SÀI GÒN NHỮNG ĐÊM KHÔNG NGỦ.
Dưới cái nắng nóng của mùa hè, Việt Nam đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 4, đợt dịch này nguy hiểm hơn, diễn biến phức tạp, số ca mắc lan nhanh, nhiều ca rơi vào nguy kịch, và…. lần đầu tiên Sài Gòn trở thành tâm dịch! Khi cùng tham gia với HCDC (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM) trong các đợt lấy mẫu tầm soát và truy vết lớn nhỏ trong khắp các quận huyện, mình mới hiểu thêm sự vất vả của tuyến đầu chống dịch và cả sự vất vả của hậu phương. Ngày 15/6 vừa rồi, khi người người nhà nhà thức khuya coi trận đá banh giữa Việt Nam với UAE, thì đâu đó ở những khu công nghiệp Vĩnh Lộc vẫn đang sáng đèn chiến đấu với vi rút Corona.
Trong trận chiến này, các nhân viên y tế từ tất cả các bệnh viện đều chung tay hoàn thành nhiệm vụ: BV Nhi đồng, BV Nhân dân Gia Định, BV Bình dân, BV Mắt, BV Da liễu, Viện Y học cổ truyền dân tộc, Viện tim,… Không cần biết họ là nhân viên thuộc bộ phận văn phòng hay y bác sĩ, khi đất nước gọi thì tất cả các anh chị đều gác việc gia đình sang một bên và lên xe đi đến những điểm có nguy cơ. Có những ngày lấy mẫu cho hàng ngàn công nhân ở các khu công nghiệp từ 13 giờ chiều cho đến tận sáng hôm sau, cứ tốp này hết thì đến tốp khác, cứ làm xong điểm này, liền qua điểm khác để hỗ trợ. Vất vả nhất có lẽ không phải là việc thức khuya, vất vả nhất là phải làm việc nhiều giờ liền trong bộ đồ bảo hộ kín mít dưới thời tiết nắng nóng và ít gió. Khi cởi bộ đồ ra người ai cũng ướt sũng như mới tắm và 10 ngón tay đều nhăn nheo hết lại vì ngâm trong mồ hôi. Việc ăn uống cũng chỉ vừa đủ trong ngân sách, mỗi người được 1 ổ bánh mì hoặc bánh bao cùng một chai nước suối.
Nhiệm vụ của mình trong mỗi lần đi theo các đoàn lấy mẫu là sẽ đánh nhập liệu các thông tin cá nhân của người lấy mẫu lên laptop kèm theo mã code ống xét nghiệm để khi có kết quả dương tính, HCDC sẽ gọi điện về và sắp xếp đưa vào khu cách ly. Trung bình nếu nhẹ nhàng, 3-4 bạn sinh viên sẽ phụ trách cho 1000 người, nghĩa là đánh máy liên tục trong 3-4 tiếng sẽ hoàn thành công việc. Nếu lấy nhiều hơn 1000 ca và thiếu người thì sẽ phải làm đến 2h sáng. Mặc dù chỉ là nhập liệu nhưng vì ngồi trong các khu vực nguy cơ cao nên vẫn phải mặc đồ bảo hộ. Khi mặc vào rồi, trải nghiệm cảm giác nóng nực dưới áp lực công việc, mình lại càng cảm thấy biết ơn đến những y bác sĩ, điều dưỡng đang chiến đấu dưới cái nóng đổ lửa 40 độ của miền Bắc và miền Trung.
Bài học để lại sau khi chuyến đi đêm của riêng mình là lòng biết ơn và cảm tạ. Biết ơn vì đằng sau những tối ngon giấc, êm ấm ở nhà là công sức của hàng trăm người không ngủ chiến đấu đưa Sài Gòn về lại những ngày bình yên. Cảm tạ vì Chúa vẫn cho mình có sức khỏe để hy sinh và phục vụ mọi người.
Biết ơn vì tấm lòng nồng nhiệt hỗ trợ đến từ người dân xung quanh. Có những hôm, nhóm đi làm công tác ở khu dân cư thì phải nhờ các cô chú bác cho xin một chỗ để xe, xin một ít điện để cắm laptop, một ít wifi để nhập dữ liệu, một ít đèn giúp chiếu sáng chỗ lấy mẫu để chiến đấu qua đêm. Khi Sài Gòn cần, tất cả mọi người sẽ cùng nhau đóng góp, điều đó càng làm mình cảm thấy ấm lòng mỗi khi về nhà trong đêm khuya.
“Dịch này làm khổ mọi người quá con ơi”- câu nói của chú chủ nhà cho tụi mình ngồi ké làm việc trong sân, chú cũng chuẩn bị đồ đi cách ly 21 ngày vì làm việc cho xí nghiệp có F0. Những khu dân cư mình đi qua toàn là dân lao động nghèo, dịch bệnh như một cơn sóng có thể nhấn chìm họ bất cứ lúc nào. Mình chỉ có thể cầu nguyện mỗi đêm, xin Chúa gìn giữ họ và gìn giữ Việt Nam vượt qua cơn đại dịch như cách Chúa Giêsu đe gió và phán với biển rằng: "Hãy im đi, hãy lặng đi". Tin tưởng vào Chúa và Ngài sẽ ra tay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn