THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Thứ Năm Tuần 3 TN và THẦY KHÔNG BẢO LÀ BẢY LẦN NHƯNG LÀ BẢY MƯƠI LẦN BẢY!

Thứ tư - 29/01/2014 21:41

Thứ Năm Tuần 3 TN và THẦY KHÔNG BẢO LÀ BẢY LẦN NHƯNG LÀ BẢY MƯƠI LẦN BẢY!

Lời Chúa Mỗi Ngày: Thứ Năm Tuần 3 TN
Kính gửi :
 
-         Lời Chúa Mỗi Ngày: Thứ Năm Tuần 3 TN ;
 
-         THẦY KHÔNG BẢO LÀ BẢY LẦN NHƯNG LÀ BẢY MƯƠI LẦN BẢY!



Thứ Năm Tuần 3 TN
 
Bài đọc: Heb 10:19-25; 2 Sam 7:18-19, 24-29; Mk 4:21-25.
 
1/ Bài đọc I (năm lẻ)19 Vậy, thưa anh em, nhờ máu Đức Giê-su đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. 20 Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người.
21 Chúng ta lại có một vị tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa.
22 Vì thế, chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền.
23 Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín. 24 Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt.25 Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp, như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy Ngày Chúa đến đã gần.
 
2/ Bài đọc I (năm chẵn)18 Vua Đa-vít vào ngồi chầu trước nhan Đức Chúa và thưa: "Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con là ai và nhà của con là gì, mà Ngài đã đưa con tới địa vị này?
19 Nhưng lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, Ngài còn coi đó là quá ít; Ngài lại hứa cho nhà của tôi tớ Ngài một tương lai lâu dài. Phải chăng đó là luật chung cho con người, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng?
24 Ngài đã lập Ít-ra-en, dân Ngài, để nó thành dân Ngài mãi mãi; còn Ngài, lạy Đức Chúa, Ngài đã trở thành Thiên Chúa của chúng.
25 Giờ đây, lạy Đức Chúa là Thiên Chúa, lời Ngài đã phán về tôi tớ Ngài và nhà của nó, xin Ngài giữ mãi mãi, và xin hành động như Ngài đã phán.
26 Danh Ngài sẽ vĩ đại mãi mãi và người ta sẽ nói: "Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa thống trị Ít-ra-en. Nhà của tôi tớ Ngài là Đa-vít sẽ vững bền trước nhan Ngài.
27 Thật vậy, lạy Đức Chúa các đạo binh, Thiên Chúa của Ít-ra-en, chính Ngài đã mặc khải cho tôi tớ Ngài rằng: Ta sẽ xây cho ngươi một nhà. Vì thế tôi tớ Ngài đủ can đảm dâng lên Ngài lời cầu nguyện ấy.
28 Giờ đây, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài là Thiên Chúa, những lời Ngài phán là chân lý, và Ngài đã hứa ban cho tôi tớ Ngài điều tốt đẹp ấy.
29 Vậy giờ đây, cúi xin Ngài giáng phúc cho nhà của tôi tớ Ngài, để nhà ấy được tồn tại mãi trước nhan Ngài. Bởi vì, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài đã phán, và nhờ Ngài giáng phúc mà nhà của tôi tớ Ngài sẽ được chúc lành mãi mãi."
 
3/ Phúc Âm21 Người nói với các ông: "Chẳng lẽ đèn được mang tới để bị đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để được đặt trên trụ đèn sao?
22 Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng.
23 Ai có tai nghe thì nghe! "
24 Người nói với các ông: "Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.
25 Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất."



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người.
 
Làm sao con người có thể tiến gần tới Thiên Chúa? Phải chăng bằng kiến thức bí mật? Phải chăng bằng máu chiên bò? Phải chăng qua Đức Kitô, Người Con của Thiên Chúa?
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh Chúa Giêsu, Người là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái so sánh Bức Màn trong Đền Thờ, ngăn cản giữa con người với Thiên Chúa, với Bức Màn mới, là chính thân thể của Đức Kitô. Ngài đã xé tan bức màn trong Đền Thờ để con người có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa ở mọi nơi và mọi thời. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, lời hứa của Thiên Chúa sẽ xây dựng một dòng dõi tồn tại muôn đời cho vua David được thực hiện khi Chúa Giêsu xuống trần. Ngài sinh ra trong dòng dõi David và Ngài sẽ làm vua cai trị dân Chúa đến muôn đời. Trong Phúc Âm, Thánh Marcô dẫn chứng một số những câu nói của Chúa Giêsu về ánh sáng, về sự thật, về sự liên hệ giữa việc cho đi và nhận lại, và về sự cần thiết phải luôn cố gắng trau dồi thêm.
 
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
 
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Chúa Giêsu đã mở toang bức màn ngăn cản giữa con người và Thiên Chúa.
 
1.1/ Bức màn ngăn cản giữa Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ: Để hiểu ý tác-giả, chúng ta cần phải trở về với cấu trúc trong Đền Thờ của Cựu-Ước. Để phân biệt Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh, một “bức màn” che kín từ trên xuống dưới được dựng nên, để ngăn cách con người khỏi sự hiện diện của Thiên Chúa. Chỉ có thầy Thượng Tế mới được vượt qua bức màn này để dâng của lễ đền tội mỗi năm một lần mà thôi.
Khi Chúa Giêsu trút hơi thở trên Thánh Giá, các tác giả của Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật sự kiện “bức màn này trong Đền Thờ bị xé ra làm đôi từ trên xuống dưới” (Mt 27:51, Mk 15:38, Lk. 23:45).
 
1.2/ Ý nghĩa của biến cố này: Tác giả Thư Do-thái chú giải: “Vậy, thưa anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người.”
Nhờ Chúa Giêsu, từ nay con người có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa và bất cứ lúc nào; chứ không phải đợi cho đến Ngày Xá Tội (Yom Kippur) xảy ra mội năm một lần, khi thầy Thượng Tế vào cung thánh để dâng lễ đền tội cho mình và cho dân chúng.
Nhờ Chúa Giêsu, con người thấu hiểu tình thương Thiên Chúa đã lấy chính máu mình để rửa sạch mọi tội của nhân loại; để rồi con người cũng biết hiệp thông với Thiên Chúa, hy sinh đời mình cho tha nhân.
 
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Nhà của tôi tớ Ngài là David sẽ vững bền trước nhan Ngài.
 
2.1/ David suy nghĩ về những lời hứa của Thiên Chúa: Trình thuật kể: "Vua David vào ngồi chầu trước nhan Đức Chúa và thưa: "Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con là ai và nhà của con là gì, mà Ngài đã đưa con tới địa vị này? Nhưng lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, Ngài còn coi đó là quá ít; Ngài lại hứa cho nhà của tôi tớ Ngài một tương lai lâu dài. Phải chăng đó là định mệnh (luật chung, bản dịch NPVGK) cho con người, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng?"
Bản dịch của RSV không đúng với bản LXT và MT, họ dịch: "Ngài đã hứa hẹn cho nhà tôi tớ Ngài một tương lai huy hoàng sắp tới, và đã cho con nhìn thấy các thế hệ tương lai." (Thou hast spoken also of thy servant's house for a great while to come, and hast shown me future generations).
Điều vua David đang suy nghĩ ở đây là con người được Thiên Chúa hứa ban cho một tương lai lâu dài mãi mãi; chứ không phải chỉ chấm dứt sau khi chết. Truyền thống Do-thái không có quan niệm rõ ràng về cuộc sống đời sau và muôn đời (7:16) như chúng ta có bây giờ. Họ hiểu hạnh phúc của những người được Thiên Chúa chúc phúc là cuộc sống lâu dài đời này; nhưng một khi đã chết là hết.
 
2.2/ David cầu xin cho những lời hứa của Thiên Chúa được ứng nghiệm: Nội dung của đoạn văn 24-29 chứng minh những gì chúng ta phân tích bên trên. Chữ "mãi mãi" được tác giả lặp lại 5 lần trong các câu 24, 25, 26, và 29. Ngay cả nội dung của câu 27 và 28 cũng hàm chứa lời hứa "mãi mãi" của Thiên Chúa.
 
24 Ngài đã lập Israel, dân Ngài, để nó thành dân Ngài mãi mãi; còn Ngài, lạy Đức Chúa, Ngài đã trở thành Thiên Chúa của chúng. 25 Giờ đây, lạy Đức Chúa là Thiên Chúa, lời Ngài đã phán về tôi tớ Ngài và nhà của nó, xin Ngài giữmãi mãi, và xin hành động như Ngài đã phán. 26 Danh Ngài sẽ vĩ đại mãi mãi và người ta sẽ nói: "Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa thống trị Israel. Nhà của tôi tớ Ngài là David sẽ vững bền trước nhan Ngài. 27 Thật vậy, lạy Đức Chúa các đạo binh, Thiên Chúa của Israel, chính Ngài đã mặc khải cho tôi tớ Ngài rằng: Ta sẽ xây cho ngươi một nhà. Vì thế tôi tớ Ngài đủ can đảm dâng lên Ngài lời cầu nguyện ấy.
28 Giờ đây, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài là Thiên Chúa, những lời Ngài phán là chân lý, và Ngài đã hứa ban cho tôi tớ Ngài điều tốt đẹp ấy. 29 Vậy giờ đây, cúi xin Ngài giáng phúc cho nhà của tôi tớ Ngài, để nhà ấy được tồn tại mãi mãi trước nhan Ngài. Bởi vì, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài đã phán, và nhờ Ngài giáng phúc mà nhà của tôi tớ Ngài sẽ được chúc lành mãi mãi."
 
Lời hứa này bị đe dọa trầm trọng khi các vua của Israel và Judah bị triệt hạ và phải lưu đày sang Assyria và Babylon, vì đã bất tuân lời Thiên Chúa phán qua miệng các ngôn sứ. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn trung thành với lời hứa, và cho dân Israel hồi hương để xây dựng lại quê hương và Đền Thờ; cho đến ngày Đức Kitô nhập thể làm người.
 
3/ Phúc Âm: Những thực tại trần gian và trên trời.
 
Trong Tin Mừng hôm nay, Marcô tường thuật một lúc những câu dạy dỗ của Chúa Giêsu ở nhiều biến cố khác nhau. Một người có thể nhận ra điều này khi đối chiếu với Tin Mừng của Matthew. Vì thế, chúng ta sẽ phân tích từng câu một; vì mỗi câu tự nó đã đầy đủ ý nghĩa; sau đó chúng ta sẽ tìm xem nếu các câu có liên hệ với nhau.
 
3.1/ Mục đích của đèn là để soi sáng: Chúa Giêsu nói: "Chẳng lẽ đèn được mang tới để bị đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để được đặt trên trụ đèn sao?” Ai ai cũng đều hiểu công dụng của đèn là để soi sáng cho mọi người; vì thế, cần phải đặt trên trụ cao để soi sáng một diện tích lớn chung quanh. Đèn để dưới sàn chỉ có thể soi sáng một diện tích nhỏ. Lấy thùng úp vào đèn hay đặt dưới gầm giường là làm mất công dụng của đèn.
Sự Thật được ví như đèn; mục đích của sự thật là để hướng dẫn đời sống con người. Vì thế, con người cần phải học, nói, và sống theo sự thật. Con người không được che đậy hay ẩn giấu sự thật, cho dẫu “sự thật mất lòng.” Sống theo sự thật có thể làm một người bị chê bai, ghét bỏ, thiệt hại, ngay cả mất mạng sống; nhưng chỉ có sự thật mới thực sự giải thóat con người. Các thánh tử đạo là những ví dụ của những người dám sống theo sự thật.
 
3.2/ Sự Thật không thể bị che giấu: “Vì chẳng có gì che giấu mà không phải tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải đưa ra ánh sáng. Ai có tai nghe thì nghe!" Con người có thể làm ngơ, từ chối, đàn áp, hay tiêu diệt sự thật; nhưng sau cùng, họ cũng phải đương đầu với sự thật: không ở đời này cũng ở đời sau. Ví dụ: Giáo Hội, trong quá khứ, đã từ chối không chấp nhận nguyên lý “trái đất xoay chung quanh mặt trời” của Copernicus và Galileo (thế kỷ 16 và 17); nhưng sau cùng Giáo Hội cũng phải chấp nhận sự kiện khoa học này. Vì thế, con người phải rất cẩn thận khi sống ngược với sự thật, vì phải lãnh mọi hậu quả của nó. Sức mạnh có thể làm cho người ta sợ; nhưng không thể nào bưng bít sự thật. Hơn nữa, cho dẫu con người có thể giấu sự thật khỏi tất cả mọi người, nhưng họ không thể giấu khỏi Thiên Chúa, Đấng nhìn xem và thấu suốt mọi bí ẩn trong lòng.
 
3.3/ Cho đi bao nhiêu sẽ nhận lại bấy nhiêu: Chúa Giêsu dạy: "Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.” Điều này phải trở thành nguyên tắc làm việc cho con người: hậu quả hay phần thưởng có được tùy thuộc vào cố gắng hay nỗ lực một người bỏ ra. Nếu một người chuẩn bị và cố gắng nhiều, họ sẽ thu thập nhiều; và nếu một người chuẩn bị và cố gắng ít, họ sẽ thu thập ít.
Ví dụ, trong lãnh vực học hỏi, nếu một người chịu bỏ thời gian nghiên cứu học hỏi, người đó sẽ càng ngày càng có kiến thức rộng rãi về lãnh vực chuyên môn người đó theo đuổi. Tương tự trong lãnh vực thờ phượng, nếu một giáo dân chịu khó chuẩn bị đọc các bài đọc ngay từ lúc còn ở nhà, họ sẽ dễ dàng hiểu và thâu thập được nhiều hơn khi vị linh mục chia sẻ Tin Mừng. Điều này càng đúng trong lãnh vực phục vụ, nếu vị chủ chiên chịu bỏ thời giờ để dạy dỗ và huấn luyện đoàn chiên, giáo dân sẽ hiểu biết và hăng say tích cực trong việc giữ đạo hơn. Ngược lại, nếu con người không chịu bỏ thời gian chuẩn bị, và cố gắng; làm sao con người có thể đòi kết quả như mình mong ước được?
 
3.4/ Phải biết dùng thời gian, tài năng, và của cải Chúa ban: “Ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy mất.” Đây cũng là một nguyên lý sống cho con người: phải năng dùng tài năng mình đang có, sẽ càng ngày càng tinh luyện hơn; nếu không, sẽ mất dần những tài năng mình có. Ví dụ, việc học ngọai ngữ: Nếu một người tiếp tục học hỏi và áp dụng những gì học ở trường, người đó sẽ dần dần thông thạo về ngọai ngữ đó; nhưng nếu người đó không chịu tiếp tục học hỏi, vốn liếng đã thâu nhận ở trường cũng từ từ mất đi. Tương tự với món quà vô giá là đức tin: Nếu một tín hữu chịu khó đào sâu và tìm cơ hội để sống đức tin, người đó sẽ sở hữu một đức tin vững chắc, không gì có thể lay chuyển được; nhưng nếu người đó không chịu đào sâu và tìm dịp sống đức tin, người đó sẽ có ngày mất niềm tin đã được trao ban.
 
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
 
- Chúa Kitô là Vị Trung Gian đem Thiên Chúa đến cho con người, và đem con người về cho Thiên Chúa.
- Chúng ta phải là những ngọn đèn soi cho thế gian bằng cuộc sống thực theo Tin Mừng, để soi sáng cho mọi người nhìn thấy và tin tưởng vào Chúa.
- Những gì chúng ta sẽ nhận lãnh tùy thuộc vào những gì chúng ta cho đi. Thiên Chúa và tha nhân sẽ bù đắp lại tất cả những gì chúng ta đã hy sinh cho đi, và còn hơn thế nữa. Nếu chúng ta chỉ ích kỷ giữ lại cho mình, chúng ta sẽ mất dần những gì chúng ta đang sở hữu.
 
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
 







THẦY KHÔNG BẢO LÀ BẢY LẦN NHƯNG LÀ BẢY MƯƠI LẦN BẢY!




... Trong thông điệp ”Ánh Sáng Đức Tin - Lumen Fidei” Đức Thánh Cha Phanxicô viết: ”Sự hiểu biết Đức Tin thật sự nẩy sinh khi chúng ta nhận được Tình Yêu khôn lường của THIÊN CHÚA làm biến đổi nội tâm chúng ta và trao ban cho chúng ta đôi mắt mới để nhìn rõ thực tại”.

Tình Yêu vô biên của THIÊN CHÚA được biểu lộ qua trăm phương nghìn cách. Chỉ xin nhấn mạnh một khía cạnh nhân hậu lân tuất qua bí tích Giải Tội hay cũng gọi là Bí Tích Hòa Giải. Sau đây là chứng từ của bà Micheline Valay tín hữu Công Giáo người Pháp.

Tôi đang ở tại Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Đức nơi nhà nguyện Giải Tội. Ngay lối vào đã đặt sẵn các tờ giấy giúp cầu nguyện, suy tư và xét mình. Rồi đến các băng ghế ngồi và sau đó là rải rác rất nhiều tòa giải tội có Linh Mục ngồi sẵn đợi các hối nhân đến xưng thú mọi lỗi lầm. Tôi bước vào nhà nguyện với chút xúc động hồi hộp, gần như đi thụt lùi, muốn quay trở ra. Nhưng tôi đã lấy hẹn, đã quyết định ra đi gặp gỡ CHA trên Trời của tôi rồi mà! Không lẽ bây giờ tôi lại đổi ý, trốn tránh và lui gót! Không thể được! Tôi biết rõ tại sao mình đặt chân đến đây mà! Tôi mang đến đây tất cả những gì ngăn cản tôi sống thực sự, sống chân thành, ngăn cản tôi hít thở không khí trong lành, nhưng lại khó nói với một người nào đó. Sau cùng thì tôi nhất định bước vào nhà nguyện. Tôi vẫn còn hồi hộp và lo âu tự hỏi:
- Mình sẽ gặp vị Linh Mục nào đây?

Bỗng đôi mắt tôi bắt gặp một cái nhìn ưu ái và một nụ cười khoan dung.

Tôi mạnh dạn tiến đến ngồi trước mặt Cha giải tội, y như thể để bắt đầu một cuộc trao đổi đàm thoại thân tình. Bỗng chốc tất cả trở nên thật dễ dàng và tự nhiên. Tôi tiếp nhận tràn đầy sự tiếp đón nồng hậu của vị Linh Mục đang lẳng lặng nghe tôi giải bày mọi tội lỗi. Đúng thật là tôi đang bước vào thế giới Tình Yêu của THIÊN CHÚA là CHA Nhân Hậu. Tôi nói hết. Tôi để thoát ra khỏi tôi tất cả những gì đầu độc tôi, ám ảnh tôi, làm tôi trở nên chai cứng, những gì làm tôi xa cách tình yêu, những gì ngăn cản tôi yêu mến THIÊN CHÚA, yêu thương tha nhân và yêu thương chính tôi. Tôi cảm thấy mình được tiếp đón, được chấp nhận và được yêu thương với trọn con người của tôi gồm các khuyết điểm cũng như ưu điểm. Tôi tìm lại sự tin tưởng và sự chắc chắn rằng tôi không cô đơn. Nhưng nhất là tôi tin tưởng vững chắc rằng, ngay cả khi tôi lại sa ngã phạm tội, tôi vẫn có thể đứng thẳng lên, vẫn có thể ngẩng cao đầu ngước nhìn Trời Cao nơi có THIÊN CHÚA Tình Yêu ngự trị.

Chúng tôi cùng nhau đàm thoại trao đổi lâu thật lâu y như giữa hai người bạn thân. Sau đó vị Linh Mục giơ tay ban phép lành trao ơn xóa tội. Sau khi lãnh bí tích giải tội, tiếp nhận ơn xá giải, tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhàng và cảm nhận một niềm vui bao la. Tôi cảm thấy y như mình được trẻ lại, thật yêu đời yêu sống và yêu tha nhân.

Sau lần xưng tội ấy, tôi muốn nói lớn với mọi người rằng:
- Bạn hãy ra đi gặp Linh Mục và xưng thú tội lỗi. Tôi xin đoan chắc với bạn là bạn sẽ không hối tiếc đâu! Hoàn toàn không!

Liên quan đến bí tích Giải Tội của Giáo Hội Công Giáo, xin trích dẫn một câu chuyện như sau.

Một vị rabbi do thái lão thành thường nói với các tín hữu rằng: mỗi người chúng ta được nối liền với THIÊN CHÚA bằng một sợi dây dài. Và cứ mỗi lần chúng ta phạm một lỗi thì sợi dây bị đứt. Thế nhưng khi chúng ta hối tiếc ăn năn về lỗi lầm đã phạm thì THIÊN CHÚA lại thắt một nút nối lại sợi dây bị đứt. Thành ra, sợi dây lại ngắn hơn trước. Và cũng như thế thì tội nhân lại tiến đến gần THIÊN CHÚA hơn!

Cứ như thế, mỗi lần một lỗi lầm được ăn năn thống hối thì có thêm nút trên sợi dây được thắt lại, và chúng ta dần dần được tiến lại gần THIÊN CHÚA.

Cuối cùng, mỗi một tội lỗi của chúng ta lại trở thành một dịp làm rút ngắn sợi dây nối liền với THIÊN CHÚA và khiến chúng ta tiến nhanh đến gần con tim của THIÊN CHÚA.

Đúng thật rằng: Tất cả là hồng ân! Ngay cả tội lỗi!

... Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Chúa GIÊSU mà hỏi rằng: ”Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Chúa GIÊSU đáp: ”Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” .. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ”Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên Trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mátthêu 18,21-22 / 32-35).

(”Catho 47”, Bulletin de L'Église Catholique en Lot-et-Garonne, No 86, Novembre 2013, trang VIII-IX)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Tác giả bài viết: ghphuyen.com

Nguồn tin: ghphuyen.com

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://giaoxusonghinh.org là vi phạm bản quyền
 Tags: thứ năm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay5,649
  • Tháng hiện tại208,018
  • Tổng lượt truy cập15,494,908
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây