THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Ca Đoàn giáo họ Sông Hinh

Chủ nhật - 17/11/2013 06:32

Ca Đoàn giáo họ Sông Hinh

Được thành lập từ những buổi lễ đầu tiên tại Nhà thờ Sông Hinh.
Ngay từ những ngày đầu thuở Giáo Hội mới khai sinh, mỗi khi có dịp hội họp lại với nhau để cử hành Phụng vụ, các tín hữu luôn dùng lời ca tiếng hát để tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa. Từ đó đến nay, vai trò của Thánh Nhạc trong Phụng Vụ vẫn được Giáo Hội đề cao và quan tâm cách đặc biệt, cho đó là ngôn ngữ và là thành phần thiết yếu của Phụng vụ trọng thể. Trong “Huấn Thị Về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ” được ban hành ngày 05 tháng 03 năm 1967, Thánh bộ Nghi lễ còn đòi hỏi Thánh nhạc phải biểu lộ được sự thánh thiện và diễn tả được hình thức nghệ thuật cao. Để đáp ứng đòi hỏi này, trong tất cả các nghi lễ Phụng vụ do Cộng đồng dân Chúa cử hành, dưới quyền chủ toạ của Đức Giám mục, Linh mục, hoặc các thừa tác viên có chức thánh, Ca đoàn, với khả năng ưu tú của họ, đã được chọn làm một thừa tác viên, một nhân tố sống động của Cộng đồng dân Chúa, với nhiệm vụ làm cho các nghi lễ thêm rực rỡ vui tươi và giúp cho giáo dân tham gia tích cực vào việc ca hát (1).


 
I. VAI TRÒ VÀ NHIỆM VỤ CỦA CA ĐOÀN

1. Định Nghĩa:
Ca đoàn là một tập thể các tín hữu, nhờ vào khả năng chuyên môn của họ về âm nhạc, được tuyển chọn giữa Cộng đồng dân Chúa để thi hành thừa tác vụ ca hát trong các nghi lễ Phụng vụ.

2. Vai Trò:
Là những người cử hành Phụng vụ cùng với Linh mục và các thừa tác viên khác, Ca đoàn đóng một vai trò nồng cốt là làm thế nào để lời ca tiếng hát của mình tăng thêm sự tưng bừng và linh động mà không làm mất đi vẻ tôn nghiêm, trang trọng và đạo đức của các nghi lễ Phụng vụ. 

Vai trò ca hát này đã được Thánh bộ Nghi lễ đề cao trong số 5 của “Huấn Thị Về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ” như sau: “Lễ nghi Phụng Vụ sẽ mang hình thức cao quí hơn, khi được cử hành kèm theo ca hát, khi mỗi thừa tác viên chu toàn đúng nhiệm vụ của mình, và khi có dân chúng tham dự. Thật vậy, dưới hình thức đó, lời cầu nguyện được diễn tả thâm thúy hơn; mầu nhiệm Phụng vụ với những đặc điểm có tính cấp bậc và cộng đồng được biểu lộ rõ ràng hơn; lòng người hợp nhất với nhau hơn nhờ cùng hát chung một giọng ca, và tinh thần của con người cũng dễ dàng được nâng cao hơn, nhờ được nhìn ngắm vẻ đẹp của sự vật thánh mà vươn tới những thực tại vô hình”. (2) 

Ở số 16, Thánh bộ Nghi lễ còn xác nhận thêm: “Thật không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành Phụng vụ mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát”. (3) 

3. Nhiệm Vụ: 
Để có thể sắm đúng vai trò nồng cốt trên đây, Ca đoàn phải chu toàn ba nhiệm vụ Phụng vụ chính của mình, đó là hát đúng những phần dành riêng cho mình tùy theo các loại bài hát, hát thay cho Cộng đoàn khi họ chưa được tập luyện đủ và giúp cho Cộng đoàn tham gia tích cực vào việc ca hát. (4)

Không phải ngẫu nhiên mà Thánh bộ Nghi lễ đã qui định nhiệm vụ của Ca đoàn một cách rõ ràng như thế! Nhìn vào giòng lịch sử Thánh nhạc, xưa nay vẫn còn tồn tại một vài quan niệm cực đoan sai lầm. 

Có nhiều Ca Xướng viên, nhiều Ca đoàn quá nặng phần trình diễn, chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật” đã gạt bỏ Cộng đoàn sang một bên và độc quyền dành lấy phần ca hát. Họ thích chọn những bài đa âm hợp xướng, những bài hát khó, có tính cách chuyên nghiệp, vượt quá tầm hiểu biết và khả năng trình tấu của Cộng đoàn. Trong một cuộc thuyết trình tại Đại học Lausanne vào năm 1897, Giáo sư Eugène Rapin đã đưa ra nhận xét này: “Công giáo đẩy dân chúng tới chỗ thụ động, câm lặng... Họ ở trong Nhà Chúa để im lặng, để nghe, để tuân lệnh... Ngoài một vài trường hợp như rước kiệu, hành hương, họ hát đôi bài ca, sự tham dự của họ vào tác vụ thánh rất ít, hầu như không có; chỉ có tiếng Chủ tế, và trong lễ trọng, tiếng Ca đoàn hoặc Đơn xướng, đôi khi với sự phụ hoạ của dàn nhạc, được vang dậy để mọi người cùng nghe...” (5) . Thiết tưởng nhận xét đau lòng trên đây vẫn còn giá trị thực tiễn trong một số Giáo xứ và Cộng đoàn hiện nay! 

Ngược lại, có những Cộng đoàn chủ trương “hát hay không bằng hay hát” đã loại bỏ tính nghệ thuật của Thánh nhạc. Họ chỉ thích hát cộng đồng, viện cớ rằng để giáo dân tham gia một cách tích cực và như thế, phủ nhận sự tồn tại hữu ích của Ca đoàn. Phải chăng đây là một xu hướng tầm thường hoá vai trò của Thánh nhạc trong Phụng vụ, đồng thời đi ngược lại đường hướng của Giáo hội vốn đòi hỏi “Thánh nhạc phải là nghệ thuật đích thực” (6) và “phải diễn tả được hình thức nghệ thuật cao”? (7) Hơn nữa, sự kiện một Cộng đoàn chỉ hay-hát-mà-hát-không-hay có thể dẫn đến sự lo ra chia trí, sự bực bội khó chịu của giáo dân, và còn có thể làm mất đi bầu khí thánh thiện và trang nghiêm của buổi cử hành Phụng Vụ. 

Bên cạnh đó, cũng có không ít những Cộng đoàn lại quá ù lì, thụ động, không muốn tham gia vào việc ca hát dù có được khuyến khích, cổ võ, mời gọi đến mấy đi chăng nữa! Họ thích nghe hơn thích hát, thích làm những khán giả thụ động hơn làm những người dự phần tích cực vào các nghi thức Phụng vụ. Thiết tưởng những lời khuyến cáo và niềm mong ước của Đức Giáo Hoàng Piô XII trong Thông điệp Mediator Dei cần được lập lại nơi những Cộng đoàn này: “Tín hữu luôn tham dự các cử hành Phụng vụ thánh không thể là những khán giả câm lặng và xa lạ... Họ phải cảm nhận sâu xa nét thẩm mỹ của Phụng vụ; họ phải lần lượt -theo luật định- góp tiếng với Chủ tế và Ca đoàn... Ước gì tiếng của toàn dân vọng lên tới trời, đồng nhất và mạnh mẽ như tiếng sóng đại dương, biểu lộ nhịp nhàng và sinh động sự hiệp nhất một trái tim, một tâm hồn, phù hợp với tình huynh đệ của các con một Cha chung” (8).

Vì thế, trong những buổi cử hành Phụng vụ, Ca đoàn chỉ nên đảm nhận phần chính yếu của việc ca hát, như hát những câu Phiên khúc (và hát câu Điệp khúc chung với Cộng đoàn), như khi phải sử dụng những bài hát đa âm, hoặc khi Cộng đoàn chưa được chuẩn bị kịp thời. Với vai trò là một thành phần nồng cốt -chứ không phải là toàn thể Cộng đoàn-, Ca đoàn như một hạt nhân, một chất xúc tác, một nhúm men trong đấu bột, có nhiệm vụ trợ giúp, nâng đỡ tiếng hát cho Cộng đoàn. Bên cạnh đó, Ca đoàn còn phải luôn cổ võ và khuyến khích Cộng đoàn tham gia tích cực vào việc ca hát, nêu gương cho họ bằng sự chuyên cần tập luyện, sự trau giồi học hỏi và sự trình tấu chu đáo các bài thánh ca (9). Đừng quên rằng: không riêng gì Chủ tế và Ca đoàn, mà tất cả Cộng đồng dân Chúa đều được mời gọi tham gia vào Phụng vụ một cách linh động và tích cực, nhất là bằng lời ca tiếng hát, bởi vì “tiếng hát của Cộng đoàn là ưu việt và không thể bỏ được” (10). 

4. Tầm Quan Trọng:
Nếu nói rằng “tiếng hát của Cộng đoàn là ưu việt và không thể bỏ được”, người ta càng phải chân nhận ra giá trị lớn lao và tầm mức quan trọng của Ca đoàn. Sự hiện diện của họ trong các Cộng đoàn là điều cần thiết và tất yếu, như “Huấn Thị Về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ” số 19 đã qui định rõ: “Phải có một “Ca đoàn”, hoặc “Những Ban hát Nhà Nguyện”, hoặc “Các Nhóm Ca viên”, và phải nghiêm túc phát triển những ban đó, nhất là ở các nhà thờ chánh toà và các đại thánh đường khác, cũng như trong các chủng viện và học viện. Trong các thánh đường nhỏ cũng nên thành lập những ca đoàn như vậy, dù là dưới hình thức khiêm tốn” (11).

Trong bài diễn từ nhân dịp Đại Hội lần thứ 10 của Các Ca Đoàn Hát Thánh Ca Trong Nhà Thờ, ngày 06 tháng 04 năm 1970, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI còn xác quyết thêm rằng vai trò của các Ca đoàn thực sự rất hữu ích và bất khả thay thế, không chỉ trong lãnh vực ca hát mà còn trong lãnh vực sinh hoạt Cộng đoàn: “Ở cấp bậc nào, người ta cũng cần đến sự hiện diện của các bạn. Khả năng, óc nhận xét, thiện chí của các bạn lúc nào cũng có thể giúp ích cho nhà thờ hay cho họ đạo của các bạn, ngay cả những khi các bạn không họp nhau lại để ca hát hay trình tấu. Nhiệm vụ của các bạn vẫn quí giá và bất khả thay thế... Các bạn hãy vui vẻ, phấn khởi, ân cần và nhiệt tâm chu toàn sứ mệnh này!” (12)

Với một vai trò và trách nhiệm có tầm mức quan trọng như thế, Ca đoàn thực sự cần được các vị chủ chăn hướng dẫn, nâng đỡ và quan tâm cách đặc biệt, cũng như chính bản thân họ phải luôn hăng say tập luyện và chuyên cần trau giồi nghệ thuật. Như vậy, họ mới có thể chu toàn được sứ mạng “làm cho việc cử hành các mầu nhiệm thánh thêm rực rỡ vui tươi, đượm nhuần bầu khí linh thiêng” và “là nét biểu dương linh động về niềm vui Phục Sinh” (13).

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay7,915
  • Tháng hiện tại196,451
  • Tổng lượt truy cập15,483,341
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây