THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Suy Niệm Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh

Thứ năm - 10/05/2018 18:03
Tin mừng Ga 16:20-23 Đức Giêsu dùng hình ảnh người phụ nữ trước và sau lúc sinh con, như muốn trấn an các tông đồ khi chứng kiến cuộc khổ nạn của Chúa...
Suy Niệm Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 16:20-23)
 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van, khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra trên đời. Các con cũng vậy, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó, các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa”.


SUY NIỆM

Các môn đệ thực sự bối rối về lời nói của Chúa Giêsu. "Lo buồn" và "niềm vui" mà Chúa nói đến có nghĩa là gì? Và lời hứa về việc trao ban "niềm vui không ai lấy mất được" là như thế nào? 

Ai chẳng muốn có được niềm vui kéo dài trong cuộc sống. Thế nhưng, kinh nghiệm thực tế cho thấy, cuộc đời vui ít buồn nhiều. "Một niềm vui không ai lấy mất được" là ước mơ của con người, bởi trong cuộc sống bể dâu con người luôn đối diện với nhiều thử thách gian lao, nhiều lo âu và buồn khổ. "Một niềm vui không ai lấy mất được" làm sao có được trong cuộc sống dương gian này, ngay cuộc sống của Thầy Chí Thánh, bao việc tốt Thầy đã làm cho con người, thế nhưng Thầy nhận lại được gì? Sự nghi kỵ, thù hận, ghen ghét, thế mà giờ đây Thầy lại hứa ban một niềm vui bất tận. Thế nghĩa là gì?

Niềm vui đó chính là nguồn nước mà Chúa Giêsu hứa ban cho người phụ nữ Samaria: nước hằng sống, nước mà ai uống vào sẽ không bao giờ khát nữa (x. Ga 4,10.14). "Niềm vui không ai lấy được", "nước uống vào không bao giờ khát" đó chính là Đức Giêsu Phục Sinh. Quả thật, "lo buồn" và "cơn khát" là hiện tượng thuộc về thế giới chóng qua này. Một thế giới đã ra hư hoại vì tội lỗi. Thế giới đó đã được Đức Kitô mang lấy và đã đóng đinh nó vào thập giá. Thế giới của u buồn âu lo đã chết và một thế giới mới xuất hiện - thế giới của niềm vui bất tận, thế giới của cuộc sống no thỏa và không bao giờ khát nữa, thế giới phục sinh, thế giới của chiến thắng các mê lầm tội lỗi. 

Để được hưởng niềm vui đích thật "không ai lấy mất được" đòi phải tin vào Đấng đã chịu treo lên trên thập giá và đã phục sinh. Chỉ có đức tin chúng ta mới nhận ra Đấng là niềm vui bất tận, như Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria: “Nếu chị nhận ra ân huệ Chúa ban và ai là người nói với chị... thì ắt chị sẽ xin người ấy nước hằng sống" (Ga 4, 10). Như vậy để có niềm vui bất tận chúng ta cũng chỉ có thể kín múc nơi Đấng đã chết và đã sống lại. Do đó để loại trừ khổ đau, u buồn chỉ có một con đường duy nhất: tin vào Đức Giêsu, tín thác hoàn toàn nơi Người, để rồi can đảm đáp trả lại lời mời gọi: ai muốn theo Ta hãy bỏ mình vác thập giá mà theo Ta. Có như vậy chúng ta sẽ có được "niềm vui không ai lấy mất được".

Lạy Chúa, sự phục sinh của niềm vui bất tận của chúng con. Chúng con cám ơn Chúa đã chết và đã sống lại, để cho chúng con được sống, một sự sống trong niềm vui bất tận. Xin cho chúng con luôn vững tin vào mầu nhiệm Phục sinh, để chúng con can đảm đón nhận những thử thách, khổ đau, cay đắng trong cuộc đời, vì sau những khổ đau đó chúng con sẽ tận hưởng niềm vui bất tận. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập61
  • Hôm nay7,369
  • Tháng hiện tại195,905
  • Tổng lượt truy cập15,482,795
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây