1. Chúng ta bắt đầu từ khía cạnh thứ nhất, Đức Maria là gương mẫu của đức tin. Đức Maria được coi là mẫu gương đối với đức tin của Giáo hội theo nghĩa gì? Chúng ta nghĩ xem Đức Trinh nữ Maria là ai : một thiếu nữ do thái, người đã đợi ơn giải thoát cho dân tộc mình với trọn con tim. Nhưng trong tâm hồn của thiếu nữ trẻ trung Israel có điều kín ẩn mà chính cô vẫn chưa nhận ra : đó là trong chương trình yêu thương của Thiên Chúa, cô được dành riêng để trở thành Mẹ của Đấng Cứu Chuộc. Trong lúc Truyền tin, sứ thần của Thiên Chúa gọi Mẹ “đầy ân sủng” và vén mở cho Mẹ kế hoạch này. Mẹ Maria thưa “vâng” và từ giây phút đó đức tin của Mẹ đón nhận một ánh sáng mới : tập trung nơi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã lấy từ nơi Mẹ xác thịt và từ đó hoàn thành các lời hứa của toàn bộ lịch sử cứu độ. Đức tin của Mẹ Maria là thành quả đức tin của Israel, nơi Mẹ đã tập hợp tất cả hành trình của mình, mọi nẻo đường của dân tộc đợi ơn giải thoát, và theo ý nghĩa này Mẹ là mẫu mực của đức tin Giáo hội, có Đức Kitô như là trung tâm, là sự nhập thể của tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
Đức Maria đã sống đức tin này như thế nào? Mẹ đã sống trong bình dị giữa hàng nghìn công việc và những lo toan hằng ngày của mọi người mẹ, như là cung cấp lương thực, quần áo, chăm sóc nhà cửa…. chính cuộc sống đời thường này của Mẹ trên thế gian nơi đã mở ra mối tương quan duy nhất và đối thoại thâm sâu giữa Mẹ với Thiên Chúa, giữa Mẹ với Con của mình. Lời “Xin vâng” của Mẹ Maria, thật hoàn hảo vào lúc khởi đầu, được lớn lên cho đến giờ của Thập giá. Nơi đó tình mẫu tử của Mẹ dang rộng ôm lấy mỗi người chúng ta, cuộc sống chúng ta, để hướng dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ. Đức Maria luôn sống chìm đắm trong mầu nhiệm của Thiên Chúa làm người, như người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Chúa, suy niệm mọi điều trong tâm hồn mình dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để thông hiểu và thực hành mọi ước muốn của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể tự hỏi : chúng ta có để cho mình được chiếu soi bởi đức tin của Đức Maria, là Mẹ chúng ta không? hay là chúng ta nghĩ Mẹ rất xa vời, quá khác với chúng ta? Trong những lúc khó khăn, thử thách, tăm tối, chúng ta có nhìn lên Mẹ như là gương mẫu của sự tín thác vào Thiên Chúa, Đấng luôn luôn muốn và chỉ muốn điều thiện cho chúng ta không? Nghĩ về những điều đó, có lẽ sẽ làm cho chúng ta dễ dàng gặp thấy Mẹ như là gương mẫu và là hình ảnh của Giáo hội mà Mẹ đã có trong đức tin này!
2. Chúng ta bước sang khía cạnh thứ hai : Đức Maria là gương mẫu của đức ái. Đức Maria là mẫu gương sống động của tình yêu đối với Giáo hội theo cách nào? Chúng ta nghĩ về thái độ sẵn sàng của Mẹ đối với người chị họ Elisabeth. Khi viếng thăm chị Êlisabeth, Đức Trinh nữ Maria không chỉ đem đến sự nâng đỡ vật chất, mà còn mang Chúa Giêsu, đang sống trong cung lòng Mẹ. Mang Chúa Giêsu vào nhà đó có nghĩa là mang đến niềm vui, niềm vui trọn vẹn. Elisabeth và Zacaria rất hạnh phúc vì có thai, điều dường như không thể đối với tuổi tác của họ, nhưng thiếu nữ Maria mang đến cho họ niềm vui tràn đầy, niềm vui đó đến từ Chúa Giêsu và từ Chúa Thánh Thần, được biểu lộ trong đức ái nhưng không, trong việc chia sẻ, nâng đỡ nhau và thông cảm cho nhau.
Mẹ cũng muốn đem đến cho tất cả chúng ta, ơn sủng lớn lao là Chúa Giêsu; Cùng với Người Mẹ đem đến cho chúng ta tình yêu, bình an và niềm vui của Mẹ. Giáo hội cũng giống như Đức Maria : Giáo hội không phải là một cửa hàng, không phải là một cơ quan nhân đạo, Giáo hội không phải là tổ chức phi chính phủ, Giáo hội được sai đi để đem Chúa Kitô và Tin mừng của Người cho tất cả mọi người; Giáo hội không mang chính mình – dù nhỏ, to, mạnh, yếu, Giáo hội mang Chúa Giêsu và Giáo hội phải giống như Mẹ Maria khi đi viếng thăm chị Elisabeth. Mẹ đã mang theo điều gì? Mẹ mang Chúa Giêsu. Giáo hội mang Chúa Giêsu : đây là trung tâm của Giáo hội, mang Chúa Giêsu! Nếu giả như, đôi khi đã xảy ra là Giáo hội không đem Chúa Giêsu, thì đó là một Giáo hội chết! Giáo hội phải mang đức ái, tình yêu của Chúa Giêsu.
Chúng ta đã nói về Mẹ Maria, về Chúa Giêsu. Và chúng ta thì sao? Chúng ta là Giáo hội phải không? Vậy đâu là tình yêu mà chúng ta đem đến cho tha nhân? Phải chăng đó là tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu chia sẻ, thứ tha, đồng hành, hay là một tình yêu pha trộn, giống như người ta pha loãng rượu thì dường như là nước? Phải chăng là tình yêu lúc mạnh, hay lúc yếu theo những thương cảm, tìm kiếm sự đáp đền, một tình yêu vụ lợi. Một câu hỏi khác : Chúa Giêsu có yêu thích tình yêu vụ lợi không? Thưa không, Người không thích nó, vì tình yêu phải nhưng không, như tình yêu của Người. Vậy các tương quan trong giáo xứ, trong cộng đoàn của chúng ta như thế nào? Chúng ta có đối xử với nhau như anh chị em mình không? Hay chúng ta xét đoán nhau, nói xấu nhau, mỗi người chăm lo “sân riêng” của mình…. đó là những câu hỏi về đức ái.
3. Điểm vắn tắt khía cạnh cuối cùng : Đức Maria là mẫu gương kết hiệp với Đức Kitô. Đời sống của Đức Trinh nữ rất thánh là đời sống của một người phụ nữ trong dân tộc mình : Đức Maria đã cầu nguyện, đã làm việc, đã đến hội đường… Mọi hành động luôn được thực hiện trong sự kết hiệp trọn vẹn với Chúa Giêsu. Sự kết hiệp này đạt đến đỉnh cao trên đồi Calvario : ở đó Đức Maria được kết hiệp với Con mình trong cuộc tử đạo nội tâm và trong việc dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa Cha để cứu rỗi nhân loại. Mẹ đã thực thi chính đau khổ của Con mình và cùng với Con đã chấp nhận ý muốn của Cha, nơi đó sự vâng phục đem lại hoa trái, đem lại chiến thắng đích thực trên sự dữ và sự chết.
Đây là thực tại rất tuyệt vời mà Mẹ Maria dạy chúng ta : Là luôn sống kết hiệp với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tự hỏi : Phải chăng chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu chỉ khi có vài điều không ổn và chỉ khi chúng ta cần, hay chúng ta có mối tương quan bền bỉ, tình bằng hữu thâm sâu, cũng như khi phải theo Chúa trên con đường thập giá?
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn của Người, sức mạnh của Người để trong cuộc đời của chúng ta và trong cuộc sống mỗi ngày của cộng đoàn Giáo hội được phản chiếu mẫu gương của Đức Maria, Mẹ Giáo hội.
Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Những tin mới hơn