Họ tìm kiếm câu trả lời cho những vấn nạn nhức nhối: Đâu là ý nghĩa của hành động bạo lực vô cớ này? Tại sao lại có cái ác như vậy trên thế giới? Thiên Chúa có liên hệ gì với cuộc khủng hoảng này?
Kinh Thánh là một cuốn sách về khủng hoảng. Khởi đi từ vụ giết Abel đến sự kiện người Do thái phải làm nô lệ ở Ai Cập, từ việc Assyria chinh phục miền Bắc nước Do Thái cho tới biến cố quân Babylon tàn phá Giêrusalem, Kinh Thánh thuật lại và phản ánh những khoảnh khắc bi thảm trong đời sống của người Do Thái. Trong thời gian dân Do Thái bị áp bức và bóc lột, Kinh Thánh còn có nội dung của một thứ văn chương phản kháng. Thiên Chúa chống lại sự áp bức của con người, Ngài đã sai Môi-se đến Pha-ra-ôn, Ê-li đến vua Ahab, Êsai đến vua Ê-xê-chia, A-mốt đến vua Giê-rô-bô-am, và Ða-ni-en đến vua Na-bu-cô-đô-nô-xo. Thiên Chúa lên án những đau khổ mà chúng ta tạo ra cho nhau và Ngài đã sai những tiên tri đi chống lại những hành động côn đồ đó, làm gương mẫu cho các đầy tớ trung tín Chúa. Một trong những đầy tớ đó là Ða-ni-en khôn ngoan, ông lặng lẽ chống lại những người Babylon đã bắt ông làm nô lệ, và khi cuộc sống của ông lâm nguy, ông xin Chúa cho ông thấy được điều bí ẩn để giải cứu ông ta khỏi phải bị vua Na-bu-cô-đô-nô-xo giết.
Sách Ða-ni-en
Truyện Ða-ni-en chương 1-6 xảy ra dưới thời trị vì của vua Na-bu-cô-đô-nô-xo II, người bắt đầu trị vì ở Babylon năm 605 trước công nguyên. Sách Ða-ni-en chương 2-6, là loạt truyện về triều đình, có nhiều khả năng xảy ra trong giai đoạn tiền-Mác-ca-bê, có thể là trong thời kỳ Ba Tư (539-333 trước công nguyên) hoặc Hy Lạp (333-175 trước công nguyên). Chúng ta không biết chính xác ai là nhà cai trị lúc đó, nhưng tác giả sách Ða-ni-en lại nghĩ rằng chính là vua Na-bu-cô-đô-nô-xo. Chúng ta cũng có thể xác quyết người Do Thái trong thời kỳ Lưu Đày sống dưới quyền lãnh đạo của Ba Tư và Hy Lạp. Những người bị lưu đày này cố gắng tìm ra cách sống như người Do Thái trung thành tuân theo luật Chúa cho dù họ ở xa quê hương, và họ chỉ là một thiểu số nhỏ. Như vậy, trong đoạn mở đầu của sách Ða-ni-en, tác giả mô tả cách sống của một người Do Thái tuân thủ luật trong thời Lưu Đày. Người Do Thái không có đất, không có đền thờ và cũng chẳng có vua, nhưng họ vẫn có thể tuân thủ các phong tục riêng với bản sắc Do Thái độc đáo của họ.
Sách Ða-ni-en tiếp nối mạch truyện của Sách Các Vua II. Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo đánh bại vua Giơ-hô-gia-kim của Giu-đa (2V 24, 1). Chính ông Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo này đã trục xuất những người thông thái ra khỏi Giêrusalem. Trong số những người bị trục xuất có Ða-ni-en, Kha-na-ni-a, Mi-sa-ên và A-da-ri-a. Ở Ba-by-lôn, họ nhận được thức ăn và rượu vang từ hoàng cung, nhưng Ða-ni-en không muốn ăn những thứ đó vì ông không muốn làm ô uế bản thân với thức ăn không tinh sạch nơi cung đình Babylon (Dan 1: 8). Ða-ni-en chỉ ăn rau và uống nước lã. Ông tuân thủ những luật lệ quy định về chế độ ăn uống của người Do Thái, đó là một trong những cách Người Do Thái dùng để duy trì danh tính cộng đồng của họ như một dân tộc thiểu số dưới sự thống trị của Ba Tư và Hy Lạp. Bối cảnh lịch sử của phong tục ăn kiêng này đã được các học giả Kinh thánh bàn luận ngay từ thời của sử gia Josephus, thế nhưng chúng ta thấy rõ ràng là Ða-ni-en đã tách mình ra khỏi các thành viên khác của xã hội Babylon bằng chế độ ăn kiêng của mình. Ông bày tỏ sự phản đối bất bạo động đối với nền văn hoá thống trị trong xã hội thời đó. Những người Do Thái lưu đày, đặc biệt là những người có liên hệ đến kế hoạch thành lập Đại Hy Lạp của Alexander Đại Đế và những người kế nhiệm ông, có thể thấy mình liên quan đến câu chuyện của Ða-ni-en một cách dễ dàng. Khi chương mở đầu kết thúc, Ða-ni-en và những người bạn đồng hành sống an bình không gặp trở ngại. Ăn theo chế độ ăn kiêng khiến ông trở nên khôn ngoan hơn cả các nhà thông thái khác trong cung vua Babylon.
Khủng hoảng
Tình hình bắt đầu thay đổi trong chương 2 Ða-ni-en. Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo đã có một giấc mơ làm ông lo lắng. Ông triệu tập những người thông thái vào cung để giúp giải nghĩa giấc mơ. Khi đến, họ yêu cầu nhà vua nói cho họ biết về giấc mơ của ông. Vua đã từ chối. Vua muốn các nhà thông thái phải nói được vua đã mơ gì; rồi sau đó mới giải nghĩa, làm được thế thì việc làm của họ mới có uy tín. Các nhà thông thái phản đối, lý luận rằng không ai trên trái đất có thể tỏ bày được chuyện của vua, ngoại trừ các vị thần linh (Dan 2:11). Thật là mỉa mai cho câu trả lời của họ, vì các vị thần Babylon không thể tỏ bày giấc mơ và ý nghĩa của nó, nhưng Thiên Chúa thật của Israel có thể và sẽ thực hiện điều mà nhà vua đòi hỏi. Sự bất tài của các nhà thông thái làm vua nổi giận, vua ra lệnh hành quyết tất cả những nhà thông thái trong vương quốc. Khi A-ri-ố, là quan lo chuyện hành quyết theo lệnh vua, tìm đến Ða-ni-en và những người bạn của ông, Ða-ni-en cầu xin quan cho mình gặp vua. A-ri-ốc ưng thuận, đưa Ða-ni-en vào diện kiến nhà vua, khi đó ông bảo đảm với vua rằng ông có thể tỏ bày và giải thích giấc mơ của vua. Nhưng ông không thể làm điều đó ngay lập tức, bởi vì ông biết, ông phải kêu xin Thiên Chúa trước.
Bí Nhiệm, Rāzā
Tình hình chung lúc đó rất nghiêm trọng. Giêrusalem chỉ còn những tàn tích và dân Do Thái đang sống lưu đày. Cuộc khủng hoảng mà người Do Thái lưu đày đang gánh chịu nay được cá nhân hoá trong câu truyện của một người bị bắt lưu đày biệt xứ là Ða-ni-en. Ông phải giải thích được giấc mơ của vua, nếu không, ông sẽ bị hành quyết. Ông đã đề nghị những người bạn của mình, Hananiah, Mishael và Azariah để cầu khẩn lòng thương xót Chúa cho biết điều bí nhiệm của vua. Thuật ngữ Aramaic “rāzā” thường được dịch qua tiếng Anh là "mystery” nghĩa là điều huyền bí / bí ẩn/bí mật"; đây là một từ tiếng Anh không tương đương với từ gốc cho lắm, bởi vì ý tưởng về " huyền bí / bí ẩn/ bí mật " có thể bao hàm một câu đố hoặc một điều bí ẩn, một cái gì đó hoàn toàn không thể hiểu được và không thể giải nghĩa được, trong khi “rāzā” là điều gì đó Chúa biết rõ, một điều mà Chúa mạc khải cho các tôi tớ trung thành, là những người đã xin Chúa giải thích ý nghĩa của bí nhiệm. Đó là một biểu tượng, giống như giấc mơ của nhà vua, mà ý nghĩa sâu xa của nó chỉ có thể được hiểu với mạc khải của Chúa. Với niềm tin tưởng rằng Chúa sẽ tiết lộ ý nghĩa của bí nhiệm này cho ông, Ða-ni-en đã hỏi vua Na-bu-cô-đô-nô-xo cho thêm thời gian để ông có thể cầu xin Thiên Chúa.
Lời cầu nguyện đối kháng
Ngay từ khi bắt đầu câu chuyện này, Ða-ni-en đã tỏ ra là một người Do thái chống đối bất bạo động với những kẻ cai trị Babylon bằng cách từ chối ăn thực phẩm mà triều đình cung cấp. Cũng như nhiều người khác, Đanien có những lúc cảm thấy cô đơn trong tâm hồn, ông cố gắng tìm hiểu kế hoạch của Chúa trong một sự kiện lịch sử cụ thể. Cảnh ngộ của ông lúc đó thật đáng thương. Thành Giêrusalem ông yêu quý đã bị phá huỷ. Ông phải sống đời lưu đày. Giờ đây nhà vua độc tài của Babylon ra lệnh giết những nhà thông thái trong đó có Đanien. Ông sẽ bị giết nếu Thiên Chúa không đáp lời ông kêu cầu. Trong bóng đêm, ông một mình cầu khẩn Chúa cho ông biết ý nghĩa của bí nhiệm này.
Lời Cầu Nguyện Tạ Ơn của Ða-ni-en
Kinh thánh không ghi lại những lời cầu xin của Ða-ni-en. Thay vào đó, chúng ta lắng nghe lời cầu nguyện tạ ơn của Ða-ni-en sau khi ông nhận được mạc khải của Chúa (Đn 2, 20-23):
"Chúc tụng danh Chúa muôn muôn đời,
vì Người là Đấng khôn ngoan và quyền năng.
Người là Đấng làm cho tứ thời bát tiết chuyển vần,
Người phế lập các vua,
Người ban sự khôn ngoan cho các nhà thông thái,
ban tri thức cho người hiểu rộng biết nhiều.
Người mạc khải điều thẳm sâu và bí ẩn:
Người biết những gì ở trong cõi tối tăm,
và ánh sáng ở với Người.
Lạy Ngài là Chúa của tổ tiên chúng con,
con cảm tạ và ngợi khen Ngài,
vì Ngài đã cho con sự khôn ngoan và sức mạnh.
Và giờ đây, Ngài đã cho con biết điều chúng con xin Ngài:
vì Ngài đã cho con biết chuyện của nhà vua."
Lời cầu nguyện của Ða-ni-en bao gồm một đoạn tuyên xưng đức tin ngắn và tiếp đến là lời tạ ơn. Ông ngợi khen Chúa, Đấng khôn ngoan và quyền năng. Ông tuyên xưng rằng tất cả mọi thứ Chúa tạo nên (các mùa) và lịch sử nhân loại (việc đưa lên ngôi và truất ngôi các vị vua) đều dưới quyền điều khiển của Chúa. Trong lời cầu nguyện, Ða-ni-en ca tụng đặc quyền của Chúa trong việc mạc khải những điều sâu kín và ẩn dấu. Cuối cùng, ông cảm tạ Thiên Chúa đã ban sự khôn ngoan Chúa cho các tôi tớ trung thành, trong đó có Ða-ni-en. Khôn ngoan là ánh sáng. Vô tri là bóng tối. Chúng tôi là sinh vật chủ yếu sinh hoạt ban ngày và ngủ vào ban đêm, vì không giống như các loài động vật sống về đêm, chúng ta không thể nhìn thấy trong bóng tối. Nhưng Thiên Chúa thấy, ngay cả trong bóng tối, bởi vì Thiên Chúa là ánh sáng. Chúng ta thấy Ða-ni-en cầu nguyện trong bóng tối, mong đợi ánh sáng mạc khải Chúa đến chiếu sáng bóng đêm. Khi ánh sáng đến, Ða-ni-en ngợi khen Chúa mạc khải điều bí nhiệm của Na-bu-cô-đô-nô-xo và giải thích ý nghĩa bí nhiệm cho ông.
Giờ đây, Ða-ni-en sẵn sàng đối diện với vua. Ông nói cho vị vua đa nghi biết rằng Đức Chúa của ông, "Ðấng mạc khải những mầu nhiệm" (Đn 2, 28-29), đã cho ông biết ý nghĩa giấc mơ của vua. Cảnh tượng này sẽ có thể an ủi hàng ngàn người Do Thái bị trục xuất khỏi quê hương khi họ đọc được câu chuyện này trong thời Lưu Đày. Nay họ biết rằng Chúa biết rõ bí nhiệm về hoàn cảnh của họ, và họ cầu nguyện xin Chúa cho họ biết ý nghĩa của bí nhiệm đó. Thiên Chúa, Đấng đã lắng nghe lời cầu nguyện của Ða-ni-en cũng sẽ lắng nghe lời cầu của họ.
Lời cầu nguyện của các tín hữu
Lời cầu nguyện cổ xưa của Ða-ni-en cũng là lời cầu nguyện của một đầy tớ trung tín, là mẫu gương cho những lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay. Khi Thánh lễ chúng ta bắt chước Ða-ni-en qua việc đọc kinh Tin Kính tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa trước khi đọc "Lời nguyện giáo dân". Trong kinh Tin Kính đó, chúng ta cùng với Ða-ni-en khẳng định rằng Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử nhân loại. Tiếp đến, chúng ta cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta hiểu được những "bí nhiệm" của thời đại chúng ta và trong cuộc sống cá nhân của chúng ta. Cùng với Ða-ni-en, chúng ta dâng lời cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin cho chúng ta thấu hiểu được ý nghĩa của biến cố này, của khủng hoảng này trong cuộc đời con và trong thế giới hôm nay." Từ đó, lời cầu nguyện của Ða-ni-en trở thành lời nguyện của chúng ta.
Sự hiểu biết Chúa ban cho chúng ta không đến ngay
Chỉ qua một đêm là Ða-ni-en nhận được câu trả lời cho lời ông cầu khẩn được hiểu biết điều bí nhiệm. Còn với hầu hết chúng ta, chúng ta nhận được sự hiểu biết đó với tốc độ chậm hơn, đôi khi phải mất nhiều thời gian hơn chúng ta muốn. Câu truyện về lời cầu nguyện của Ða-ni-en đã mang lại hy vọng cho những người bị khủng hoảng trong nhiều thế kỷ, khởi đi từ những người Do Thái cổ xưa cảm thấy bị bỏ rơi dưới thời Ba Tư cho tới những người sống dưới sự thống trị của Hy Lạp. Sự kháng cự bất bạo động của Đanien đối với sự áp bức bằng cách đơn giản là tuân giữ chế độ ăn uống riêng của người Do thái đã giúp ông chuẩn bị đón nhận mạc khải của Chúa, đáp lại lời cầu nguyện của ông trong giai đoạn khủng hoảng. Trong những khoảnh khắc như thế trong cuộc sống, giống như Ða-ni-en, chúng ta cảm thấy cô đơn và bị đe dọa, chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa tiết lộ ý nghĩa những khủng hoảng mà chúng ta đang gặp phải, để rồi cùng với Ða-ni-en, chúng ta cũng có thể trỗi dậy để ngợi khen Thiên Chúa, "Đấng Mạc Khải Những Điều Bí Nhiệm . "
Tác giả bài viết: Luke Quang chuyển ngữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn