THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Tại sao lại đi tu?

Thứ năm - 26/10/2017 06:13
Là tu sĩ, tôi thường được nhiều người hỏi: “Tại sao bạn lại đi tu?” Với tôi hoặc bất cứ người tu sĩ nào, hẳn đây là câu hỏi ý nghĩa và quan trọng. Ý nghĩa vì nó giúp tu sĩ định hướng được cuộc đời mình khuôn theo tiếng gọi của Thiên Chúa...
Tại sao lại đi tu?
Bạn thân mến,

Là tu sĩ, tôi thường được nhiều người hỏi: “Tại sao bạn lại đi tu?” Với tôi hoặc bất cứ người tu sĩ nào, hẳn đây là câu hỏi ý nghĩa và quan trọng. Ý nghĩa vì nó giúp tu sĩ định hướng được cuộc đời mình khuôn theo tiếng gọi của Thiên Chúa. Và quan trọng vì khi tìm thấy động lực ơn gọi và đáp trả tiếng gọi của Chúa, người tu sĩ nhận được niềm vui bình an để tiến bước. Tuy nhiên trước câu hỏi này, người tu sĩ không thể trả lời rốt ráo một lần. Đó là cả một hành trình đời tu, để trước Thiên Chúa, người tu sĩ được mời gọi làm mới lại ơn gọi tu trì của mình. Bởi đó, mỗi lần nghe người khác hỏi mình, hoặc chính mình chất vấn bản thân: “Tại sao lại đi tu?”, hy vọng đó là cơ hội để người tu sĩ gần hơn với Thiên Chúa.

Nhớ lại thời Đức Giêsu, Ngài kêu gọi mười hai tông đồ để đi theo Ngài. Một cách nào đó, họ là những tu sĩ đầu tiên và trực tiếp được Đức Giêsu gọi chọn để ở với Ngài. Trong hành trình ấy, Tin Mừng thuật lại nhiều câu chuyện cho thấy các ông không phải lúc nào cũng muốn theo Thầy Giêsu một cách trọn vẹn. Hơn nữa, không ít lần các ông đi theo Thầy chỉ để được tiếng tăm, quyền lực, được lợi lộc trần gian. Do đó đứng trước lời tiên báo rằng Thầy sẽ phải chịu chết, chịu bách hại, họ phản đối hoặc làm ngơ. Chỉ sau khi Đức Giêsu phục sinh, các ông mới theo Giêsu một cách trọn vẹn, dám sống chết để loan báo Tin mừng, làm chứng cho Thầy.

Tu sĩ thời nào cũng luôn là người được Thiên Chúa mời gọi để bước theo Thầy Giêsu. Trên con đường ấy người tu sĩ được mời gọi từ bỏ mọi thứ để làm vinh danh Chúa hơn. Đây đó nhiều người tưởng các tu sĩ đi tu để tìm quyền cao chức trọng, an nhàn sung túc. Đúng là những thứ đó luôn cám dỗ, bủa vây người tu sĩ, khiến họ vất vả chiến đấu để loại bỏ từng ngày. Người tu sĩ mong ước mỗi ngày vươn đến lòng mến nồng nàn với Đấng mà họ khấn hứa bước theo. Điều ấy có nghĩa là người tu sĩ không tìm lợi lộc cho riêng mình, nhưng hoàn toàn để Thiên Chúa được cả sáng, ý Cha được trọn lành trong sứ mạng và cuộc đời người tu sĩ.

Ngoài câu hỏi trên, bạn bè tôi thường hỏi thêm “Đi tu có sướng không, có tự do không?” Cảm ơn bạn đã hỏi, đã giúp tôi nhìn lại ơn gọi để tiếp tục bước tới với Thầy Giêsu. Dĩ nhiên hiếm người tu sĩ nào một sớm một chiều mà hoàn toàn biết Thiên Chúa muốn mình bước vào con đường dâng hiến. Đó là một hành trình đời tu. Mỗi ngày đứng trước câu hỏi ấy, mình thấy đời tu vẫn còn hấp dẫn và cho mình hạnh phúc vì có Thầy Giêsu, thế là mình tự do bước tiếp!

Dĩ nhiên đi tu không sung sướng hoặc an nhàn theo kiểu thế gian như người ta thường nghĩ. Cũng như bao người muốn hạnh phúc và thành công, người tu sĩ cũng phải tập chiến đấu với những cám dỗ thế gian. Họ được mời gọi để học hành nghiêm túc, cầu nguyện liên lỷ, huấn luyện lâu dài và từ bỏ mỗi ngày. Rồi trong cánh đồng sứ mạng, họ vui buồn với Thầy Giêsu trong những công việc phục vụ hằng ngày. Họ ước mong mang về cho Thiên Chúa càng nhiều linh hồn càng tốt. Dẫu đời tu có vất vả khó khăn, nhưng người tu sĩ không cho phép mình bỏ buộc. Hơn nữa, họ được ban nhiều bình an trong tâm hồn, vì họ có được tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Đó là chìa khóa để giúp họ sống vui phục vụ.

Bạn biết đấy, mỗi ơn gọi đều có những nét đẹp riêng. Ơn gọi gia đình cho người ta hạnh phúc bên mái ấm gia đình. Từng thành viên được mời gọi để sống theo ý Chúa cụ thể trong gia đình mình. Đời tu cung thế. Người tu sĩ thấy mình hạnh phúc để chu toàn những điều kiện khi bước theo Thầy Giêsu. Điều kiện ấy là từ bỏ mọi sự, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy. Do đó họ vui sống ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Vậy bạn hỏi “Tại sao người ta lại đi tu?”, chắn hẳn tại vì họ muốn sống theo những lời mời gọi này của Thầy Giêsu dành cho họ. Ngài không gọi mọi người phải trở nên người tu sĩ, nhưng Ngài chỉ chọn riêng những ai Ngài muốn. Đó là ơn gọi tu trì. Còn người khác, Ngài muốn họ hạnh phúc bước vào một ơn gọi khác.

Đứng trước câu hỏi trên, chắc hẳn mỗi người tu sĩ đều có câu trả lời cho riêng mình. Ước mong mỗi ngày câu trả lời cũng chính là cuộc sống triển nở của người tu sĩ, gần hơn với Thầy Chí Thánh. Được như thế, cuộc sống tu trì không sầu buồn như lắm người tưởng, không chán ngán như nhiều người nghĩ. Ngược lại, đó là cuộc sống của hạnh phúc bình an trong tâm hồn, của niềm vui khi bước theo Thầy Giêsu trong muôn nẻo đường sứ mạng.

Chia sẻ vài điều với bạn, hy vọng bạn cũng cầu nguyện thêm cho các tu sĩ. Chúng ta cầu chúc cho họ từng ngày họ nhận được niềm vui của Thầy Giêsu. Hy vọng họ không biến đời tu thành một nghề nghiệp đơn thuần để tìm vinh hoa quyền thế. Ngược lại, ước sao mỗi người sống đời thành hiến tự do đáp lại lời mời gọi từ bỏ mọi sự của Thầy Giêsu trong niềm vui và bình an. Được như thế chúng ta tin rằng đi tu là để sống vui với Giêsu và thuộc trọn về Giêsu trong cuộc sống hằng ngày.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: dongten.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập90
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm85
  • Hôm nay5,217
  • Tháng hiện tại207,586
  • Tổng lượt truy cập15,494,476
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây