THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Thứ Sáu tuần V thường niên A

Thứ năm - 13/02/2020 17:10
Tin mừng Mc 7: 31-37: Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô không chỉ tường thuật lại cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh câm điếc thể lý, mà Chúa còn chữa lành cả bệnh câm điếc tâm lý, và nhất là chữa lành câm điếc tâm linh.
Thứ Sáu tuần V thường niên A
SUY NIỆM HẰNG NGÀY

THỨ SÁU - TUẦN V THƯỜNG NIÊN A


NGÀY 14/02/2020
 


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 7: 31 - 37)

31 Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra!35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.37Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được".

Suy niệm

Nói và nghe là hai cánh cửa giúp con người thông giao với thế giới bên ngoài. Nói và nghe là hai phương tiện chủ yếu được dùng trong giao tiếp giúp cho người khác hiểu chúng ta và chúng ta hiểu người khác. Người bị câm, điếc là người không có khả năng làm cho người khác hiểu mình và mình hiểu người khác. Vì thế, những người câm điếc họ rất thụ động, họ thường rút lui vào sự im lặng và cô đơn.

Chúng ta thấy câm điếc cũng có nhiều dạng: câm điếc thể lý; câm điếc tâm lý; câm điếc vì thiếu hiểu biết; câm điếc do mình tự làm cho mình câm điếc. Có người bị câm điếc vì họ không có khả năng nói, có thể là do bị khuyết tật về thể lý nên không nói được và cũng có thể là do thiếu hiểu biết về ngôn ngữ và văn hoá... Thật vậy, có những thứ câm không phải do không có khả năng nói nhưng là do lười biếng, ích kỷ hay do sợ sệt mà không nói lên sự thật, sợ người khác biết được sẽ hơn mình... Cũng vậy, có những thứ điếc không phải họ không có khả năng nghe nhưng là do thiếu khiên nhẫn, do định kiến nên không muốn nghe.

Ngoài bệnh câm điếc về thể lý, tâm lý và thiếu hiểu biết, chúng ta còn có một loại câm điếc khác liên quan đến cả vận mạng của đời người, đó là câm điếc tâm linh. Theo ngữ vựng Kinh Thánh, tâm hồn hiểu biết có thể được liên kết với tai cũng như với mắt (Đnl 29, 3; Is 6, 9-10; Gr 5, 21; 7, 24). Tai là con đường tiếp nhận mặc khải. Thiên Chúa ban cho con người một tâm hồn biết nghe (Lv 2, 31). Vì thế, chỉ nghe bằng tai thôi không đủ, mà phải lắng nghe với cả trái tim. Chỉ có trái tim yêu thương, chân thành và quảng đại mới có thể hiểu đầy đủ, hiểu chính xác những thông điệp mà người nói muốn truyền đạt. Hơn nữa, không phải thông tin nào cũng nên nghe. Cần phải chọn lựa những thông tin bổ ích hữu dụng, không gây phương hại, vẫn đục cho tâm hồn. Với một con tim biết lắng nghe, chúng ta có thể nhận ra những khát vọng bên dưới những ồn ào tưởng chừng vô nghĩa. Chúng ta có thể nhận ra đằng sau tiếng bước chân, tiếng chó sủa trong đêm vắng là sự vất của người cha, người mẹ thức khuya dậy sớm tần tảo vì con.

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô không chỉ tường thuật lại cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh câm điếc thể lý, mà Chúa còn chữa lành cả bệnh câm điếc tâm lý, và nhất là chữa lành câm điếc tâm linh. Người bị câm điếc lúc đầu anh ta ở trong tình trạng cô lập. Anh ta dường như không có một tương quan nào với người khác. Người ta dẫn đi đâu thì anh đi đó. Nhưng khi anh ta tin tưởng để cho Chúa Giêsu chữa lành cho mình, khi anh ta mở lòng ra trong tương quan với Thiên Chúa, thì đồng thời anh ta cũng mở lòng ra trong tương quan với người khác. Thật vậy, sau khi được Chúa chữa, người câm điếc trước kia không chỉ nghe được, nói được, anh ta còn lớn tiếng loan truyền tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho anh. Anh ta không còn thụ động để người khác dẫn đi đâu thì đi. Anh ta không còn khép kín mà chủ động hoà nhập vào cuộc sống. Thật vậy, tương quan với Thiên Chúa là nền tảng và là khởi điểm cho các tương quan khác của cuộc sống.

Nghe và nói là hai ơn rất lớn Thiên Chúa ban cho con người. Thế nhưng nhiều nhiều người trong chúng ta cứ nghĩ việc chúng ta nghe được, nói được là điều tự nhiên. Chúng ta chẳng nhận ra đây là hai ơn lớn mà Thiên Chúa ban cho con người. Cũng vậy, nhận được hai ơn ban ấy không hẳn là chúng ta biết sử dụng đúng hai ơn ban ấy. Trong chúng ta, nhiều người có đôi tai tốt nhưng không biết lắng nghe, nhiều người có miệng lưỡi tốt nhưng không biết nói những điều đáng nói. Nghe được mọi chuyện nhưng lại không nghe được Lời Chúa thì cũng như điếc. Nói đủ thứ chuyện nhưng không biết tuyên xưng lòng nhân lành của Chúa thì cũng kể như câm. 

Chúng ta chẳng thể nào nói được lời yêu thương nếu không biết lắng nghe trong yêu thương. Chúng ta chẳng thể nói sự thật nếu không lắng nghe trong sự thật. Nhất là chúng ta sẽ không thể nói về tình yêu của Thiên Chúa, về niềm tin vào Thiên Chúa nếu không biết để tâm lắng nghe Lời Chúa. Cho nên chúng ta cầu xin Chúa chữa trị sự câm điếc nơi mình để biết lắng nghe và loan báo tình thương của Chúa cho mọi người.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập91
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm84
  • Hôm nay7,728
  • Tháng hiện tại196,264
  • Tổng lượt truy cập15,483,154
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây