Khao khát được biết Thiên Chúa là khát vọng chính đáng của con người mọi thời; bởi vì cùng đích của con người, xét cho cùng, là được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa. Thế nhưng, Cựu ước cho biết rằng không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống: Môsê phải che mặt khi đối diện, Êlia chỉ được nhìn thấy Thiên Chúa từ phía sau, còn các tổ phụ, thẩm phán và ngôn sứ chỉ được thấy Chúa qua các thiên sứ hoặc các biến cố như mây, lửa… Chính vì thế, sau khi được nghe những bài giảng của Chúa Giêsu về Chúa Cha, cùng với các tông đồ, Philipphê nhận ra Chúa Cha là Đấng cao cả và rất tốt lành, là nguồn hạnh phúc nhưng cũng là Đấng gần gũi; cho nên, ông đã không ngần ngại thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Ước nguyện có vẻ cao sang của Philipphê lại được Chúa Giêsu đáp ứng một cách dễ dàng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha’? Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư?”
Cùng với các tông đồ, Philipphê và Giacôbê đã thấy Chúa Giêsu chữa bệnh, xua trừ ma quỷ, kể cả cho kẻ chết sống lại. Họ còn thấy Chúa Giêsu nuôi sống mấy ngàn người, thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước. Rồi họ cũng đã được nghe Người giảng dạy, những lời khuyến cáo, những câu trấn tỉnh, những tiếng khích lệ… Tuy nhiên, họ vẫn chưa thấy điều mà Chúa Giêsu mong muốn họ thấy, họ vẫn chưa thật sự “biết Chúa”. Lý do là vì họ dễ say men kiêu căng trước những phép lạ Chúa làm, họ đang mong muốn thấy ngày Chúa đăng quang để được ngồi bên tả hay bên hữu, muốn được làm lớn, được hưởng lợi… Với những ước muốn của thế gian, những suy nghĩ phàm tục như thế làm sao họ có thể nhận ra và thực sự thấy được Chúa?
Biến cố thập giá đã đánh đổ mọi ước muốn kiểu thế gian của các tông đồ, đã tiêu huỷ mọi suy nghĩ phàm tục của các môn đệ Chúa. Để rồi, khi gặp thấy Chúa phục sinh và đón nhận Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần, các tông đồ mới thật sự “thấy Chúa Cha”. Nhờ đó, các ngài hoàn toàn được đổi mới, hoàn toàn thuộc về Chúa. Không một đau khổ hay nhục hình, không một vinh dự hay lợi lộc trần gian nào có thể làm các ngài quỵ ngã. Trái lại, các ngài luôn hy sinh quên mình tìm vinh danh Chúa và hết mình dấn thấn rao truyền đạo Chúa cho mọi người, mọi dân tộc. Và quả thật, các ngài đã làm biết bao việc lớn lao, kỳ diệu như lời Chúa Giêsu tuyên bố: "Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha".
Đối với chúng ta hôm nay cũng vậy, chúng ta có khát khao tìm kiếm chân lý, tìm kiếm hạnh phúc đích thực không? Có người vất vả đi tìm hạnh phúc tạm bợ, giả tạo nơi tiền bạc, danh vọng, lạc thú…; có người đi tìm sự bình an ở triết thuyết này, đạo pháp kia; có người biết là phải đi tìm Thiên Chúa nhưng không biết tìm ở đâu! Thì hôm nay đây, Chúa Giêsu cho Philipphê và cả chúng ta câu trả lời: “Thầy là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.
Nếu anh biết Thầy, anh cũng sẽ biết Cha. Khổ nỗi, cho đến hôm nay nhiều người trong chúng ta vẫn chưa biết Chúa Giêsu, mặc dù ta mang danh là Kitô hữu, ta vẫn nghe Kinh Thánh, vẫn rước Chúa mỗi ngày! Nếu bây giờ một người lương dân bất chợt hỏi: Chúa Kitô là ai? Có lẽ phần đông chúng ta cũng gặp khó khăn trong câu trả lời! Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại cách sống đạo của chính mình, kẻo chúng ta cũng bị trách như Philipphê: Thầy ở với anh bấy lâu mà anh không biết thầy ư?
Nguyện xin hai thánh tông đồ Philipphê và Giacôbê cầu thay nguyện giúp để chúng ta noi gương các ngài, khao khát tìm Chúa, siêng năng học hỏi Kinh Thánh, rước Thánh Thể một cách ý thức hơn để chúng ta thực sự gặp được Chúa. Có như vậy, chúng ta mới dám sống và chết cho Tin mừng Phục sinh. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn