THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Máu Thịt Chúa Giêsu - Nguồn Sự Sống

Thứ bảy - 18/08/2018 18:48
Ga 6: 51-58: Trong bản văn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định : Người sẽ ban chính thịt máu Người làm bánh mang lại sự sống trường sinh cho nhân loại. Thịt ở đây theo nghĩa Kinh thánh chính là Người.
Máu Thịt Chúa Giêsu - Nguồn Sự Sống
I. KHÁM PHÁ SỨ ĐIỆP TIN MỪNG : Ga 6,51-58

Trong các phần trước của chương 6, Tin Mừng thứ IV, Chúa Giêsu tự giới thiệu Người là "Bánh từ trời xuống", vượt trội so với manna. Trong bản văn này Chúa Giêsu lại tiếp tục khẳng định bánh mà Người ban chính là thịt của Người. Người đã hiến dâng chính mình làm lương thực mang lại sự sống trường tồn cho nhân loại.

1. Máu thịt Chúa Giêsu, lương thực ban sự sống :

"Chính Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời, và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". Chúa Giêsu khẳng định mình là bánh ban sự sống từ trời xuống và bánh này chinh là "thịt" của Người. Trong ngôn ngữ Sêmít, từ ngữ này không chỉ yếu tố thể chất cơ thể của Người, nhưng là nói đến chính Người trong thân phận một con người. Ở đây từ ngữ "thịt" khác với từ "thân mình" Chúa Giêsu dùng tại bữa tiệc ly "Này là mình thầy" khi thiết lập Bí tích Thánh thể. Từ "thịt" nhắc nhớ lại lời tựa của Tin mừng thứ IV : "Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể" (1,14), do đó, ở đây thấy rõ ý của tác giả muốn nhấn mạnh đến ý tưởng về mầu nhiệm nhập thể mà diễn từ muốn làm nổi bật khi bàn tới vấn đề "từ trời xuống". Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, nhục thể ấy đã trở nên bánh ban sự sống cho nhân loại.

2. Sự sống siêu nhiên Chúa Giêsu ban tặng : 

Sự sống Chúa Giêsu ban tặng là sự sống đích thực mang tính siêu nhiên. Chỉ trong đức tin mới có thể hiểu được sự sống này. Sự sống mà con người có kinh nghiệm và xem ra hiểu rõ nhất chỉ là sự sống tự nhiên, sự sống thể lý. Nó hoàn toàn khác với sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa muốn tặng ban cho con người sự sống siêu nhiên của Ngài. Và chính sự sống ấy mới làm cho con người trổi vượt hơn muôn loại thụ tạo khác. Trong khi ấy, sự sống tự nhiên thì tất cả mọi sinh vật đều được sở hữu. Người ta chỉ thực sự chết đi khi mất đi sự sống siêu nhiên bởi chính tội lỗi nặng nề của mình, nghĩa là cái chết thứ hai, cái chết đời đời theo cách diễn giải của Thánh Gioan Tông đồ. Sự chết về mặt thể lý không phải là sự chết đích thực. Khi đứng trước một người nào chỉ chết về mặt thể lý, Chúa Giêsu gọi sự chết ấy là một giấc ngủ, như trường hợp con gái ông Giarô, trưởng hội đường, hay trường hợp Lagiarô. Như vậy, Chúa Giêsu tự xưng là bánh ban sự sống đời đời là Người nói đến sự sống siêu nhiên theo nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ này, sự sống thần linh của Thiên Chúa mà sự chết thân xác không thể hủy diệt được.

3. Hiệu quả của việc ăn uống mình máu Chúa Giêsu :
   
Với những từ ngữ rất mạnh : "Nếu các ngươi không ăn thịt và uống máu Con Người, thì các ngươi không có sự sống trong các ngươi". Chúa Giêsu cho thấy hiệu quả của việc đón nhận mình máu Người là đón nhận sự sống và chỉ những ai đón nhạn mới có sự sống. Chúa Giêsu dùng từ "trôgê" nghĩa là nhai, nghiền nát bằng răng thịt của Người và uống máu của Người. Đây là điều cấm kỵ đối với người Do Thái vì lề luật cấm uống máu súc vật (Lv 17,10). Tất cả chỉ để nhấn mạnh đến việc tuyệt đối cần thiết phải đón nhận Thánh thể Người mới có sự sống của Thiên Chúa. Ai ăn và uống máu Người, thì Người ở trong họ, mà Người là sự sống thần linh của Thiên Chúa, nên có Người hiện diện là có sự sống của Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu. Như vậy, nhờ việc rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được tham dự, được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, một sự sống bất diệt. Sự sống này đã tiềm tàng nơi mỗi Kitô hữu khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy và đạt đến trọn vẹn khi kết hợp hoàn toàn cuộc đời vào cuộc Thương khó, Tử nạn và Phục sinh của Người.

II. Chiêm Ngắm Chúa Giêsu : 

Bản văn Tin mừng này đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu là Đấng ban sự sống đời đời. Trong suốt Tin mừng thứ IV, Gioan trình bày về Chúa Giêsu chính là sự sống, với lời giảng về bánh hằng sống, cho phép chúng ta nhận ra Chúa Giêsu đích thực là Đấng đến trao ban sự sống cho con người. Yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, siêng năng đến với Người, đón nhận Người chính là phương thế để có sự sống siêu nhiên và phát triển sự sống ấy nơi bản thân mỗi người.

III. Gợi ý Bài Giảng :

1. Từ mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu Ngôi Lời hóa thành nhục thể đến mầu nhiệm Thánh thể, Người trở nên lương thực ban sự sống đời đời : 

Trong bản văn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định : Người sẽ ban chính thịt máu Người làm bánh mang lại sự sống trường sinh cho nhân loại. Thịt ở đây theo nghĩa Kinh thánh chính là Người. Những ai đón nhận máu thịt của Người thì Người sẽ ở trong kẻ ấy : "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy". Chúa Giêsu sẽ hiện diện, cư trú trong những ai ăn thịt, uống máu Người. Người hiện diện cách sống động, là tác nhân chính cho sự sống của những ai đón rước Người. Chính trong lời tựa của Tin mừng thứ IV, Gioan cũng đã minh định về mầu nhiệm nhập thể : "Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Ga 1,14). Chúa Giêsu xuống thế làm người để sống giữa nhân loại, chia sẻ cuộc sống với con người để nâng loài người lên làm con cái Thiên Chúa, được đồng thừa tự với Người. Nghĩa là trao ban cho con người vinh quang, sự sống và tình yêu của Thiên Chúa là Cha. Với việc trao ban chính máu thịt của mình cho con người làm của ăn, Chúa Giêsu đã thực hiện trọn vẹn mầu nhiệm nhập thể mà Chúa Cha muốn Người thực hiện. Với hy tế thập giá, Chúa Giêsu đã thực sự thực hiện lời hứa trở nên bánh trường sinh cho chúng ta.

Với việc trở nên phàm nhân, Chúa Giêsu xuống ở với nhân loại. Với Bí tích Thánh thể, Người đi vào cư ngụ, sống và chia sẻ cuộc sống với từng người. Chính Người đã và đang sống trong mỗi người Kitô hữu chúng ta. Ước gì lời Thánh Phaolô : "Tôi sống không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi", được mỗi người cảm nghiệm qua việc yêu mến, gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể.

2. Để ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu trong cuộc sống hiện tại : 

Làm sao để đón nhận được Mình Máu Thánh Chúa ? Câu trả lời chắc chắn sẽ đơn giản là đi lễ, rước lễ. Đúng thế, nhưng đó chỉ là cách thức bên ngoài. Để thực sự đón được Chúa Giêsu vào trong cuộc sống cần phải có lòng yêu mến, quảng đại mở rộng lòng mới có thể đón được Chúa. Ngày nay, người ta vẫn đi lễ, vẫn rước lễ, nhưng có mấy ai thực sự yêu mến và sống Bí tích Thánh thể trong cuộc sống hằng ngày ? Việc tham dự thánh lễ, rước Mình Thánh Chúa chỉ có hiệu quả nếu biết gắn bó cuộc đời của mình theo ánh sáng lời Chúa. Mỗi khi rước tấm bánh Mình Chúa nhỏ bé không phải là rước một phần bánh, một mẩu thịt mà là đón nhận toàn vẹn Chúa Giêsu Kitô, chính Người trọn vẹn cả thiên tính lẫn nhân tính đi vào trong cuộc sống của mỗi người. Do đó, không thể chỉ có mỗi việc rước lễ mà không cần lắng nghe, thực thi lời Người. Cả hai luôn đi với nhau, bổ túc cho nhau. Rước lễ để Chúa vào hoạt động và sống trong chúng ta, sống lời Người để thực hiện cách cụ thể những gì Chúa muốn chúng ta sống. Vì sống là phải hoạt động, sống là phải lớn lên, sống là phải đi tới chỗ thành toàn. Đỉnh cao của mọi hoạt động sống trong Người, nhờ Người và với Người chính là biết đến phần mình cũng trao hiến cuộc sống cho tha nhân như Người. Người đến để cho con người được sống và sống dồi dào. Ai đón nhận Người cũng phải biết trao ban sự sống của mình cho anh chị em chung quanh. Chính khi Chúa Giêsu tự hiến hoàn toàn trên thập giá, Chúa Cha đã siêu tôn Người, phục sinh Người thì đến lượt chúng ta, sự sống mà Chúa Giêsu ban tặng trong Thánh Thể Người chỉ phát huy hiệu lực khi chúng ta biết dấn thân, biết hy sinh sống theo Tin mừng. 


Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập75
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm70
  • Hôm nay6,787
  • Tháng hiện tại195,323
  • Tổng lượt truy cập15,482,213
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây