THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Rắc gieo điều tốt

Thứ bảy - 11/07/2020 09:10
Nhiều bạn nói với tôi rằng: “Thầy ơi, mình cứ làm điều tốt hoài thì được gì!? Xã hội cũng đâu có tốt lên mấy!” Thực ra những công việc tốt lành của bao người không biết bao giờ mới vực dậy một nền xã hội đang xuống cấp? Tuy vậy, Thiên Chúa không cho phép chúng ta dừng lại...
Rắc gieo điều tốt

CÂU CHUYỆN SUY TƯ

RẮC GIEO ĐIỀU TỐT

Nhiều bạn nói với tôi rằng: “Thầy ơi, mình cứ làm điều tốt hoài thì được gì!? Xã hội cũng đâu có tốt lên mấy!” Thực ra những công việc tốt lành của bao người không biết bao giờ mới vực dậy một nền xã hội đang xuống cấp? Tuy vậy, Thiên Chúa không cho phép chúng ta dừng lại. Ngài chưa bao giờ ủng hộ con đường ùa theo sự dữ. Nếu là người con tốt của Chúa, người ta không còn con đường nào khác là gieo rắc tình thương và những điều thiện hảo[1].

Ánh sáng của tin Mừng Chúa Nhật 15 hôm nay[2] cho ta nhiều động lực. Nếu bạn mở Tin Mừng theo thánh Mát–thêu hôm nay, đoạn này khởi đầu loạt bài giảng bằng dụ ngôn. Đức Giêsu rất thích dùng dụ ngôn để giới thiệu những màu nhiệm lớn lao. Đó là những câu chuyện có tính tượng trưng để dạy một bài học thực tế. Những chi tiết trong dụ ngôn thường được lấy ra từ cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn thời Đức Giêsu, nghề chăn nuôi, trồng trọt, đánh cá, v.v. là phổ biến, ai cũng biết. Hôm nay Đức Giêsu kể một dụ ngôn liên quan đến gieo giống.

Tưởng tượng bạn có mặt lúc này với người gieo giống. Bạn cũng thích đi với người ấy trong ngày làm việc hôm đó. Bạn sẽ có thể rất khó chịu và có phần ngạc nhiên!

Khó chịu vì cách người gieo giống:

 Bạn thấy người gieo giống không biết tính toán chỗ nào tốt để gieo hạt. Ông ta gieo tứ tung, chỗ nào cũng rắc (x Mt 13,3–8). Ngay cả vệ đường cũng có hạt giống; nơi sỏi đá, bụi gai ông ấy cũng rắc hạt giống vào. Dĩ nhiên, hạt giống ấy có lên cũng èo uột. May mà nhiều hạt giống cũng được gieo vào đất tốt. Chắc khi ấy bạn không còn khó chịu nữa, nhưng thấy hy vọng chứa chan vào ngày mùa bội thu.  

Ngạc nhiên vì ý nghĩa của dụ ngôn:

Hóa ra hạt giống là những lời của người gieo lời. Người ấy đang rao giảng về mầu nhiệm Nước Trời. Thực tế là có những người không hiểu lời ấy, quỷ dữ liền đến lấy lời ấy đi: Đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường (Mt 13,19). Cũng có nhiều người hồ hởi đón nhận lời ấy, nhưng khi gặp thử thách, họ lại thoái lui: Đó là những kẻ được gieo trên sỏi đá. (Mt 13,20). Có những người đón nhận lời, nhưng vì lo lắng sự đời và vinh hoa phú quý bóp nghẹt, lời không sinh hoa kết trái: Đó là những người được gieo vào bụi gai. (Mt 13,21). Hạnh phúc nhất là người đón nhận và để cho lời biến đổi mình. Khi đó, cuộc sống của họ sẽ sinh nhiều hoa trái nhờ sức mạnh của lời. (Mt 13,23).

Chính Đức Giêsu là người gieo lời: Lời Chúa. Suốt những năm trên dương thế, Ngài ban lời cho mọi thành phần. Bất cứ ai Đức Giêsu gặp, ngài cũng hướng họ đến chân thiện mỹ. Đáng mừng là có nhiều người đã đón nhận lời ấy. Kết quả là họ được gần Thiên Chúa. Thực tế cũng có nhiều người nghe lời Đức Giêsu chướng tai. Họ bỏ đi. Có người còn chống đối và loại bỏ lời. Nếu Đức Giêsu là Ngôi Lời[3] (Logos), thì thậm chí người ta đã đóng đinh và giết chết Ngôi Lời trong cuộc thương khó. Nhưng sau đó Ngôi Lời đã phục sinh và tiếp tục đưa con người đến gần với Nước Trời.

Tôi ở đâu trong dụ ngôn người gieo giống?

Đức Giêsu không chỉ nói cho thính giả thời của Ngài. Hôm nay và lúc này, những lời ấy cũng đang hướng trực tiếp đến tôi. Lời ấy chất vấn và đòi tôi đáp trả. Tùy vào thái độ của tôi mà lời ấy sinh hoa trái hay không. Giả như tôi chối từ lời của Ngài, cho Lời Chúa là điều quê mùa, lạc hậu, thì đời sống đức tin của tôi chắc èo uột và úa tàn. Nếu tôi đón nhận Lời Chúa nhưng không chịu vác thập giá đi cùng với Ngài, thì Lời Chúa cũng không sinh hoa trái. Lúc ấy tôi cũng sống vật vờ. Còn nếu tôi cộng tác, khao khát Lời Chúa, chắc hẳn cuộc sống của tôi trổ sinh nhiều bông hạt.

Các nhà chú giải cho rằng trong dụ ngôn hạt lúa giống hôm nay, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến hiệu năng của ơn Chúa. Bởi thực tế có nhiều người đã biến đổi đời mình nhờ vào sức mạnh của Lời. Theo đó, chính họ cũng được mời gọi tham gia vào công cuộc gieo Lời Chúa đến với muôn dân. Đó không chỉ là các tu sĩ, giáo sĩ, nhưng còn dành cho mỗi người. Trong hành trình loan báo Tin Mừng Lời Chúa như thế, chính Đức Giêsu sẽ cho Lời hoạt động trong lòng của họ. Điều này nghe có vẻ rất ngồ ngộ đối với nhiều người.

Bạn nghĩ sao khi nhiều vị thánh chỉ với một câu Lời Chúa đã biến họ nên thánh[4]! Khi đó, Lời Chúa không chỉ là âm thanh xa lạ, là ngôn ngữ khô khan, nhưng chính là Đức Giêsu: sống động và gần gũi. Qua những trang Tin Mừng, họ hiểu Đức Giêsu. Khi đó, họ có sức mạnh dấn thân cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nhất là họ tìm được nguồn sức sống vô bờ từ Lời Thiên Chúa phán ra.

Điều thú vị là người ta có thể biến đổi những mảnh đất tâm hồn theo thời gian. Từ tâm hồn sỏi đá có thể nên miền đất tốt để Lời Chúa đơm hoa kết trái. Tiếc cho những mảnh đất có khi màu mỡ, nhưng vì lý do nào đó, mảnh đất ấy trở nên khô cành cứng cỏi. Khi ấy Lời Chúa càng khó tác động đến tâm hồn họ.

Trong lúc kể dụ ngôn này, Đức Giêsu nhắc cho mỗi người thời Tân Ước là đoàn dân may mắn. Thực vậy, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính thời Cựu Ước đã mong mỏi thấy điều các môn đệ đang thấy, mà không được thấy, nghe điều các môn đệ đang nghe, mà không được nghe (Mt13,10–17). Dân Israel mong chờ Đấng Thiên Sai, Đấng Mêsia (chính Đức Giêsu!). Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Đó là ân huệ, là thời kỳ của Ngôi Lời đồng hành với con người.  

Ước gì mỗi người hãy bắt chước Đức Giêsu gieo biết bao điều tốt đẹp cho cuộc đời. Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn là nguyền rủa bóng đêm. Thú vị là càng làm điều tốt, mảnh đất tâm hồn càng trở nên màu mỡ. Khi ấy cuộc sống sẽ đáng sống hơn nhiều.

Để kết thúc, xin mượn vài nghịch lý[5] mà nhà văn và là lãnh đạo gia người Mỹ, Kent Keith, đã chỉ ra trong cuộc đời:

Nghịch lý thứ nhất: “Người đời thường vô lý, không biết điều và vị kỷ. Nhưng dù sao đi nữa, hãy yêu thương họ”.

Nghịch lý thứ hai: “Nếu bạn làm điều tốt, có thể mọi người sẽ cho là bạn làm vì tư lợi. Nhưng dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt”.

Nghịch lý thứ ba: “Việc tốt bạn làm hôm nay sẽ bị lãng quên. Nhưng dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.”

Nghịch lý thứ tư: “Bạn trao tặng cuộc sống tất cả những gì tốt đẹp nhất và nhận lại một cái tát phũ phàng. Nhưng dù sao đi nữa, hãy sống hết mình cho cuộc sống.”

Lạy Chúa Giêsu, xin đến biến đổi tâm hồn con thành mảnh đất tốt cho Lời Chúa sinh hoa kết trái. Nếu lúc nào đó tâm hồn con nguôi lạnh, cứng cỏi, xin chạm lòng con bằng sức mạnh thần linh của Ngài. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập25
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay3,248
  • Tháng hiện tại53,062
  • Tổng lượt truy cập14,871,687
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây