THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Maria Mađalêna, bà là ai?

Thứ ba - 18/04/2017 04:38
Maria Mađalêna có một ảnh hưởng bền bỉ lâu dài, gợi hứng cho nhiều nghệ sĩ, tội nhân lẫn các thánh và cả những môn đệ của Đức Kitô qua nhiều thời đại. Tiếng tăm này không thể dễ dàng giải thích dựa vào các thông tin về bà trong Kinh Thánh. Điều Tân Ước nói về bà thật ít oi và gây thất vọng, đơn giản chỉ gọi bà là Maria Mađalêna hay Maria thành Magđala, nhưng có một chi tiết nhỏ thật có ý nghĩa và thách đố. Cả bốn Tin Mừng đều khẳng định bà là môn đệ gương mẫu cho mọi thời đại.
Maria Mađalêna, bà là ai?

Có điều gì đó bí ẩn và hấp dẫn về người phụ nữ này trong các Tin Mừng. Một người phụ nữ mà tên riêng không đi kèm với tên một người đàn ông nào khác ngay trong Tân Ước thì đó là điều thật có ý nghĩa. Khi xếp bà riêng ra thì hoặc bà là một nhân vật ngoại thường hoặc có vấn đề gì ở đây. Có lẽ chính vì thế mà óc tưởng tượng bình dân đã “điền vào chỗ trống” và gán ghép bà với những phụ nữ khác trong Tân Ước, tạo nên một khối tù mù. Trước khi xem các Tin Mừng nói gì thì chúng ta hãy xem thử những gì mà các Tin Mừng không hề nói.

 Bà không phải là ai 

Thỉnh thoảng Maria Mađalêna bị đồng hóa cách sai lầm với người phụ nữ xức dầu thơm lên chân Chúa Giêsu. Sự đồng hóa này lại càng thêm phức tạp bởi vì người ta thường nhầm lẫn câu chuyện xức dầu với một người phụ nữ tội lỗi, một cô điếm. Và góp phần khiến vấn đề trở nên tệ hại hơn là hình ảnh của Maria Mađalêna và một người phụ nữ bị cáo buộc ngoại tình trong Tin Mừng Thánh Gioan lại nhập nhằng với nhau.

Trong câu chuyện Khổ Nạn, dầu mục đích sử dụng câu chuyện khác nhau, cả bốn Tin Mừng đều nói về một phụ nữ xức dầu thơm chân Chúa Giêsu (Mc 14, 3-9; Mt 26, 6-13), Thánh Marcô và Matthêu đưa trình thuật nói về một phụ nữ vô danh xức dầu cho Chúa Giêsu có ý nói về cuộc mai táng của Ngài. Lúc ấy Chúa Giêsu đang ở nhà của ông Simon người phung hủi, ở Bêthania gần Giêrusalem. Thánh Gioan cũng thuật lại câu chuyện xức dầu chân Chúa Giêsu không lâu trước cái chết của Ngài, xác định người phụ nữ là Maria thành Bêthania, bà làm thế để tỏ lòng biết ơn Chúa Giêsu đã làm cho em bà là Lazarô sống lại. Maria là một tên gọi rất thông dụng và có lẽ chính vì thế mà hai bà tên Maria đã bị hòa lẫn vào nhau trong truyền thống Kitô giáo sau đó.

Thánh Luca kể về một phụ nữ vô danh đã xức dầu chân Chúa Giêsu khi Ngài đang ngồi bàn ăn trong khi đang thực hiện sứ vụ (Lc 7, 36-50) chứ không phải lúc cuối đời. Lúc ấy Chúa Giêsu đang dùng bữa tối tại nhà ông Simon người Pharisiêu. Có lẽ Maria Mađalêna đã bị nhầm lẫn với người phụ nữ này bởi vì Maria Mađalêna lần đầu tiên được gọi đích danh trong câu chuyện tiếp liền ngay sau trình thuật xức dầu của Thánh Luca (Lc 8, 2). Góp phần để tạo thêm nhầm lẫn là người phụ nữ này đôi khi được miêu tả là người tội lỗi công khai (một cái tên thanh tao để gọi nghề làm điếm), người đã đổ nước mắt vì thống hối và hành động vì lòng hối hận. Thế nhưng người phụ nữ xức dầu chân Chúa Giêsu là một phụ nữ vô danh trong Tin Mừng Thánh Luca, và nếu bà được ghi nhớ chỉ vì “tội lỗi” của mình hơn là tình yêu đưa dẫn đến hành động xức dầu chân Chúa, thì điều đó vừa trái với ý nghĩa của dụ ngôn mà Chúa Giêsu vừa mới nói đến trong dịp này lại vừa không phải là mục đích của Thánh Luca khi kể lại câu chuyện.

Vấn đề càng thêm phức tạp khi có một vài thủ bản Tin Mừng Thánh Gioan (7, 53 – 8, 11) nói về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và gán ghép chị này với Maria Mađalêna. Một truyền thống lâu đời trong văn chương và nghệ thuật Kitô giáo đã vẽ nên một Maria Mađalêna là người tội lỗi ăn năn, sau khi gặp được Chúa Giêsu thì bà đã trải hết phần đời còn lại để khóc than tội lỗi mình. Thế nhưng các Tin Mừng không hề gán ghép Maria Mađalêna với người phụ nữ tội lỗi, hoặc tệ hơn nữa là một cô điếm.

Các Tin Mừng nói gì

Trong các Tin Mừng Matthêu, Marcô và Luca, bà được gọi là Maria Mađalêna hay “Maria Magđala” (xem Mt 27, 56.61; 28, 1; Mc 15, 40.47; 16, 1,9; Lc 8, 2; 24, 10). Thánh Gioan gọi bà là “Maria thành Magđala”, một thành phố vô danh trong Kinh Thánh (xem Ga 19, 25; 20, 1.18). Vài người cho rằng đó là thành phố Magađan (xem Mt 15, 39; Mc 8, 10), một thành phố nằm bên bờ Tây của Biển hồ Galilê, giữa Tiberia và Capharnaum.

Maria thành Magđala được ghép với một địa danh chứ không phải với tên của bất kỳ   người đàn ông nào bên cạnh Chúa Giêsu. Trong thế giới Tân Ước, người phụ nữ thường gắn liền với chồng, cha, con trai hoặc anh em của họ. Như vậy, người phụ nữ vô danh đã theo Chúa Giêsu và hiện diện dưới thập giá đơn giản chỉ được gọi là “bà mẹ của các con trai ông Zêbêđê”. Tên gọi Zêbêđê xuất hiện ở đây không phải vì ông hiện diện dưới chân thập giá cùng với vợ con ông, những người đã theo Chúa Giêsu từ Galilê cho đến Giêrusalem. Song chính ông được nêu tên chứ không phải bà vợ đầy lòng tin của ông.

Maria thành Nazareth, Maria và Martha thành Bêthania được gắn liền với thành phố quê hương của họ nhưng đồng thời cũng được gắn liền với người đàn ông: Maria với Giuse, Maria và Martha với Lazarô. Còn Maria Mađalêna chính là môn đệ và tông đồ của Chúa Giêsu. Không có hàng chữ nào nói lên vai trò này của bà trong Tân Ước. Đúng ra, các Tin Mừng chỉ phác họa Chúa Giêsu là người thâu nhận “những người học việc” (“môn đệ”). Sau thời gian học tập với vị Tôn Sư, các môn đệ này được “sai đi” (ý nghĩa của từ “tông đồ”) để rao giảng và hành động với thẩm quyền của Chúa Giêsu. Từ các Tin Mừng, chúng ta biết rằng các môn đệ được kêu gọi. Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng họ phải làm nhân chứng, tiếp tục sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã khởi đầu. Các môn đệ được đòi hỏi phải theo Chúa Giêsu và kiên trì cho đến chết. Họ đã tin và rao giảng sự phục sinh.

Ơn gọi của Maria

Có vài môn đệ được kêu gọi từ bỏ cuộc sống đang đà thuận lợi. Thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan đã “bỏ mọi sự” mà theo Chúa Giêsu (Mc 1, 18). Lêvi (hay Matthêu) là người thu thuế đã lập tức đứng dậy đi theo Chúa Giêsu (Mc 2, 13-14; Mt 9, 9). Những người khác đã bỏ lại bệnh tật và khiếm khuyết của mình và “ơn gọi” của họ thật sự là một phép lạ đúng nghĩa. Người mù gặp được Chúa Giêsu và được chữa lành. Kể từ đấy ông đã “đi theo Người trên con đường người đi” (xem Mc 10, 52). Tương tự như vậy, Maria Mađalêna sau khi được trừ “bảy quỷ”, đã đi theo Chúa Giêsu (xem Lc 8, 2; Mc 16, 9). Thánh Luca kê tên bà trong số mấy phụ nữ được trừ quỷ và chữa lành bệnh tật đã đi theo Chúa Giêsu từ Galilê đến Giêrusalem, chăm sóc cho Ngài.

Các chứng nhân làm chứng cho điều họ thấy và nghe. Các môn đệ được kêu gọi làm chứng cho Nước Trời đã đến trong lời nói và hành động của Chúa Giêsu. Họ được trao ban nhiệm vụ (xem Mt 10; Lc 9 - 10) và được sai đi để làm điều Chúa Giêsu đã làm (Lc 10, 1.3.9). Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải trở nên đất tốt để “khi nghe Lời Chúa với tấm lòng cao thượng và quảng đại, họ nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả” (Lc 8, 15). Lời dạy này phù hợp với những miêu tả về Maria Mađalêna, sau khi được trừ quỷ, đã kiên trì và trung thành theo Chúa Giêsu cho đến khi Ngài chết trên thập giá, ngoài ra còn lấy nguồn lợi tức của riêng mình để chăm sóc cho Ngài và các môn đệ khác với tình chân thật và lòng quảng đại.

Theo Thánh Marcô, lời dạy cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ trước cuộc Khổ Nạn là “Hãy tỉnh thức!” (Mc 13, 36). Họ đã chứng kiến sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu và cuối cùng là sự phục sinh của Ngài. Thế nhưng các tác giả Tin Mừng nhìn nhận rằng các đấng môn đệ nam nhi đã không thể “tỉnh thức” với Chúa Giêsu dầu chỉ một thời gian ngắn ngủi trong Vườn Dầu. Vậy mà bà Maria Mađalêna và vài phụ nữ khác đã “tỉnh thức” để trông xem cuộc đóng đinh và rồi nán lại để “nhìn xem” xác Ngài được đặt ở đâu. Thánh Matthêu nói rằng Maria Mađalêna và vài phụ nữ khác đã ra mộ từ sáng sớm ngày Phục Sinh để “trông chừng” ở đấy (xem Mt 27, 55-56.61; 28, 1.8-10). Họ đã “xem thấy” ngôi mộ trống. Cuối cùng, theo ba Tin Mừng Nhất Lãm, những phụ nữ này đã  nghe sứ điệp phục sinh và về thuật lại cho những người khác. Họ đã được “sai đi” làm sứ giả hay tông đồ cho các môn đệ khác.

Chứng nhân và sứ giả

Marcô đã xếp đặt bà Maria Mađalêna và những phụ nữ khác đứng dưới chân thập (Mc 15, 40-41). Sử dụng Tin Mừng Marcô, Thánh Luca đã đặt ngay tâm điểm sứ vụ của Chúa Giêsu đoạn văn nói về những phụ nữ đi theo Ngài từ Galilê cho đến Giêrusalem để nói lên đức tin và sự kiên trì của họ (Lc 8, 1-3). Còn theo Thánh Luca, tại Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, Chúa Giêsu nhắc đến các môn đệ như là những người cùng đứng với Ngài trong cơn thử thách, “một lòng gắn bó với Thầy giữa lúc gian nan” (Lc 22, 28). Maria Mađalêna chắc chắn là một trong số người đó.

Bất kỳ khi nào được nêu tên (ngoại trừ Ga 19, 25-27), Maria Mađalêna đứng đầu danh sách những phụ nữ đi theo và hầu hạ Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, các phụ nữ này đã rời bỏ tuyến hậu phương để xuất hiện dưới chân thập giá. Chỉ trong Tin Mừng Thánh Gioan thì nhóm phụ nữ này gồm có cả “thân mẫu Chúa Giêsu”, cùng với chị của thân mẫu Chúa Giêsu là bà Maria vợ ông Clopas, và Maria Magđala” (Ga 19, 25). Được sự ttháp tùng của các phụ nữ này cũng như người Môn đệ Chúa yêu (theo chứng từ của Tin Mừng thứ tư), “thân mẫu Chúa Giêsu” đến sát cây thập giá đủ gần để nghe Chúa Giêsu trăn trối mình cho người môn đệ ấy chăm sóc. Maria Mađalêna cũng đứng gần đấy, chứng kiến cái chết và lắng nghe Ngài như bà đã từng làm trong suốt cuộc đời mình.

Trái hẳn với các môn đệ nam nhi đã bỏ Chúa Giêsu mà chạy trốn, Maria Mađalêna cùng những người đồng hành phụ nữ không chỉ chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu mà còn nán lại để đã xác minh nơi chôn cất. Và các bà đã quay trở lại ngôi mộ để xức dầu thơm xác Ngài vào lúc sáng sớm sau ngày Sabbath. Sau khi được Chúa Giêsu hiện ra, Tin Mừng Nhất Lãm nói rằng bà Maria Mađalêna đã đi và nói cho các môn đệ khác biết sự việc đã xảy ra thế nhưng họ không tin phụ nữ (Mc 16, 20; Lc 23, 49). Dường như các môn đệ không tin vì họ xưa nay vốn chẳng tin chuyện phụ nữ.

Trong Tin Mừng Gioan, Maria Magđala đi ra mồ “từ lúc sáng sớm khi trời còn tối”. Thấy tảng đá che cửa mồ đã lăn sang một bên, bà chạy đi báo cho Simon Phêrô và Người môn đệ Chúa yêu (Ga 20, 1-2). Cả ba chạy trở lại ngôi mộ rồi các môn đệ trở về (Ga 20, 9). Maria vẫn ở lại, khóc lóc (Ga 20, 11). Cuối cùng, Chúa Giêsu hiện ra và nói chuyện với bà (20, 11-18). Bà đã về và báo cho các môn đệ rằng: “Tôi đã thấy Chúa” và kể lại những gì Ngài nói với bà (Ga 20, 18). Trong Tin Mừng Thánh Gioan, không thấy có ám chỉ nào nói rằng Phêrô và những môn đệ khác không tin Maria hoặc bà là một chứng nhân không đáng tin vì là phụ nữ. Gioan chỉ nói rằng Phêrô và Môn đệ Chúa yêu đã chạy ra mộ để nhìn tận mắt, và người môn đệ Chúa yêu đã tin. Gioan dường như bóng gió rằng Phêrô không tin ngay lập tức. Maria Mađalên đã thấy chính Chúa Giêsu và lòng tin của bà được khẳng định trong nhiệm vụ được giao là nói cho những người khác biết về sự phục sinh của Chúa.

Vài kết luận 

Các Tin Mừng đã phản ảnh một tranh luận trong xã hội ở thế kỷ đầu tiên về giá trị chứng từ của những người phụ nữ. Sự chắc chắn và nhất quán của các Tin Mừng về tính đáng tin cậy của những phụ nữ và đặc biệt của Maria Mađalêna cho thấy rằng các cộng đoàn tín hữu của Chúa Giêsu đã có một nhãn quan mới về phụ nữ và chỗ đứng của họ trong một xã hội mới và trong Giáo Hội. Một cách rất có ý nghĩa, các Tin Mừng đã ghi lại sự thất bại thảm hại của các đấng môn đệ nam nhi trong “giờ khắc” gay cấn nhất, rồi tiếp theo đó là họ đã không tin Maria Mađalêna cùng những phụ nữ khác đã vội vã chạy về loan tin Chúa Giêsu phục sinh cho họ.

Kinh Thánh thoát thai trong một nền văn hóa gia trưởng phụ quyền. Trong nền văn hóa như vậy, người ta nói về phụ nữ không mấy tích cực. Để vượt qua bối cảnh này, cần phải thẳng thắn khi nói về các đấng môn đệ nam nhi cư xử như thế nào vào thời khắc cao điểm trong cuộc tự hiến của Đức Giêsu và giải thích vai trò cần thiết của các phụ nữ cũng trong thời điểm ấy. Trong suốt Tân Ước, đặc biệt là các Tin Mừng, hình ảnh tích cực của các phụ nữ vẫn còn là một tiếng nói muốn được giải thích và trả lại tính xác thực.

Maria Mađalêna đã bị đánh giá sai thậm chí bị khinh khi, qua nhiều thế kỷ chúng ta đã đánh mất hoặc bỏ qua vai trò của bà như là người tông đồ đầu tiên. Mặc dầu các bình luận về bà vẫn còn dè dặt để chỉ nói điều ít nhất, cả bốn Tin Mừng đều đồng ý rằng bà Maria Mađalêna đã ở dưới chân thập giá, nơi ngôi mộ trống và là một trong những chứng nhân đầu tiên về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Bà đã trở thành người mà phụng vụ mùa Phục Sinh gọi là “Apostola Apostolorum” (Tông đồ của các Tông đồ).
  
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ 
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm49
  • Hôm nay7,987
  • Tháng hiện tại212,911
  • Tổng lượt truy cập15,499,801
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây