THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Hướng Lòng Lên Trời

Thứ bảy - 12/05/2018 21:15
Tin mừng Mt 28:16-20 Mừng Lễ Chúa Giêsu Lên Trời, Giáo Hội trình bày cho chúng ta nhiều điểm giáo lý quan trọng, nhưng đặc biệt, nhắc nhở mỗi chúng ta từ linh mục, tu sĩ đến giáo dân về trách nhiệm sống và loan báo Tin Mừng mà Chúa Giêsu để lại cho mỗi người.
Hướng Lòng Lên Trời
Hôm nay, cùng với Giáo Hội chúng ta chứng kiến việc Chúa về Trời. Chúa về Trời  trước hết diễn tả vinh quang chiến thắng. Qua sự phục sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần. Người cũng chiến thắng những cám dỗ của thế gian nhằm lôi kéo Người từ bỏ thực thi ý định của Chúa Cha. Chúa Giêsu về trời, đem theo những dấu tích của cuộc khổ nạn (dấu đinh), như bằng chứng của sự hy sinh tự hiến để thánh ý Chúa Cha được nên trọn.

Nhìn lại lịch sử thăng trầm của con người, con người mọi thời đại luôn khát khao bay lên trời. Đi dưới đất, ngược xuôi trên biển trên sông, con người luôn ước vọng, phải làm sao lên được trời cao. Vì thế, ngày 04 tháng 06 năm 1783, lần đầu tiên, hai anh em Mongolfiers, bay lên trời bằng khí cầu được 500 mét trước hàng ngàn người chứng kiến. Ngày 12 tháng 04 năm 1961, Gagarine, phi hành gia đầu tiên bay ra khỏi tầng khí quyển của trái đất trong phi thuyền Vostok I của Liên Xô. Đến ngày 16 tháng 07 năm 1969 hai phi hành gia người Mỹ là Armstrong và Aldrin bay lên tới mặt trăng. Cả thế giới đã hồi hộp theo dõi những phi hành gia bay vào vũ trụ. Và chuyến bay nào rồi cũng phải trở về trái đất.

Việc Chúa Giêsu lên trời và những lời Ngài truyền dạy trước khi từ giã trần gian giúp ta có một cái nhìn đúng đắn hơn đối với trời và đối với đất.

Chúa Giêsu lên trời. Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.

Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau. Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt. Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối. Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh.

Như thế trời là niềm hy vọng của con người. Con người không còn bị trói chặt vào trần gian. Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc. Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.

Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó, như chính Người đã khẳng định: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã trao cho con” (Ga 17,4). Và, như người lính sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về với ngành nguyệt quế chiến thắng, Đức Giêsu được cất lên trời trong vinh quang và giữa tiếng muôn thiên thần tung hô chúc tụng.”Được cất lên”, đó là kiểu nói của Kinh Thánh. Độc giả Do Thái dễ dàng liên tưởng đến trường hợp của ngôn sứ Elia và ông Enốc trong Cựu ước. Hai vị này đã được Chúa cất lên không trung, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ ngôn sứ.

Chúa Phục sinh đang hiện diện, đang có mặt trong cuộc đời chúng ta, không phải chỉ khi chúng ta họp nhau cầu nguyện, không phải chỉ khi chúng ta ở trong nhà thờ, nhưng Người còn hiện diện trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời chúng ta. Khi thì như một người đang làm vườn (Ga 20,11-18), lúc thì như một người đi đàng (Lc 24,13-35), khi thì lại như một người đang cầu nguyện (Lc 24,50-53), lúc lại như một người thuyền chài (Ga 21,4-23). Chúa Phục sinh vẫn luôn đang hiện diện như vậy, không ngừng hiện diện như vậy với Giáo hội. “Lên trời” đấy, “ngự bên hữu Thiên Chúa” đấy; ấy vậy mà Giáo hội vẫn mạnh dạn khẳng định chắc chắn rằng: “Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20).

Mừng Lễ Chúa Giêsu Lên Trời, Giáo Hội trình bày cho chúng ta nhiều điểm giáo lý quan trọng, nhưng đặc biệt, nhắc nhở mỗi chúng ta từ linh mục, tu sĩ đến giáo dân về trách nhiệm sống và loan báo Tin Mừng mà Chúa Giêsu để lại cho mỗi người. Sách Công vụ Tông đồ đã thuật lại sự kiện Chúa Giêsu lên trời như là điểm kết thúc sứ mạng của Ngài và mở ra sứ mạng của Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa về trời không phải Ngài thoái thác trách nhiệm, cũng không phải Ngài từ bỏ con người, nhưng Ngài hoàn tất nhiệm vụ Thiên Chúa Cha đã trao phó và trở về với Chúa Cha trong vinh quang của Ngài.

Cử hành lễ Chúa Giêsu lên trời đúng bốn mươi ngày sau lễ Phục sinh, Giáo hội có ý giúp con cái mình sống lại kinh nghiệm của Giáo hội sơ khai, một kinh nghiệm rất hữu ích và phong phú cho đời sống của những người con Chúa. Trong thời gian bốn mươi ngày, Giáo hội sơ khai đã vinh dự được sống những tháng ngày mà Thầy Chí Thánh “chiếu cố” gặp gỡ một cách hữu hình, và ngày thứ bốn mươi là lần cuối cùng họ được diễm phúc gặp gỡ Người một cách trực tiếp. Để rồi từ đây, họ sẽ vui mừng hơn nữa khi đã đủ khả năng để bước vào một kinh nghiệm lớn lao hơn, đó là kinh nghiệm gặp gỡ. sống và hoạt động tông đồ với Người, Đấng từ nay sẽ hiện diện một cách vô hình. Điều này đã được thánh Luca mô tả rất hay. Sau khi đã chứng kiến tận mắt Thầy Chí Thánh “được cất lên” và “có đám mây quyện lấy Người”, để rồi “không còn thấy Người nữa”. “Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ” (Lc 24,53).

Chúa lên trời, không có nghĩa là Ngài không còn hiện diện tại trần gian, nhưng là một sự thay đổi cách thức hiện diện. Ngài không hiện diện bằng xương bằng thịt như trước đây, nhưng vẫn hiện diện bằng quyền năng, bằng Thánh Thần và bằng sự quan phòng. Người được cất lên trước mặt các Tông đồ và có đám mây bao phủ lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Hình ảnh đám mây bao phủ lấy Ngài, Thánh Kinh muốn nói rằng, Ngài vẫn hiện diện ở bên mỗi người, chỉ có điều là mắt chúng ta bị mây che phủ nên không nhận ra Ngài.

Chúa về trời để chỉ cho ta rằng, mục đích của mỗi người và quê hương đích thực của chúng ta là Nước Trời. Chúa về trời là một bảo đảm chắc chắn cho tất cả những ai tin theo Chúa, thực hành những điều Chúa dạy, đi theo con đường của Ngài thì cũng sẽ được về trời với Ngài. Ngài là người mở đường, Ngài đi trước để dẫn lối cho chúng ta theo sau. Vì thế, mỗi người phải luôn nhớ hướng tâm hồn và cả con người mình về quê trời, là nơi Thiên Chúa là Cha yêu thương đang đón đợi chúng ta.

Chúa về trời, một cuộc tạm biệt chứ không ly biệt. Chia tay để rồi sẽ gặp lại nhau trong một tương quan mới.Chúa về trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Người để rồi đối với chúng ta không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được ở trong Người, đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng. Nhận thức được niềm hạnh phúc ấy, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú vị ngọt ngào. Nơi thiên cung, mọi đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố không còn nữa. Ở đó chỉ có thanh bình, công bằng, và hạnh phúc viên mãn, nhân phẩm và nhân vị con người hoàn toàn được phục hồi trong ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô.

Chúa về Trời là lời khẳng định cho chúng ta về một cõi thiên đường. Một thiên đường có Thiên Chúa sẽ làm no thỏa mọi hạnh phúc cho con người. Một quê Trời nơi đó con người sống thanh thoát khỏi những nhu cầu vật chất nên sẽ không còn bon chen, tranh giành, đầy đọa lẫn nhau. Một thiên đường hạnh phúc không phải một ngày mà là hạnh phúc miên trường.

Sống trong hy vọng phải là thái độ không thể thiếu nơi người tín hữu. Chúng ta không thể để những khó khăn hoặc những đe dọa của con người, của xã hội làm chúng ta mất niềm hy vọng. Niềm hy vọng của người tín hữu không ảo tưởng, nhưng được đặt trên lời hứa của Chúa Giêsu. Ngài hứa sẽ ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, Ngài sẽ trở lại đem chúng ta về với Ngài và chung hưởng hạnh phúc với Ngài.

Chúng ta chỉ có thể nói về Chúa cho người khác khi chúng ta có Chúa, đồng thời, ta chỉ có thể nói về Chúa một cách không mệt mỏi khi chúng ta hoàn toàn xác tín vào Chúa. Trong khi anh em Tin Lành không hề ngại ngùng nói về Chúa Giêsu, thì dường như người Công Giáo lại rất ngại khi nói về niềm tin của mình. Lý do là vì đời sống của họ quá khác với đời sống của Chúa Kitô và của Tin Mừng. Họ sống đạo một cách hời hợt qua lần, không cầu nguyện, không lãnh nhận Bí tích. Nhất là nhiều người không tự tin về vốn giáo lý của mình, bởi vì họ không học hỏi, không trau dồi nên họ tránh né không dám nói về Chúa, không dám mạnh dạn bênh vực niềm tin của mình.

Thật vậy, để về trời thì con người phải biết dựng xây thiên đường hạ giới bằng một đời sống thực thi Lời Chúa. Lời Chúa chỉ tóm gọn trong hai điều là mến Chúa yêu người. Yêu là cách chúng ta phá bỏ hỏa ngục để xây dựng thiên đường tại thế. Yêu là cách chúng ta đang gửi những viên gạch lên trời để xây dựng ngôi nhà vĩnh viễn trên thiên đường.

Và thầm mong cho mỗi người chúng ta được hưởng hạnh phúc thiên đường tại thế khi người người biết yêu thương nhau. Xin cho chúng ta biết xây dựng thiên đường hạ giới bằng yêu thương và phục vụ tha nhân như Chúa Giê-su đã sống và phục vụ. Đó cũng là phương thế đạt được hạnh phúc miên trường mai sau trong Nước Chúa. Amen


Huệ Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập44
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay4,379
  • Tháng hiện tại192,915
  • Tổng lượt truy cập15,479,805
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây