Lm. Timothy A. Lenchak , SVD The Bible Today Sept / Oct 2013, trang 325-327 Làm phúc, bố thí giữ một vị trí quan trọng trong thực hành đạo của tất cả các tôn giáo trên thế giới . Thật vậy, làm phúc là một trong năm trụ cột của đạo Hồi. Còn Ấn Độ giáo tin rằng bố thí không chỉ giúp người nhận nhưng còn giúp người cho nữa. Riêng Phật giáo, việc bố thí cho các sư sãi không được coi là một việc từ thiện nhưng là một cách để kết nối với lĩnh vực siêu nhiên mà họ đại diện. Trong Do Thái giáo, từ thiện được coi là một trong những việc làm cao cả nhất mà con người có thể thực hiện. Từ tsedakah trong tiếng Do Thái có nghĩa các việc làm từ thiện và cũng có nghĩa là nghĩa vụ tôn giáo phải làm những việc đúng đắn và công bằng . Những việc từ thiện như cho kẻ đói ăn và cho người rách rưới ăn mặc cũng là truyền thống làm việc lành phúc đức của Kitô giáo. Vì vậy chúng ta không nên ngạc nhiên khi biết rằng làm phúc bố thí và những việc làm từ thiện khác có thể được tìm thấy trong Kinh Thánh. Các từ tiếng Anh "alms - tiền /vật phẩm làm phúc" và "almsgiving - làm phúc /bố thí" xảy ra hai mươi sáu lần trong bản New American Bible ( 14 lần trong Cựu Ước và 12 lần trong Tân Ước) . Cả hai từ tiếng Anh đều được dịch từ tiêng Hy Lạp eleemosune, có gốc nghĩa là " từ tâm " hoặc "thương xót . " Kinh Thánh lên án keo kiệt , nhưng đề cao sự hào phóng , và hứa hẹn rằng ai làm phúc cho người nghèo sẽ được Thiên Chúa khen thưởng ( xem ví dụ , G 22, 6-7; 31,16 ; Cn 11,25; 28,27 ; Gv 21:5; Is 58,10 ; Mt 7,2 ; 10,42) . Một số cảnh trong Kinh Thánh cho thấy người nghèo mong đợi tấm lòng bác ái từ người khác , mặc dù các từ "của cải làm phúc" hoặc " việc làm phúc " đã không được sử dụng. Ví dụ, người mù được Chúa Giêsu chữa lành thường thấy ăn xin trong đền thờ (Ga 9,8). Sách Đệ Nhị Luật ra lệnh cho dân Do Thái thời xưa chia sẻ huê lợi mùa màng của họ " để thầy Lê-vi - là người không được chung phần và hưởng gia nghiệp với anh (em)- người ngoại kiều và cô nhi quả phụ ở trong các thành của anh (em), sẽ đến, họ sẽ ăn và được no nê. .. " (Tl 14,29; 15,7-8 ; 24,19-22 ; 26,12-13 ; Lv 19,9) . Những sách Cựu Ước sau này như sách Tôbia và Huấn Ca nhấn mạnh đến việc làm phúc bố thí và khuyên nhủ mọi người làm theo. Ông Tôbit khuyên con trai mình là Tôbia làm phúc bố thí cho dù Tôbia có rất ít tài sản( Tb 4,08 , 16 ; Gv 7,10 ) . Vì rằng ai làm phúc bố thí sẽ được Thiên Chúa tưởng thưởng: Ngài sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ, sẽ ân ban một cuộc sống đầy đủ, và sẽ bảo vệ người đó khỏi sự dữ ( Tb 47 , 12,9 ; Gv 29,12 ) . Làm phúc bố thí còn được coi là quan trọng hơn cả lời cầu nguyện và ăn chay ( Tb 12,8) , làm phúc bố thí cũng có thể cứu người thoát khỏi cái chết (Tb 4,10) . Trong Tân Ước, làm phúc bố thí có vẻ là một thực hành tôn giáo phổ biến. Trong Bài Giảng Trên Núi Chúa Giêsu tuyên bố rằng khi làm phúc bố thí phải làm trong âm thầm kín đáo không phô trương (Mt 6,2-4 ) . Người ăn xin và kẻ tật nguyền đã tập trung tại đền thờ để thu thập bố thí từ các tín đồ (Cv 3,2-3), và dân ngoại được ngưỡng mộ khi làm phúc bố thí (Cv 10,2.4 ) . Các thành viên của cộng đoàn Kitô giáo sơ khai được mời gọi làm việc bác ái giúp người nghèo (Cv 9,36 ; 24,17 ) và họ nhận được phần thưởng từ Chúa Phục Sinh (Lc 11,41 ;12,33 , Cv 10.4 , 31) . Trong thực tế, hoạt động từ thiện như cho kẻ đói ăn , cho kẻ khát uống , và cho kẻ rách rưới áo quần thường được coi là một trách nhiệm quan trọng phải thực hiện của một Kitô hữu (Mt 25,31-46). Như thế, các tổ chức từ thiện như Hội bác ái Vinh Sơn và Bác Ái Công Giáo có nền tảng sâu xa trong truyền thống kinh thánh . The Bible Today Sept / Oct 2013, trang 325-327 Tác giả bài viết: Lucas Khổng Kim Quang chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org