GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT
CÂU HỎI GỢI Ý
1. Câu hỏi được đặt ra cho Chúa Giêsu trong đoạn văn này nan giải ở điểm nào? Phải chăng đây chỉ là một cạm bẫy?
2. Câu trả lời của Chúa Giêsu độc đáo ở điểm nào?
3. Những "cuộc họp nhóm" (c.34) phải chăng thường là điềm lành trong Tin Mừng Mt?
4. Tại sao Chúa Giêsu không trích dẫn một giới răn nào của Thập giới?
5. Phải chăng Chúa Giêsu chỉ muốn nói lên đâu là giới răn trọng nhất mà thôi? Nói cách khác, việc Người đơn giản hóa phải chăng là vì quên sót? Vì muốn loại bớt thay vì muốn triệt để hóa?
1. Trong cơ cấu văn chương của Mt, các câu này phải được hiểu như là một trình thuật về cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu với các địch thủ của người. Sau những câu hỏi về vấn đề nộp thuế cho hoàng đế (cc. 15-22). Vấn đề kẻ chết sống lại (cc.23- 33), là đến những câu hỏi về giới răn trọng nhất (cc. 34-40) rồi về Con vua Đavít (cc.41- 46) ; bốn đề tài này là những đề tài được tranh luận nhiều nhất nơi người Do thái thời Chúa Gíêsu.
2. Khi các giáo sĩ ghi nhận sự đa phức của các giới răn, thì bao giờ cũng là để nhấn mạnh tầm quan trọng ngang nhau của chúng, từ giới răn nhỏ nhất đến giới răn lớn nhất: cũng như ai lỗi phạm mọi giới răn là cởi bỏ ách luật, đoạn tiêu Giao ước, và ngang nhiên chống lại Lề luật, thù cũng thế, ai chỉ lỗi phạm một giới răn là cởi bỏ ách luật, chống lại lề luật và đoạn tiêu giao ước" (Mekhilta sur l'exode 6), "Uớc gì giới răn nhỏ cũng được ngươi mến yêu như giới răn lớn " (Sitré sur le Dt 12, 28), "Nếu bắt đầu nghe chút ít, cuối cùng người ta sẽ nghe nhiều... đến nỗi giới răn ít quan trọng cũng được người yêu mến như giới răn lớn lao" (ibld. 13, 19) "Nếu lỗi phạm điều luật hay yêu mến tha nhân như chính mình, thì cuối cùng người ta sẽ phạm luật: không được báo thù, không được giận ghét, và đi đến chỗ đổ máu tha nhân" (ibid.19, 11).
Tinh thần nệ luật tỉ mỉ này, như mọi tinh thần nệ luật đã phát sinh khi thì một niềm vui chân thành trong sự tuân phục, khi thì một niềm tự mãn có tính cách biệt phái (coi Lc 15,29), lúc lại một mối lo âu nơi những ai không thể nào thỏa mãn vô số giới răn cổ truyền (x.Mt 19, 18). Theo truyền thống của Hội đường, Lề luật gồm 613 giới luật tích cực, trong đó có 365 điểm cấm và 248 qui định. Từ lâu người ta đã muốn tổng hợp chúng lại và đưa ra những đường nét chính yếu (Đavít rút gọn các giới răn vào 11 điều chính: Tv 15, 2- 5 ; Isaia vào 6: Is 33, 15; Mica vào 3: Mca 6, 8 ; Amốt vào 2: Am 5, 4 ; Habacuc và 1: người công chính sống bằng tín trung: Hb 2, 4), nhưng vẫn không sao giờ thực sự vượt qua được tính cách tỉ mỉ quá độ của nền đạo đức này.
Thành thử tính cách độc đáo của bản văn chúng ta không nằm trong ý tưởng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, mà Cựu ước lẫn Do thái giáo đều quá biết rõ, nhưng trong việc chúng được đưa lại gần nhau và trong chỗ đứng tối thượng mà Chúa Giêsu ban cho "bảng tóm lược" Lề luật này. Vì cả hai giới răn ấy nằm trong những đoạn rất xa nhau của Cựu ước cũng có thể thêm rằng giới răn về tình yêu tha nhân chỉ dược ghi lại một cách rất sơ sài: "Người sẽ không báo oán, không cưu thù với con cái dân ngoại, song ngươi sẽ yêu đồng loại ngươi như chính mình; Ta là Giavê " (Lv 19, 18).
3. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ thiết lập một phẩm trật giữ các giới răn, đặt hai giới răn về tình yêu đứng đầu 613 qui định của Lề luật, theo kiểu một sự cận kề, mà còn thêm: "Toàn thể Lề luật và các ngôn sứ đều qui vào hai giới răn ấy" (c.40). Thế nghĩa là gì'? "Lề luật và các ngôn sứ " là một thành ngữ thông dụng, một kiểu nói chỉ cái biểu thức sống động của ý muốn Thiên Chúa như đã được ghi vào toàn bộ Thánh Kinh. Vậy phải chăng có thể giản lược vào một công thức ngắn ngủi và cô đọng như thế cái ý muốn thần linh đã được ghi vào trong rất nhiều sách và đã được biểu lộ trong nhiều thời kỳ khác nhau? Phải chăng có một cách diễn tả một cách biểu lộ thiên ý mà tóm tắt được mọi cách diễn tả khác? Hay là xét về phía con người, phải chăng có một phương thế để thực hiện thánh ý Thiên Chúa đã được mặc khải rất nhiều lần và nhiều cách, nếu người ta chỉ cần giữ một giới răn hay hai giới răn nhưng được gồm lại một? Lời của Chúa Giêsu đáp trả rõ ràng cho câu hỏi đó và vì thế đã thiết lập một Luật mới thật sự. Giới răn đôi về tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân thật ra gồm tóm mọi giới răn khác. Và ta có thể xác quyết ngược lại là mọi giới răn khác rốt cục đều quy về giới răn ấy. Thật là một giáo huấn mới mẻ. Vì Chúa Giêsu không chỉ nói đâu là giới răn trọng nhất, mà còn bảo mọi giới răn khác thực ra được gồm tóm trong nó. Quả là một cuộc giải phóng kỳ diệu cho con người! Con người không còn phải lo lắng giữ cho được 248 điều truyền và 365 giới cấm nữa. Họ chỉ còn giữ hai giới răn thôi. Ai thực sự hoàn thành những gì đòi hỏi trong hai giới răn ấy thì có thể tin chắc rằng mình đã hoàn tất Lề luật và như thế hoàn tất thánh ý đích thực của Thiên Chúa. Kể cũng ích lợi nếu xem thêm những phát biểu song song về giáo huấn này của Chúa Giêsu trong Mt 7, 12 (luật vàng) ; Gl 5, 14 và Rm 13, 8-10.
Giáo huấn Chúa Giêsu đưa ra trong cuộc tranh luận với người Biệt phái hôm nay, chúng ta đă từng biết đến qua Bài giảng trên núi; nhưng ở đây nó được nhắc lại một cách rõ ràng và được nhấn mạnh nhiều hơn. Mọi cố gắng của con người phải xuất phát từ một căn nguyên và tiến đến cùng một cùng đích: tình yêu. Con người đã không chỉ được tạo dựng để vâng phục Thiên Chúa như vâng phục chủ và chúa của mình nhưng còn để yêu mến Ngài như Cha. Việc vâng lời chỉ trở nên đích thực nhờ tình yêu mến. Thiên Chúa không mong có những tên nô lệ đầy sợ hãi, nhưng muốn có những người con tự do. Tình yêu Thiên Chúa phải là trung tâm và nguồn mạch của mọi lòng hiếu thảo vậy.
Tình yêu đối với tha nhân cũng phải phát xuất từ cùng nguồn mạch đó. Ta đã biết "tha nhân" không chỉ là người đồng hương, người đồng xứ, theo như quan niệm cổ hũ Do thái đương thời nữa. Mọi người có thể là tha nhân của tôi; nhưng thực tế không tất nhiên như vậy, vì người ta rất dễ trốn vào trong tình yêu đối với tha nhân xa xôi, rất dễ chọn lựa đối tượng xa vời nhất của tình yêu chân chính; nên cụ thể ra, tha nhân là hết mọi ai mà tôi có liên hệ cách cụ thể và đích thực. Tình.yêu của môn đồ Chúa Giêsu không được có giới hạn biên cương. Gương mẫu của họ là tình yêu của chúa Cha, Đấng cho mặt trời soi chiếu trên kẻ dữ cũng như người lành, và làm mưa trên người công chính lẫn hạng bất lương (5, 45). Trong mọi tương quan với hết mọi người, qui tắc bao giờ cũng vẫn là một: chính tình yêu tạo nên sức mạnh sinh động và làm cho các mối tương quan đích thực, giữa nhân vị này với nhân vị kia được thiết lập dễ dàng.
Ta thấy từ bản văn này toát ra một tư tưởng cao siêu chừng nào về cuộc sống con người. Chính nhờ tình yêu mà cuộc sống được tạo thành và phải trở nên duy nhất, không một nứt rạn rẽ phân. Chẳng còn ai bị bắt buộc phụng phí sức lực của mình trong một rừng qui định, luật điều, khuyến cáo nữa. Đối với môn đồ Chúa Giêsu, chỉ có một điều đáng kể, đó là thái độ thâm sâu của mình. Trong bối cảnh ấy, thật dễ hiểu rằng ta không bao giờ bị ép buộc phải cứ mãi đi tìm một câu trả lời cho một trường hợp cụ thể, vì ý của Thiên Chúa luôn luôn được xác định rõ nếu ta có một tình yêu thật lớn.
Chúa Giêsu không nói, ít ra trong đoạn Tin Mừng này, phải thực hành hai giới răn ấy làm sao. Phải chăng đây là hai đường hướng khác biệt, một đàng yêu mến Thiên Chúa, một đàng yêu mến tha nhân? Phải chăng tình yêu khác nhau trong cả hai trường hợp? Nhưng Người, qua cuộc sống, chỉ cho ta thấy đâu là tương quan giữa hai tình yêu đó. Trong đời Người, việc hoàn thành tôn ý của Thiên Chúa và tình yêu phục vụ nhân loại được nối kết trong cùng một thực tại duy nhất. Dĩ nhiên vì tình yêu tha nhân mà Người hoàn tất công trình cứu chuộc, nhưng tình yêu ấy không tách khỏi tình yêu Thiên Chúa, vì đó là ý Chúa Cha (20,28). Ta cũng thấy điều này được phát biểu một cách tuyệt diệu trong thư các sứ đồ và đặc biệt trong đoạn thời danh sau đây: "Nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, thì cho là kẻ nói dối; vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng nó chẳng thấy bao giờ. Và đây là lịnh tuyền ta đã lĩnh lấy nơi Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì hãy yêu mến anh em" (1 Ga 4, 20-21).
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
"Biệt phái tụ họp lại một chỗ": Kiểu nói được dùng ở đây ("sunôthêsan epi to auto") là một trích dẫn nguyên văn từ Thánh vịnh 2,2: "Vua chúa trần gian dấy binh khởi nghĩa, vương hầu liên minh một khối (dịch sát chữ: "tụ họp lại một chỗ" (sunêthôsan opi to auto) chống lại Giavê và Chúa Kitô của Ngài". Thế mà, trong 26, 3 Mt sẽ còn dùng lại cùng động từ ấy (ở cùng một cách, một thì, một ngôi) để diễn tả âm mưu tại nhà Caipha giữa các thượng tế và các kỳ lão nhằm giết Chúa Giêsu. Qua sự tương đồng ấy, Mt ngụ ý là những cuộc tranh chấp trong chương trình này chỉ là mào đầu cho cuộc đối đầu quyết liệt sẽ đưa Chúa Giê-su đến thập giá. Những cuộc tụ họp như vậy của các đầu mục trong dân hay được Mt nhắc lới (2, 4 ; 22, 41 ; 26, 3. 57 ; 27, 62 ; 28,12) và thường là điềm dữ.
"Để làm Người lúng túng": dịch sát chữ: "Để thử Người" Mt cũng dùng động từ này (pelrazein) ở 22, 18 nơi kể lại chuyện người ta "thử" Chúa Giêsu về vấn đề nộp thuế cho hoàng đế. Rõ ràng luôn luôn là dùng cạm bẫy trong cả đoạn.
"Giới răn nào lớn nhất trong Lề luật": Lời giải thích được yêu cầu thật đặc biệt quan trọng, vì đây không phải là giải thích một trường hợp cụ thể, đặc thù nhưng là làm sáng tỏ một đòi hỏi luân lý trong chính bản chất của nó. Bản văn hy ngữ dịch sát chữ như sau: Đâu là giới lăn lớn trong Lề luật. Nhưng hình thức nguyên cấp (positio của tĩnh từ lớn (megalê) có giá trị tuyệt đối cấp (superlatio, như thường thấy trong Hy ngữ bình dân (Koinè) và trong bản 70 chịu ảnh hưởng của hy bá, nhất là nếu sau nó có một danh từ tập hợp, ở đây là Lề luật, hiểu theo nghĩa toàn bộ các giới răn (x.giải thích đã đưa ra trước đây về câu "Kẻ được gọi thì nhiều, nhưng người được chọn lại ít " trong Mt 22, 14).
"Ngươi phải yêu mến... ". Trong việc trệt để hóa Lề luật này, không có vấn đề đơn giản hóa bằng cách loại bỏ những điều lệ phụ tùy (mà Chúa Giê-su lẫn môn đồ đều tuân giữ) cho bằng là nhắc lại ý nghĩa của các giới răn, và cho thấy chúng bắt nguồn từ trong ý định tối cao của Thiên Chúa. Còn về hình thức phát biểu của giới răn này, đừng tìm cách phân tích đâu là những phạm vi tương ứng của lòng, của linh hồn, của trí khôn: ý nghĩa trùng tích của các thành ngữ là: tình yêu phải có tính cách toàn diện, nghĩa là phải động viên tất cả con người; dầu sao, chỉ cần một từ ngữ thôi, như "lòng" chẳng hạn, cũng đủ để ám chỉ toàn thể con người; các tiếng khác thuộc về kiểu nói hùng biện; lòng và tư tưởng (hy lạp: dianoia) là tiếng dịch chữ lòng (hy bá: leb) của Cựu ước; không nên nghĩ đến một chức năng đặc biệt nào đó của trí tuệ suy luận; trí tuệ được vận dụng vì toàn thể con người dấn thân.
"Đó là giới răn lớn, giới răn đệ nhất": Chữ "và" nối liền hai tĩnh từ lớn và đệ nhất chắc có nghĩa giải thích hơn là có nghĩa cộng thêm: giới răn này đứng đầu hết vì nó quan trọng nhất xét về nội dung và ngược lại; tĩnh từ đệ nhất không muốn nói là giới răn đứng đầu nhiều giới răn khác nhưng là đứng đầu tất cả xét về phương diện ý nghĩa, vì chính nó đem lại ý nghĩa đích thực cho mọi giới răn. Bởi vậy kiểu nói thứ đến cũng giống như điều ấy chẳng có nghĩa là: ở hàng thứ hai xét về bậc quan trọng, nhưng là: cũng quan trọng như giới răn thứ nhất; giới răn thứ hai không thể so sánh, hay tương tự như giới răn thứ nhất, song là ngang hàng xét về tầm quan trọng cửa cái mà nó dạy truyền; tuy nhiên nó không đồng nhất theo nghĩa có thể chuyển hoán: tình yêu tha nhân chẳng được đồng hóa với lòng yêu mến Thiên Chúa, nhưng yêu mến tha nhân cũng khẩn thiết như mến yêu Thiên Chúa.
"Toàn thể Lề luật cùng các sứ ngôn": Chúa Giêsu hoàn toàn đứng trên lãnh vực các Sách thánh đã được ban cho tổ tiên dân Do thái. Người không phát minh điều gì; tầm quan trọng của hai giới răn này dựa trên sự kiện chúng tóm kết tất cả các Sách Thánh ; nhưng đàng khác, Chúa Giêsu đã tái giải thích các Sách Thánh ấy khi mặc khải ý nghĩa thâm sâu của chúng ra (x Rm 13, 9).
KẾT LUẬN
Cái mang lại cho giới răn này uy tín và sự cao cả, chính là vì Chúa Giêsu đã phát biểu nó lên và cho nó là lớn lao, quan trọng. Người không mang đến (hay chưa mang đến) một giới răn mới mẻ, nhưng Người mặc cho giới răn cũ giá trị đích thực củ a nó. Câ u trả lời của Chúa Giê-su không phải là câu trả lời của một ký lục, song là của Chủ lề luật. Chính người công bố nó và hoàn thành nó (5, 17). Và chính việc người hoàn thành Lề luật đã đem lại cho Lề luật một tính cách mới mẻ thực sự. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân không phải chỉ là hai thái đô nhân loại đuốc truyền làm; chúng được hiện thân trong con người của Chúa Giêsu. Chính vì đến để hoàn tất Lề luật và các ngôn sứ qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh, mà Người có thể tuyên bố với uy quyền rằng tất cả nội dung của Cựu ước đều được "quy về" giới răn mến Chúa và yêu người. Chính trong Người mà không những Lề luật dưới hình thức giới răn, nhưng cả lời hứa về ân sủng đã do các ngôn sứ loan báo, đều tìm được sự thành tựu.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1.Yêu tha nhân không có nghĩa là yêu họ chỉ vì Thiên Chúa đòi buộc, chỉ vì để vâng lời Ngài. Mối dây Chúa Giêsu thiết lập giữa hai giới răn chẳng phải là một mối dây ngoại tại, pháp lý, tự ý người bày ra, song là nằm trong lý luận của Thiên Chúa, trong chính bản chất của sự vật mà Ngài đã tạo dựng, rằng là ta không thể yêu Ngài mà yêu anh em. Và không phải làm như thể là vì anh em, mà trong thâm tâm lại làm vì Thiên Chúa. Thiên Chúa đích thực chẳng phải là sản phẩm của những ước vọng và những tưởng tượng đạo đức của con ngươi. Ngài đã đi vào trong lịch sử của chúng ta đã can thiệp vào đó bằng cách trở nên liên đối với con người. Ngài đồng hóa với con người (Cv 9, 5: "Ta là Giêsu người đang bắt bớ") đến nói từ đây ta không thể phân biệt Ngài khỏi con người nữa. Thành thử khi thực sự yêu tha nhân vì họ (như Thiên Chúa yêu họ vì họ chứ chẳng phải vì Ngài, vì tình yêu này không đem lại cho Ngài gì cả) ta sẽ yêu Thiên Chúa vì Ngài. Chỉ có một tình yêu, cũng như con người chỉ có một quả tim, một tấm lòng...
2. Một cách cụ thể, phải yêu tha nhân thế nào? Chẳng phải bằng tình cảm (vì có một vài thứ ác cảm tự nhiên hầu như không thể vượt qua) cho bằng là qua thái độ và hành động. Thánh Phaolô đã mô tả cho chúng ta lòng bác ái đích thực như sau: "Đức ái thì khoan dung, nhân hậu; đức: ái không ghen tương; ba hoa, tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ; không cáu kỉnh, không chấp nhất sự ác, không mừng trước sự bất công, nhưng biết chia vui cùng lẽ phải. Trong muôn sự, đức ái hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn " (1Cr 13, 4- 6). Khi tìm cách tha thứ lỗi lầm của tha nhân, khi luôn hy vọng họ trở nên tốt hơn cho dù bề ngoài thế nào chăng nữa, khi chấp nhận họ như họ đang là, lúc đó chúng ta mới thương yêu thực sự, lúc đó chúng ta mới thật là con cái của Thiên Chúa.
Noel Quession - Chú Giải
Một trong những cuộc tranh luạn lớn của thời đại chúng ta đuợc diễn tả bằng một câu hỏi loại trừ: Thiên Chúa hoặc con người? Phải chọn một bỏ một. Đó là thách đố tập thể mà những nguời vô thần và tín hữu tung ra cho đối phương. Thật ra chúng ta bị cám dỗ theo phe "vì Thiên Chúa" mà thờ ơ với phe "vì con người" phản ứng lại, nhiều người thời hiện đại dấn thân mạnh mẽ vào việc phục vụ con người, nhưng từ chối Thiên Chúa như thể Thiên Chúa là một trở ngại cho việc phục vụ thật sự nhân loại.
Cuộc tranh luận tập thể này cũng là một trong những vấn đề thường xuyên của đời sống cá nhân chúng ta dễ dàng để cho những công việc cụ thể chiếm lĩnh đến nỗi lúc đó Thiên Chúa xem ra như một thứ đối thủ mà một cách dè xẻn chúng ta nhượng lại một chút thờ gian và một góc nhỏ bé trong lòng chúng ta.
Đó đã là một vấn đề nóng bỏng vào thời của Đức Giêsu: 'Điều răn nào là trọng nhất? Thiên Chúa HOẶC con người? Trung tâm của đời sống chúng ta là gì: cái thần bí HOẶC cái chính trị? Ai có lý: nhà nhân bản vô thần tận hiến cho việc thăng tiến anh em đồng loại, HOẶC nhà tâm linh thoát tục tìm sự ẩn náu trong Thiên Chúa? Và nếu vấn đề được đặt ra sai thì Đức Giêsu sẽ trả lời gì?
Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người...
Không một Kitô hữu nào mà không có lúc bị đặt trước hoàn cảnh đó. Trong gia đình hoặc tình cờ trong câu chuyện trao đổi khi việc làm, trong lúc giao lưu giữa các sinh viên hoặc trong doanh trại... Người ta đã hỏi bạn: "Còn bạn, bạn tin vào điều gì?". Thường thì chúng ta không thích bị tra hỏi như thế này, nhất là khi câu hỏi có vẻ ác ý và người hỏi xem ra không có thiện chí.
Đức Giêsu đã không thoát khỏi loại bẫy dở này. Tất cả giới trí thức tại thủ đô rình rập để bắt lỗi Người: Các đảng phái chính trị, các nhóm tôn giáo, tất cả đã nhất trí chống lại Người! Có đóng thuế cho Xê-da hay không đóng thuế? (Mát-thêu 22,15-22). Có nên tin kẻ chết sống lại không? (Mát-thêu 22,23'30). Sự công kích đầy ác ý nối tiếp nhau và khi người Pha-ri-sêu thấy đối thủ của họ là nhóm Xa-đốc phải câm miệng, liền thay phiên họ, phái một chuyên viên một người hiểu rất rõ Luật đến để hỏi Người.
Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?
Trong Kinh Thánh, các giáo trưởng đã ghi vào danh mục 613 điều răn gồm 365 điều cấm làm, tức những hành động không được làm và 248 điều khuyên làm tức mệnh lệnh về những hành động phải làm. Những bổn phận rất nhiều đó những thực hành phải tuân thủ đó làm cho một tín đồ Do Thái Giáo thành tín trở nên một người không ngừng nghĩ đến Thiên Chúa suốt cả ngày. Nhưng nguy cơ rơi vào một thứ chủ. nghĩa hình thức tỉ mỉ là rất lớn. Lo lắng về việc giữ đúng Luật, những người Phạ-ri-sêu vì thế đã tìm cách thiết lập một thang cấp bậc trong các luật đó: những luật nào là luật quan trọng nhất, những luật nào là luật ít quan trọng hơn?
Tôi cũng vậy, tôi có tìm điều gì là chủ yếu trong tất cả các bổn phận của tôi không? Tôi có lập một thang cấp bậc trong các công việc của tôi để bảo đảm những việc quan trọng nhất không? Nguyên tắc nền tảng trong cách ứng xử quan điểm nền tảng cho hành động của tôi là gì?
Người ta nói rằng mọi sự đều thay đổi, trong tôn giáo trong nền văn minh hoặc trong những giá trị xung quanh chúng ta... Điều gì vẫn luôn bền vững? ở giữa đủ mọi thứ biến đổi ở bên ngoài, thì giá trị nền tảng của đời tôi là gì?
Đức Giêsu. đáp: "Người phải yêu mến..."
Tất cả đời sống và công việc của Đức Giêsu được tóm tắt trong hai chữ ấy. Người nói với chúng ta bí quyết của đời sống Người là ở đó.
Thế thì ngắn quá đến nỗi chúng ta có nguy cơ lướt qua vội vã. Tôi phải dành thời gian để nhìn kỹ đời sống tôi dưới ánh sáng sống sượng của hai chữ đơn giản ấy:
Anh phải... yêu mến... ". Ví dụ như trong tuần này? Cái gì là "tình yêu" chân thật?
Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã làm cho chúng con tin tưởng vào tình yêu giữa thời đại nhiều bạo lực này!
Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã mời gọi chúng con biết sống ân cần giữa thời đại dửng dưng lạnh nhạt này! Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã nhắc chúng con nhớ rằng tương lai thuộc về tình âu yếm giữa thời đại tuyệt vọng và buồn tẻ này.
Trước khi đi xa hơn nữa, trước khi đọc lại một bài học thuộc lòng, chúng ta tự hỏi một Ktô hữu trung bình sẽ trả lời gì cho câu hỏi đơn giản ấy: "Điều răn nào của Đức Kitô là điều răn lớn nhất?". Phần tôi, dựa vào những kỷ niệm mình, tôi sẽ trả lời gì?.
Dám đánh cá rằng phần lớn chúng ta đều sẽ trả lời: Hãy yêu người thân cận như chính mình?".
Nhưng có phải Đức Giêsu đã nói điều đó không? Điều răn nào là trọng nhất.
Đức Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn Ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu".
Đức Giêsu đọc lại ở đây lời kinh hàng ngày của những người Do Thái, Kinh "Shèma ít-ra-en" (Đệ nhị luật 6,4-7). Câu đáp của Người trào ra từ bản thể Người với tính tự phát tuyệt đối. Trong công thức này, Người đúc kết điều Người sống trong đời sống hàng ngày: Đức Giêsu chính là con người hoàn toàn hướng về Thiên Chúa, là con người đưa trung tâm ra khỏi mình và hoàn toàn đặt trung tâm vào Tha Thể Tuyệt Đối (Đấng Khác). Đức Giêsu chính là Chúa Con! Bằng sự nhập thể, Đức Giêsu thể hiện trong nhân tính…nghĩa là trong các tư tưởng tình cảm và ý chí, kiểu mẫu của mối quan hệ khôn tả hướng Chúa Con về Chúa Cha trong lòng Ba Ngôi Thiên Chúa. Phải, tình yêu lớn nhất và đầu tiên của Đức Giêsu chính là Thiên Chúa. Chỉ có người không trung thực mới xuyên tạc tư tưởng của Đức Giêsu và giản lược tư tưởng ấy thành chỉ còn là một tình liên đới, một tình yêu thương huynh đệ. Đấng đầu tiên phải phục vụ là Thiên Chúa! Đấng đầu tiên phải yêu mến là Thiên Chúa! Đấng đầu tiên phải yêu mến là 'Thiên Chúa!
Và chúng ta không thể không nhận thấy sức mạnh của cách diễn tả, với chữ "hết" được lặp lại ba lần: Người phải yêu mến Đức Chúa... hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn... Lòng, linh hồn, trí khôn... cả ba chữ ấy tích lũy lại để nói rằng chúng ta phải yêu mến với hết bản thể, hết con người của chúng ta. Có phải tôi yêu mến Thiên Chúa như thế không? Hoặc giả chỉ là một phần nhỏ của đời sống và thời gian của tôi? Có phải tôi yêu mến Thiên Chúa cùng với nghề nghiệp, các mối quan hệ gia đình, các thú tiêu khiển, việc đọc sách của tôi không…và cùng với…
Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy…
Mặc dù thầy dạy Luật chỉ hỏi về (một) điều răn lớn nhất Đức Giêsu nói thêm một điều "thứ hai", mà Người cũng rút ra từ Kinh Thánh (Lê vi 19,18). Vì thế rõ ràng người ta không thể loại bỏ một điều răn bằng một điều răn khác, như một số người bị cám dỗ lấy một điều răn này để loại bỏ điều răn kia. Thật tiện lợi biết bao khi mình được miễn một trong hai điều răn và nói rằng: Chỉ cần yêu mến Thiên Chúa... hoặc chỉ cần yêu thương anh em mình. Đối với Đức Giêsu, không chỉ có một điều răn mà có hai. Và khi người ta hỏi Người một điều răn, Người cho thêm điều răn thứ hai và quả thật điều răn thứ hai giống điều răn thứ nhất. Và dĩ nhiên là Đức Giêsu cùng lúc thiết lập một cấp bậc và một mối liên hệ giữa hai điều răn ấy..
Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.
Giờ đây, chúng ta nhận thức rõ hơn những câu hỏi loại trừ", chọn một bỏ một mà chúng ta đặt ra ở đoạn đầu là những câu hỏi đặt sai: vấn đề không phải là Thiên Chúa hoặc con người, cái thần bí hoặc cái chính trị, sự cầu nguyện hoặc tình huynh đệ. Cây thập giá cắm trên đồi Gôn-gô-tha gom hai thanh gỗ, thanh gỗ thẳng đứng hướng về trời... thanh gỗ nằm ngang ôm lấy toàn thể nhân loại.
Trong cùng một hành động hiến tế tối thượng, Đức Giêsu diễn tả tình yêu của Người đối với Chúa Cha và tình yêu của Người đối với anh em mình. Một tình yêu duy nhất, chia ra thành hai hướng.
Lý thuyết tình yêu người thân cận đi đến chỗ bỏ qua tình yêu Thiên Chúa là một học thuyết không liên quan gì đến tư tưởng của Đức Giêsu.
Nhưng, ngược lại, một học thuyết về tình yêu Thiên Chúa đi đến chỗ bỏ quên người thân cận cũng hoàn toàn trái với Tin Mừng.
Người môn đệ chân chính của Đức Giêsu nhận được từ Người hai điều răn: một tình yêu người thân cận chúng tỏ sự vô vị lới và phổ quát của tình yêu ấy cả khi dâng mình làm việc Thiên Chúa một cách hoàn toàn vô vị lợi…một tình yêu Thiên Chúa mà tính chất chính đáng được biện minh trong sự gặp gỡ và phục vụ người khác... " Người nào không yêu thương người anh em thì làm thế nào người ấy có thể khoe rằng mình yêu mến Thiên Chúa được?" (1 Gioan 4,20).
Tất cả Luật Mô sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.
Hai tình yêu giống nhau! Nhưng không bao giờ loại bỏ nhau. Chúng không thể đổi cho nhau, nhưng cả hai đều cần thiết. Đối với Đức Giêsu con người trọn vẹn được đặt đối diện Thiên Chúa và đối diện anh em mình. Người ấy phải quyết định theo Thiên Chúa và quyết định theo anh em. Người ấy phải phục vụ Chúa Cha và phục vụ anh em mình.
Đó là tóm tắt cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ. Như vậy phải chăng có nghĩa là Đức Giêsu yêu cầu chúng ta đừng quan tâm đến các điều răn khác? Đức Giêsu đã nói rằng Người không đến để hủy bỏ điều gì trong Luật. Nhưng hai điều răn trên (Thiên Chúa và người khác? ) là động lực nội tâm là lý do cho mọi điều răn khác.
Bạn hãy yêu thương! Rồi hãy làm điều bạn muốn! ".
Một ngày kia Thánh Au-gút-ti-nô đã nói như thế: Không phải để biện minh cho sự dễ dãi ích kỷ mà chúng ta tự cho phép mình, công thức ấy nhắc chúng ta rắng tình yêu là một yêu sách vô tận đi xa hơn mọi sự tuân giữ luật và mọi điều cấm đoán. Người ta không bao giờ chấm đặt yêu thương. Đối với một số tính khí, Có chiều hướng về con người thì dễ dàng hơn: lúc đó họ phải đặt nặng chiều hướng về Thiên Chúa dù đối với họ khó hơn.
Còn đối với những người khác hay tính khí khác, có chiều hướng về Thiên Chúa thì tự phát hơn, lúc đó họ phải đặt nặng việc dấn thân phục vụ tha nhân dù đối với họ ít tự phát hơn.
Hai tình yêu ấy đã dẫn Đức Giêsu đến tạn nơi nào?
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi và yêu thương kẻ khác như chính mình" Mt 22,34-40
I.Ý CHÍNH:
Trong bài tin mừng hôm nay, qua cuộc đối thoại với một thầy thông luật thuộc nhóm Biệt Phái. Chúa Giêsu đã trả lời về giới răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người.
II. SUY NIỆM:
Trong khi truyền giáo, Chúa Giêsu đã phải đương đầu với nhiều chống đối. Vì thế đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi giữa Chúa Giêsu và các phe chống đối Người về nhiều vấn đề như:
- Việc nộp thuế cho Cêsarê (Mt 22,15-22)
- Kẻ chống lại (Mt 23,22 -33)
- Về nguồn gốc Đức Giêsu (Mt 22,41-46)
Ở đây Mt 22,34-40, Chúa Giêsu đã trả lời cho một người thông luật thuộc nhóm biệt phái về giới răn quan trọng nhất.
1/ "Những người biệt phái... họp nhau lại":
Câu này gợi lại Tv 2,2:" Nhiều thay những kẻ dấy lên chống lại tôi". Sau này mátthêu còn dùng kiểu nói "họp nhau" này để diễn tả âm mưu của các thượng tế, kỳ lão và caipha đồng tìngh giết Chúa Giêsu (Mt 26,3). Cho nên chữ "họp" ở đây là dấu hiệu sắp có một điều chẳng lành xảy ra (Xem Mt 2,4 và 22,41).
"Những người Sađốc câm miệng"
trong do thái giáo có nhiều phe phái khác nhau. Phái Salốc không tin có sự quan phòng của Thiên Chúa, không tin có thiên thần, không tin có linh hồn bất tử và kẻ chết sống lại. Phái này có lần tranh luận với Chúa Giêsu về sự sống lại. Họ đã đặt ra câu chuyện người đàn bà lần lượt cưới bảy đời chồng thì khi sống lại ai sẽ là chồng của người đóđể gián tiếp nhạo báng về sự sống lại. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời, bằng cách chưng dẫn Kinh Thánh: "Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacób" (Xh 3,6). Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của kẻ sống (xem Is 26,19 Đn 12,2. Xh 3,6). Nghe vậy những người Sađốc đuối ly và câm miệng.
2/ "Đoạn một người thông luật...":
- Nghe tin phái Sađốc đã thất bại, nhóm biệt phái muốn tấn công lại, phái một thầy thông luật đến tranh luận với Chúa Giêsu về giới luật.
"Họ thử Người": Việc này cũng giống như trường hợp hỏi thử Chúa Giêsu về vấn đề nộp thuế cho Cesarê (Mt 22,18) nhằm mục đích để gài bẫy Chúa.
3/ "Thưa Thầy trong lề luật giới răn nào quan trrọng nhất":
- Chữ " lề luật"có ý chỉ toàn thể lề luật trong cựu ước. Câu hỏi này không nhắm trường hợp đặc biệt nào, nhưng muốn tìm hiểu điểm cốt yếu trong lề luật. Thay vì phải nhớ 613 điều luật, trong đó có 635 điều cấm và 248 điều truyền, thì những thầy thông luật hỏi thử xem Chúa Giêsu có thể đơn giản được không.
-Trong lề luật: chỉ toàn thể cựu ước
Giới răn trọng nhất: có nghĩa là giới răn quan trọng nhất trong bộ luật.
Sở dĩ đặt câu hỏi này là vì một đàng các phe nhóm không đồng ý với nhau về giới răn nàolà quan trọng nhất, đằng khác họ muốn thử Chúa Giêsu để gài bẫy Người, vì nếu Người trả lời điều luật này trọng, điều luật kia không trọng thì thế nào Người cũng bị qui lỗi là về phe nhóm này, chống nhóm kia, và như vậy Người thiên vị và không còn được kính nễ nữa.
4/ "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi":
- Để trả lời, Chúa Giêsu đã trích dẫn ngay điều luật thứ nhất trong thập giới mà Thiên Chúa sẽ truyền cho Maisen (Đnl 6,5).
Tầm mức quan trọng của điều luật này không phải vì thứ tự đứng thứ nhất, nhưng vì ý nghĩa của điều luật, vì việc mến Chúa là điều quan trọng, đến nỗi người Do Thái đã kết điều luật nàythành kinh để đọc một ngày hai lần. Kinh này kết thành do ba đoạn Thánh Kinh (Đnl 6,4-9 ; 11,13-21. Tv 15,36-41).
- Kiểu nói "hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn" chỉ có ý diễn tả toàn diện con người, tình yêu mến Chúa phải có tính cách toàn diện, nghĩa là phải động viên tất cả con người.
5/ "Đó là giới răn thứ nhất và quan trọng nhất":
- Kiểu nói "thứ nhất" ở đây có nghĩa là đứng đầu hết vì nó quan trọng nhất, xét về hình thức và nội dung.
- Kiểu nói "trọng nhất"không có ý chỉ giới răn đó đứng đầu nhiều giới răn khác, nhưng là đứng đầu tất cả xét về phương diện ý nghĩa, vì chính điều răn đó đem lại ý nghĩa đích thực cho mọi giới răn.
6/ "Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy":
- Kiểu nói"thứ hai" ở đấy không có nghĩa là hạng thứ hai xét về bậc quan trọng, nhưng có ý nghĩa là cũng quan trọng gần như giới răn thứ nhất. Tất nhiên y6u mến Thiên Chúa thì khác với yêu thương tha nhân. Nhưng lòng yêu thương tha nhân bắt nguồn từ lòng yêu mến Thiên Chúa, và cũng khẩn thiết như yêu mến Thiên Chúa vậy.
7/ " Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi":
- kẻ khác hay cũng gọi là tha nhân, theo quan niệm của người Do Thái đương thời, thì tha nhân chỉ là những người đồng chủng, đồng hương, đồng xứ (Lv 19,18). Nhưng ở đây chữ "kẻ khác" Chúa có ý dạy phải thương yêu mọi người chứ không giới hạn trong những người đồng hương với nhau (Mt 5,43). Gương mẫu của tình yêu này là tình yêu của Chúa Cha. Đấng cho mặt trời soi chiếu trên kẻ dữ cũng như người lành...(Mt 5,45).
- Như chính mình, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh người được yêu đồng hóa với người yêu, vì vậy phải yêu thương tha nhân cũng bằng chính tình yêu đối với bản thân mình.
8/ "Toàn thể lề luật và các sách tiên tri...":
có ý chỉ toàn bộ cựu ước. Vì vậy tầm quan trọng của hai giới răn này dựa trên sự kiện chúng tóm kết tất cả Kinh Thánh.Sau này Chúa Giêsu đã ban bố một điều răn mới là:"Hảy yêu mến nhau như chính đã yêu mến các ngươi" (Ga 13,34).
III.ÁP DỤNG:
A/ Áp dụng theo Tin Mừng:
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo hội muốn khuyến cáo chúng ta muốn chu toàn lề luật thì phải thực thi lòng mến Chúa yêu người.
B/ Áp dụng thực hành:
Nhìn vào Chúa Giêsu:
a) Xem việc Người làm
- Chúa Giêsu biết người ta thử Người, nhưng Người vẫn trả lời. Noi gương Chúa, chúng ta đừng quá tiêu cực xa lánh những người xấu với mình mà không tìm cách làm ích cho họ.
- Chúa Giêsu đã dựa vào thánh kinh để trả lời cho đối phương. Noi gương Chúa chúng ta phải dựa vào lời Chúa để đối thoại với tha nhân, nhất là những người muốn làm hại ta.
b) Nghe lời Chúa phán
- "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi"
Chúa đòi ta phải yêu mến Chúa thực tình, trọn vẹn và trên mọi sự.
- Thương yêu kẻ khác như chính mình Chúa đòi hỏi ta phải yêu thương tha nhân cũng một cách thế như yêu chính mình vậy.
c) Những dấu chỉ của lòng mến Chúa yêu người:
- Muốn kiểm điểm xem chúng ta có lòng mến Chúa hay không, ta hãy xem thái độ của ta đối với những người chung quanh."Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình thì là kẻ nói dối"(Ga 4,20).
- Con người rất nhạy cảm về tình yêu, kể cả những người thiếu lòng bác ái nhất. Vì thế người. ta rất dễ nhận ra tình thương của Chúa và của người theo Chúa: " chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đệ Ta ấy là các ngươi có lòng yêu mến lẫn nhau" (Ga 13,35).
Chúa Giêsu là kiểu mẫu tuyệt hảo về lòng mến Chúa yêu người, Người để lại chúc thư:"Hãy yêu mến nhau như Ta yêu mến các con ngươi"(Ga 15,34).Và người d 9ã yêu mến chúng ta cho đến chịu chết vì chúng ta, có thực hy sinh cho nhau mới chứng thực yêu thương nhau thực. Hãy tập một vài điều trong "bài ca đức mến của thánh Phaolô (1Cr 13,4-7): khoan dung, nhân hậu, không ghen tương, không ba hoa, không tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không cáu kỉnh, không chấp nhất sự dữ, không mừng trước sự bất công./.
Lm Phanxicô Xavie Lê Văn Nhạc - Bài Giảng Lễ
Trò Chơi Hòa Bình
Bài đọc: Xh 22,21-27 ; 1Tx 1,5c-10 ; Mt,34-40
Ngày kia, ông Mac-sa, một nhà văn người Nga, đi ngang qua một sân chơi, ông dừng lại quan sát một đám trẻ em trạc tuổi lên 6 lên 7 đang chơi với nhau. Thấy chúng chơi trò gì là lạ, ông cất tiếng hỏi:
- Này các cháu, các cháu đang chơi trò gì thế?
Đám trẻ nhốn nháo trả lời: -Chúng cháu chơi trò đánh nhau.
Nghe thế ông Mac-sa hơi cau mày,rồi gọi các em đến,ông ôn tồn giải thích:
-Tại sao các cháu chỉ chơi trò đánh nhau mãi. Các cháu hãy chơi trò hòa bình xem nào.
-Ông vừa dứt lời, một em bé reo lên: -phải rồi, tụi mình thử chơi trò hòa bình một lần xem sao.
Thế là cả bọn kéo nhau ra sân, chụm đầu vào nhau bàn tán.Thấy chúng chấp nhận ý kiến của mình, nhà văn hài lòng mỉm cười tiếp tục đi. Nhưng chưa được mấy bước ông nghe có tiếng chân chạy theo. và chưa kịp quay lại, ông đã nghe giọng một em bé hỏi:
-Ông ơi, trò chơi hòa bình làm sao?Chúng cháu không biết.
Thưa anh chị em,
Làm sao trẻ em biết chơi trò chơi hòa bình, khi người lớn cứ chơi trò chiến tranh? Làm sao trẻ em biết chơi trò chơi hòa bình, khi trong nhà, cha mẹ, anh chị lớn bất hòa, cãi cọ…khi ngoài xóm ngõ người lớn chửi bới, đánh nhau…? làm sao trẻ em biết chơi trò hòa bình, khi chúng vẫn thấy trê tivi, báo chí, những cảnh chiến tranh khốc liệt, chém giết dã man?
Dường như thế giới ngày nay chỉ muốn giải quyết những tranh chấp, những xung đột lan tràn bằng bạo động, bằng vũ khí giết người. Mặc dù thế giới đang có trong tay sức mạnh vạn năng của tình yêu, nhưng chỉ một ít người biết sử dụng:
Mục sư Luther King, người da đen, đã sử dụng khí giới của tình yêu. Ông đã ngã gục, nhưng hàng triệu người da đen đã được được đứng lên làm người như những người da trắng.
Đức Giám Mục Đê-mông Tu-tu, người nam phi, cũng đã đi theo vết chân của Gan-đi và Luther King.
Mẹ Têrêxa thành Calcutta cũng đang dùng khí giới của tình yêu để những người không nhà không cửa, những người hấp hối đầu đường xó chợ được sống và chết như những con người.
Tất cả những tấm gương trên đâychỉ là phản bội của một Tình Yêu trọn vẹn hơn. Đó là tình yêu của Đấng đã chịu chết cho người mình yêu. Chính Ngài đã dạy chúng ta điều luật của trò chơi hòa bình. Đó là Tình Yêu: Yêu Chúa và yêu người. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đáp lại vấn nạn của nhà thông luật Pharisêu về điều luật trọng nhất, bằng cách ghép lại hai điều luật của tình yêu: "Yêu Chúa với tất cả trái tim (Đnl 6,5) và yêu người như yêu mình" (Lv 19,18). Chúa Giêsu đã không đưa ra một điều gì mới mẻ. Nhưng cái độc đáo của Ngài đã cho tháy đâu là cái cốt yếu, cái quan trọng nhất của Luật Môsê: yêu Chúa hết lòng vá yêu người như chính mình, cả hai điều luật điều luật đều có tầm quan trọng như nhau. Như thế, Ngài đã giải phóng con người khỏi một khối lượng lớn các điều răn (613 điều: 365 điều cấm làm, 248 điều phải làm), để rồi tập trung vào việc tuân giữ hai điều luật chủ yếu: Mến Chúa – Yêu người. Giữ được hai điều luật ấy là chu toàn tất cả pháp luật. Yêu người là thước đo lòng yêu mến Chúa. "Ai không yêu người anh em mình thấy trước mắt, tắt cả cũng không thể yêu mến Chúa mà mắt mình không thấy được" (1Ga 4,20).
Thế nhưng, trong thực tế hằng ngày, có lẽ chúng ta thường quen tách rời Thiên Chúa ra khỏi yêu người ; coi như hai điều luật hoàn toàn không liên hệ gì vời nhau. Do đó, chúng ta có thái độ mâu thuẫn rõ rệt: làm việc gọi là đạo đức để yêu mến Chúa, nhưng đồng thời cũng làm những việc ám hại tha nhân để trục lợi hoặc ít ra cũng dững dưng với những nhu cầu cấp bách của người khác. Chúng ta chỉ chú trọng đến việc gọi là mến Chúa mà không tha thiết gì đến việc thương người. Có khi chỉ mến Chúa yêu người vì có thể trục lợi được, chứ không phải vì đó là ý Chúa muốn, là bổn phận của con cái Chúa và vì là anh em với nhau. Mến Chúa bằng cách yêu tha nhân, yêu tha nhân là cách thế tỏ lòng yêu mến Chúa, đó là đều chúng ta phải quan tâm và áp dụng thực hành.
Tuy nhiên, chúng ta đừng quên: tình yêu tha nhân phải được nền trên tình yêu Thiên Chúa. Khi trái tim thuộc trọn về Thiên Chúa thì ngay lúc ấy nó cũng trọn về tha nhân. Người ta chỉ có khả năng yêu tha nhân đến vô cùng khi được tình yêu Chúa chiếm hữu: (Rm 5,5). Trong Chúa, tôi bắt gặp tha nhân là anh em tôi. Trong Chúa, tôi cảm nhận được phẩm giá đích thực và trọn vẹn của một con người, dù đó là bệnh tật hay già yếu, một phạm nhân, một người mất trí, một thai nhi còn trong bụng mẹ,,ột thiếu nữ lầm lỡ, một người mắc bệnh Sida… Trong Chúa, tôi yêu mến họ và nhân ra chính khuôn mặt của Chúa Giêsu đang đói khát, trần trụi, yếu đau, ở tù, cô thế cô thân (x.Mt 25,35-36).
Tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa thì đưa tôi về với anh em. Tình yêu đối với anh em lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa, nguồn mạch tình yêu, để múc lấy ở đó sức mạnh hầu tiếp tục trao hiến. Đó là nhịp sống bìng thường của người kitô hữu: cứ đong đưa giữa hai tình yêu. Chính nhờ sự đong đưa này mà trái tim tôi được dần dần mở ra và trở nên giống như trái tim Chúa Giêsu trên thập giá.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta chỉ là kitô hữu đích thực khi sống bằng chính sức sống và tình yêu của Đấng đã sống và chết vì yêu thương ta. Chừng nào thế giới của người lớn chúng ta biết sống quảng đại yêu thương, biết giải quyết những tranh chấp không thể tránh được bằng đường lối ôn hòa, thông cảm và tha thứ, chừng đó thế giới trẻ thơ mới biết chơi trò chơi hòa bình, mới triển nở được trong bầu khí hồn nhiên tươi sáng, hứa hẹn một tương lai huy hoàng cho gia đình, xã hội và thế giới.
Hành Trang Mục Vụ Khóa 10 - ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn