THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

NĂM THÁNH GIÁO PHẬN VÀ NHỮNG CON ĐƯỜNG TÂN PHÚC ÂM HOÁ KHẢ THI

Thứ ba - 05/12/2017 23:25
Giáo phận Qui Nhơn chúng ta đang sống trong chuổi ngày hồng phúc của Năm thánh, mừng 400 năm Tin Mừng được loan báo trên quê hương mình. Đã có một tiến trình dài chuẩn bị: 4 năm chuẩn bị xa, 6 năm chuẩn bị gần, hiện tại là đang diễn ra những gì trong suốt 10 năm chờ đợi.
NĂM THÁNH GIÁO PHẬN  VÀ NHỮNG CON ĐƯỜNG TÂN PHÚC ÂM HOÁ KHẢ THI
Chuyện kể rằng: trong chuyến viếng thăm mục vụ lần đầu tiên tại chính quê hương mình, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lưu lại Tổng giáo phận Cracovie, nơi Ngài từng là Tổng Giám mục trước khi được bầu đảm nhận nhiệm vụ kế vị Thánh Phêrô trong ba ngày cuối.
“Sáng thứ Bảy, ngày 9 tháng 6 năm 1979, ngài đến Mogila, một tu viện Xitô cổ kính, được xây dựng từ thế kỷ XIII, để gặp gỡ giới công nhân. Tu viện tọa lạc trên một sườn đồi, đối diện với Nowa Huta, một thành phố thợ thuyền Xã hội chủ nghĩa đầu tiên của Ba Lan, nơi sinh sống của khoảng 200.000 dân, đa số là công nhân trẻ. Đối diện với thực trạng bi thảm của dân tộc Ba Lan, Đức Gioan Phaolô II yêu cầu phải trở về với truyền thống văn hóa dân tộc. Trong bài giảng lịch sử hôm ấy cũng như một số bài diễn văn sau đó, hai từ "tân" và "tái phúc âm hoá" được sử dụng đồng thời và lẫn lộn. Một số ý kiến phản hồi đề nghị phân biệt "tân phúc-âm-hóa" với "tái phúc-âm-hóa", bởi vì hạn từ "tái phúc-âm hóa" sẽ gây hiểu lầm là công cuộc rao giảng Tin Mừng trước đây thiếu sót, sai lạc hoặc không còn hiệu năng, cho nên phải xóa bàn làm lại tất cả và từ đầu.
Có lẽ đề nghị này đã được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tiếp thu. Điều chắc chắn là chỉ ít lâu sau, trong các văn kiện chính thức người ta chỉ thấy diễn ngữ "tân phúc âm hoá". Đặc biệt nhất, ngỏ lời trước hội nghị các Giám-mục Mỹ châu La-tinh họp tại Port-au-Prince, Haiti, ngày 9 tháng 3 năm 1983, Đức Gioan Phaolô II xác quyết rõ rệt quan niệm "tân phúc âm hoá" nói trên: "Việc kỷ niệm 500 năm loan báo Tin Mừng (tại Mỹ châu La-tinh) sẽ có một ý nghĩa tròn đầy nếu đi kèm với hành động dấn thân của quý chư huynh Giám mục, cùng với hàng linh mục và giáo dân; dấn thân, không phải để tái phúc-âm-hóa (re-evangelización), mà là tân phúc-âm-hóa (nueva evangelización): mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp, trong lối diễn tả"[1].
Giáo phận Qui Nhơn chúng ta đang sống trong chuổi ngày hồng phúc của Năm thánh, mừng 400 năm Tin Mừng được loan báo trên quê hương mình. Đã có một tiến trình dài chuẩn bị: 4 năm chuẩn bị xa, 6 năm chuẩn bị gần, hiện tại là đang diễn ra những gì trong suốt 10 năm chờ đợi. Mừng Năm thánh, không phải khi xong là hết mà đón lấy ân sủng và thực tại nguyên trạng như những gì làm nên nó để lao mình về phía trước, thực thi lệnh truyền Tân Phúc Âm hoá. Vậy trong bối cảnh xứ đạo cũng như cộng đoàn Đời sống Thánh hiến, sứ vụ Tân Phúc âm hoá, một cách chuyên biệt truyền giáo cho lương dân, đâu là những con đường khả thi?
  1. Về Nguồn
Về lại với Phúc Âm, điều thú vị là sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh thăng thiên, các Tông Đồ ra đi loan báo Tin Mừng mạnh mẻ, can trường đến độ hầu hết các ngài đều hiến dâng mạng sống để làm chứng không phải do được gặp lại Chúa, được Chúa Giêsu Phục Sinh huấn luyện kỹ càng, nhờ đó các ngài trở thành những con người mới về: tinh thần, sự hiểu biết Chúa và các khả năng. Tin Mừng theo Thánh Mátthêu kể, lần gặp gỡ cuối cùng tại ngọn núi miền Galilê, trong số các Tông Đồ “có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17). Nhưng dù các Tông Đồ như thế Chúa Giêsu vẫn “tự tại an nhiên” ban lệnh truyền: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,18-20). Tin Mừng theo Thánh Máccô cũng vậy, có vẻ như trầm trọng hơn, vì Chúa Giêsu khiển trách các Tông Đồ cứng lòng, không tin (x. Mc 16,14). Nhưng cũng liền sau đó Chúa Giêsu truyền cho các Tông đồ “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Tại sao Chúa Giêsu không chờ các ngài thực sự trưởng thành trong đức tin rồi trao sứ vụ? Đứng về phương diện con người, thực tế cho thấy người thầy chẳng bao giờ trao cho môn sinh nhiệm vụ quan trọng một khi biết chắc đệ tử của mình chưa đủ sức để lãnh nhận. Đọc Tin Mừng theo Thánh Luca cho ta câu trả lời rất rõ. Trước khi thăng thiên, Chúa Giêsu truyền cho các Tông Đồ: “Phần Thầy, Thầy sẽ gởi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49). “Ở lại và “chờ” là mệnh lệnh của Chúa Giêsu Phục Sinh, các Tông Đồ đã làm theo, đến ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần hiện xuống biến đổi các ngài trở thành những con người mới gây ngỡ ngàng, kinh ngạc và thán phục (x. Cv 2,6-7). Sự vụ truyền giáo bắt đầu, kết quả thật ngoạn mục, một bài giảng của Thánh Phêrô làm cho có thêm ba ngàn người theo đạo (x. Cv 2,40). Không chỉ đối với dân chúng mà cả giới lãnh đạo Do Thái thời đó cũng bối rối phân vân: “Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa” (Cv 4,13).
 Chúa Thánh Thần chính là kiến trúc sư, là tác nhân chính của sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm cho sứ vụ của các Tông Đồ đạt kết quả. Trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết: “Thần Linh là Đấng đã khiến cho Phêrô, Phaolô và nhóm 12 Vị rao giảng, là Đấng soi sáng những lời họ phải phát ngôn, và cũng là Đấng xuống “trên cả những ai đang nhe lời rao giảng […]  Chúa Thánh Thần đặt nơi miệng lưỡi họ những lời mà họ không thể tự mình có được, đồng thời, Chúa Thánh Thần sửa soạn tâm hồn người nghe biết cởi mở và chấp nhận Tin Mừng cùng với Vương Quốc được loan báo […] Bởi vậy, nếu Thần Linh của Thiên Chúa giữ một địa vị nổi bật trong cả đời sống Giáo Hội, thì Ngài sống động nhất là nơi sứ mệnh truyền bá Phúc âm hoá của Giáo Hội” (số 75). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong thông điệp “Chúa Thánh Thần là Chúa và là Đấng ban sự sống” cũng khẳn định: mặc dù để tiếp nối công trình cứu độ Chúa Giêsu đã trao phó công việc đó cho các Tông Đồ và Giáo Hội, nhưng “Chúa Thánh Thần vẫn là tác nhân siêu việt và chính yếu nơi các Vị và qua các Vị trong vấn đề hoàn thành công việc ấy, trong tâm linh nhân loại cũng như trong lịch sử thế giới” (số 42). Chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn sứ vụ truyền giáo của  Giáo Hội, đặc biệt với hoạt động của Ngài, đã biến Giáo Hội trở thành truyền giáo[2]. Hiểu như thế, truyền giáo không chỉ là một công việc trong muôn vàn công việc khác của Giáo Hội để tôi có thể chọn việc này, anh chọn việc kia, chúng ta đều làm sáng danh Chúa, xây dựng Giáo Hội mà mỗi người, theo hoàn cảnh và cách thức của mình, phải trở thành tông đồ truyền giáo.
Về phương diện hiện hữu và bản thể, như lời tuyên xưng của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần bởi “Chúa Cha và Chúa Con mà ra”. Trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, Chúa Thánh Thần xuất phát từ Đức Giêsu Phục Sinh: “Thầy đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7). Chúa Thánh Thần đến để kiện toàn ơn cứu độ do Chúa Giêsu thực hiện, qua cuộc khổ nạn và phục sinh, nơi mỗi con người và thế giới: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần không làm thay Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng đang hiện diện: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) nhưng cùng hoạt động. Chúa Giêsu Kitô là khuôn mẫu, Chúa Thánh Thần vừa hướng dẫn vừa tác động để Tin Mừng được phổ biến mọi nơi, mọi thời, làm cho nhân loại và cả hoàn vũ (x. Rm 8,19-21) rập theo khuôn mẫu là Đức Giêsu Kitô, trên hành trình Đấng Phục Sinh đưa ta tiến vào cung lòng của Chúa Cha và sẽ hoàn tất trong ngày Chúa quang lâm.
Ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu thổi hơi ban Thánh Thần: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22), và khi Chúa Thánh Thần hiện xuống (x Cv 2,1-4), các Tông Đồ trở thành những con người hoàn toàn khác. Các ngài đầy lửa nhiệt thành, hăng say rao giảng đến độ mạnh dạn nói với những người Do Thái đang đe doạ, ngăn cấm các ngài: “ Nghe lời các hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, nhưng gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,19-20). Nhờ Chúa Thánh Thần tác động, Giáo Hội thời sơ khai được nung đốt bởi ngọn lửa khát khao rao truyền Lời Chúa và làm chứng tá cho Ngài. Sự thật ấy bộc lộ ra qua muôn ngàn vẽ, bằng việc làm, bằng lời nói, trong mọi hoàn cảnh, ngay khi phải trốn tránh cơn bách hại: “những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa” (Cv 8,4), hoặc như Thánh Phaolô, ngài đã từng thốt lên: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5,14); “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).
Giáo Hội thời sơ khai có một xác tín rất đặc biệt về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Các Tông Đồ thấy Ngài đến trên những người được đặt tay tại Samari (x. Cv 7,17); Ngài đến trước khi các Tông Đồ làm phép rửa như trong trường hợp Thánh Phêrô đang giảng tại nhà ông Conêliô, khiến Thánh Phêrô “kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại” (Cv 10,44). Qua các trình thuật trong sách Công Vụ Tông Đồ, Chúa Thánh Thần như một “nhân vật” đang cùng hoạt động với các ngài: chuyện Thánh Philípphê làm phép rửa cho một viên thái giám: “Thần Khí nói với ông Philípphê: “Tiến lên, đuổi kịp xe đó” (Cv 8,29); “Thần Khí soi sáng, báo trước là sẽ có nạn đói lớn trong khắp thiên hạ” (Cv 11,27); một hôm, trong lúc các Tông Đồ làm việc thờ phượng Chúa “thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Banaba và Saolô cho Ta” (Cv 13,1); Chúa Thánh Thần không cho Thánh Phaolô và Thánh Timôthê rao giảng tại Axia và Bithynia (x. Cv 16,6-7); tại Giêrusalem, trong Công đồng đầu tiên của Giáo Hội, kết quả không phải chỉ do các Tông Đồ quyết định mà “Thánh Thần cùng chúng tôi quyết định” (Cv 15,28). Như thế, các Tông Đồ không chỉ tin có Chúa Thánh Thần mà còn thấy Ngài hoạt động; các Tông Đồ không chỉ thấy Chúa Thánh Thần hoạt động, đúng hơn, các Tông Đồ hoạt động là làm theo Chúa Thánh Thần.
  1. Chúng Ta Trong Hiện Tại
Hoạt động của Chúa Thánh Thần như trong Sách Thánh vừa kể là rõ ràng, đương nhiên, không ai đặt vấn đề, nhưng từ thực tế cuộc sống hiện tại làm ta không khỏi chạnh lòng tự hỏi: phải chăng hôm nay, trong thời hiện đại, Chúa Thánh Thần không còn hoạt động như xưa? “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu” (Ga 3,8). Về sự hiện diện và hoạt động của Ngài, Chúa Thánh Thần không đóng khung theo một kiểu mẫu nào, nhưng nếu Đức Giêsu Kitô chết và phục sinh, biến cố ấy luôn là hiện tại thì mầu nhiệm trao ban Thánh Thần cũng là hiện tại luôn mãi. Trong Giáo Hội và trong thế giới hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động, cách thế có thể khác nhưng mức độ vẫn như nhau, vẫn tràn đầy “dấu lạ điềm thiêng”, một cái nhìn tinh tế của đôi mắt đức tin sẽ cho ta nhận ra Ngài rất rõ như Đức Cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận đã từng chia sẻ:
“Nếu có ai hỏi tôi lúc này là có bao giờ thấy Chúa Thánh Thần chưa? Tôi sẽ không do dự trả lời ngay: Có chứ, tôi đã thấy Ngài.
- Thấy ở đâu?
- Xin thưa trong Giáo Hội, mà cũng thấy ở ngoài Giáo Hội nữa. Tôi đã thấy Chúa Thánh Thần, "Fons vivus, ignis, caritas", "Nguồn nước hằng sống, lửa đốt thiêu, lòng yêu mến" trong các vị Giáo Hoàng của thế kỷ này.
Trong thế kỷ XX, thế giới đã bị xâu xé bởi hai cuộc thế chiến, bởi những xung đột chủng tộc, các cuộc diệt chủng và tranh chấp đẫm máu. Chưa bao giờ trong lịch sử đã có những cuộc tàn sát gớm ghê như thế. Ðó là chưa kể đến tất cả những tai hại do các cuộc chiến tranh ý thức hệ gây nên... Ngay trong Hội Thánh cũng có nhiều khủng hoảng và khiếm khuyết. Chúng ta đã nghe nói tới các phong trào giảm giá trị Kitô giáo và phong trào tục hóa. Con thuyền của Thánh Phêrô bao lần bị đe dọa đắm chìm giữa cơn giông bão.
Dù thế, có lẽ chưa bao giờ Hội Thánh đã tiếp tục có những vị Giáo Hoàng vĩ đại như trong thế kỷ vừa qua: Từ Ðức Lêô XIII đến Ðức Piô X, Bênêđitô XV, Piô XI, Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II. Tôi tin rằng không có quốc gia nào trên thế giới, trong cùng một thời gian đó, lại may mắn có được một loạt các nhà lãnh đạo kế tiếp nhau có tầm mức tinh thần thánh thiện, đạo đức và khả năng cao tuyệt như thế[3].
Ở đâu có truyền giáo ở đó có Chúa Giêsu Phục Sinh, vì Chúa hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) là lời hứa đi sau lệnh truyền: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Ở đâu có truyền giáo ở đó có Chúa Thánh Thần, vì Ngài đóng vái chính. Chúa Giêsu nói khi Chúa Thánh Thần đến: “Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng” (Ga 15,26-27). Dựa trên chứng cứ này, soi vào cuộc sống ta cũng tập nhận ra Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong dòng lịch sử và trong chính cuộc đời mỗi người nhất là trong sứ vụ mà ta đã lãnh nhận.
Thử nhìn lại quê hương, ta nhận thấy điều gì? Trên quê hương Việt Nam chúng ta, hai cuộc chiến đi qua để lại bao đau thương, mãi đến tận bây giờ dù đã hết chiến tranh nhưng vết thương vẫn còn rỉ máu. Dù vậy, tình thương của Chúa đối với Giáo Hội trên quê hương này không có sức mạnh nào ngăn nổi. Cuộc chia đôi vĩ tuyến sau biến cố 1954 làm bao gia đình ly tán, lại trở thành một cuộc đại truyền giáo: từ miền Đông Nam Bộ lên tới Tây Nguyên, vùng đất chập chùng đồi núi, vào thời đó nhiều nơi chưa có dấu chân người Kinh, đến vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ mênh mông sông nước; vành đai Thành Phố, dọc theo quốc lộ đi về phía tây đến tận biên giới, các xứ đạo rãi đều. Những cộng đoàn dân Chúa di cư là vì chiến tranh, vì đi tìm cuộc sống an bình lại trở thành nhân tố để hạt giống đức tin nẩy mầm phát triển trên khắp miền Nam. Nhờ vậy hôm nay, tuy người Công Giáo chỉ chiếm chừng bảy phần trăm dân số trong cả Nước, nhưng qua bóng nhà thờ, biểu tượng sự hiện diện của Giáo Hội, cho ta thấy ấm lòng rằng mình đang sống trong xứ sở của người Công Giáo, hơn nữa, làm thành tiềm năng để có thể tạo nên những đột phá trong sứ vụ Tân Phúc âm hoá.
Cũng vậy, biến cố 1975 khiến hơn một triệu người di tản, bao nhiều người ra đi không có ngày tới bến? Con số bỏ xác trên biển người ta ước tính khoảng vài trăm ngàn. Mọi con sông đều xuôi về biển, nước mắt tha hương, nước mắt ngậm ngùi của người ở lại làm cho “lòng mẹ Thái Bình” mặn đắng thêm. Chúa đã ra tay biến sự dữ thành sự lành, cũng trong biến cố này, Ngài làm thành cuộc đại truyền giáo. Ở “trời Tây”, những cộng đoàn tín hữu Việt Nam góp phần điểm tô cho Giáo Hội địa phương thêm sinh động. Đặc biệt với tinh thần sốt sắng đến nhà thờ đọc kinh dự lễ của người Việt, đã trở thành rất quí cho những nơi nhà thờ lạnh lẽo vì giáo dân không còn thiết tha dự lễ. Trong vùng đất đang khủng hoảng ơn gọi, những người trẻ Việt Nam chọn đời sống dâng mình cho Chúa là sự đóng góp đang rất được trân trọng. Mặt khác, các cộng đoàn Công Giáo Hải Ngoại đã trở thành nguồn lực tài chánh yểm trợ cho Giáo Hội Việt Nam, trong thời tang thương bị bóc sạch chẳng còn gì ngoài manh áo. Hiện nay trên khắp cả Nước, biết bao nhà thờ mới được xây, bao nhà thờ cổ được trùng tu, bao cơ sở để đào tạo tu sĩ, linh mục được làm, bao cơ sở để lo bác ái, giáo dục… nhưng chắc một điều là không nơi nào vắng sự đóng góp của bà con Công Giáo Hải ngoại. Đó là chưa nói đến những đóng góp để lo việc đào tạo, từ thiện, bác ái.
“Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 126,3). Một biến cố khác thiết nghĩ nếu không kể quả là rất thiếu xót. Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong hiển thánh cho 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam. Để có được hồng ân đặc biệt này, trước đó, Giáo Hội Viêt Nam, cách riêng các vị chủ chăn đã phải trầy trượt vác thập giá lên đồi Golgotha mỗi ngày với Chúa. Có điều lạ, sau biến cố Phong thánh, một làn sóng người Dân Tộc trên khắp Việt Nam trở lại. Các linh mục DCCT dấn thân truyền giáo cho đồng bào Jarai ở vùng Kontum từ năm 1969, gần 20 năm hết mình với họ, các ngài cách nào đó đã trở thành “dân tộc” giữa người Dân Tộc, nhưng số người trở lại không có bao nhiêu. Sau Lễ phong thánh, con số người Dân Tộc trở lại đông đến nỗi có lúc, thời gian dự tòng của họ lên tới 5 năm. Người ta trở lại từng làng, chưa rửa tội đã là người truyền giáo, chỉ mới biết Chúa đã vào sâu cách biên giới 50 km, làng này dắt làng kia đưa nhau về với cha để xin theo Chúa. Không phải là các cha đi đến, vì hoàn cảnh không cho phép, chính họ đến với các cha vì lòng khao khát muốn tin.
Điểm lại những sự kiện lịch sử quê hương, lịch sử Giáo Hội theo nguyên tắc đọc sự kiện qua lăng kính Tin Mừng, ta có thể nói được như Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie: “Tôi đã thấy Chúa Thánh Thần”. Càng nhận ra Chúa bao nhiêu ta càng xác tín bấy nhiêu, và khi xác tín càng mạnh thì niềm khao khát Ngài càng lớn. Đây là yếu tố để cùng với thái độ “ở lại – chờ” (Lc 24,49), tức là cầu nguyện, cho ta được điều đáng ước mơ là đầy tràn Chúa Thánh Thần nên lửa nhiệt thành bừng cháy, sứ vụ Tân Phúc âm hoá không còn là bổn phận phải làm, phải cố gắng mà trở thành hân hoan: “đẹp thay bước chân người loan báo Tin Mừng.”
  1. Những Con Đường Tân Phúc Âm Hoá Khả Thi
Đọc lại lịch sử thì thấy Giáo Hội thời kỳ đầu đã chịu bách hại trong thời gian dài 280 năm[4], đến khi có ông vua theo đạo là Constantine, Giáo Hội phát triển nhanh, vài thế kỷ sau toàn bộ Châu Âu đã được Kitô hoá. Giáo Hội Việt Nam có một lịch sử gần giống như vậy: cũng bị bách hại suốt thời gian dài non ba thế kỷ [5], cũng có “ông vua Công Giáo” [6] sùng đạo. Chỉ tiếc “triều đại của ông” không kéo dài, nên Giáo Hội Việt Nam mất cơ hội để lịch sử được lập lại như thời Giáo Hội thuở ban đầu. Theo cách nhìn của con người, có thể làm ta tiếc: nếu Chúa Thánh Thần dùng bài cũ chắc chắn Giáo Hội Việt Nam đã khác. Dưới ánh sáng đức tin, ta dễ dàng đón nhận vì Chúa đã phán: “Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy” (Is 55,9). Mọi hoạt động truyền giáo của Giáo Hội đều có kết quả, chỉ khác ở chỗ có khi hoạt động đó là mùa gieo, có khi là mùa gặt. Hiểu như thế thì sứ vụ Tân Phúc âm hoá thành công, thiết nghĩ, yếu tố chính không phải do áp dụng tốt “cẩm nang truyền giáo”, nhưng khi thực sự sống sứ vụ Tân Phúc âm hoá, chắc hẳn không thể thiếu những yếu tố này:
Truyền lửa 
Người truyền giáo phải có “lửa”. Đức Thánh Cha Phanxicô dạy: “Nhưng tôi biết rằng không có động lực nào có thể đủ nếu không có ngọn lửa của Chúa Thánh Thần đốt cháy trong lòng chúng ta”[7]. Người truyền giáo có tất cả nhưng không có “lửa” chẳng khác gì ta đi xe Honđa giữa đường trời nắng hết xăng. Bỏ xe, đương nhiên là không thể, phải dẫn nó theo thì khổ quá chừng! “Một việc truyền giáo đầy Thánh Thần khác xa với một mớ những công tác bị coi như những nhiệm vụ nặng nề mà chúng ta chỉ đơn thuần phải làm, hoặc việc gì bị coi như mâu thuẫn với những xu hướng và ước muốn của chúng ta”[8].
Trong kinh nghiệm đời sống thiêng liêng của Giáo Hội để có lửa hãy “khát khao” và cầu nguyện. Không phải lối cầu nguyện bổn phận hay đối phó; hoặc lối cầu nguyện chạy trốn để khỏi đối diện với vấn đề, nhưng là cách cầu nguyện kết hợp đưa ta đến cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu trong tình yêu. Đức Thánh Cha Phanxicô dạy: “Lý do đầu tiên thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng là tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta đã nhận được […] Nếu chúng ta không cảm thấy có ước muốn mãnh liệt để thông truyền tình yêu này, chúng ta cần phải tạm ngừng lại trong cầu nguyện để xin Ngài trở lại làm cho chúng ta say đắm. Chúng ta cần phải cầu xin mỗi ngày, để ân sủng Ngài mở rộng con tim giá lạnh của chúng ta và cải tổ cuộc sống hờ hững và nông cạn của chúng ta”9.
Sứ vụ Tân Phúc âm hoá ta lãnh nhận không mang tính cá nhân. Ta ở trong cộng đoàn là cộng đoàn truyền giáo, ta ở trong giáo xứ phải làm sao để giáo xứ mở ra đến “vùng ngoại biên”. Do đó người linh mục không chỉ là người phải có lửa mà còn là người truyền lửa. Nếu để có “lửa” là “khát khao” và cầu nguyện thì truyền lửa hệ tại ở chính đời sống của ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng mơ ước: “tìm được những lời để cổ võ một mùa rao giảng Tin Mừng nhiệt thành, vui mừng, quãng đại, tạo bạo, tràn đầy tình yêu cho đến cùng và một đời sống truyền cảm!”[9]. Ta cần có “một đời sống truyền cảm” để “lửa” bùng cháy lên.
Lên Chương Trình 
Thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người.” Ngoài trời mưa rơi, cu Tí ở nhà không chịu đem thùng ra hứng, tối về bị mẹ la vì cả nhà không có nước để dùng. Tân Phúc âm hoá cần phải có chương trình. Khi nêu ra vấn đề này có vẽ như dư thừa vì đó là điều tất nhiên. Trong lịch sử truyền giáo của Giáo Hội, từ thế kỷ đầu người ta đã thấy xuất hiện những mô hình truyền giáo, theo dòng thời gian có thể hệ thống lại các mô hình vẽ nên bức tranh vô cùng sống động[10]. Tại Á Châu, Huấn Thị 1659 của Thánh bộ Truyền bá Đức tin do Đức ông Phanxicô Ingoli làm thư ký gởi các vị đại diện tông toà miền Đông Dương, đưa ra một chương trình truyền giáo vừa rõ ràng, vừa mang tính rất thích ứng với môi trường trong bối cảnh văn hoá, chính trị nhiều dị biệt và khó khăn. Đến nay đọc lại, nhiều người phải tấm tắc thán phục và có thể tham khảo khi cần soạn cho mình một chương trình.
Tuy nhiên, trong phạm vi cộng đoàn và giáo xứ, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, Tân Phúc âm hoá vẫn chỉ là khái niệm, những ý tưởng trên bàn hay trong lời cầu nguyện, một thứ cầu nguyện trốn chạy chứ không phải cầu nguyện để thực thi. Khá hơn, đây đó có nơi đã bắt đầu dấn thân, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ “sứ vụ” được quan tâm, đụng đâu làm đó một khi các loại hình mục vụ giáo xứ theo truyền thống đã xong. Đã đến lúc phải có chương trình truyền giáo cho người lương, ta hãy soạn cho mình, ta chia sẻ cho nhau, vẫn biết chương trình mục vụ truyền thống đã quá tải trong khi “vốn” để cho chương trình Tân Phúc âm hoá chạy được thì không có nhiều…
Cùng Hành Động
Từ hồi Tin Mừng mới được loan báo trên quê hương Việt Nam, vai trò của người giáo dân cộng tác trong sứ vụ truyền giáo đã được các thừa sai lưu tâm. Đầu năm 1642, cha Đắc Lộ trở lại Đàng Trong lần thứ ba, ngài đã thực hiện việc quy tụ các thầy giảng lập thành tu hội với qui chế rõ ràng. Các thầy được phân công phụ trách các vùng trãi dài từ sông Gianh đến Phú Yên để lo truyền giáo trong thời gian ngài vắng mặt[11].
Tạ ơn Chúa luôn ban cho Giáo Hội Việt Nam những tín hữu nhiệt thành. Ngày nay trong các cộng đoàn Đời thánh hiến, có những nhóm Tông đồ Giáo dân cộng tác thực thi sứ vụ theo đặc sủng riêng của mỗi dòng cũng như truyền giáo. Trong mỗi giáo xứ có Ban hành giáo, có các hội đoàn tích cực tham gia vào việc chung của giáo xứ. Vấn đề là họ cần được tôn trọng, cần được định hướng, cần được hướng dẫn để có ý thức về trách nhiệm “cùng hành động” chứ không phải chỉ là người giúp việc hay thụ động ngồi chờ. Có một thực tế không mấy vui, các hội đoàn thường chỉ quan tâm “màu cờ sắc áo” hơn là ưu tư về sứ vụ tân Phúc âm hoá tìm cách để cùng thực thi.

Kết
Tĩnh tâm là lúc ta trở về với Chúa, nhìn lại mình để sám hối canh tân đời sống và sứ vụ. Qua những gì đã suy niệm, thiết nghĩ một ít điểm sau có thể cho ta những gợi ý hồi tâm:
1/ Chúa Thánh Thần hoạt động trong thế giới và trong Giáo Hội. Tôi tin. Nhưng rõ nét không hay chỉ mơ hồ?
2/ Trong tôi lửa truyền giáo thế nào? Tôi có ưu tư và cố hành động để lửa ấy cháy lên không?
3/ “Lên chương tình truyền giáo” mức độ khả thi là bao? Nếu không có chương trình hoạt động, truyền giáo không mấy kết quả và đó cũng là dấu cho thấy truyền giáo chưa phải là việc tôi quan tâm. Nhận định này đúng không?
4/ Tương quan với giáo dân, từ góc nhìn của sứ vụ Tân Phúc âm hoá, đâu là ưu, khuyết của tôi?
LẠY CHÚA GIÊSU, ĐẤNG ĐÃ CHẾT VÀ  PHỤC SINH!
 XIN DẪN CHÚNG CON ĐI TRONG THẦN KHÍ CỦA NGÀI.
                                                                                   
[1] ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Bài giảng giảng thánh lễ bế mạc kỳ tĩnh tâm thường niên lần thứ 7 của Gia đình Thánh Tâm cụm 4 của giáo phận Vinh chiều ngày 19/10/2012.
[2] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thông điệp “Đấng Cứu Thế”,  số 24-27.
[3] FX. Nguyễn Văn Thuận. Chứng Nhân Hy Vọng. Các bài giảng tỉnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều Rôma từ ngày 12 đến 18 tháng 3 năm 2000. Bài suy niệm số 19.
[4] Tính từ lúc Chúa Giêsu thăng thiên năm 33 cho đến năm 313 khi vua Constantine ký Sắc lệnh Milan công nhận Kitô Giáo là tôn giáo hợp pháp trong toàn đế quốc Rôma.
[5] Tính từ Sắc chỉ cấm đạo năm 1625 của Chúa Sãi, Nguyễn Phước Nguyên, đến cuộc bách hại đẫm máu của phong trào Văn Thân 1885 – 1886 là 261 năm.
[6] Tổng thống J.B. Ngô Đình Diệm.
[7] Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng. Số 261.
[8] (Sđd).
[9] Sđd. Số 261.
[10] x. Trung Thành Và Thích Nghi. Constants in Context. Một Thần Học Truyền Giáo Cho Hôm Nay. LHNB. Tr. 95-344.
[11] x. Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, tr. 73.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập100
  • Hôm nay5,744
  • Tháng hiện tại194,280
  • Tổng lượt truy cập15,481,170
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây