THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Suy Niệm Thứ Ba Tuần V Phục Sinh năm B

Thứ ba - 04/05/2021 08:48
Tin mừng Ga 14: 27-31: Bình an của Chúa không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, nhưng là một tâm hồn đầy lòng tin tưởng phó thác giữa những thách đố đang chờ đợi.
Suy Niệm Thứ Ba Tuần V Phục Sinh năm B

SUY NIỆM HẰNG NGÀY

THỨ BA CHÚA NHẬT V PHỤC SINH B

NGÀY 04/05/2021
 


 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. Ga 14: 27-31
 

27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.28 Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.30 Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy.31 Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây!”

Suy niệm
 

Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, với những văn minh khoa học, tiến bộ kỹ thuật, có thể nói là chưa bao giờ thấy trong lịch sử nhân loại. Thế nhưng, những cảm giác âu lo, sợ hãi, bất an… không hề buông tha con người; trái lại, đó còn là tâm trạng thường xuyên của mọi người trên địa cầu này. Chúng ta lo sợ chiến tranh, lo sợ thiên tai, mất mùa, lo sợ bệnh tật, lo sợ thất nghiệp, lo sợ vật giá leo thang, lo sợ trộm cắp, lo sợ con cái hư hỏng, lo sợ gia đình ly tán. Và vì thế, bình an là khao khát của con người mọi nơi và mọi thời khi họ chưa biết chắc điều gì đang chờ đợi họ trong tương lai.

Các môn đệ trong Tin mừng hôm nay cũng mang tâm trạng như vậy. Khi trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu nhiều lần nói về hành trình đi về cùng Chúa Cha của mình. Trên hành trình ấy, Người phải trở thành nạn nhân của hành vi phản bội, và phải đi qua cuộc thương khó và cái chết trên thập giá, như chính Người nói ở đây: “Thủ lãnh thế gian đang đến”. Và như thế, các môn đệ cảm thấy hoang mang sợ hãi, tâm hồn đầy xao xuyến, Thầy đi rồi thì tương lai của các ông sẽ về đâu? Một câu hỏi lớn chưa tìm ra câu trả lời. Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi lo lắng của các môn đệ về tương lai bất định, nhất là việc Thầy sắp ra đi, nên Người đã trấn an các ngài: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”.

Dựa vào lời của Chúa Giêsu, chúng ta cần phân biệt hai sự bình an. Trước hết là sự bình an theo kiểu thế gian. Có thể đó là cuộc sống không có chiến tranh, có khi đó là sự thịnh vượng, sung túc về vật chất, cũng có thể đó là những tiện nghi khoa học tối tân đáp ứng mọi nhu cầu của con người. Và như vậy, bình an của thế gian thường đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thoả hiệp, để có được tâm trạng khoan khoái, thoải mái sung sướng về mặt tâm lý. Sự bảo đảm này phần nào cũng có giá trị của nó.

Tuy nhiên, bình an của Chúa hệ tại ở một cái gì khác hẳn. Sự bình an mà Chúa Giêsu ban không có nghĩa là không có những trắc trở gian nan như mặt hồ lặng sóng, nhưng là sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn khi phải đối mặt với phong ba bão táp. Bình an của Chúa không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, nhưng là một tâm hồn đầy lòng tin tưởng phó thác giữa những thách đố đang chờ đợi. Và do đó, bình an đích thực là tâm trạng của những con người, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tuyệt đối tin tưởng và phó thác cuộc đời của mình cho Thiên Chúa - Đấng hằng yêu thương họ.

Trong cuộc sống thường ngày, có lẽ chúng ta cũng đã từng đi tìm bình an cho mình và cho gia đình mình. Có người tìm bình an nơi các công ty bảo hiểm: bảo hiểm xe cộ, nhà cửa, nhân thọ. Giới ca sĩ thì bảo hiểm giọng hát, cầu thủ thì bảo hiểm đôi chân, người có nhiều tiền thì tìm chỗ nào chắc chắn, an toàn nhất để gửi gắm. Thế nhưng, tất cả những thứ bảo đảm đó chỉ mang lại cảm giác an toàn bên ngoài. Còn sự bình an đích thực mà Chúa Giêsu trao ban là ân huệ lớn lao từ nơi Chúa Cha. Ân huệ này chính là ơn cứu độ, ơn giải thoát ta khỏi sợ hãi và nô lệ tội lỗi. Chúng ta sẽ được bình an khi sống trong ân sủng, sự thật và ánh sáng của Chúa. Và chúng ta cũng sẽ được bình an khi chân thành yêu thương anh em. 

Ước mong rằng, đó cũng chính là thứ bình an mà từ nay, trong Chúa Kitô phục sinh, chúng ta sẽ đi tìm cho mình. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập87
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm84
  • Hôm nay6,344
  • Tháng hiện tại194,880
  • Tổng lượt truy cập15,481,770
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây