THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Thư gửi sinh viên, học sinh Công Giáo nhân dịp Đại lễ Phục Sinh 2020

Thứ năm - 02/04/2020 20:23
Tuần Thánh của chúng ta năm nay lại được cử hành trong một thời điểm và một cách thức với nhiều diễn biến bất thường của cơn đại dịch Covid – 19......
Thư gửi sinh viên, học sinh Công Giáo nhân dịp Đại lễ Phục Sinh 2020

TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM

THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP ĐẠI LỄ PHỤC SINH



ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

 

THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP ĐẠI LỄ PHỤC SINH 2020


Chúng con thân mến,

Chỉ còn ít ngày nữa là chúng ta bước vào Tuần Thánh, tuần lễ đặc biệt nhất của người Kitô hữu ở khắp nơi trên thế giới, với những lễ nghi được xếp vào loại “Mẹ của mọi lễ Canh Thức” (x. Quy luật tổng quát về niên lịch và năm phụng vụ, số 21). Tuy nhiên, Tuần Thánh của chúng ta năm nay lại được cử hành trong một thời điểm và một cách thức với nhiều diễn biến bất thường của cơn đại dịch Covid – 19. Cuộc sống của các con, đa phần chỉ là việc học hành, nhưng có lẽ chưa bao giờ phải đối diện với những xáo trộn và lo lắng như thế. “Bình an cho anh em” là điều mà Chúa Phục Sinh đã trao cho các môn đệ sau khi chứng kiến cuộc khổ nạn của Thầy mình (x. Lc 24,36). Trong niềm tín thác ấy, cha muốn chia sẻ đôi điều về mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng ta sắp cử hành, ước mong như một lời cầu nguyện, xin Đấng Phục Sinh ban cho chúng ta bình an của Người trong thời khắc mà chúng ta phải đau đớn chứng kiến những hậu quả nặng nề của đại dịch lịch sử này.

1. Lễ Vượt Qua cũ, lòng thương xót được tỏ bày.

Mầu nhiệm mà chúng ta sẽ cử hành trong Tuần Thánh gắn liền với lễ Vượt Qua của người Do Thái, một biến cố trọng đại trong lịch sử của dân tộc này: Giavê Thiên Chúa giải phóng cha ông họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và đưa họ vào đất Ngài đã hứa. Sách Xuất Hành mô tả lại biến cố có một không hai ấy, với những chi tiết đầy lòng thương xót và quyền năng của Giavê Thiên Chúa, với sự thán phục của người Do Thái và sự thất bại của người Ai Cập. Cuộc vượt qua này, dù không bao giờ rơi vào quên lãng, nhưng cũng đã phải dừng lại ở kết quả giúp dân tộc Do Thái thoát khỏi ách nô lệ, thoát khỏi những lầm than khốn khó nơi Ai Cập xứ lạ quê người để tiến về Đất Hứa (x. Xh 14,10-31). Từ đó, chúng ta liên tưởng đến cuộc vượt qua thứ hai, giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi, nô lệ của sự chết.

2. Lễ Vượt Qua mới, niềm hy vọng đã bừng sáng.

Mở đầu Phúc âm chương 13, Thánh Gioan nói về việc Chúa Giêsu rời bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Đây là hình ảnh một cuộc vượt qua mới. Nơi cuộc vượt qua này, bằng con đường thập giá và phục sinh vinh hiển của Con của Người, Chúa Cha đã đem chúng ta, không phải từ miền đất Ai Cập tủi buồn đến vùng Đất Hứa trù phú của lịch sử xa xưa, nhưng “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái” (Col 1,13). Nói cách khác, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, vào đúng dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái, như minh chứng rằng: Đức Kitô là chiên vượt qua mới, đã chịu sát tế không phải vì tội lỗi của mình, nhưng vì chúng ta và cho chúng ta (x. Rm 4,25). Nếu như dân Do thái bên đất Ai Cập năm xưa đã được cứu sống nhờ máu con chiên bôi trên cửa, thì hôm nay, nhờ máu Đức Kitô đổ ra trên thập giá, Ngài đã đem lại sự sống mới cho chúng ta. Đó chính là niềm hy vọng và niềm tin của người Kitô hữu mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại trong Thông Điệp Phục Sinh Urbi et Orbi 2017: “Qua sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát chúng ta ra khỏi tội lỗi và sự chết, và đã mở ra trước mắt chúng ta con đường của sự sống”.

3. Sống tinh thần Vượt Qua.

Chúng con thân mến,

Mùa Chay đã dần khép lại, một mùa Phục Sinh mới lại bắt đầu. Nếu Đức Kitô chỉ phục sinh nơi mộ đá lạnh lùng của năm xưa, mà không sống lại nơi con người chúng ta, thì sự kiện ấy vẫn là câu chuyện của dĩ vãng. Với ơn Chúa giúp, nếu mỗi người chúng ta không quyết tâm sống tốt hơn, lành thánh hơn, thì dù ta có hát trăm lần Hallêluia mừng Chúa sống lại cũng sẽ trở thành vô nghĩa và vô ích. Cho nên, chúng con cần phải canh tân con người của chúng con theo tinh thần phúc âm của Chúa Phục Sinh.

Ngay lúc này, như cha đã nói ở trên, chúng ta đang phải đối diện với những đe dọa rất nghiêm trọng của đại dịch Covid – 19, cha luôn nghĩ đến và muốn viết lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng con: “Đức Kitô đang sống và Ngài muốn bạn sống! Ngài ở trong bạn, Ngài ở cùng bạn và Ngài sẽ không bao giờ rời bỏ bạn. Bao lâu bạn tìm cách lánh xa, thì chính Đấng Phục Sinh ở gần bên bạn, mời gọi và chờ đợi bạn làm lại từ đầu. Khi bạn cảm thấy sự già nua vì buồn bã, thù hận, sợ hãi, nghi ngại hay thất bại, Ngài sẽ ở đó để một lần nữa trao cho bạn sức mạnh và hy vọng” (x. Christus Vivit, 1-2).

Từ những lời đầy hy vọng và tin tưởng ấy, cha chúc mừng lễ Phục Sinh đến tất cả chúng con. Xin Chúa Phục Sinh luôn ở bên cạnh chúng con mọi nơi mọi lúc, để giúp chúng con vượt qua chính mình, can đảm đứng lên sau những lần vấp ngã, quyết tâm và nhiệt thành làm lại những gì mình đã thất bại. Chúng ta hãy cùng sống lại con người mới với Chúa Phục Sinh trong đời sống hàng ngày. Đó cũng là cách thức hữu hiệu sống mầu nhiệt Vượt Qua, làm chứng cho mọi người biết rằng: Chúa đã phục sinh.

Xin Đức Kitô, Đấng đã xua tan bóng tối của tội lỗi và sự chết, luôn đồng hành và ban bình an cho tất cả chúng ta, cho gia đình và dân tộc, đặc biệt cho tất cả những nhân viên y tế đã và đang trực tiếp chiến đấu với đại dịch, bảo vệ sự an toàn cho mọi người.

Xin Mẹ Đấng Phục Sinh an ủi và chở che tất cả chúng ta, vì đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của đại dịch gây ra, không thể mừng đại lễ Phục Sinh của Con Mẹ cùng với nhau trong ngôi Nhà thờ Họ Đạo thân yêu của mình.

Thân ái trong Đức Kitô Phục Sinh.
 

Vĩnh Long, ngày 31 tháng 3 năm 2020.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay7,054
  • Tháng hiện tại121,614
  • Tổng lượt truy cập13,136,867
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây