THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Dấu Lạ Giêsu - Thứ Hai Tuần VI Thường Niên C

Chủ nhật - 17/02/2019 18:00
Tin mừng Mc 8: 11-13: Như trang Tin Mừng vừa nghe, Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ, trong đó có những phép lạ lớn như dẹp yên bão táp, trục xuất quỷ ra khỏi người ta, chữa một bà loạn huyết, làm cho đứa con gái ông Giairô sống lại, vậy mà người Pharisêu vẫn chưa tin Ngài.
Dấu Lạ Giêsu - Thứ Hai Tuần VI Thường Niên C
SUY NIỆM HẰNG NGÀY

THỨ HAI TRONG TUẦN VI THƯỜNG NIÊN C


DẤU LẠ GIÊSU 
  

Tin mừng Mc 8: 11-13

  Chúa rất tôn trọng tự do của con người trong niềm tin đối với Ngài. Chính vì thế Ngài không bao giờ làm dấu lạ để thúc bách người ta tin nhận. Như trang Tin Mừng vừa nghe, Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ, trong đó có những phép lạ lớn như dẹp yên bão táp, trục xuất quỷ ra khỏi người ta, chữa một bà loạn huyết, làm cho đứa con gái ông Giairô sống lại, vậy mà người Pharisêu vẫn chưa tin Ngài.

          Hôm nay họ lại thách thức Ngài làm một phép lạ từ trời, nghĩa là một phép lạ phát xuất từ chính Thiên Chúa.

          Thực ra những phép lạ Chúa làm, nhất là những phép lạ lớn vừa kể đã đủ chứng minh Ngài là Đấng có quyền phép từ trời rồi. Thế nhưng họ không tin là chỉ vì họ ngoan cố, bởi đó Chúa Giêsu nói sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa.

          Dân chúng muốn Chúa Giêsu làm Vua để dân được cầu lợi. Không phải vất vả lầm than và chỉ để giải quyết vấn đề ăn uống, chữa bệnh. Còn Pharisiêu, họ sợ Chúa Giêsu hưởng hết các phúc lợi của họ, khi dân chúng bỏ họ mà theo Chúa, vì thế, họ mới tranh luận với Ngài. Nhưng chúng ta không thấy Maccô đưa ra vấn đề để tranh luận mà ngài đi thẳng vào vấn đề cốt lõi “ đòi dấu lạ”. Tại sao họ lại đòi dấu lạ khi họ vừa chứng kiến một dấu lạ nhãn tiền: 7 chiếc bánh và mấy con cá nhỏ cho 4000 người no nê mà vẫn còn thừa? Thánh Maccô nói vắn gọn: “ Để thử Người”. Đây là để trả lời vấn nạn này, cốt lõi vấn đề, là điểm chính mà người pharisiêu cất công tụ họp bàn tán. Hậu quả này mang dấu vết “ Kinh Thánh”.

          Xưa kia trong hoang mạc, dân Israel đã thử thách Thiên Chúa bằng hết các phép lạ, dấu lạ lớn nhỏ ( x. xh 16,1-36; Ds 14, 1-38). Bây giờ, có lẽ họ muốn Chúa Giêsu chứng tỏ cho họ thấy thần tính và uy quyền của Ngài, một “ Mêsia trần tục” theo kiểu của họ. Đây là cơn cám dỗ mà Satan đã sử dụng trong sa mạc, khi Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ ( x. Mt 4,1-11). Đã bao lần Chúa Giêsu làm phép lạ vì chạnh lòng thương, vì lời van xin của bệnh nhân, vì  long tin của dân chúng… Nhưng lần này Ngài lại từ chối và khẳng định họ sẽ không được một dấu lạ nào. Vì sao vậy ? Có lẽ vì thời khắc của Ngài chưa đến. Vì Ngài không muốn họ hiểu sai về sứ vụ của Đấng Mêsia và những dấu lạ sẽ là mối nguy hiểm cho niềm tin của họ đối với Thiên Chúa, xem Thiên Chúa như một thầy phù thuỷ bùa phép hay một nhà ảo thuật với những xảo kế tuyệt vời.

          Phép lạ Chúa làm chỉ có ý nghĩa và giá trị cho người thành tâm chứ không cho người Pharisêu cứng lòng. Như vậy, Tin mừng hôm nay cho thấy phép lạ không sinh ra đức tin mà chỉ là dấu chỉ dẫn người ta tới đức tin. Bởi thế, sông đạo mà chỉ quan tâm tới phép lạ (như Lộ Đức, Fatima) thì chưa hẳn là sống đạo thật, sống đạo thật là sống bằng đức tin.

          Và có lẽ Ngài muốn họ đến với Ngài bằng niềm tin, chứ không bằng sự nghi ngờ hoặc đặt điều kiện này nọ “đòi dấu lạ, để thử…” Nhưng phép lạ phải trở nên “ dấu chỉ” về Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người và hướng tâm hồn con người đến với ân sủng thiêng liêng. Vì thế, mà ta thấy Chúa Giêsu bực mình đến thở dài não ruột ( c. 12). Câu hỏi Ngài đưa ra cho họ như một lời tố cáo, lời trách cứ sự cứng lòng của họ ( x .Tv 95,10). Và kết thúc Ngài bỏ đi và để họ ở đó với những đòi hỏi thái quá của họ ( c. 13 ) mà qua bờ bên kia. Lúc nào cũng thế, Ngài không để lòng mình bị chao đảo trước những thách thức của con người và cám dỗ của cuộc sống. Sứ mạng của Ngài là đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi.

          Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ trong mấy năm sứ vụ. Những phép lạ đó không nhằm ra oai biểu diễn quyền uy, cũng không nhằm lôi kéo sự tôn vinh của dân chúng. Ngài đã từ chối nhảy xuống từ nóc đền thờ: một cám dỗ làm điều ngoạn mục để thu hút quần chúng.Ngài cũng từ chối xuống khỏi thập giá: một hành vi đủ làm bẽ mặt những kẻ giết Ngài. “Cứ xuống khỏi thập giá để chúng ta thấy và tin” (Mc 15, 32). Đức Giêsu không mua niềm tin của đám đông bằng sự phản bội Cha. Ngài đã ở lại trên thập giá như một người có vẻ thua cuộc…

          Dấu lạ cả thể mà có lẽ con người thời nay đang chờ đợi nơi Giáo Hội chính là dấu lạ của tình thương. Nói như Staline, thế giới này chỉ cần mười người như thánh Phanxicô Assisi, thì cũng đủ để thay đổi bộ mặt. Người ta mãi mãi vẫn nhớ khuôn mặt từ tốn, nhân hậu của một Gioan XXIII; hoặc chỉ như một ánh sao băng, người ta khó mà quên được nụ cười hiện thân của lòng nhân từ nơi Ðức Gioan Phaolô I; lòng hy sinh quảng đại của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là một dấu lạ cả thể mà con người thời đại đang tìm thấy nơi Giáo Hội.

          Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta dấu lạ chắc chắn về sự hiện diện hằng ngày của Ngài trong đời sống chúng ta.

          Dấu thứ nhất là thập giá. Chỉ có đức tin mới mở cho chúng ta biết mầu nhiệm của Ngài và giúp chúng ta đương đầu với tội lỗi nhờ lòng thương xót. Tội là nguyên do của những gì nguy hại trong đời sống chúng ta. Thập giá của Đấng chịu đóng đinh là khí giới có thể chữa lành chúng ta. Đức tin cho phép chúng ta nhìn thấy tình yêu Chúa ở trung tâm vũ trụ và thế giới được lôi kéo về Ngài. Thánh Thể là một dấu lạ nữa mà Chúa để lại cho chúng ta. Đó là dấu lạ mạnh mẽ nhất vì nơi đó chứa đựng tác giả của chính dấu lạ. Chúa Giê-su đã hạ mình qua mọi phương thế để ở lại với chúng ta. Dưới hình bánh rượu, Ngài mạc khải cho chúng ta thấy Ngài muốn gắn bó với chúng ta. Xin cho những dấu lạ này luôn là bảo chứng tình yêu để chúng con nói với Chúa theo cách Ngài muốn được biết, được yêu và được tôn thờ.

          Người có niềm tin luôn được mời gọi nhận ra những dấu chỉ Thiên Chúa trải dài suốt hành trình đức tin của con người. Mỗi biến cố xảy đến cho thế giới, mỗi sự kiện xảy ra cho cuộc sống từng người, mỗi gặp gỡ trong ngày đều là những dấu chỉ, và dấu chỉ nào cũng mời gọi con người tin yêu hơn. Có những tin vui là dấu chỉ mời gọi cảm tạ tri ân, có những thất bại là dấu chỉ mời gọi ý thức thân phận mỏng dòn để tín thác vào Thiên Chúa, có những mất mát là dấu chỉ thập giá vén mở niềm hy vọng Phục Sinh, có những con người là dấu chỉ mời gọi yêu thương tha thứ nhiều hơn.

          Mỗi biến cố, mỗi giây phút, mỗi con người đều là dấu chỉ mời gọi con người có niềm tin dấn bước trong hành trình đức tin. Do đó, trong từng giây phút cuộc sống, người có niềm tin luôn được mời gọi tỉnh thức để nhận ra lời mời gọi là tình yêu của Thiên Chúa trong mọi sự.​

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập87
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm83
  • Hôm nay17,738
  • Tháng hiện tại349,075
  • Tổng lượt truy cập13,633,449
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây