THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Lễ Thánh Stêphanô Thể tại Vĩnh Thạnh

Thứ sáu - 15/11/2013 07:55

Lễ Thánh Stêphanô Thể tại Vĩnh Thạnh

Sáng ngày 14 tháng 9, Đức cha Matthêô đã về Đền Thánh Stêphanô Thể, Vĩnh Thạnh, để dâng thánh
Sáng ngày 14 tháng 9, Đức cha Matthêô đã về Đền Thánh Stêphanô Thể, Vĩnh Thạnh, để dâng thánh lễ trọng thể kính Thánh giám mục Stêphanô Thể, thánh tử đạo của giáo phận. Trong ngôi nhà thờ ấm cúng và rực rỡ, Đức cha Matthêô đã dâng thánh lễ đồng tế cùng với khoảng 40 linh mục, với sự hiện diện đông đảo các nữ tu, chủng sinh và giáo dân từ các nơi tụ về.

Trong bài giảng, Đức cha Matthêô chia sẻ về thánh Stêphanô như là một con người truyền giáo, cụ thể, cái chết của ngài cũng là một phương thế truyền giáo như lời Tertulianô: "Máu các vị Tử Ðạo là hạt giống trổ sinh nhiều tín hữu". Trước hết, ngài là một người được sai đi như chính đức Kitô. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Philipphê đã nói Đức Kitô vốn là Thiên Chúa nhưng đã tự hạ mình trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Tất cả những người truyền giáo đều là người ra đi. Đức cha Thể cũng đã là người ra đi. Ngài đã ra đi khỏi quê hương xứ sở của mình để đến đất nước Việt Nam này, một miền đất truyền giáo mà ngài biết chắc rằng chẳng có gì là an toàn cho bản thân. Và như Chúa Giêsu đã nói rằng hạt giống phải bị chôn vùi, thối đi để sinh nhiều bông hạt. “Một hạt giống muốn gieo vào lòng đất thì phải ra đi khỏi kho lẫm và bị chôn vùi để nẩy sinh bông hạt, Thánh Stêphanô đã ra đi khỏi đất nước của mình ở Tây phương, để được chôn vùi trong lòng đất văn hóa Việt Nam của chúng ta. Thời gian chờ đợi, ngài sống trong cảnh hầm trú tại Gò Thị, đó chẳng phải là hình ảnh một hạt giống bị chôn vùi hay sao? Chính sự chôn vùi đó đã làm cho sức mạnh Chúa Kitô được thể hiện như lời thánh Phaolô đã nói: “Khi tôi yếu là lúc tôi mạnh”. Chính trong khi ẩn náu trong cảnh hầm trú mà ngài đã chỉ huy công việc truyền giáo khắp cả địa phận từ miền Nam cho đến tận sông Gianh. Chính khi chịu đựng những khổ cực trong cảnh lao tù đã nói lên lòng nhiệt tình của ngài…. Cái chết âm thầm của ngài cũng nói lên hình ảnh hạt giống bị chôn vùi. Chôn vùi âm thầm để ra đi trong âm thầm trong ngục thất. Thân xác của ngài được chôn cất rồi bị đào lên để chịu án tử bằng cách bị chặt ra từng khúc, bị quẳng trôi sông. Thân xác ngài tan biến trong làn nước, tan biến trong cuộc sống. Đó cũng là hình ảnh của hạt giống bị tan biến trong lòng đất.”

Có thể nói cả cuộc đời của Ngài, 32 năm phục vụ tại Việt Nam mà trong đó 26 năm làm giám mục trước khi thân xác bị biến tan trong lòng đất, Đức cha Thể là một mục tử luôn ưu tư với công việc truyền giáo. Ngài đã quan tâm đào tạo hàng linh mục bản xứ, mở Công nghị Gò thị để cùng nhau giải quyết những khó khăn trong đời sống đức tin, và rồi công cuộc truyền giáo cho các dân tộc Tây Nguyên. Công việc dường như là mối quan tâm duy nhất của ngài đến nỗi linh mục Miche đã phải viết thư cho Ngài: "Con van xin Đức Cha, vì lợi của công cuộc truyền giáo, Đức Cha hãy bớt thức đêm, và chăm sóc cho sức khỏe của mình, sự cứu rỗi của hàng nghìn linh hồn tùy thuộc vào đó".

Thánh lễ tại Đền Thánh Stêphanô Thể mang nhiều ý nghĩa. Đền Thánh Stêphanô ngày nay được xây dựng trên nền nhà của bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lưu, là nơi trú ẩn của Đức cha Thể trong thời bách đạo. Chính tại nơi đây, Đức cha Thể đã dâng thánh lễ cuối cùng trước khi bị quân lính bắt giữ giải về thành Bình Định để dâng lên Thiên Chúa một thánh lễ trọn vẹn bằng chính cái chết của mình để minh chứng đức tin. Xin cho mỗi người trong giáo phận Qui Nhơn trở thành những nhà truyền giáo bằng chính đời sống mình để tiếp tay với công cuộc mở mang Nước Trời mà Thánh Giám mục Stêphanô Thể đã mở đầu và nêu gương.

 






 
 
Tác giả bài viết: BTTVHQN 
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập107
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm105
  • Hôm nay26,681
  • Tháng hiện tại297,300
  • Tổng lượt truy cập13,581,674
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây