Hỏi : Tôi đã nghe nhiều về Tân Phúc Âm Hóa mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã rất hùng hồn kêu gọi Giáo Hội. Ngài có thể giải thích nó là gì và tại sao nó khác với những nỗ lực rao giảng Phúc Âm trước đây của Giáo Hội ?
Trả lời : Tân Phúc Âm Hóa là mối quan tâm thường xuyên của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và những mối quan tâm và đề nghị của ngài vẫn cần thiết cho ngày hôm nay. Đức Gioan Phaolô II nhận thấy rằng sự tục hóa của Âu Mỹ, bắt đầu vào thế kỷ XIX, đã trở thành hiện thực với đầy sức mạnh vào hậu thế kỷ XX. Hai khuynh hướng quan trọng nhất bắt đầu vào đầu thế kỷ XX là luân lý tương đối và chối trách nhiệm cá nhân đã trở nên ngày càng phổ biến cách tệ hại, ngay cả với những người Công giáo bình thường trong những quốc gia có truyền thống được xem như là những thành trì của Công Giáo. Kết quả là mọi nước, ngay cả những nước có nền văn hóa Công giáo hơn một thiên niên kỷ trước, bây giờ có thể xem như là những miền truyền giáo. Ta không cần phải đi đến những miền truyền giáo xa xăm ở ngoại quốc nữa để có những kinh nghiệm truyền giáo. Hầu như tư tưởng Công giáo không được xã hội ủng hộ nữa. Đi đôi với điều này, nhiều người nhận ra một tình trạng khá bất ổn trong giáo lý sau Công Đồng Vaticanô II, đã dẫn đến kết quả trong ít nhất ba thế hệ những người lớn không được học giáo lý đã chính thức được rửa tội và rước lễ.
Đức Gioan Phaolô II đã có cách giải quyết rất đặc biệt cho vấn đề này. Ngài gọi nó là “Tân Phúc Âm Hóa”. Trước tiên, ngài kêu gọi một sự tái khám phá học thuyết chân chính liên quan đến Chúa Kitô và ơn cứu độ. Công cuộc tân phúc âm hóa phải đặt trọng tâm vào Chúa Giêsu Kitô. Điều này bao gồm một sự hiểu biết mới về Giáo Hội, phụng vụ và các Bí Tích. Kể từ Công Đồng Vaticanô II, Chúa Kitô đã bị giảm xuống chỉ là một thầy dạy luân lý hay một nhà chính trị giải phóng – điều này không thể đứng vững. Ngài phải được xem là Đấng Cứu Độ duy nhất và độc nhất, Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và con người.
Vì Tân Phúc Âm Hóa không còn chỉ dành cho những nhà truyền giáo ngoại quốc nữa, người Công giáo phải làm quen với ý tưởng rằng các nền văn hóa và các quốc gia đã từng được xem là Công giáo nòi hay chiếm đa số, giờ là những nơi mà việc giáo dục đức tin cấp bách và rộng khắp trở nên sống còn. “Làm việc theo lối cũ” không đáp ứng đủ nữa rồi.
Như tất cả các nước và mọi thành phố bây giờ là miền truyền giáo, công cuộc Tân Phúc Âm Hóa không thể dựa trên duy những phương tiện truyền thống là những giáo sĩ và tu sĩ trong các trường học Công giáo. Rao giảng Tin Mừng bây giờ là trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội, và nên tập trung chính yếu vào gia đình. Phải nhấn mạnh điều này bởi vì cho dẫu Giáo Hội luôn luôn khẳng định rằng người dạy giáo lý chính yếu là các bậc cha mẹ, nhưng qua nhiều thế kỷ, người Công giáo (bao gồm cả cha mẹ) đã có xu hướng phó mặc việc này cho các linh mục và tu sĩ.
Công việc này có ý muốn nói rằng tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là giáo dân, phải thấm nhuần đời sống chiêm niệm là đặc trưng ơn gọi của mình. Kết quả là, giáo dục trong sự cầu nguyện là trung tâm để thực hiện việc này. Một sự giáo dục như thế phải tránh đi những điều kỳ quặc của những phong trào bất thường xuất phát từ lòng đạo đức bình dân, và được đặt nền trên giáo lý, luân lý và thực hành tôn giáo. Chỉ khi đó Tân Phúc Âm Hóa mới thực sự hiệu quả. Điều này mời gọi một sự biến đổi về đời sống thiêng liêng trong cả Giáo Hội lẫn các phần tử của mình. Điều này phải dẫn đến một thực tế xã hội mà nơi đó các giáo huấn xã hội của Giáo Hội được thực thi như thế ắt sẽ dẫn đến một “một nền văn minh tình thương.” (Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp SỨ VỤ ĐẤNG CỨU ĐỘ, số 51).
Không những Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã không bác bỏ hay thay đổi sự nhấn mạnh này của Đức Gioan Phaolô II, mà ngài còn khuyến khích những sáng kiến mục vụ cụ thể để thực hiện nó. Nó vẫn còn là một lời hứa lẫn một thách đố cho tất cả người Công giáo. Các mục tử nên ưu tư một cách đặc biệt để rao giảng điều đó.