
Có một gia đình kia, trong ngày thế giới người nghèo, hai vợ chồng 3 đứa con dẫn nhau đi xuống thăm mấy cái mái ấm nghèo ở Củ Chi. Tối về anh ta mới nói rằng là: Ồ, khi mà chúng con đưa cho con cái chúng con đi thăm người nghèo. Chúng con cảm thấy mình hạnh phúc hơn, được may mắn hơn, được chia sẻ hơn. Thế đó, tất cả những cái kinh nghiệm sống trong cuộc đời của chúng ta, khi chúng ta biết cho đi như Chúa Giêsu TẤM bánh đã để cho mọi người đến, và mọi người ăn trên cái cuộc đời của Chúa Giêsu, để rồi cảm nhận được cái tình yêu Giêsu đó! Và mang chung chia cái tình yêu đó cho những người chúng ta gặp gỡ.
Ngày hôm nay, chúng ta mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Xin cho chúng ta cảm nghiệm được tính chất thiêng liêng và lương thực thần linh nơi Bí Tích Thánh Thể.
Để mỗi ngày mỗi ngày cố gắng chúng ta đến tham dự thánh lễ , chúng ta rước Chúa vào trong cuộc đời của chúng ta. Và khi chúng ta với Chúa nơi một thì cuộc đời của chúng ta sẽ thấy nhẹ nhàng lắm! Khi chúng ta với Chúa thành một rồi, thì tất cả mọi chuyện của ta đều là của Chúa, mọi chuyện của Chúa đều là của ta.
Và khi đó ta lại được mời gọi lên đường sống, loan báo Tin Mừng tình yêu, bằng cách chung chia hy sinh cho vợ, hy sinh cho chồng, hy sinh cho con. Và đặc biệt, cứ về nhà suy nghĩ đi! Khi chúng ta sống, chúng ta biết sẽ chia, chúng ta cho những người xung quanh chúng ta, thì khi ấy chúng ta lại nhận lại nhiều hơn, nhận lại tình thương của Chúa nhiều hơn.
Xin Chúa đến và ở lại với chúng ta, xin cho chúng ta luôn luôn kết hợp với Đức Giêsu Kitô, trong Bí tích Thánh Thể để chúng ta được nên một với Chúa. Và khi nên một với Chúa, chúng ta cảm thấy cuộc đời của chúng ta thư thái và bình an. Amen.
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
Đang truy cập61
Hôm nay5,062
Tháng hiện tại207,431
Tổng lượt truy cập15,494,321
GIỜ LỄ
Lễ ngày thường Buổi chiều lúc 18h30 Lễ Chúa Nhật Chiều thứ 7 lúc 18h30 Sáng chủ nhật lúc 8h00 Những thời gian lễ khác sẽ được Cha Chánh Xứ thông báo.