THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

​​​​​​​6 Điểm khác biệt giữa Nghề nghiệp và Ơn gọi

Thứ tư - 25/10/2017 07:15
Những thập niên gần đây, một số nam nữ tu sĩ đã phạm phải một trong những lỗi lầm căn bản, đó là nghĩ mình trước hết đang theo đuổi và thực hiện một công việc, một thứ nghề nghiệp. Đối với họ, dường như không có chuyện cuộc đời của họ chính xác là một cuộc đời, một lời đáp trả cho tiếng gọi yêu thương, một món quà tự trao hiến cho người được thương yêu...
​​​​​​​6 Điểm khác biệt giữa Nghề nghiệp và Ơn gọi
Thế nên, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi họ liên tục nói về sứ vụ là nguyên tắc chủ đạo trong bậc sống của họ chứ không phải sự thánh hiến. Đúng là một phần nào đó, sứ vụ thì quan trọng, nhưng như thế là nó đã đánh mất sự tiếp xúc đầy đủ với Tân Ước, vốn khẳng định rằng con người thì ưu tiên trước việc làm.

Trong khi nghề nghiệp là một phương thức kiếm sống và đóng góp cho phúc lợi trần thế của cộng đồng nhân loại, thì ơn gọi là một tiếng gọi đến từ Thiên Chúa nhắm đến một lối sống. Đó là một dấu hiệu, một lời mời gọi trao ban chính mình cách hoàn toàn cho người khác theo kế hoach thần linh. Những nhà văn và diễn giả hời hợt có tư tưởng cho rằng, ơn gọi có tính cách tạm thời, chỉ vì họ không nghĩ đến ơn gọi chi cả. Họ suy nghĩ về một nghề nghiệp, một cam kết không có tính cá vị về một công việc phải làm. Say đắm trong tình yêu với lời mời gọi thần linh dường như đã thoát khỏi tầm nhìn của họ về các lời khuyên phúc âm.

Ơn gọi căn bản nhất là lời mời gọi yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn của chúng ta (Dt 6, 4-5; Lc 10,27). Vận mệnh của con người là đắm mình trong lòng của đời sống nội tại của Ba Ngôi. Sự toàn bích yêu thương này tất nhiên là điều vĩ đại nhất trong tất cả các giới răn, đấy chính là cái lý chứng tồn tại của mọi người nam và người nữ trong mỗi bậc sống Tuy nhiên, ơn gọi chung này phải được cụ thể hoá qua những lối sống phù hợp với ý định thần linh: sống những lời khuyên Tin mừng cách triệt để, đời sống linh mục, hay hôn nhân. Kinh Thánh không trình bày tình trạng độc thân như một ơn gọi, vì sự độc thân không bao hàm sự tự trao ban cho người khác. Đúng hơn, sự độc thân là một sự sẵn sàng cho một sự tự trao ban. Thiên Chúa của mạc khải kêu gọi một số người vào thừa tác vụ của Giáo hội. Ngài kêu gọi một số người nam và người nữ sống khiết tịnh trọn vẹn, khó nghèo triệt để và một sự vâng phục mới, tất cả vì Nước Trời. Và Ngài mời gọi những người khác kết hôn và sống đời gia đình.

Do đó, ơn gọi cần được phân biệt rõ ràng với nghề nghiệp, mặc dù hầu hết mọi người thực sự theo đuổi nghề nghiệp như một nguồn sinh kế và đóng góp vào phúc lợi của cộng đồng. Để làm rõ, chúng ta có thể chỉ ra một số ngụ ý của sự phân biệt này.

Trước hết, ơn gọi là đến từ sáng kiến của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi người ta đến với một bậc sống. Điều ấy không chỉ đơn giản là vấn đề tìm kiếm và “lựa chọn những gì tôi muốn làm trong cuộc đời.” Chắc chắn chúng ta sẽ không nói rằng Thiên Chúa gọi một người làm nông dân chứ không phải là một thợ làm bánh hoặc một luật sư, ít nhất là không giống như cách Ngài gọi ai đó làm linh mục, sống đời hôn nhân hay tu sĩ.

Thứ hai, thanh niên hoặc thanh nữ tiếp cận câu hỏi về bậc sống như là một cuộc tìm kiếm ý Chúa chứ không phải là lựa chọn cách sống dễ chịu nhất. Trong khi ai đó có thể cầu nguyện trong việc lựa chọn nghề nghiệp, hầu chắc anh ta phải cầu nguyện để đáp trả  lời kêu gọi thần linh vào một bậc sống.

Thứ ba, bậc sống là một vấn đề tình yêu, một món quà tự trao ban cho người khác, trong khi nghề nghiệp thì không như thế. Một luật sư cho khách hàng lời khuyên, thời gian, mối quan tâm, chuyên môn, nhưng anh ta không tự trao tặng chính mình —- một bác sĩ, thợ làm bánh, hoặc kỹ sư cũng không phải là những người trao tặng chính mình.

Thứ tư, một bậc sống (kết quả của một ơn gọi) đòi hỏi phải dành toàn thời gian, trong khi nghề nghiệp thì bán thời gian. Một người đàn ông đã kết hôn hay phụ nữ đã lập gia đình luôn luôn là chồng hoặc luôn luôn là vợ; một linh mục và tu sĩ được tận hiến mãi mãi để phục vụ Chúa hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Một giáo viên hoặc y tá phục vụ một số giờ giới hạn trong ngày và một số ngày trong tuần, và sau một khoảng thời gian nhất định, cuối cùng sẽ nghỉ hưu. Chồng và vợ vẫn là vợ chồng, linh mục và tu sĩ vẫn ngày đêm được thánh hiến cho đến khi chết, ngay cả khi và khi họ từ bỏ công việc của họ.

Thứ năm, nghề nghiệp là một phương tiện để đảm bảo sinh kế, vì cung cấp những nhu cầu vật chất cho sự tồn tại của con người trên trần gian. Trong khi những người nam và người nữ theo đuổi ơn gọi thường làm một số loại công việc, như là một phương tiện hỗ trợ tài chính, bậc sống của họ có cái gì đó hơi khác với những kỹ năng chuyên môn của họ.

Cuối cùng, ơn gọi thì vĩnh viễn,  còn nghề nghiệp thì tạm thời. Một thợ mỏ than và thợ cắt tóc có thể bỏ nghề của họ bất cứ khi nào họ muốn, nhưng trong ý định thần linh họ không thể bỏ đời sống hôn nhân. Một người có thể nghỉ hưu trước, chứ không phải sau thời hạn. Tại sao như thế, chúng tôi sẽ giải thích sau.

Công Trình, S.J., chuyển ngữ
Theo: http://catholic-link.org/quotes/thomas-dubay-difference-career-vocation/
Nguồn: dongten.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập102
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm99
  • Hôm nay5,786
  • Tháng hiện tại194,322
  • Tổng lượt truy cập15,481,212
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây