THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Thinh Lặng

Chủ nhật - 25/02/2018 21:11
Giữa cuộc sống ồn ào đầy những bon chen tính toán, chúng ta có nguy cơ bị cuốn theo lối sống buông thả dễ dãi và sa đọa. Những toan tính mưu mô, những cạnh tranh khốc liệt có thể làm chúng ta lạc hướng.
Thinh Lặng
Nhiều khi chúng ta không còn biết mình là ai và sống để làm gì. Trong bối cảnh đầy rẫy những tính toán và cạnh tranh, cần lắm những giây phút thinh lặng để trở về với nội tâm, biết mình biết người và tiến bước trên con đường hoàn thiện.
Trước hết, chúng ta cần thinh lặng để nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện qua những kỳ công của Ngài. Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã viết:
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem Trời giải nghĩa yêu” (Đà Lạt trăng mờ).
Khi bình luận bài thơ này, có tác giả đã giải thích những lời của Hàn Mặc Tử như một tiếng “suỵt” ra dấu cho mọi người im lặng để thưởng thức những điều kỳ diệu xung quanh mình. Những điều kỳ diệu ấy vừa long lanh như giọt sương sớm, vừa mỏng manh dễ vỡ như chiếc bình pha lê, vì vậy một tiếng động nhỏ có thể làm tan biến mất. Trong thinh lặng và suy tư, chúng ta nghe được ngôn ngữ của Chúa qua thiên nhiên vũ trụ. Ngôn ngữ này là lời “giải nghĩa yêu”, tức là kể cho chúng ta biết về Tạo Hóa. Vẻ đẹp huy hoàng của tạo vật nói với chúng ta về quyền năng của Thiên Chúa. Ngài dựng nên bao điều tốt đẹp để phục vụ con người. Ngôn ngữ của tạo vật chỉ có thể được lắng nghe trong thinh lặng, để biến thành sự chiêm ngắm, cảm phục và tri ân. Tác giả Thánh vịnh đã thốt lên trước vẻ huy hoàng của vũ trụ: “Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu. Uy phong Ngài vượt quá trời cao… Ngắm tầng trời do Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã tạo thành” (Tv 8,2). Thánh Phanxicô thành Asidi đã chiêm ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên và viết nên “Bài ca Mặt trời”. Trong bài ca này, vị thánh khó nghèo đã “tâm sự” với các tạo vật và gọi mặt trời, mặt trăng, gió nước… là anh chị em. Nơi vẻ đẹp của thiên nhiên, thánh nhân đã cảm nhận bàn tay Thiên Chúa và thốt lên: “Con xin chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con! Vì người chị của chúng con, người mẹ trái đất của chúng con, mẹ nâng đỡ chúng con và mang lại nhiều hoa trái, những bông hoa tươi đẹp, những cây cỏ xanh tươi”. Nhận ra vẻ đẹp của tạo vật giúp chúng ta yêu mến và ý thức bảo vệ môi trường cuộc sống. Trái đất này là ngôi nhà chung, do chính Thiên Chúa là kiến trúc sư tạo dựng. Con người phải biết bảo vệ ngôi nhà của mình nếu muốn sống an bình và hạnh phúc. Trước tình trạng tàn phá thiên nhiên và khai thác cạn kiệt tài nguyên một cách vô trách nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt ra câu hỏi cho mọi người: Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên? Những giây phút chiêm ngắm thiên nhiên sẽ giúp ta có cái nhìn mới, để yêu mến và bảo vệ công trình sáng tạo của Chúa. Giáo lý Công giáo cũng dạy chúng ta: khi chuyên cần lao động và ý thức bảo vệ môi trường, chúng ta cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo, để làm cho công trình ấy thêm rạng rỡ và hoàn hảo.
Thinh lặng để nhận ra vị trí của mình trong gia đình và cộng đồng xã hội. Những giây phút hồi tâm giúp ta trở về với chính mình, để nhận ra mình quá nhỏ bé trong vũ trụ mênh mông và trong thế giới loài người. Việc nhìn nhận này sẽ giúp ta khiêm tốn và thận trọng hơn trong cách đối xử với anh chị em. Khi ý thức mình là một thành phần nhỏ bé của cộng đồng xã hội, chúng ta sẽ biết sống hòa đồng với mọi người, tạo nên một xã hội liên đới và cảm thông. Chúa dựng nên chúng ta mỗi người một khuôn mặt, mỗi người một sở thích và quan điểm khác nhau. Sự khác biệt ấy không phải lý do để gây mâu thuẫn, trái lại, chúng tạo nên sự phong phú đa dạng trong cuộc sống xã hội. Nếu biết kết hợp những khác biệt ấy, cuộc sống này thấm đượm tình nhân ái, hài hòa như một bản hòa tấu du dương, phong phú và đầy sức sống.
Thinh lặng để nhìn lại cách sống của mình và mối tương quan với anh chị em. Chính trong thinh lặng mà ta nghe tiếng nói của lương tâm. Lương tâm khiển trách khi ta làm điều sai lỗi và khen ngợi khi ta làm điều tốt. Thinh lặng cũng giúp ta thẳng thắn nhận ra những yếu kém và khuyết điểm của mình, để quyết tâm sửa đổi. Lúc nóng giận, một người vốn hiền lành bỗng chốc trở thành kẻ sát nhân. Khi “mất khôn”, một lời nói có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Cổ nhân đã nói: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, nghĩa là: một lời nói ra, bốn con ngựa khó mà đuổi kịp. Những giây phút thinh lặng giúp ta nhận ra mình còn nhiều giới hạn, nên phải cố gắng giữ gìn để sống hòa đồng với anh chị em xung quanh. “Kiêu ngạo bao nhiêu cũng chẳng đủ, khiêm tốn dù mấy cũng không thừa”. Lòng khiêm tốn giúp ta chiếm được tình cảm của mọi người. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dạy: “Hễ ai nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống và ai tự hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên” (Lc 14,11).
Thinh lặng để nhận ra ưu điểm của những người sống xung quanh. Sống trên đời, ai cũng có những điểm tốt. Điều quan trọng là chúng ta biết nhận ra những điểm tốt ấy. Thông thường, người ta hay săm soi và khai thác những khuyết điểm của một người, mà dễ dàng bỏ qua điểm tốt nơi họ. Con người ta, dù gian ác đến đâu chăng nữa, trong thâm tâm của họ vẫn còn những điểm tốt. Nếu biết khôn ngoan khéo léo khơi dậy những điểm tốt ấy, ác nhân vẫn có thể phục thiện và hòa nhập cuộc sống. Trong những giây phút thinh lặng, ta nhận ra nơi bạn bè, đồng nghiệp những điều tốt lành, từ đó, ta tôn trọng họ và nhìn họ với cái nhìn mới.
Mùa Chay là mùa trở về, trở về với Chúa và trở về với anh chị em. Đây là mùa thuận tiện giúp ta cảm nhận tình thương của Chúa. Chỉ trong những giây phút thinh lặng, chúng ta mới có thể sống tinh thần Mùa Chay cách hiệu quả. Phụng vụ Chúa nhật I Mùa Chay, cả ba năm A,B,C đều cho chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Đức Giêsu trong hoang địa. Chúng ta hãy vào hoang địa với Người, để cầu nguyện, suy tư và để tâm sự với Chúa trong thinh lặng, nhờ đó chúng ta sẽ được xem “Trời giải nghĩa yêu”.
Hải Phòng, Mùa Chay 2018
 
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập47
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay4,141
  • Tháng hiện tại192,677
  • Tổng lượt truy cập15,479,567
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây