THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Uỷ ban Giáo dục Công giáo / HĐGMVN: Thư gửi các sinh viên, học sinh Công giáo dịp lễ Giáng sinh 2015

Thứ tư - 23/12/2015 20:16
Hòa nhịp trong niềm vui của lễ Giáng Sinh, kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Cha vui mừng gửi đến các con lời cầu chúc ơn an bình và niềm vui Thiên Chúa "ban cho loài người Chúa thương" (Lc 2,14). Cùng với lời cầu chúc rất thương mến, Cha cũng muốn chia sẻ với các con đôi tâm tình và suy nghĩ của Cha nhân dịp lễ Giáng Sinh năm nay
Các con thương mến,
 
Hòa nhịp trong niềm vui của lễ Giáng Sinh, kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Cha vui mừng gửi đến các con lời cầu chúc ơn an bình và niềm vui Thiên Chúa "ban cho loài người Chúa thương" (Lc 2,14). Cùng với lời cầu chúc rất thương mến, Cha cũng muốn chia sẻ với các con đôi tâm tình và suy nghĩ của Cha nhân dịp lễ Giáng Sinh năm nay.
 
Lễ Giáng Sinh trong năm thánh Lòng Thương Xót
 
Lễ Chúa Giáng Sinh đã được cử hành hằng năm trong hơn 2000 năm nay, nhưng mỗi năm, lễ Giáng Sinh đều có sức khơi dậy một bầu khí vui tươi và tưng bừng, cứ như thể mỗi năm đều là năm đầu tiên. Vì sao? Bởi vì đây là hành động yêu thương sâu đậm của chính Thiên Chúa. Khi thương mến nhau, người ta tìm thời giờ để thăm viếng, gặp gỡ nhau, nhưng khi tình yêu đạt đến mức sâu đậm và say mê, người ta khát khao thông chia với nhau điều kiện sống và gắn liền mạng sống của mình với số phận của người mình say mê. Đây chính là cách diễn tả tình yêu của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người mà chúng ta cử hành trong ngày lễ Giáng Sinh.
 
Mầu nhiệm Giáng Sinh năm nay được ghi dấu bằng năm thánh Lòng Thương Xót mà trọng tâm là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Đây là cách thế yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại khổ đau và tội lỗi. Mặc dầu khoa học kỹ thuật đã tiến bộ vượt bậc, tài nguyên vật chất nhiều hơn, xã hội xem ra văn minh hơn trước, nhưng số người đau khổ vì bệnh tật, vì nghèo đói, vì các thói xấu và các tệ nạn cũng tăng lên nhiều. Con người không chỉ yếu đuối, mà còn bất lực trước sức mạnh quyến rũ của sự dữ. Nhưng con người vẫn còn lý do để hy vọng, vì tình yêu trong mầu nhiệm Thiên Chúa xuống thế làm người còn là tình yêu xót thương và tha thứ.
 
Lòng thương xót trời biển của Thiên Chúa đem an bình cho tâm hồn sầu khổ và nâng dậy những con người yếu đuối, bạc nhược. Qua nhiều nẻo đường và nhiều cách thức, Thiên Chúa thiết tha mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài, hãy để cho lòng thương xót của Ngài rỉ rả rót vào tận cõi lòng và tưới mát tâm hồn của ta. Không có lỗi lầm nào có thể lớn hơn, mạnh hơn lòng thương xót và nhân từ của Thiên Chúa. Không có tình trạng lầm than nào mà lòng nhân từ của Thiên Chúa lại không có khả năng làm cho nên mới mẻ và tươi sáng. Không có tâm hồn nào khô cằn đến độ lòng nhân từ xót thương của Thiên Chúa không thể làm cho trở nên mầu mỡ tốt tươi. Chỉ cần đón nhận và tin tưởng vào tình thương yêu và lòng thương xót của Ngài.  
 
Biểu tượng năm thánh Lòng Thương Xót vẽ hình Chúa Giêsu đang vác trên vai một người mà chân tay và tất cả thân hình đều mềm nhũn, như thể không có xương, không còn sức sống, nhưng đang quấn mình vào Chúa Giêsu. Trong khi đó, Chúa Giêsu dùng sức mạnh của hai cánh tay để giữ và ghì chặt người đó vào mình, như thể Ngài đang thông truyền sức sống của Ngài sang người đó. Biểu tượng Năm Thánh này gợi lại trong tâm trí chúng ta lời mời gọi rất quen thuộc của Chúa Giêsu: "Hỡi tất cả những ai đang mệt mỏi và vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11,28). Những lời này, các con hãy lắng nghe như thể chính Chúa nói cho các con và các con hãy đến với Người để được Lòng Thương Xót của Người nâng đỡ và ủi an.  
 
Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta (2Cr 5,14)
 
Lòng thương xót của Chúa đã lãnh nhận, các con hãy cùng nhau truyền đạt cho mọi người, nhất là các bạn sinh viên và học sinh của các con, không phân biệt lương giáo, giàu nghèo, ngành học hay trường học. Biết bao người đau khổ, biết bao bạn trẻ và các em thiếu nhi đang bị dằn vặt vì những lỗi lầm, yếu đuối, bị dày vò dưới sức mạnh của đam mê và thú vui vô bổ, đang trông chờ một lời khích lệ, một bàn tay bạn hữu đỡ nâng! Các con hãy làm cho họ cảm nhận được lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa Kitô: "Hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11,28).
 
Các con hãy mạnh dạn ra đi. Tình yêu Chúa Kitô thúc bách các con (x. 2Cr 5,14). Muốn như thế, các con cần phải vượt thắng thái độ dửng dưng mà Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong Sứ điệp nhân Ngày Thế Giới Hòa Bình 2016 sắp tới. Thái độ này, ở Việt Nam chúng ta, còn được gọi là thái độ vô cảm. Trong Sứ điệp nói trên, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét là: thái độ dửng dưng hay vô cảm này đã vượt ra ngoài lãnh vực cá nhân, lan tràn ra khắp nơi và tạo nên hiện tượng dửng dưng hay vô cảm toàn cầu. Con người thời đại có khuynh hướng đóng kín lòng trí trong những bận tâm, lo lắng về những nhu cầu và vấn đề riêng tư của cá nhân hay gia đình nên ít nhạy bén về những khó khăn của tha nhân, những thảm trạng của xã hội và mất khả năng cảm thông để "vui với kẻ vui và buồn với người buồn" (Rm 12,15).
 
Để khơi dậy sự bén nhạy về tình người và khả năng cảm thông với những người khổ đau, tha thứ cho những người lầm lỡ, các con cần sống kết hiệp với Chúa Giêsu, thân thiết với Ngài đến độ cảm được những điều Ngài cảm, theo cách thức cảm nhận của Ngài.
 
Người ta kể: vào một tối mùa đông, một ông Thầy cùng với các đồ đệ của ông quy tụ trong một căn phòng. Các đồ đệ đã đốt lò sưởi và căn phòng đã ấm lên nhiều. Thế nhưng ông Thầy vẫn run. Các đồ đệ hỏi Thầy vì sao lò sưởi đã được đốt và căn phòng đã ấm mà Thầy vẫn còn run? Ông Thầy trả lời: "Phòng đã ấm, nhưng Thầy vẫn run vì ở ngoài cửa có một ông già đang run rẩy vì đói và thiếu quần áo." Các đồ đệ không tin vì khi họ vào phòng, không thấy có ai ở cửa. Ông Thầy nói: "Các con hãy ra mở cửa xem". Khi các đồ đệ ra mở cửa, quả nhiên có một ông già đang run rẩy vì đói và rét. Ông Thầy cảm được nỗi thống khổ của nhân loại khổ đau vì nghèo đói, bệnh tật, vì yếu đuối và lỗi lầm. Ông Thầy muốn các đồ đệ của ông cũng cảm được cái ông cảm để có lòng thương xót như ông! Ông Thầy đó là Chúa Giêsu và các đồ đệ là chính các con!
 
Cuối cùng, Cha xin các con chuyển đến Cha Mẹ các con, đến quý Cha Xứ và Cha Phó, đến quý Thầy Cô và các bạn của các con, cả quý Thầy Cô và bạn hữu ngoài Công giáo, lời chào thân ái và quý trọng của Cha, kèm với lời cầu chúc ơn An Bình và Niềm Vui của lễ Giáng Sinh. Nguyện xin Chúa Hài Đồng ban cho các con muôn ơn lành và tình thương yêu của Ngài. Xin các con cũng cầu nguyện cho Cha nữa.
 
Với lòng quý mến, Cha thân ái chào tất cả các con.
 
Ngày 18 tháng 12 năm 2015
 
 
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Phó Gp Xuân Lộc
Chủ tịch Ủy Ban Giáo dục Công Giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập45
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm39
  • Hôm nay16,314
  • Tháng hiện tại31,195
  • Tổng lượt truy cập15,594,858
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây