THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Thiên chức làm Mẹ của Đức Maria

Thứ ba - 15/05/2018 04:52
Văn hoá Việt Nam gắn liền với cuộc sống và diễn tả tình cảm con người Việt Nam rất sâu sắc, nhất là diễn tả tình mẹ con, một thứ tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, mà không ai trong chúng ta có thể chối từ.
Thiên chức làm Mẹ của Đức Maria
Ngay chính Con Một Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người cũng đã nhận lấy con đường bình thường mà trân quý ấy. Maria, người nữ Sion đã vâng phục ngay từ ngày đầu khi thiên sứ truyền tin, nhận lấy những nhọc nhằn vất vả của vai trò làm Mẹ. Mẹ đã đảm nhận trọn vẹn thiên chức cao quý nhưng không thiếu khổ đau như bất cứ người mẹ nào trong nhân loại. Trong lòng tin, người mẹ ấy đã âm thầm vâng phục, đón nhận, lắng nghe và bước theo Con của mình trong hành trình cứu độ.

 
 
THIÊN CHỨC LÀM MẸ
CỦA ĐỨC MARIA

1. Tháng Hoa đã về
Tháng Năm về, một tháng trong năm với tên gọi thật thơ mộng, thật tươi vui: Tháng Hoa. Mỗi độ tháng Hoa về, các nhà thờ rộn rã mùa dâng hoa kính Đức Mẹ. Phụng vụ Mùa Hoa tưng bừng nhộn nhịp với nhiều thể loại phong phú Rước hoa và Dâng hoa tuỳ mỗi tập quán mỗi đặc trưng văn hoá địa phương.
Nói tới hoa là nghĩ về một kỳ công của Thiên Chúa. Hoa muôn màu muôn sắc, hoa tươi xinh, hoa thơm ngào ngạt. Hoa tô thắm vũ trụ nên xinh tươi. Hoa mời gọi ong bướm đến hút mật. Hoa khoe sắc thắm, nhoẻn cười với con người. Lời của hoa thật dịu huyền giữa thiên nhiên. Hoa hòa vào lòng người dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.
Hoa đã trở thành một người bạn thật thân thiết với con người. Khi vui người ta tặng hoa để chúc mừng nhau. Khi buồn người ta cũng trao gửi lẵng hoa như trao gửi tấm lòng đồng cảm thân thương. Hoa khích lệ lòng người. Hoa hướng con người nhớ tới Đấng Tạo hoá đã xoay vần vũ trụ bốn mùa xinh tươi. Hoa mơn man lòng người đau khổ. Hoa khích lệ những ai thất bại. Hoa chúc mừng những ai chiến thắng. Hoa ca vang kỳ công kiệt tác của Thiên Chúa. Đôi khi chỉ một cánh hoa đủ trào dâng lòng mến của Thánh Têrêsa Hài Đồng. Nhiều lần một giàn hoa làm tâm hồn Thánh Phanxicô ngây ngất tình Chúa.
Lắng nghe tiếng nói huyền diệu của hoa, Thánh Bênađô biết được tâm trạng của hoa. Chẳng hạn, Hoa Hồng giàu lòng yêu mến. Hoa Huệ biểu tượng đức Khiết trinh, Hoa Tím là duyên đức đoan trang khiêm tốn. Thánh nhân ca ngợi các nhân đức Đức Mẹ qua ý nghĩa các loài hoa. Hoa Hồng đức Mến, Hoa Huệ đức Khiết trinh, Hoa Tím đức Khiêm nhường. Đức Mẹ là Hoa Huệ khiết trinh. Đức Mẹ là Hoa Hồng yêu mến. Hương thanh khiết và tình yêu của Mẹ đã làm cho mùa xuân trần gian được hồi sinh. Ơn cứu độ được ban tặng cho trần đời nhờ hoa lòng của Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa. Sứ Thần Gabriel đã cung kính thưa với Mẹ rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!" (Lc 1,28). "Ðấng đầy ơn phước" là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ là Ðấng được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn, được tiền định để đón nhận hồng ân quý giá nhất, là Chúa Giêsu, "tình thương nhập thể của Thiên Chúa" (x. Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, số 12).

2. Ngày của Mẹ
Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Năm là ngày Hiền Mẫu, Mother’s Day. Xin chúc mừng và tôn vinh tất cả những người nữ nhận từ Thiên Chúa thiên chức làm Mẹ. Xin tạ ơn Chúa. Xin tạ ơn người Mẹ của chúng con, dù sống hoặc đã về bên Chúa.
Mỗi người chúng ta đều có một người mẹ. Tình yêu của mẹ thì bao la hơn biển cả, cao vời hơn những tầng mây, vĩ đại hơn những rặng núi, và bao la vô cùng vô tận. Một văn sĩ đã viết: Thơ viết về mẹ bao giờ cũng đạt, nhạc viết về mẹ bao giờ cũng hay, tranh vẽ về mẹ bao giờ cũng tuyệt, cũng đẹp. Bởi hiển nhiên, mẹ là nguồn xúc cảm sâu xa, vô tận và nhiệm mầu nhất trong mọi nguồn sáng tạo. Tình yêu của mẹ là một nguồn cảm hứng không bao giờ cạn, là những tư tưởng vô tận của các thi sĩ, các nhà văn và của các văn nghệ sĩ.
Tình mẹ thương con bao la như trời như biển. Nói đến tình mẹ thì không có thứ tình cảm nào đậm đà và cao quý như tình mẹ thương con. Đã có biết bao nhiêu vần thơ, bao nhiêu câu hò, điệu hát ca tụng tình mẹ thiêng liêng.
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào,
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.”

Chẳng ai trong chúng ta lại không biết câu hát này. Với giai điệu thật mượt mà, sâu lắng, với ca từ thấm đẫm chất thơ gợi lên những hình ảnh thật bình dị, gần gũi, nhạc sĩ Y Vân đã viết thành một bài hát tuyệt vời ca ngợi tình mẹ. Thương con mẹ nào có quản nắng mưa, có ngại gì sớm khuya vất vả… Tình mẹ mãi mãi là như thế, dẫu ở thời nào, dẫu thuộc nền văn minh văn hóa nào và dẫu ở đâu đâu tình mẹ cũng vẫn cứ mãi mãi là như thế.
Văn hoá Việt Nam gắn liền với cuộc sống và diễn tả tình cảm con người Việt Nam rất sâu sắc, nhất là diễn tả tình mẹ con, một thứ tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, mà không ai trong chúng ta có thể chối từ. Ngay chính Con Một Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người cũng đã nhận lấy con đường bình thường mà trân quý ấy. Maria, người nữ Sion đã vâng phục ngay từ ngày đầu khi thiên sứ truyền tin, nhận lấy những nhọc nhằn vất vả của vai trò làm Mẹ. Mẹ đã đảm nhận trọn vẹn thiên chức cao quý nhưng không thiếu khổ đau như bất cứ người mẹ nào trong nhân loại. Trong lòng tin, người mẹ ấy đã âm thầm vâng phục, đón nhận, lắng nghe và bước theo Con của mình trong hành trình cứu độ. 

3. Thiên chức làm mẹ của Đức Maria

Trong tâm tình cảm tạ thiên chức làm mẹ của Đức Maria, xin gợi lên những suy niệm theo Tin mừng Lc 11,27-28.
Một người phụ nữ nghe Chúa giảng dạy, bà nghe say mê. Với tính nhạy cảm của một người nữ, bà cảm nghiệm niềm hạnh phúc của người mẹ có một người con tuyệt vời như Chúa Giêsu. Giữa đám đông, bà bày tỏ niềm thán phục Chúa, bà tán dương Mẹ Maria “người mẹ có phúc đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú mớm”.
Đáp lại lời tán dương ấy, Chúa nói đến hạnh phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa “Bà ơi, đúng hơn phải nói rằng: phúc thay kẻ biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa”.
Tại sao Chúa nói như vậy? thưa là Chúa đang rao giảng những chân lý ngàn đời, những chân lý đem đến hạnh phúc. Hạnh phúc đích thực trong Nước Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi con người chia sẽ hạnh phúc với Ngài. Đây là hạnh phúc tuyệt đối, chính Chúa Giêsu sẽ đổ máu ra để mở đường cho nhân loại bước vào. Người phụ nữ kia đã tán dương Đức Mẹ là có phúc vì Mẹ có các vinh dự làm Mẹ của một người con tài ba kỳ diệu là Chúa Giêsu. Đây mới chỉ là vinh dự trần gian. Người ta thường mong ước được phúc, lộc, thọ, khang, ninh. Nhưng Mẹ Maria còn có một hạnh phúc lớn lao vượt quá mọi mơ ước trên đời. Đó là Mẹ đã “nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Vì khi người ta biết lắng nghe, đón nhận và giữ lời Thiên Chúa thì thiên đàng đã ở trong người ấy, vinh phúc đời đời ở trong người ấy, Thiên Chúa ở trong người ấy. Đó là vinh phúc của Mẹ Maria. Hạnh phúc đời đời không bao giờ mất trong hồng ân diệu vợi của Thiên Chúa.
Bởi đó, Chúa đã nói với người phụ nữ kia, không chỉ dừng lại nơi lời khen Mẹ Maria có phúc vì đã có vinh dự cứu mang, nuôi dưỡng một người con tuyệt vời, mà cần hướng đến ý nghĩa cao cả hơn. Phúc thay cho ai biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa. Đó là hạnh cao quý nhất của Đức Mẹ.
Đức Mẹ nghe và giữ lời Thiên Chúa như thế nào? Đây là bài học chúng ta cần học hỏi trong Tháng Năm này.
Trước hết, vào ngày Thiên Thần Gabriel đến truyền tin, Đức Mẹ đã đứng trước một mầu nhiệm lạ lùng. Mẹ cưu mang con Thiên Chúa. Mẹ suy nghĩ và trao đổi. Mẹ biết đây là thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ đáp trả lời “Xin Vâng”. Mẹ đã lắng nghe, Mẹ đã tin và chấp nhận dấn thân. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong lòng Mẹ. Chính Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa đang đến với nhân loại và trở nên Emmanuel.
Lời đó đang đến gõ cửa lòng ta hằng ngày. Chúa mong chúng ta cưu mang Ngài, sống với Ngài, thực hiện lời Ngài. Hôm nay Chúa phục sinh đang ở với chúng ta qua bí tích Thánh Thể, qua lời Ngài mà Giáo Hội đang rao giảng.
Ngày kia, Chúa đang rao giảng, có người tin cho Chúa biết: “có Mẹ và anh em Thầy đang chờ gặp Thầy”. Chúa nói ngay với họ: “Ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi? Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa, người đó là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.
Lại một lần nữa Chúa nói lời với hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là tán dương Mẹ Maria là người diễm phúc luôn lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Ý nghĩa thứ hai, Chúa mời gọi mọi người trở nên những người thân thuộc của gia đình mới, gia đình thiêng liêng của Ngài, bằng cách lắng nghe, tin yêu và tuân giữ lời Thiên Chúa.
Có lẽ, chúng ta đã nghe lời Chúa nhiều, ít là hằng tuần, nhưng đã thực hiện lời Chúa thế nào? Chúng ta có thói quen đọc lời Chúa trong gia đình không?
Phải thú nhận rắng chúng ta chưa ý thức đề cao lời Chúa trong đời mình, chúng ta muốn dự lễ, xong lễ là chu toàn bổn phận giữ đạo. Nhưng đem lời Chúa vào cuộc sống, nhiều khi chúng ta không coi là quan trọng. Mục tiêu hàng đầu của đời sống tín hữu là biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa hay nói cách khác là đem lời Chúa ra thực hành hằng ngày. Đối với Đức Mẹ, điều mà thánh Luca ghi nhận là trước mọi biến cố xảy đến, Đức Mẹ đều coi là thánh ý Thiên Chúa nên Mẹ ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Suy đi nghĩ lại trong lòng để làm gì? Thưa là để xin vâng thánh ý Chúa.
Tại tiệc cưới Cana, Mẹ xin Chúa giúp đỡ gia đình tân hôn đang hết rượu. Với một lời đề nghị đầy tế nhị: “Con ơi, họ hết rượu rồi”. Chúa đáp lại như một lời từ chối: “Thưa bà, việc đó liên can chi đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Câu nói thật cứng cỏi. Nhưng Mẹ hiểu tình thương Chúa rồi nên Mẹ không buồn, không tủi. Mẹ tin nơi tình thương của Chúa. Chúa sẽ làm những gì tốt nhất, đẹp nhất cho con người. Vì thế, Mẹ tế nhị dặn dò người giúp vịêc: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
Trong cuộc thương khó của Chúa, có người mẹ nào thấy người ta đem con mình đi xử án, đánh đập tơi bời rồi đem đi đóng đinh mà người mẹ đó không đau đớn xót xa? Máu chảy ruột mềm. Nhưng phần Mẹ, vẫn một bề vâng theo thánh ý Chúa. Dưới chân thập giá, Mẹ hiệp thông trọn vẹn trong lễ tế hiến dâng với con. Mẹ can trường tuyệt đối. Mẹ nghe và giữ lời Thiên Chúa thật tuyệt hảo.
Hỡi các bà mẹ, cuộc đời của người mẹ nào cũng đầy cam go, truân chuyên vất vả. Gian truân hơn bất cứ bà mẹ nào trong chúng ta đây. Nhưng Mẹ Maria đã vượt qua tất cả trong niềm tin yêu vào lời Chúa. Mẹ luôn tín thác vào tình thương của Ngài. Hãy vững tin vào Lời Chúa. Hãy để Lời Chúa hướng dẫn cuộc sống sẽ tốt đẹp mỗi ngày.
4. Hoa lòng dâng Mẹ

Mỗi dịp tháng Năm về, mỗi lần thưởng thức hương hoa, ta hãy hướng theo nhân Đức Mẹ, xin Mẹ tỏa hương thiên đàng của người, ấp ủ ta biến thành những đóa hoa tươi thắm của Mẹ. Mỗi khi hái hoa dâng tiến Đức Mẹ, ta hãy mượn hương sắc và lời huyền diệu của hoa để ca tụng hoặc cầu xin Người. Dâng Hoa Hồng, xin Mẹ cho ta được yêu mến Mẹ nhiều hơn. Dâng Hoa Huệ, ta ca ngợi đức khiết trinh của Mẹ. Xin Mẹ lấy hương huệ trinh nguyên của hồn Mẹ ướp hồn ta nên trong trắng.
Những ngày tháng Năm này, nếu thiếu những bông hoa hữu hình, ta hãy hái hoa hồng thiêng là kinh Mân Côi để dâng lên Mẹ. Nhưng thế nào đi nữa, nguyện ước trái tim chúng ta hãy biến thành một dàn hoa kết đủ những hương hoa thơm ngát nhân đức dâng kính Mẹ.
Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, yêu thương nâng đỡ. Chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của bậc thầy lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Hãy luôn vững lòng cậy trông với niềm tin yêu. Đức Mẹ hằng yêu thương phù trợ mỗi người chúng ta.
Trong tháng Hoa, giáo dân Việt Nam thường vịnh ngâm bài ca mười hai hoa mừng kính mười hai nhân đức của Mẹ:
Nhiệm thay Hoa Đỏ hồng hồng
Nhuộm riêng Máu Thánh thơm chung lòng người
Vì thương con gánh tội đời
Chịu như dao sắc thâu nơi lòng mình
Xinh thay đức đồng trinh Đức Bà
Nguyên tuyền hơn ngọc hơn ngà
Sáng trong hơn tuyết cùng là hơn gương
Quý thay này sắc Hoa Vàng
Sánh nhân đức Mến Bà càng trọng hơn
Một niềm tin kính nhơ nhơn
Vững vàng cậy mến trong cơn vui sầu
Dịu thay Hoa Tím cang màu
Ý trên Bà những cúi đầu vâng theo
Bằng lòng chịu khó trăm chiều
Khiêm nhường nhịn nhục hằng yêu hãm mình
Lạ thay là sắc Hoa Xanh
Mừng Bà nhân đức trọn lành cực cao
Dờn dờn sau trước một màu
Quản chi sương nắng dãi dầu ngày đêm
Hoa năm sắc đã giãi niềm
Lại trưng cổ điển dâng thêm kim đề:
Đức Bà thờ Chúa một bề
Hoa Quỳ chăm chú hướng về Thái Dương
tội nguyên không nhiễm khắc thường
Hoa Sen trên nuớc chẳng vương bùn lầm
Lòng đây thánh sủng giáng lâm
Hoa Lê tuyết đượm màu thơm khác vời
Tuổi cao phúc đức càng đầy
Lạ lùng Hoa Cúc nở ngày vãn thâu
Tòa cao thần thánh kính chầu
Hoa Mai đỉnh núi nở đầu trăm hoa
Muôn loài cám mến âu ca
Hoa Đơn phú quý gần xa vui vầy
Các ơn Chúa phó trong tay
Hoa Lan vương giả hương bay ngạt ngào
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập89
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm86
  • Hôm nay16,314
  • Tháng hiện tại30,707
  • Tổng lượt truy cập15,594,370
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây